Dọc đường văn nghệ pt 17/12
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 17/12 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính mang tên "Nhà văn Hồ Sĩ Bình với văn nghệ sĩ " và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 17/12 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 21/12 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct chúng ta cùng theo bước chân của nhà văn Hồ Sĩ Bình qua từng trang viêt về văn nghệ sĩ, bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct, nhân tưởng niệm một nhạc sĩ tên tuổi đầy tài hoa là Phú Quang vừa qua đời, Xuân Nguyên có bài viết: Ca khúc "Nỗi buồn" của Phú Quang: từ thơ đến nhạc, chúng ta cùng nghe. (Cho 1 đoạn bài hát "Nỗi buồn" của Phú Quang) -Qúy thính giả vừa theo dõi ct : dọc đường VN, ct này do Việt Thanh biên tập, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

    NHÀ VĂN HỒ SĨ BÌNH VỚI VĂN NGHỆ SĨ.

                                                                                      (Xuân Dũng)

 

    Bút ký nhân vật, nói rõ hơn là bút ký thân phận về hai chân dung văn nghệ thể hiện thế mạnh trong cách tiếp cận  đối tượng phù hợp với “ thể tạng” viết lách của Hồ Sĩ Bình ở những tác phẩm thành công: hiểu rõ nhân vật, nhạy cảm với những phận người truân chuyên,  khả năng phát hiện những góc khuất, những éo le nhiều khi khó nói của đời người…

   Nhớ nhà thơ Trần Hữu Nghiễm, một cái tên rất quen thuộc với báo chí một thời bao cấp, anh bắt đầu phục dựng chân dung bạn, một gương mặt có nhiều nét đặc dị không giống ai :” Trong đời tôi từng tiếp xúc với rất nhiều người, nhà thơ rất mê thơ, sống chết một đời với thơ nhưng có lẽ không ai như Nghiễm, nói không quá, thơ với bạn là tất cả niềm vui sống, thơ đi suốt cuộc đời bạn trong tận cùng đau khổ và hạnh phúc, tưởng như  không có thơ bạn sẽ sống thế nào”.

   Cả cuộc gặp lại giữa hai người bạn gần như đồng cảnh ngộ ở đất mũi Cà Mau cũng khác thường sau bao phen cuộc đời quăng quật, họ đã phải kiếm sống và xô dạt nhiều nơi : “Nghiễm kéo tôi xuống ngồi ở một quán nhỏ dưới chân cầu gần chợ. Hai đứa ngồi uống rượu ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, không quên nhắc về Huế, về trường xưa bạn cũ với rất nhiều uất nghẹn. Đúng là một cuộc rượu sầu nghiêng chén của Hành phương nam…Thà cứ ngồi đây, ngồi giữa chợ/Uống say mà gọi thế nhân ơi. Rồi Nghiễm đọc thơ một cách say sưa, giọng thơ buồn da diết. Mọi người chung quanh tưởng hai thằng say nói sảng. Hình như người ta cũng không hiểu mình đang nói một thứ ngôn ngữ gì. Bạn hỏi tôi có viết lách gì không. Chữ nghĩa vứt hết trên núi rồi bạn ơi…” . Nhớ lại chuyện cũ, người viết không khỏi ngậm ngùi cho bạn mà cũng cho mình : “Cái bi kịch của chúng tôi ngày đó là hãy cố quên đi quá khứ để sống. Chao ôi sống mà để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất trong đời là quên đi quá khứ thì còn gì để sống nữa”.

   Trần Hữu Nghiễm cũng là một” người thơ phong vận như thơ ấy” đã có những câu thơ như buộc vào phận số đời mình. “Nghiễm là người nói lời vĩnh quyết với bạn bè sớm nhất lớp. Bạn đã nằm lại với Cà Mau như trong một câu thơ đầy sức tiên cảm về cố hương của một thời tuổi trẻ. Đứng thẫn thờ trông về phương cũ/Dáng ai cười sao ướt lá cây xanh…”.

   Còn cuộc đời của nhà báo, nhà thơ Đoàn Thạch Hãn cũng thật nhiều uẩn khúc, đa đoan và giông bão, gần giống như một nhân vật luôn bị giằng xé của tiểu thuyết chiến tranh oan nghiệt. Nhưng dù ngả nghiêng giữa dòng đời anh vẫn còn lại trong lòng nhiều bạn bè văn nghệ: “Trong một lần về Quảng Trị mới đây, tôi cùng Lê Đức Dục, Lê Diễn và Lê Hải về Đông Dương, Hải Lăng thăm mộ Đoàn Thạch Hãn-một người bạn, một nhà thơ mà anh em chúng tôi quý mến”.

   Hoàn cảnh éo le, cuộc đời nghiêng ngả vì sự xuất thân cứ như thể gắn chặt với thời cuộc và những ngã ba số phận. Cứ thế mọi sự  đã xô đẩy Đoàn Thạch Hãn vào những lựa chọn khó khăn, những thị phi nghiệt ngã và cả những ngộ nhận đáng buồn. Nhưng nhiều bằng hữu, trong đó có người viết vẫn nhận ra : “ Tội cho anh, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì, nhiều phụ nữ đã đến rồi đi, họ xem anh như một cuộc chiếc cầu để đi qua một đoạn đời mà anh mãi mãi là người đứng lại bên kia cầu để khóc cho phận mình. Đời anh đau buồn đến thế mà chẳng bao giờ nghe anh than vãn”.

   Một cuộc đời  trầm thống luôn biến động không yên với những phong ba không dễ vượt qua nhưng trước sau Đoàn Thạch Hãn vẫn thương nhớ khôn nguôi quê cũ, vẫn quặn lòng khi nhắc đến cố hương.

   Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Võ Văn Hoa nói đôi điều cảm nhận về văn Hồ Sĩ Bình (băng)

   Hồ Sĩ Bình vẫn đi và viết, cầu chúc cho anh chín tới văn mình.

    CA KHÚC "NỖI BUỒN" CỦA PHÚ QUANG TỪ THƠ ĐẾN NHẠC.

                                                                                                (Xuân Dũng)

 

   Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, người nghe thường nghĩ ngay đến những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội. Vậy nhưng trong gia tài âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa và hào hoa này có một bài hát hay và da diết, thâm trầm được phổ thơ một thi nhân thành danh ở cố đô Huế, người quê Quảng Trị, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Một bài hát không dành riêng cho thủ đô, cũng không nói gì về Hà Nội.  Bài hát "Nỗi buồn".

   Cách đây gần 30 năm, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (sống ở Huế) bị bạo bệnh tai biến, sau điều trị phải ngồi xe lăn. Tôi đề xuất cần làm bộ phim tài liệu về một nhà văn uyên bác và tài hoa cho đài PTTH Quảng Trị. Ê kíp thực hiện gồm: kịch bản và lời bình: Xuân Dũng, quay phim Lý Hậu, đạo diễn: Hàn Nguyệt. Bộ phim được thực hiện hầu hết ở Huế. Phim dài 30 phút có tên : "Hoàng Phủ Ngọc Tường-ánh lửa đời người".

   Dịp chúng tôi làm phim,  may mắn gặp được nhạc sĩ Phú Quang cũng đang ở Huế. Ông đang phổ nhạc bài thơ " Cỏ, chim sẻ và châu chấu" của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

   Bài thơ phảng phất chất đồng thoại như một khúc đồng dao cho người lớn tuổi và từng trải. Nhạc sĩ Phú Quang lúc ấy tâm sự rằng chính vì đồng cảm với thi nhân Hoàng Phủ trong quan niệm : ngôi nhà đích thực của nhà thơ là chính nỗi buồn nên đã chọn bài thơ này thích hợp để phổ nhạc và đặt lại tên cho ca khúc : "Nỗi buồn". Và trong quá trình hình thành ca khúc, ca từ không thể giữ nguyên như trong bài thơ, có câu nguyên vẹn, có câu hơi khác, được sắp xếp gọn lại theo ý tưởng sáng tạo lần nữa của người nhạc sĩ nhưng lắng nghe thì vẫn thấy thấm thía một nỗi buồn như đã hoài thai từ tiền kiếp, một nỗi buồn thanh lọc và tinh khiết. Mỗi khi hát lên thổn thức phận người.

   Lời bài hát như sau:

   Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước  mơ tìm  về dưới gốc cây xưa
Em có gửi điều gì theo lá rụng
Nỗi đau nào đậu khẽ vào tôi.

Bóng ai như tôi đi qua cánh  đồng
Bóng ai như tôi đi qua cõi đời
Nhặt lại mình trên ngọn gió
Giống như con chim sẻ  nọ
Tha về từng cọng vàng khô.

Có nhiều khi tôi quá  buồn
Tôi ước mơ quanh chỗ tôi  ngồi mọc lên nhiều cây cỏ
Cây xấu  hổ đau gì mà rũ  lá?
Tôi gục  đầu trên bóng  tôi.

Không còn  nghe
Không còn nghe ai nói cười
Tôi còn  ngồi chi đây một  mình
Từng ý nghĩ mong  manh.
   Chúng tôi bố trí một trường đoạn quay nhạc sĩ ngồi chơi dương cầm và tâm sự "Nỗi buồn"... Người nhạc sĩ ngồi trầm tư thong thả dạo đàn rồi bất chợt hát lên tiếng lòng bằng giai điệu nhẹ nhàng, gần gụi mà xa vắng, u buồn và sang trọng, rồi thăng hoa dường như quên bẵng xung quanh. Một lãng tử hào hoa đang hóa thân vào âm nhạc. Phim lại quay tiếp cảnh nhà văn đi về phía thanh âm bằng chiếc xe lăn số phận...

   Bây giờ thì người hát rong đã bay đi cõi khác...để lại những người yêu quý âm nhạc hào hoa của ông với bao tiếc nhớ ngậm ngùi...

  

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 15/12/2021 05:38 Lê Vĩnh Nhiên 15/12/2021 14:34
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà