Tạp chí VNCN 28.11
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 28.11.2021

PTV: Xin kính chào Quý vị và các bạn! Đến hẹn lại lên, chúng ta cùng gặp nhau trong chương trình Tạp chí VNCN tuần này. Với thời lượng phát sóng của chương trình, thông qua những bài viết, những câu chuyện và tin tức trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà; hy vọng chương trình sẽ cung cấp cho quý thính giả những hiểu biết thú vị về vùng đất, văn hóa và con người Quảng Trị.

Trong chương trình Tạp chí VNCN tuần này, chúng tôi xin gửi đến Quý vị và các bạn những nội dung chính sau đây:

- HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHO 9 CLB DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

- KHÔI PHỤC NGHỆ THUẬT ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO PAKO QUẢNG TRỊ

- Bài viết: GIỮ GÌN ĐIỆU TRỐNG QUÂN LÀNG ĐIẾU NGAO

- QUÊ NHÀ QUẢNG TRỊ TRONG TRANG VIẾT CỦA DIỆU ÁI

-Phần cuối chương trình là cảm nhận về tập thơ: “Dâng hạt phù sa từ cát sỏi cỗi cằn” của CTV Bội Nhiên

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.     HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHO 9 CLB DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Thưa QV&CB! Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị vừa có quyết định hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ (CLB) di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Cụ thể, 9 CLB di sản văn hóa phi vật thể được hỗ trợ gồm: CLB Dân ca Sông Hiền, CLB Dân ca làng Tùng (huyện Vĩnh Linh); CLB Dân ca Khu phố 7, Phường 3; CLB Hò Như Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị); CLB Bài chòi làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong); CLB Cồng chiêng Ka Tăng – Khe Đá, thị trấn Lao Bảo; CLB Cồng chiêng thôn Kỳ Nơi, xã Lìa (huyện Hướng Hóa); CLB Thơ - Ca Cam Lộ, Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ); CLB Trống quân làng Điếu Ngao, Phường 2 (thành phố Đông Hà).

Việc các CLB di sản văn hóa phi vật thể được hỗ trợ kinh phí phục vụ hoạt động là hết sức cần thiết và có ý nghĩa, qua đó góp phần tiếp thêm động lực để các nghệ nhân, các CLB tiếp tục cống hiến cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống trên địa bàn tỉnh.

2. QUẢNG TRỊ RA MẮT SÁCH “PHẬT GIÁO XƯA & NAY”

Vừa qua, Ban Trị sự Phật giáo huyện Triệu Phong đã ra mắt cuốn sách “Phật giáo Triệu Phong xưa & nay”. Công trình do Đại đức Thích Nguyên Mãn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Triệu Phong chủ biên, thực hiện chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo huyện.

Ra mắt ấn phẩm "Phật giáo Triệu Phong xưa và nay" (NBX Hồng Đức, 2021, Thích Nguyên Mãn chủ biên) là ấn phẩm công phu với các bài viết về tổng quan lịch sử, kiến trúc của 50 ngôi chùa.

Tuy là cuốn sách đầu tiên về các ngôi chùa trên đất Triệu Phong, nhưng được thực hiện bài bản, công phu, trình bày mỹ thuật sang trọng. Các vấn đề trong sách cũng không bó hẹp trong khuôn khổ nhà chùa, mà rộng hơn, mang tính tham chiếu địa chí, thiết thực đối với việc nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng đất Triệu Phong.

Cuốn sách “Phật giáo Triệu Phong xưa & nay” được ra mắt sẽ giúp người đọc có cái nhìn mới về Phật giáo và đời sống tâm linh của người con Phật, trên vùng đất Quảng Trị nói chung và Triệu Phong nói riêng với chiều dài lịch sử, qua bao biến cố vẫn còn lại hôm nay.

3.HỘI THI TIẾNG HÁT TỪ TRÁI TIM

Thưa Quý vị và các bạn! Hội Người mù tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức hội thi “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI với sự tham gia của các cán bộ, hội viên người khiếm thị đến từ 7 huyện, thị, thành hội.

Tại hội thi, cán bộ, hội viên người khiếm thị đã đưa đến 18 tiết mục văn nghệ đặc sắc. Phần lớn các tiết mục được đánh giá cao bởi sự tập luyện, dàn dựng công phu, bài bản, chu đáo. Nhiều giọng hát hay, gương mặt mới đã được phát hiện thông qua hội thi.

Kết thúc cuộc thi, ban giám khảo đã trao 3 giải tập thể gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 18 giải cá nhân gồm: 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 12 giải Khuyến khích. Giải Nhất tập thể được trao cho tập thể Hội Người mù thành phố Đông Hà. Về giải cá nhân, hội viên Nguyễn Quang, đến từ Hội Người mù thành phố Đông Hà vinh dự nhận giải A.

4.     KHÔI PHỤC NGHỆ THUẬT ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG

Đồng bào Pa Ko, Vân Kiều với đời sống văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo, nơi đây gắn liền với nhiều món ăn truyền thống có mặt từ lâu đời. Được sự hỗ trợ của dự án Plan; vừa qua xã Tà Rụt đã tổ chức chương trình khôi phục Nét văn hóa ẩm thực với món cháo Tà lục tà lạo truyền thống của đồng bào nơi đây.

Tà lục tà lạo, có nghĩa là lộn xộn hay thập cẩm - một món ăn truyền thống đặc trưng của đồng bào Pako, Vân Kiều. Món ăn này có nét đặc trưng là gợi nhớ về một thời kham khổ của tổ tiên. Xa xưa, khi đồng bào sinh sống trong rừng sâu, không phải lúc nào cũng săn được thú rừng và hái được trái cây rừng. Những mùa đông lạnh giá khắc nghiệt càng thiếu thốn lương thực. Mỗi thứ chỉ kiếm được một ít, không biết chế biến món gì. Nên người ta liền bỏ tất cả thực phẩm kiếm được vào nấu chung thành một món cháo rồi cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa ăn cho ấm bụng. Việc khôi phục NT ẩm thực với món cháo Tà lụt Tà lao được tổ chức tại xã Tà Rụt sẽ có ý nghĩa giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về món ăn độc đáo một thời từng gắn bó với thế hệ cha ông.

Nhạc cắt

Ptv: Thưa Quý vị và các bạn!  Như phần đầu chương trình chúng tôi đã thông tin:  Sự kiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị có quyết định hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 9 câu lạc bộ (CLB) di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn có ý nghĩa rất lớn nhằm động viên các clb tiếp tục duy trì phát triển.  Trong chương trình tạp chí VNCN hôm nay, mời Quý thính giả cùng tìm hiểu về điệu trống quân làng Điếu Ngao, Phường 2 (thành phố Đông Hà)- một trong loại hình thuộc CLB Trống quân được hỗ trợ kinh phí vừa qua để hiểu hơn về ý nghĩa của loại hình văn hóa phi vật thể đã có từ lâu đời của người dân nơi đây.

GIỮ GÌN ĐIỆU TRỐNG QUÂN LÀNG ĐIẾU NGAO

Làng Điếu Ngao, Phường 2; thành phố Đông Hà là một ngôi làng cổ được hình thành khá sớm. Ngôi làng này vốn nổi tiếng với tiếng trống quân khắp trong và ngoài tỉnh. Theo chia sẽ của các nhạc công hành nghề cổ nhạc, hiện đang cư trú tại làng Điếu Ngao, đều thừa nhận vị tổ nghề nhạc của làng mình là ông Hoàng Văn Kết, người đầu tiên đưa nghề âm nhạc về dạy cho con dân ở trong làng. Căn cứ vào các thế hệ được lưu truyền của họ Hoàng có thể xác nhận được nghề nhạc do ông Hoàng Văn Kết truyền dạy cho con cháu ở làng Điếu Ngao vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Từ đó, làng có thêm một nghề mới đó là nghề âm nhạc. Kế tục ông Kết, ở trong làng còn có một số nhạc công khác, nhưng đáng chú ý nhất là ông Hoàng Văn Kim (con trai của ông Kết), người tiếp tục phát huy nghề nghiệp của cha. Ông không chỉ là một nhạc công giỏi mà còn là một người dạy nhạc cho thế hệ kế cận. Từ hai vị tổ nhạc này, họ đã đào tạo và trao truyền kinh nghiệm cho khá nhiều nhạc công ở trong cũng như ở ngoài làng. Đến nay,một số nhạc công nổi tiếng, cốt yếu của nghề cổ nhạc trong làng Điếu Ngao là thế hệ nhạc công thứ tư như: Hoàng Văn Tư, Trần Dàn, Hoàng Hữu Tâm, Hoàng Tại... Họ đều là học trò của ông Hoàng Ân, con trai của ông Hoàng Văn Kim, người tiếp tục suất sắc nghề của ông và cha trong lĩnh vực đào tạo.

Trong đó, nghệ nhân Trần Dàn năm nay gần 70 tuổi vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời đánh trống quân nên ngay từ năm 16 tuổi ông đã bắt đầu học trống quân với người cậu ruột. Dù đi theo cậu trong các lễ tang ma, hiếu hỉ nhưng mãi đến gần 10 năm sau ông Dàn mới được học trống quân. Trong câu chuyện kể của mình về những ngày tháng học trống quân, nghệ nhânTrần Dàn cho biết: Người học được lựa chọn chủ yếu từ con cháu trong nhà, một số rất ít khác là học trò từ nơi khác đến. Để học trống quân, phải mất một thời gian khá dài để người học có thể thấm hết tinh túy của điệu trống này. Trước khi học trống quân, phải trải qua các nhạc cụ khác một cách nhuần nhuyễn. Qua quá trình đó, người thầy sẽ nhận thấy và chọn ra người học trò có tài và tâm để truyền dạy.

P/v: Nghệ nhân Trần Dàn,  Làng Điếu Ngao, phường 2, TP Đông Hà nhớ lại:

Trích băng

Cả cuộc đời gắn bó với tiếng trống quân nên mỗi khi nhắc đến loại hình âm nhạc này, nghệ nhân Trần Dàn đã quá quen thuộc với trình tự một màn biểu diễn trống quân.  Ông cho biết: Buổi biểu diễn trống quân sẽ mở đầu bằng giá 1, giá 3, giá 7, điệu trống quân là tiếng trống tập hợp quân sĩ chuẩn bị ra trận, là lời hiệu triệu các vị tướng lĩnh và binh sĩ cùng xuất trận, là lời mời gọi các vị thần về tế lễ non sông cùng con cháu. Điệu trống giòn giã, vang từng tiếng rõ ràng, dứt khoát, là tiếng gọi hối thúc những con tim yêu nước lên đường. Sau đó là khúc quân đại, quân tiểu thúc quân ra trận với khí thế ngút trời. Bài trống quân trở nên giục giã, dồn dập hơn bao giờ hết. Âm hưởng như sóng dội gió gào. Và kết thúc điệu trống quân là khúc mở cờ. Đây là lời báo công chiến thắng. Điệu trống chuyển sang tưng bừng, diễn tả niềm vui thắng trận. Dàn trống quân có từ 4 trống trở lên, số trống phải là số chẵn và các trống phải đều nhau. Biểu diễn kèm với trống quân là 2 kèn thổi điệu thái bình. Nguyên tắc cơ bản của điệu trống là các trống phải đánh cùng một roi, phải đi cùng một nhịp với nhau bởi sai lệch một roi là một sự nguy hiểm, mạo phạm với thần linh. Sai một người là ảnh hưởng đến cả đội trống. Do vậy đòi hỏi người đánh trống phải hết sức tập trung.

Đến nay, nghệ nhân Trần Dàn đã trở thành người lớn tuổi nhất trong đội trống quân của làng Điếu Ngao và điều khiến ông vô cùng tự hào khi chính mình trở thành người giữ gìn, đào tạo tiếng trống quân cho các thế hệ trẻ của làng.

P/v: Nghệ nhân Trần Dàn,  Làng Điếu Ngao, phường 2, TP Đông Hà chia sẽ

Trích băng

Việc người dân ở làng Điếu Ngao thành lập clb trống quân để trao truyền vốn âm nhạc truyền thống của cha ông một cách trang trọng không chỉ là bảo tồn một tài liệu quý cho đời sau mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên, tổ sư của mình. Tin rằng bằng tình yêu và tâm huyết của những con người như nghệ nhân Trần Dàn, tiếng trống quân của làng Điếu Ngao sẽ luôn vang lên trong những dịp hội làng hội nước, được giữ gìn và bảo tồn trong kho tàng văn hóa phi vật thể của vùng đất Quảng Trị.

Nhạc cắt

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Trong những tác giả trẻ của Quảng Trị hiện nay, Diệu Ái là một cái tên gần gũi với bạn đọc bởi cô viết khá nhiều truyện ngắn và bút ký mang lối đi của riêng mình. Trong vô số đề tài tác phẩm của mình, Diệu Ái vẫn luôn dành những tình cảm sâu nặng cho quê nhà Quảng Trị với những trang viết gần gũi, thể hiện văn hóa, bản chất con người Quảng Trị mộc mạc, gần gũi. Đây là điều chúng tôi muốn chia sẽ cùng Quý vị và các bạn qua cảm nhận về phong cách sáng tác của tác giả trẻ Diệu Ái qua bài viết sau đây:

QUÊ NHÀ QUẢNG TRỊ TRONG TRANG VIẾT CỦA DIỆU ÁI       

Trong cảm nhận của người đọc khi đến với các tác phẩm của Diệu Ái là : Dường như viết về những vùng đất của quê hương Quảng Trị, cô tìm hiểu rất kỹ về đặc tính của từng vùng đất từ những sản vật, món ăn hay lễ hội của mỗi vùng miền  rồi khéo léo đưa vào trong câu chuyện của mình một cách tự nhiên và gần gũi mà chỉ cần nhắc đến là người đọc đã nhận ra ngay vùng đất mà Diệu Ái muốn kể. Trong tác phẩm Xứ Cùa với gió, Diệu Ái đưa vào hình ảnh cây chè xanh- thức uống đặc trưng của vùng Cùa mà như cô viết: “Uống chè Cùa phải hãm cả cành mới ngọt đủ… Mạ nói, mấy đứa như bây mà uống nước chè đậm thì sớm già đanh”.  Khi viết về vùng đất chợ Sãi, Diệu Ái  lại cho người đọc thưởng thức món nem chả - món ăn nổi tiếng của Quảng Trị. Chuyện kể rằng: “Một người đàn bà giỏi nghề làm nem bỗng nhiên mất tích. Thiên hạ đồn đoán bao chuyện xui rủi xấu tốt. Cuối cùng nhờ cái nghề làm nem mà người đàn bà thất lạc bao năm do mất trí được tìm về”. Lấy món nem làm “điểm định vị”, dường như tác giả đang muốn xác lập một thứ đặc sản của quê hương mà cho dù con người ta có đi đâu chăng nữa cũng nhờ đặc sản của quê hương mà tìm về được với nguồn cội.

P/v: Tác giả Diệu Ái chia sẽ:

(Lý do viết về quê nhà Quảng Trị)

Là một người cần mẫn trên cánh đồng văn chương, trong vô vàn đề tài của cuộc sống; Diệu Ái dành rất nhiều tình cảm khi viết về quê nhà Quảng Trị. Với truyện Người bán lộc, Diệu Ái lại chọn cách dẫn chuyện rất duyên, cô không đi thẳng ngay vào địa danh muốn nói đến mà lại bắt đầu từ một câu chuyện kể:Mỗi năm chợ họp đúng một lần vào đêm mùng hai, rạng sáng mùng ba tết. Phiên chợ chủ yếu là nơi gặp gỡ, cầu nguyện, mua bán may xưa”. Chỉ cần cách dẫn dắt như vậy, người đọc cũng nhận ra địa danh mà cô đề cập đến là phiên chợ độc đáo ở làng Bích La, tỉnh Quảng Trị.

Qua từng trang viết của mình, dễ dàng nhận ra đề tài trong các truyện ngắn hay bút ký của Diệu Ái không phải là điều gì quá to lớn mà đó là những câu chuyện kể được cô ghi lại vô cùng mộc mạc với ngôn ngữ đặc trưng nhưng vẫn lôi cuốn người đọc. Bằng giọng văn mang đậm phương ngữ của người Quảng Trị với lối giao tiếp ngày thường được cô đưa vào truyện tạo nên văn cảnh tự nhiên với những phương ngữ miền Trung: mô, tê, răng, rứa, mạ, o, ba mi, mạ mi…tạo nên sự thích thú cho người đọc và đó chính là sự khéo léo của người viết.  Nếu ai thường đọc những truyện ngắn của Diệu Ái có thể cảm nhận được cách kể chuyện của Diệu Ái thường ở ngôi thứ 3- nghĩa là thông qua một nhân vật nào đấy để kể lại chứ không phải là ý chủ quan của tác giả. Có lẽ đó là cách mà Diệu Ái không muốn dùng dùng tư duy mình áp đặt cho nhân vật.

P/v: Tác giả Diệu Ái chia sẽ thêm:

(Điều muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình)

Qua những truyện ngắn và bút ký , Diệu Ái đã tạo cho mình một lối đi riêng trong văn chương với những chất liệu được góp nhặt từ chính giữa quê nhà Quảng Trị. Một miền quê dù trải qua nhiều bom đạn chiến tranh với mùa hè nắng cháy da thịt, mùa đông mưa lũ chồng chất…Thế nhưng con người nơi ấy vẫn luôn lạc quan, yêu đời, đùm bọc và yêu thương nhau trong tình làng nghĩa xóm thân thương. Thế nên không cần đi đâu xa, với Diệu Ái-quê hương chính là cội nguồn thương nhớ đầy vơi khiến cô cứ vấn vương trong từng trang viết của mình.

Trích bài hát:

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Gắn liền với quá trình phát hiện và khám phá hiện thực cuộc sống, thơ Quảng Trị đương đại khắc họa cảm hứng sáng tạo của một thế hệ thi sĩ biết cách nuôi dưỡng nguồn lực nghệ thuật qua sự vận động của thời gian và sự thay đổi trong không gian trên quê nhà trăm mến ngàn thương. Điều đó được thể hiện trong tập thơ “Dâng hạt phù sa từ cát sỏi cỗi cằn” với tập hợp những sáng tác của các nhà thơ Quảng Trị qua nhiều thế hệ. Phần cuối chương trình, mời Quý thính giả cùng đến với cảm nhận về tập thơ này qua bài viết của CTV Bội Nhiên.

Dâng hạt phù sa từ cát sỏi cỗi cằn…

Quá khứ trên quê nhà Quảng Trị trong thơ đương đại, là mảnh đất Thành cổ và dòng Thạch Hãn vinh quang là nguồn cảm hứng để các nhà thơ sáng tác khúc ru miền cỏ, trang thơ tình; là con đường số 9 hóa thành bài ca dao mềm mại; là Đông Hà trong dáng hình thành phố trẻ; là nhịp cầu nối những bờ vui qua nhiều làng mạc bên sông Hiếu, sông Nhùng;… Chính chất liệu đời sống-chất liệu nghệ thuật ấy đã làm nên cảm xúc thẩm mỹ của bài thơ Nhịp cầu khát vọng và bài thơ Ngày mai qua cầu La La của tác giả Nguyễn Minh Châu, bài thơ Phố giờ xanh trở lại của Võ Văn Hoa, hay tác phẩm Miền đất nhớ và Làng bên sông của Đậu Trung Thành, Thành phố trẻ và Yêu lắm Triệu Phong của Nguyễn Văn Dùng.

Cảm nhận hiện thực đời sống qua những câu thơ “Sự thật rồi có phải giấc mơ đâu/ Cây cầu mới vươn cao giữa đất trời vời vợi/ Tóc em bay bay trong gió chiều mát rượi/ Nụ cười vui không giấu nổi trên môi/ Mỗi sáng mai đón mặt trời lên/ Bảy sắc cầu vồng lẫn bóng cầu Cửa Việt/ Trang sách mới chữ đầu dòng em viết/ Những nhịp cầu nâng mãi ước mơ xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu; bạn đọc hiểu thêm về những thành quả mà con người Quảng Trị đã và đang không ngơi tạo dựng trên quê nhà.

Từ quá khứ là một thời đạn bon xé nát với bao chiến công oai hùng làm rạng danh đất mẹ và vang lừng năm châu đến “Bắp Nhan Biều trổ cờ/ Sắn Tích Tường xanh mướt/ Như Lệ vẳng câu hò” như tác giả Võ Văn Hoa khắc họa trong tác phẩm “Phố giờ xanh trở lại”.

Trong khi nhà thơ Dương Trọng Hòa về Thành cổ Quảng Trị nghe “Gió hát lời cỏ thiêng” về “Tám mươi mốt ngày đêm/ Đạn cày và bom giật” và tác giả Hoài Quang Phương đưa vào trong thơ nỗi vui trước “Thạch Hãn giang ôm bóng phố thanh bình” ngay trên mảnh đất từng là Thành phố tuẫn đạo của thế giới trong “tám mươi mốt ngày đêm dung nham Thành cổ trào tuôn thiêu quân giặc”,  thì nhà thơ Nguyễn Minh Châu lên phía thượng nguồn để những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều hiện bóng trong những câu thơ “Mỗi sáng em qua không ngại buốt chân/ Không vấp đá ngầm nặng vai a chói/ …Em chưa cho anh được cầm tay/ Hẹn đến Tết cổ truyền cho anh buộc chỉ/ …Ngân vang cồng chiêng mở hội qua cầu”.

Dâng hạt phù sa từ cát sỏi cỗi cằn” là thành quả đời sống cần lao của người Quảng Trị đồng thời là thành quả lao động nghệ thuật ngôn từ của các nhà thơ Quảng Trị trong thời gian gần đây. Bắt rễ trong đời sống không ngừng đổi thay ngày một tốt lạ trên quê nhà và trải qua sự cảm nghiệm phong phú của tâm hồn, các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ về đất và người Quảng Trị của một thế hệ thi nhân nhiều độ chín ở Quảng Trị lấp lánh những vẻ đẹp của hiện thực đời sống và của trái tim người sáng tác: “Đồi không tên khắc tên bao đồng đội/ Đã hóa thân cho sắc biếc cây rừng”, có “Những chiếc cầu, bờ tre, bến nước/ Những tên đất, tên người thân thuộc/ Neo đậu hồn quê, một cõi đi về”, có “Những quả chín mang hình nốt nhạc/ Treo nắng vàng lên khung trời biếc” và “Những tiếng cười trong trẻo/ Theo hương hoa bay xa.

Trích bài hát: Quảng Trị- Mảnh đất này thương lắm người ơi

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 25/11/2021 22:01 Lê Vĩnh Nhiên 26/11/2021 09:15

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà