Dọc đường VN 15/10
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Doc đường VN 15/10 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 có nội dung chính là bài viết về tác phẩm phê bình văn học vừa mới xuất bản được dư luận chú ý của một cây bút nữ, nội dung này phát sóng vào thứ 6 ngày 15/10 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 19/10 lúc 9g, pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều về một tác phẩm phê bình văn học vừa xuất bản đã được dư luận chú ý của một nhà nữ khoa học, giảng viên Đại học sư phạm Huế, bài của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Thưa quý vị và các bạn! Phần cuối ct, khi tìm hiểu về nghệ thuật đình làng nói chung và Quảng Trị nói riêng, Xuân Nguyên có bài viết sau, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường VN, ct do Việt Thanh biên tập và dàn dựng với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

    CUỐN SÁCH MỚI PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐƯỢC DƯ LUẬN CHÚ Ý CỦA MỘT NHÀ NỮ KHOA HỌC.

                                                                                   (Xuân Dũng)

   Một sự kiện phê bình văn học, đó là cuốn sách vừa mới ra đời có tên "Dám ngoái đầu nhìn lại" của nhà nghiên cứu phê bình, Ts Nguyễn Thị Tịnh Thy, NXB Hội Nhà văn, 2021.

   Vì sao khi nhà văn dám ngoái đầu nhìn lại được đề cao như thế và được chọn làm nhan đề của một cuốn sách phê bình văn học luôn mang tính thời sự nóng hổi, mặt khác đó cũng là một tên gọi đầy thách thức và hối thúc ?

   Câu trả lời nằm ngay trong cuốn sách viết về năm nhà văn Trung Quốc đương đại nổi tiếng nhất, có thể gọi đó là "Văn lâm ngũ bá" hiện nay, gây chấn động văn đàn trong nước và thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Xin nói thêm, tất cả các tác phẩm của năm nhà văn này được khảo sát trong công trình phê bình đều đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. "Dám ngoái đầu nhìn lại" là những chữ của nhà văn Mạc Ngôn lừng lẫy.

    Họ là năm tiểu thuyết gia kiệt hiệt gồm : Lý Nhuệ, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn và Cao Hành Kiện, trong đó hai nhà văn sau cùng đều đoạt giải Nobel văn chương. Họ, bằng tài năng và dũng khí phi phàm, mỗi người một vẻ đã dám mổ xẻ quá khứ và hiện tại đến tận cùng, giải mã lịch sử và tâm hồn con người, tái hiện những biến động dữ dội của đất nước bằng hình tượng văn học đặc sắc, tạo nên những góc nhìn hiện thực chân xác mà đau đớn, táo bạo và mới mẻ. Nói như Ts Nguyễn Thị Minh Thương trong lời giới thiệu : "Lý Nhuệ phản tư, Mạc Ngôn dấn thân, Cao Hành Kiện hồi cố, Dư Hoa phẫn nộ, Diêm Liên Khoa nghịch dị".

   Vậy giải mã những hiện tượng văn chương đỉnh cao đã tạo nhiều dư chấn như trên thế nào mới phải ? Ts Nguyễn Thị Tịnh Thy ngay lời mở đầu cuốn sách của mình đã tường minh : " Trong cuốn sách này, từ phẩm cách dám ngoái đầu nhìn lại của họ, chúng tôi chọn những vấn đề chung nhất thuộc về lịch sử, hiện thực, nhân sinh, sinh mệnh qua sự tham chiếu với các lý thuyết văn học hiện đại để giải mã sức hấp dẫn của tác phẩm và sức ảnh hưởng của tác giả. Xuất phát điểm và mục đích tối thượng của cuốn sách là khoa học văn chương, vì thế, mọi yếu tố nghệ thuật đều được phân tích, chứng minh và kiến giải đến tận cùng, không tránh né  những vấn đề được cho là "nhạy cảm" về văn hóa lẫn chính trị".

   Nhờ thái độ dấn thân và năng lực thẩm thấu của nhà phê bình mà người đọc được cảm nhận khá đầy đủ tâm huyết và tài năng của các nhà văn này.

   Cuốn sách phê bình văn học đi từ khái quát đến cụ thể theo lối thực hành tác phẩm một cách điềm tĩnh, sâu sắc và tinh tế. Văn phong mạch lạc, dễ tiếp thu, biến những điều khó hiểu thành dễ hiểu, duy trì một phong cách khoa học hàn lâm nhưng cũng thể hiện rõ chính kiến, hừng hực một nhiệt tình khám phá và chia sẻ. Một tác phẩm chứa trong mình phẩm tính học thuật và nghệ thuật.

Anh Võ Ca Dao ở Huế, GĐ Công ty dịch thuật và truyền thông ĐI, một MC quen biết chuyên giới thiệu sách trong các buổi ra mắt sách mới ở cố đô, có cảm nghĩ về cuốn sách phê bình này như sau (băng)

   Một tác phẩm phê bình văn học nhưng lại luôn gắn kết với thời sự và thời sự nhất là khao khát đề cập và mong muốn sứ mệnh của nhà văn là phải giải phẫu quá khứ và cả hiện tại bằng nghệ thuật của ngôn từ, bằng những trang văn không chỉ bằng mực mà còn như là máu của người viết.    Từ đó, nhà phê bình cho rằng " Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những lời bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì vẫn mãi chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền "văn học phải đạo". Và nếu như thế, ký ức của họ vẫn là thứ ký ức phải đạo của kẻ "ăn mày dĩ vãng", họ không thể và không nên truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai  

  

  

  

 

       NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG-NHÌN TỪ QUẢNG TRỊ.

                                                                                                 (Xuân Dũng)

 

   Trong quá trình sinh thành và phát triển của các làng quê Việt Nam thì hầu như một thiết chế  tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu được từ Bắc chí Nam chính là đình làng. Từ xưa đến nay, ở nông thôn trong  các công trình tâm linh của làng Việt thì đình làng là đứng đầu, có vị trí đặc biệt quan trọng không thể thay thế được trong đời sống tinh thần và văn hóa của cư dân nước ta (tên phim).

  Đình làng là nơi cất giấu ký ức tập thể chốn hương thôn của người dân bao đời nên nó vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi. Nhắc đến làng quê người ta thường nói đến mẫu số chung cũng gồm 3 điều vô cùng thân thuộc và đáng nhớ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đó là : cây đa, bến nước sân đình. Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Quảng Trị Hồ Huy, đã có nhận xét về đình làng (băng)

   Kiến trúc đình làng Quảng Trị xưa nay được bố trí một vài ba cách khác nhau: ví dụ là chỉ một tòa đại đình như chữ nhất theo chiều dọc như đình Bích La, mặt đình mở ra từ chái có  tuổi đời ba bốn trăm năm nhưng nay đã đổi thay ít giữ được nguyên bản như đình làng Nghĩa An, Hà Thượng; hai là một nếp nhà ngang như đình làng Trung Chỉ,  hoặc là là giống chữ nhị gồm hai nhà song song như đình Lập Thạch.

   Đình làng Lập Thạch thuộc phường Đông Lễ mặt chính hướng ra phía đông đối diện sông Thạch Hãn. Kiến trúc ngôi đình những năm này ngoài nghi môn thì ngôi đình chỉ được tạo bởi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ “nhị” với lối kiến trúc bình thường như một nhà dân, quy mô nhỏ bé. Đình làng Lập Thạch là công trình có giá trị về văn hoá, nghệ thuật; nhất là công trình nghi môn. Đình toạ lạc ở vị trí đắc địa về phong thuỷ và có sơn thuỷ hữu tình, quay mặt về hướng đông nam. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh, hiền hoà đóng vai trò như một minh đường; hậu chẩm dựa lưng vào xóm làng, ruộng đồng trù phú. Đình làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây gắn liền với việc lập chi bộ cộng sản khi Đảng vừa mới thành lập và những sự kiện cách mạng ở vùng đất này.

   Nếu đình làng Lập Thạch có quy mô tương đối nhỏ thì đình làng Điếu Ngao thuộc phường 2, thành phố Đông Hà lại bề thế hơn bởi có khuôn viên rộng hơn nhiều, mặt hướng ra sông Hiếu. Tổng diện tích khuôn viên đình làng lên đến 7000 mét vuông, còn riêng diện tích gần 560 mét vuông, sân đình có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Toà đại đình hình chữ nhất, được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái như thường thấy ở vùng đất Quảng Trị. Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình làng Điếu Ngao còn được ghi nhận là một di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà.

   Có một  ngôi đình làng quan trọng không thể bỏ qua, đó là đình làng Nghĩa An thuộc phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà nằm gần chiếc cầu tàu bắc ngang qua sông Hiếu cũng ghi dấu chiến công trong kháng Pháp. Đình làng Nghĩa An mặt quay ra sông lưng dựa vào ruộng đồng, tọa lạc ở một nơi cao ráo, đối diện hướng nam, được người xưa cho là đắc địa trong phong thủy.

  Đình làng Nghĩa An cùng với hệ thống giếng Chăm nơi đây được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.    Đình làng như đã nói là một công trình tín ngưỡng, một không gian kiến trúc tâm linh, với những trang trí mỹ thuật thường gắn với hình ảnh tứ linh không thể thiếu hoành phi, câu đối. Những văn tự này được có mặt ở những vị trí trang nghiêm, thể hiện ước vọng của con người.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 12/10/2021 09:53 Lê Vĩnh Nhiên 13/10/2021 10:39
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà