Đến với bài thơ hay 31/10
Danh mục
Đến với Bài thơ hay
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thơ 31/10 TRÀNG GIANG CỦA HUY CẬN. Đến với bài thơ hay (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Đến với bài thơ hay". Trong ct này, để nhớ lại phong trào Thơ Mới lừng lẫy, chúng ta sẽ đến với tác phẩm tiêu biểu "Bài thơ Tràng giang của nhà thơ Huy Cận" được phát sóng vào ngày CN : 31/10, vào lúc 11g 20 và 16g50 , ct này do pv Xuân Dũng thực hiện, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn : Thưa quý vị và các bạn ! Trong ct tuần này, chúng ta cùng thưởng thức một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Huy Cận, tiêu trong trong phong trào Thơ Mới, đó là thi phẩm :Tràng giang qua bài viết của Xuân Dũng. Nhưng trước hết mời quý vị nghe một đoạn thơ qua giọng ngâm nghệ sĩ Tô Kiều Ngân (trên mạng: Tràng giang, Huy Cận, To kieu ngan ngâm ) -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đến với bài thơ hay, ct này do Việt Thanh biên tập và dàn dựng, thân ái chào tạm biệt.

                       " TRÀNG GIANG" CỦA HUY CẬN.

                                                                                           (Xuân Dũng)

   Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận sinh năm 1919, mất năm 2005. Ông quê ở Hà Tĩnh, sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều trọng trách trong chính quyền. Về phương diện văn chương, ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới giai đoạn trước 1945.

   Huy Cận làm thơ khá nhiều nhưng hễ nhắc đến ông là bạn đọc nhắc đầu tiên tới tác phẩm "Tràng giang". Bởi nó quá nổi tiếng, quá phổ biến, gắn liền với tên tuổi nhà thơ từ lúc hai mươi tuổi.

  Cảm nhận về bài thơ này, nhà giáo dạy văn Thái Quốc Khánh, hiệu trưởng trường THPT Lê Thế Hiếu ở xã Cam Chính,  huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết đôi điều (băng)

   Một buổi chiều của năm 1939 khi đứng bên sông Hồng, lúc vừa tròn hai mươi tuổi, nhà thơ Huy Cận dậy lên cảm xúc da diết và sáng tác bài thơ "Tràng giang". Đây là bài thơ khá đặc biệt, được làm theo thể thất ngôn, một thể thơ chịu ảnh hưởng sâu đậm thơ cổ, cụ thể là thơ Đường. Âm hưởng của nó, phong vị của nó vì vậy mang hồn thơ cổ điển nhưng mặt khác, nó lại có cái tôi cá nhân của thơ ca lãng mạn 1930-1945, chất cá nhân chỉ có trong thời hiện đại, ảnh hưởng tư tưởng của phương Tây. Đó cũng chính là những yếu tố làm nên đặc sắc của Tràng giang.

   Bài thơ khá gọn chỉ gồm 4 khổ, mỗi khổ có 4 câu thơ bảy chữ. Bắt đầu là khổ:

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

   Con thuyền xuôi mái nước song song

   Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

   Củi một cành khô lạc mấy dòng.

    Mở đầu là một khung cảnh thường xuất hiện trong thơ cổ, với hai thi ảnh tiêu biểu: dòng sông và con thuyền, một hình ảnh song đôi thường đi liền với nhau cả trong thơ cổ điển và ca dao, được nhiều nhà thơ dân gian và bác học khai thác trong suốt chặng đường dài của thi ca. Nay lại được nhắc đến, ngay từ lúc khởi đầu bài thơ dằng dặc một nỗi niềm. Nói con sông dài và rộng đã thấy mênh mông, choáng ngợp nay nhà thơ lại dùng từ Hán-Việt là tràng giang, mà không là trường giang với âm mở từ chữ "tràng" với vần "ang" càng cho thấy một dòng sông rộng và dài, tưởng chừng như vô tận. Thêm nữa lại dùng điệp từ "điệp điệp", "song song" nên càng thấy nỗi cô liêu, nhỏ bé của con người trước trời nước mênh mông.

   Chúng ta thấy trong thơ giai đoạn này hình bóng lữ khách với dặm dài lữ thứ thường là mô típ được ưa chuộng. Đi để vãn cảnh, đi vì xê dịch, đi vì trống vắng, và kể cả đi chỉ vì thích đi hoặc chưa tìm ra phương hướng. Cho nên sông thì quá rộng và dài, con người thì như sầu vạn cổ dồn nén lại, buồn thì điệp điệp mà nước lại chảy song song, nhìn thấy nhau mà không thể gặp nhau khiến nỗi buồn càng cô quạnh, thiếu nơi nương tựa. Nhìn rộng ra một chút sẽ thấy các tác phẩm trong thời kỳ này của các nhà văn, nhà thơ lãng mạn đều có âm hưởng như thế. Trong bài thơ nổi tiếng "Chiều" của Hồ Dếnh cũng có câu : "Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/Có phải sầu vạn cổ/Chất trong hồn chiều này..." hay Nguyễn Tuân, bậc thầy xê dịch lại có  tùy bút  "Thiếu quê hương"... Câu cuối của khổ thơ : "Củi một cành khô lạc mấy dòng" quá hay mà cũng quá đỗi cô đơn, mênh mang vô định.

   Khổ tiếp theo:

     Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

     Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

     Nắng xuống trời lên sâu chót vót

     Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

   Vẫn là cảnh chiều, mà là cuối chiều, cho nên vãn chợ chiều.Buồn và vắng, hoang lạnh càng lúc càng vây bủa con người. Câu thơ "Nắng xuống trời lên sâu chót vót" với cụm từ "sâu chót vót" chứ không phải "cao chót vót". Cao thiên về hình ảnh đo lường không gian, còn sâu thì lại thiên về biểu hiện tâm trạng, tâm trạng cô đơn thăm thẳm. Vì vậy, thể thơ, hơi thơ thì cổ điển, mang phong vị Đường Thi nhưng tâm trạng thì hiện đại vào lúc ấy là tâm trạng cá nhân, của cái tôi mang hơi hướng phương Tây, thoát thai từ chủ nghĩa tư bản, đề cao vai trò cá nhân, kể cả tâm trạng. Đó chính là nét hiện đại của bài thơ.

   Đến khổ thứ ba:

     Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

     Mênh mông không một chuyến đò ngang

     Không cầu gợi chút niềm thân mật

     Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

   Bèo dạt như mây trôi nối tiếp nhau nhưng cái mênh mông càng lúc càng tăng trong cảnh chợ chiều đã vãn mà lại tiếp hai câu phủ định: không đò ngang, không cầu thì nỗi niềm cô lẻ càng thấy bơ vơ giữa khung cảnh người tĩnh, cảnh động nhưng cảnh cũng chẳng biết về đâu như người cũng nhìn quanh bốn phương tám hướng mà không thấy lối đi nào có thể làm cho mình gần lại với nhân gian. Một thời gian cuối ngày buồn bã, cô tịch và một không gian thiếu hẳn những nhịp cầu giao tiếp, nói chi đến tri âm, tri kỷ.

   Cuối bài thơ :

   Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

   Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

   Lòng quê dợn dợn vời con nước

   Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

     Cũng vẫn là cảnh vật được khai rộng thêm cảm giác hoang vắng, buồn tênh và câu kết gợi nhắc đến một ý thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu đời Đường : "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" trong bài "Hoàng hạc lâu", một sáng tạo của Huy Cận khi kế thừa thơ cổ điển, học tập mà thay đổi, biến hóa thành cái của riêng mình.

    Bài thơ mặc dù không trực tiếp nói đến tình yêu quê hương đất nước nhưng vẫn thể hiện điều này một cách kín đáo. Vả chăng nếu không có một tình cảm như thế thì không thể thấy được cảnh đẹp của thiên nhiên. Mà đó cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước.

   Tràng giang của Huy Cận là một thi phẩm đặc sắc, cô đọng vừa cổ kính lại vừa có nét hiện đại. Đây là một cột mốc trong hành trình Thơ Mới, làm nên tên tuổi của Huy Cận và dòng thơ lãng mạn Việt Nam cuối thời Pháp thuộc. Một tác phẩm thi ca trường tồn cùng với thời gian.

  

    

 

Chú thích duyệt

Tác phẩm này đã dựng hoàn chỉnh rồi.

- nội dung cũng tốt, dựng đảm bảo

* Lần sau phòng nên duyệt trước cho anh em dựng 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 26/10/2021 05:41 Lê Vĩnh Nhiên 27/10/2021 09:30

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà