Quảng Trị du kí: Mùa hoa dã quỳ
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Trong Quảng Trị du kí tuần trước, chúng ta đã cùng nhau có những trãi nghiệm thú vị với hành trình khám phá những miền quê trên mãnh đất Quảng Trị thân thương, cùng với những trãi nghiệm về sự độc đáo của ẩm thực quê nhà. Trong chương trình hôm nay, hãy cùng chúng tôi đến với những vùng đất mới và tìm hiểu những điều thú vị nơi đây.

Có một loài hoa với một cái tên rất dung dị, hoa dã quỳ. Loài hoa với màu vàng rực rỡ thường ra hoa vào thời khắc giao mùa giữa Thu và Đông. Như là một loài cây báo hiệu của mùa khô ở miền núi, dã quỳ nở cũng là lúc mùa khô đang đến rất gần. Hãy cùng QTDK đến với Hướng Phùng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp khi mùa hoa bắt đầu.

Ngày xưa đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi từng nghe mấy bạn học đến từ Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc …kể với giọng điệu đầy hào hứng và hãnh diện về tuổi thơ của họ gắn liền với mùa hoa dã quỳ vàng ươm đất trời và vàng ươm lòng người. Lúc đó, tôi đã từng ao ước được một lần đến thăm miền kí ức nhuộm vàng tuổi thơ của các bạn và từng ao ước quê tôi cũng có những đóa hoa dã quỳ đẹp mê hồn đến vậy, bởi lúc ấy ở Hướng Hóa là vùng đồi núi chập chùng, chúng tôi không hề biết đã có hoa dã quỳ ở đó.

Sau này ra trường, đi làm, tôi mới biết Quảng Trị quê mình cũng có hoa dã quỳ, một loài hoa dại mọc ven đường ở huyện Hướng Hóa, có nhiều nhất là ở xã Hướng Phùng. Dã quỳ còn có nhiều tên gọi khác là cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại…. Gọi là dã quỳ bởi loài hoa nay báo hiệu mùa mưa đã qua và những ngày nắng đẹp đã đến. Tuy không sang trọng như hoa hồng, quý phái như hoa ly, nhưng bù lại, dã quỳ có vẻ đẹp đằm thắm và vô cùng rực rỡ. Mùa dông ở Hướng Hóa với khí lạnh của núi rừng dường như ấm áp hơn bởi sắc hoa vàng quyến rũ ấy

Vào thời gian này, mùa hoa dã quỳ ở Hướng Phùng lại làm bao du khách xao xuyến, bồi hồi. Loài hoa sở hữu sắc vàng rực rỡ nở rộ trên nền lá xanh thơ mộng này vốn được người Pháp mang tới trồng tại Việt Nam vào thế kỉ trước, tuy nhiên trong nhiều năm, dã quỳ được coi là hoa dại, thường bị chặt bỏ mỗi khi người dân phát quang và phải đến khoảng 2015, khi những bức ảnh về loài hoa ấn tượng này được nhiều du khách chia sẻ trên mạng xã hội và Hướng Hóa triển khai con đường dã quỳ và nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhiều cá nhân, tổ chức thì hoa dã quỳ mới được biết đến nhiều hơn cũng như trở thành một trong điểm đến của nhiều người yêu thiên nhiên. Chị Lê Bích Thủy, một người dân ở xã Hướng Phùng cho biết: Dã quỳ có vẽ đẹp riêng có của nó, nó níu giữ du khách bằng vẽ mộc mạc mà dung dị của đời thường, như bản chất của những người Pa Cô,Vân Kiều trên dãy Trường Sơn.

Trích tiếng

Cứ giữa tháng 11, khá nhiều du khách lại cùng nhau tìm đến vùng đất Khe Sanh, để ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi mới khi mùa mưa vừa kết thúc, và đắm chìm trong màu vàng ngọt ngào của những bụi dã quỳ. Cung đường lý tưởng mà bạn có thể lựa chọn để thưởng hoa, đó Khe Sanh – Hướng Phùng có chiều dài gần 30km km với những sườn núi được sưởi ấm bởi màu vàng hoang dại của các khóm dã quỳ.

Thời gian lý tưởng nhất để thưởng hoa trong ngày tại đây là từ 9-10h, khi nắng vừa mới lên. Ánh nắng dịu dàng làm cho sắc vàng ươm của mỗi cánh hoa được thêm ngọt ngào, đằm thắm. Thời tiết tại Khe Sanh, Hướng Hóa vào khoảng thời gian này thường se lạnh, bạn cần chú ý để chuẩn bị bộ quần áo ấm và phù hợp để cuộc hành trình săn hoa có thể diễn ra suôn sẻ nhất. Chị Lê Bích Thủy chia sẽ thêm:

Trích tiếng

Dã quỳ là loài hoa của nắng, sống giữa đại ngàn, hé nụ chẳng ai biết, khai mầm chẳng ai hay, khi cánh hoa tàn lại trở về ẩn mình trong lòng đất, âm thầm chờ mùa xuân để bật mầm, để khao khát cháy bùng nư ngọn lửa vào tháng 10, tháng 11 hàng năm. Những cánh hoa mộc mạc, thanh khiết và rực rỡ như tâm hồn người dân bản, màu hoa dã quỳ như gom hết màu nắng trong năm để khoe sắc một lần.

Sẽ không bao giờ là thừa nếu vào khoảng thời gian này các bạn lập nhóm, vi vu trên những chiếc xe máy, khám phá những cung đường ở miền tây Quảng Trị để đến với mùa hoa dã quỳ. Khí trời dịu mát và màu vàng của sắc hoa sẽ khiến bạn mê mẩn, thả sức tạo dáng và sống ảo bên hoa. Mùa hoa dã quỳ đang xôn xao mời gọi, còn chần chờ gì nữa, xách ba lô lên và đi thôi nào.

*****

Thưa QV&CB! Trong rất nhiều món ăn dân dã của quê nhà, có những món ăn đã trở thành kí ức, là niềm nhớ của nhiều người khi tìm về. Đối với người dân Vĩnh Linh, bánh tu huýt chính là món ăn quê dân dã, gắn bó với tuổi thơ của bao người, để hôm nay tìm về nhiều người không khỏi bùi ngùi, nhung nhớ. Bánh tu huýt là một trong những món ăn mà chúng tôi muốn giới thiệu đến QV&CB trong QTDK tuần này.

Bánh tu huýt, nhiều người không khỏi ngạc nhiên với cái tên lạ lẫm và thú vị của nó. Với những ai sinh ra và lớn lên ở vùng quê nắng gió Quảng Trị thì hình ảnh những chiếc bánh Tu Huýt trở nên rất quen thuộc.Những chiếc bánh mang hương vị thơm dẻo của bột sắn, của khoai kèm vị ngọt dịu của đường mía, trở thành một món quà của tuổi thơ bao người mà họ không dễ gì quên được.

Đi du lịch Quảng Trị, có dịp tìm hiểu nhiều địa danh lịch sử và cũng có nhiều cơ hội biết đến bao đặc sản địa phương gắn với nhiều câu chuyện để nhớ hoài. Và câu chuyện về bánh tu huýt chắc chắn cũng như thế. Chị Nguyễn Thị Hiếu, ở Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh cho biết:

Trích tiếng

Ông Nguyễn Văn Thương, một người con của Vĩnh Linh cho biết: Tu Huýt là loại bánh được làm từ bột khoai, bột sắn nhưng ngon nhất vẫn là những chiếc bánh ngon trộn cả hai thứ bột này vào làm một, thì mới tạo nên một hương vị đậm đà, lạ miệng. Với người dân địa phương, để làm món ăn vặt Quảng Trị này, họ sẽ chọn những củ sắn, củ khoai không bị sâu, có chất lượng ngon, đem đi cạo sạch lớp vỏ lụa bên ngoài rồi thái lát mỏng đem đi phơi khô. Họ tiếp tục bỏ vào bao nilon để bảo quản lâu dài. Thường là vào mùa mưa thì người dân nơi đây mới đem ra làm bánh tu huýt.

Khoai, sắn thái lát phơi khô sau sẽ được xay thành bột mịn rồi từ bột này sẽ đem trộn với nhau cùng với đường mía, cho nước vào nhào thật dẻo để bột cùng đường quyện vào nhau. Bột đã nhào sẽ được nắm vào chiếc đũa sao cho những chiếc bánh đều, chặt, khi bánh đã mịn, bám chắc thì rút đũa ra tạo nên một lỗ giữa bánh.Tiếp tục đem những chiếc bánh đã nặn này vào nồi hấp, hoặc nếu làm ít có thể bỏ vào nồi cơm khi cạn nước, ăn sẽ càng thêm thú vị. Khi bánh chín nhẹ nhàng giở ra từng chiếc, những cái bánh màu nâu, mịn màng đong đầy mùi thơm của khoai, đậu, dẻo dẻo của sắn và ngọt dịu của đường.Bánh Tu Huýt là món ăn vặt Quảng Trị phải ăn nóng mới thú vị. Vừa ăn bánh, vừa thổi vào lỗ giữa thân bánh tạo nên những âm thanh như những chiếc tu huýt vậy. Khi dùng bánh, người thưởng thức sẽ thấy điểm thú vị giản đơn của tên bánh cũng từ đó mà ra.

Trích tiếng

Bánh Tu Huýt gắn với ký ức, với tuổi thơ của nhiều người trở thành nỗi nhớ của họ da diết khi xa đất Quảng Trị mến yêu và được kể lại với niềm thương yêu ấm nồng nhất mỗi khi có dịp nhắc về.

Chào kết

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 03/11/2021 08:39 Lê Vĩnh Nhiên 03/11/2021 09:56
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà