Radio - Sẻ chia lời chưa nói
Danh mục
Radio – sẻ chia điều muốn nói
NỘI DUNG

 

Chương trình Radio – Sẻ chia lời chưa nói

Đưa quê hương về cho đồng đội

Ps thứ 7 ngày 18.12.2021

BTV: Mỹ Nhị

Thời lượng: 28p

MC: Mỹ Nhị, Như Hòa và KTV thu âm Vĩnh Lộc xin gửi những lời chào thân thương đến quý vị thính giả đang lắng nghe chương trình Radio – Sẻ chia lời chưa nói của Đài PTTH Quảng Trị. Hiện nay chương trình của chúng tôi đang phát trực tiếp trên tần số 92,5mkz, trang fanpage Đài Phát thanh truyền hình Quảng Trị. Quý vị thính giả có thể truy cập vào trang web quangtritv.vn để nghe lại chương trình. Chủ đề của tuần này là Đưa quê hương về đồng đội.

Trước tiên cảm ơn cô đã dành thời gian tham gia đồng hành cùng chương trình.  

NH: Qúy thính giả hãy liên lạc với chương trình qua những cách thức sau:

Cách 1: Gọi điện về đường dây của chương trình: 02333.595.399 gặp BTV Mỹ Nhị- Phòng VNGT Đài PTTH QT. Xin được nhắc lại số điện thoại của chương trình: 02333 595.399

Cách 2: Gửi thư về địa chỉ mail: Radio – Sẻ chia lời chưa nói. Qrtv@gmail.com.

Cách 3: Chia sẻ qua fanpage: Radio – Sẻ chia lời chưa nói.

MN: Thưa quý vị thính giả, thưa chị Như Hòa.  Bước ra khỏi cuộc chiến, suốt mấy chục năm qua, cựu chiến binh Lê Bá Dương dành hết tâm lực thực hiện lời nhắn nhủ của đồng đội trong 81 ngày đêm sát cánh chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị. “Sau này trong chúng ta đứa còn đứa mất, ai may mắn còn sống nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương” - lời nhắn ấy lúc nào cũng văng vẳng bên tai người cựu chiến binh già. Nặng tình với đồng đội còn nằm lại ở mảnh đất Quảng Trị, nhiều cựu chiến binh đã tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa hướng về những người đã ngã xuống.

 

NH: Thưa quý vị thính giả. 15 tuổi ông đã có mặt chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, và chỉ 49 ngày sau, ông được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ông là tác giả của bài thơ được khắc ở bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Trong những năm tháng chiến đấu ở Quảng Trị, ông đã có những kỷ niệm khó quên. Ông là cựu chiến binh Lê Bá Dương- hiện sống ở phường Quang Trung, Nha Trang, Khánh Hòa. Lê Bá Dương quê ở Nghệ An. Ông sinh ngày 10/4/1953. Để được đi bộ đội, ông đã tìm cách sửa lý lịch để trốn gia đình và địa phương. Vì trẻ nhất trung đoàn nên Lê Bá Dương được mọi người âu yếm gọi là "chú út trung đoàn". Lúc đó thời gian huấn luyện rất ngắn. 49 ngày sau khi nhập ngũ, ông tham gia một trận đánh của Trung đoàn ở phía Tây Đông Hà- Quảng Trị. Trung đoàn đánh vào hai đại đội địch và tiêu diệt gần hết một đại đội Mỹ. Lê Bá Dương được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2. Các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong... lúc đó viết về Lê Bá Dương như một điển hình.

MN: Trong cuộc đời quân ngũ, ông 14 lần bị thương. Đặc biệt, trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, ông có mặt trong đội hình Sư đoàn 390, tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Đến năm 1990, Lê Bá Dương rời khỏi quân đội rồi đi làm báo.

Nhớ lại phút giây nghe tin chiến thắng ngày 30/4/1975, cựu chiến binh Lê Bá Dương cho biết: tất cả những người lính đều rất khát khao chiến thắng để đến cái đích cuối cùng. Khi nghe quân ta thắng trận, niềm vui vỡ oà không có bút nào tả được. Niềm vui như được nhân lên trong sự bất ngờ. Những người lính chiến đấu trong miền Nam không nghĩ cuộc chiến kết thúc nhanh đến thế. Điều này thể hiện sự sáng suốt của Trung ương, Quân đội. Nhưng sau niềm vui đó thì những người lính như sững lại, bởi nhìn xung quanh mình thì rất nhiều đồng đội không còn nữa. Trên đường để tới đích, rất nhiều người đã hy sinh. Kèm theo niềm vui là nỗi buồn thương những đồng đội không có hạnh phúc được chia sẻ niềm vui chiến thắng.

NH: Năm nào cũng vậy, trong những ngày tháng tư, Cựu chiến binh Lê Bá Dương lại về bên dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Từ hành động của Lê Bá Dương, tỉnh Quảng Trị đã phát động trở thành một nét văn hóa của địa phương: thả hoa trên dòng Thạch Hãn tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh.

Năm 1987, trở về chiến trường xưa, sau lễ thả hoa tưởng nhớ đồng đội ông đã xúc động viết bài thơ "Lời người bên sông" với 4 câu thơ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm. Những câu thơ này đã được khắc trên bia đá ở bến thả hoa bên dòng Thạch Hãn.

Chèn ca khúc Cỏ non Thành Cổ

MN: Dịp 30/4/2012, cựu chiến binh Lê Bá Dương đứng lên tổ chức cuộc vận động "Đưa quê hương vào cho đồng đội". Hơn 600 cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị sẽ cùng trở về chiến trường xưa. Người ít tuổi nhất là 60, cao tuổi nhất là 82, nhiều thương bệnh binh và người thân trong gia đình. Họ sẽ mang theo những nắm đất, những chai nước từ giếng trong vườn nhà, hoặc từ dòng sông quê hương để hoà vào đất, vào cát ở chiến trường Quảng Trị, để thêm ấm lòng những đồng đội năm xưa./.

Vuốt ca khúc lên cao

MN: Vâng. Thưa quý vị thính giả. Năm 1976, từ Nha Trang trở lại thăm chiến trường Quảng Trị, Lê Bá Dương đã lặng lẽ hái hoa dại, mua hoa ở chợ thả ở Bến Tắt, phía Tây Bắc của nghĩa trang Trường Sơn để tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn tại nơi này. Cứ thế sau đó ông thả hoa ở cầu Đuồi, cầu Lai Phước trên sông Hiếusông Ô Lâu và trên sông Thạch Hãn.

Ông tâm sự:

Qua nhiều trận đánh, tự tay tôi đã vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội. Không chỉ là những mất mát đến xót xa một lúc cả trăm, cả ngàn người lính, mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một cái bia tên tuổi anh em. Có những người, sau khi chôn xong thì bị lũ cuốn trôi, hay bom lại xới lên, phải chôn lại... Riêng trong chiến dịch giải phóng và sau này bảo vệ thành cổ Quảng Trị, hàng trăm anh em chúng tôi đã nằm - chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng sông Thạch Hãn và cả các dòng sông khác.

Vì vậy mỗi lần về lại Quảng Trị, tôi đều lên đồi cao đốt hương cho khói tỏa đến vong linh anh em đồng đội, rồi xuống sông thả hương hoa gửi vào lòng suối, cuối sông...Chúng tôi xin được trích một vài đoạn viết của CCB Lê Bá Dương trên trang fb của mình về việc là ý nghĩa “Đưa quê hương vào cho đồng đội”. Hầu như trên trang cá nhân của mình, ông đều viết về những thông tin tìm kiếm, liên quan đến những người đồng đội của mình đã ngã xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ QT. Có một vài đoạn như sau:

- THẠCH HÃN SÔNG THIÊNG!

..." Chợt nhớ khi bè chuối qua sông. Bao đồng đội trúng đạn giữa dòng ...

Xin đừng hỏi đâu mồ chôn Liệt sỹ !

( Trích văn tế Liệt sỹ đôi bờ Thạch Hãn do CCB Ngô Minh Hớn phụng tác, Lê Bá Dương phụng xướng trong lễ " hòa nước sông quê vào lòng Thạch Hãn " mỗi cuộc hành hương " đưa quê hương vào cho đồng đội" )

 

 

HƯƠNG XA :

Sau ngày đất nước hòa bình, đằng đẵng 45 mùa tháng Bảy kể từ năm 1976, tôi đã có 43 năm lụi cụi trở lại chiến trường xưa Quảng Trị để hương khói cho các đồng đội, bạn bè còn nằm lại tại các nghĩa trang, hay đâu đó nơi đầu suối cuối sông, giữa bạt ngàn lau lách sim mua. Chỉ duy nhất hai lần không về được, ấy là lần phải vào quân y viện điều trị vết thương tái phát, và lần này trong cảnh dịch giã phải thực hiện dãn cách, lại chợt khi trở bệnh mà đành nén lòng trong nỗi niềm tháng Bảy của một người lính:

 

Vẫn trong tâm trang tháng Bảy, ngày ngắn đêm dài với mộng mị một thời. Cũng như lần trước, bất động trên giường bệnh, tôi nhờ một bác sỹ trong viện chuyển chút tiền về Quảng Trị, nhờ anh em ngoài đó thêm nén hương nhành hoa viếng đồng đội cho nhẹ lòng.

Lần này nhắm chừng không thể về hương hoa cho anh em, nên trước ngày ân thiêng 27/7 , tôi chuyển chút tiền nhờ các anh em bạn bè ngoài đó kết hợp hành trình hương hoa tháng bảy, thay tôi thêm một nén hương, nhành hoa vọng nhớ anh em bàn bè nằm lại chưa về theo đúng tâm nguyện: Dù hương vọng, thì nén hương phải từ tâm, từ lễ của chính mình!

 

Cũng trong tâm cảm của một thân nhân có chú và anh là Liệt sỹ, chị Trần Thị Anh Đào , quê gốc Thái Bình , hiện lập nghiệp tại Nha Trang đã nhờ tôi chuyển 10 triệu đồng cho 5 người Mẹ Liệt sỹ ở Quảng Trị.

Rất cám ơn các anh : Nguyễn Hữu Thắng , Tống Phước Trị Đỗ Hữu Thiện đã trọn một ngày 27/7 này , thăm viếng, hương hoa chu đáo đến bến sông thiêng Thạch Hãn và các nghĩa trang trong tỉnh. Trong hành trình hương hoa đó, 5 phần quà ân tình của cháu con Liệt Sỹ đã được trao cho các Mẹ Liệt sỹ tại Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị.

Cám ơn Anh Dao Tran đã cùng hương vọng.

 

LỄ GẦN :

Là lễ hương hoa tưởng nhớ đồng đội trên am thờ đồng đội tôi mang đất và nước từ các suối sông, đồi núi chiến trường xưa về lập am thờ vọng tại nhà. Cùng với hai hũ đất và nước có thấm máu đồng bào đồng đội một thời, là những vật dụng các đồng đội chúng tôi dùng trong thời binh lửa, trận mạc gian lao. Trong đó có những chiếc bát ăn cơm, bình tông của những đồng đội tôi từng dùng trước khi hy sinh, nhưng gia đình không còn người thân để nhận về thay di vật thờ cúng.

Ngẫm khi lập am thờ, trước mắt để mình luôn được gần gũi anh em bạn bè một thủa :

Đi qua lửa đạn mưa bom

Những khi cởi áo thay hòm chôn nhau..

Và xa hơn, mình rồi cũng sẽ tuổi già, sức cạn…không thể vượt đường xa về thăm viếng anh em, thì am thờ với những kỷ vật cùng nước và đất thiêng là nơi tôi có thể tự lên, hoặc nhờ con cháu dìu lên mà hương nguyện cho trọn lòng.

 

Lần này dịch giã không về với anh em được . Sau khi sắp xếp gửi nhờ anh em ở Quảng Trị lo giúp hương xa, tôi sửa một lễ gần tại am thờ . Chỉ tiếc mùa dịch buộc phải giãn cách, đóng cửa các chợ, tịnh không một hàng hoa trái , nên phẩm vật dâng lễ trên am đành tùng tiệm. Ngoài mấy trái thanh long để dành, tôi cắt mấy nhành cây “mì chính” lấy từ Quảng Trị về trồng, thêm mấy nhành lá rau môn thục mang từ khe núi trên đỉnh cao điểm 544 Cam Lộ về …cẩn trọng cắm vào bình dẫu không tím vàng …nhưng thẫm xanh như gợi về một thời xanh chưa xa.

 

- Với tôi, đơn giản đó chỉ là việc thực hiện một lời thề đồng đội của mình. Tôi là người lính từng cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị vào những năm tháng khốc liệt. Thời đó, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội vào góc rừng, bãi suối, tôi và những đồng đội khác vẫn bấm bụng tự thề rằng: Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoà bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các đồng đội về với gia đình, quê hương! Vậy mà, suốt 40 năm sau chiến tranh với những chuyến kiếm tìm trong đau đáu lời thề, chúng tôi không thể đưa được hết anh em về quê phần do trước đây bom đào, đạn xới, sau này bão lũ làm thay đổi địa hình. Đặc biệt, là người lính trận mạc, tôi và đồng đội từng chứng kiến nhiều anh em hi sinh mà hình hài tan hòa vào đất, vào nước… Việc đưa hết anh em về quê là điều không thể.

Vâng, đó là một vài đoạn chúng tôi mượn phép trích từ trang thông tin của CCB Lê Bá Dương. Để quý thính giả hiểu nhiều hơn về hành trang Đưa quê hương vào cho đồng đội, chúng tôi xin phép nối máy đến ông LBD ạ. KTV thu âm Vĩnh Lộc giúp MN kết nối với ạ.

Tiếng điện thoại

- Vâng. Cháu chào bác LBD, cháu là MN ở Đài PTTH QT bác ạ. Xin được hỏi là bác có nghe rõ tín hiệu từ chương trình không?

TL: Vâng, chào cháu Mỹ Nhị, bác nghe rõ tín hiệu từ chương trình.

1. Thưa bác, Cách đây một thời gian bác cùng đồng đội vừa có chuyến thăm Quảng Trị, trở lại chiến trường xưa. Vậy bác chia sẻ đôi nét về hành trình này?

- Đây là chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ tư – 2015 với sự tham gia tự nguyện của 518 cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ Trung đoàn 27 Triệu Hải (nguyên là Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh) cùng một số bạn chiến đấu thuộc các đơn vị bộ đội địa phương và chủ lực từng xông pha trận mạc trên chiến trường Quảng Trị. Các chương trình chính của cuộc hành hương gồm: “Đón bộ đội về làng”, “Đêm ấm rừng đồng đội”, “Hòa đất nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”…

- Được biết, cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” do bác đứng ra tổ chức và điều hành. Vậy, ý tưởng này xuất phát từ đâu?

- Với tôi, đơn giản đó chỉ là việc thực hiện một lời thề đồng đội của mình. Tôi là người lính từng cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị vào những năm tháng khốc liệt. Thời đó, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội vào góc rừng, bãi suối, tôi và những đồng đội khác vẫn bấm bụng tự thề rằng: Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoà bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các đồng đội về với gia đình, quê hương! Vậy mà, suốt 40 năm sau chiến tranh với những chuyến kiếm tìm trong đau đáu lời thề, chúng tôi không thể đưa được hết anh em về quê phần do trước đây bom đào, đạn xới, sau này bão lũ làm thay đổi địa hình. Đặc biệt, là người lính trận mạc, tôi và đồng đội từng chứng kiến nhiều anh em hi sinh mà hình hài tan hòa vào đất, vào nước… Việc đưa hết anh em về quê là điều không thể.

Để vơi bớt nỗi đau kiếm tìm đồng đội này, từ năm 1976, tôi đã ba lô một mình trở lại chiến trường xưa, lên đồi đốt thuốc thay hương, xuống sông thả từng nhành hoa cho anh em bạn bè, đồng đội. Năm 2008, tôi vận động được chút tiền doanh nghiệp, cùng gia đình cựu chiến binh Nguyễn Minh Kỳ (nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Trị) xây khu lăng bia ghi danh 13 liệt sỹ đơn vị hi sinh tại Cao điểm Hồ Khê - Đá Bạc (Cam Lộ). Ngày khánh thành lăng bia vào năm 2009, tôi đứng ra khâu nối 253 đồng đội cùng Trung đoàn (có 11 thân nhân liệt sỹ) ở các tỉnh thành cả nước tổ chức một chuyến hành hương mang tên “Đêm ấm rừng đồng đội” với chương trình “Đón bộ đội về làng”, “Đêm ấm rừng đồng đội” và điểm nhấn là chương trình “Hòa đất nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”. Tất cả các chương trình trong cuộc hành hương có ý nghĩa mang chính hơi ấm của từng người lính và thân nhân liệt sỹ từ quê hương vào làm ấm cánh rừng nơi các đồng đội vĩnh viễn nằm lại.

Đặc biệt, chương trình kết thúc bằng tâm lễ “Hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn” với nghi thức đưa đất nước từ ba miền (đất Hoàng Thành Thăng Long - nước Hồ Gươm, đất núi Chung Nam Đàn - nước thượng nguồn Sông Lam, đất 18 thôn Vườn Trầu - nước bến sông Nhà Rồng) hòa vào lòng sông Thạch Hãn. Chúng tôi tâm niệm: Không đưa được các đồng đội đã hy sinh về quê hương thì đưa quê hương vào cho đồng đội.

Bắt đầu năm 2010, chúng tôi quyết định đặt tên cho chuyến hành hương của mình là “Đưa quê hương vào cho đồng đội”.

- Có phải chính ý nghĩa sâu đậm của chương trình đã thôi thúc bác định kỳ tổ chức những chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội”?

- Thực ra, chuyến hành hương khác với một tour du lịch thông thường. Đây là sự trở về với đồng bào, đồng đội theo đúng tâm nguyện mang hơi ấm quê hương vào cho các đồng đội, được thực hiện trên tình thần tự nguyện, tự túc. Chính điều này đã chạm đúng trái tim của đồng đội tôi ở nhiều địa phương. Họ nắm tay tôi, cùng nhau kết thành đội hình hành hương đầu tiên vào năm 2009 với 253 thành viên. Qua chuyến hành hương thứ 2 (tháng 7/2010), chúng tôi có 443 thành viên. Tiếp đến chuyến hành hương thứ 3 vào tháng 4/2012, quân số đã lên đến 684 thành viên. Ở chuyến hành hương thứ 4 này, chúng tôi có 518 thành viên, trong đó, người trẻ nhất cũng đã 62 tuổi, lớn nhất 84 tuổi. Tất cả đều tự nguyện đặt bàn tay họ vào bàn tay tôi, cùng dắt nhau về lại chiến trường xưa để thắp một nén hương lòng cho đồng bào, đồng đội.

Thú thực, phần vì tuổi đã lớn, lại là thương binh, điều kiện kinh tế không khá giả gì, năm nay tôi định chỉ tổ chức một nhóm anh em tâm huyết về Quảng Trị thắp hương vào Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Thế nhưng, các động đội, đặc biệt nhiều anh em lớn tuổi gọi điện tha thiết muốn tôi đứng ra tổ chức chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ 4 để họ có cơ hội được vào thăm đồng bào, thắp hương cho đồng đội tại chiến trường xưa Quảng Trị nên tôi lại tiếp tục đưa bàn tay của mình ra.

- Trải qua ... chuyến hành hương, chắc chắn sẽ có rất nhiều câu chuyện cảm động, kỷ niệm vui buồn. Rất mong bác chia sẻ nhiều hơn về những kỉ niệm đó không ạ?

- Mỗi chuyến hành hương là một dịp để những đồng đội từ các địa phương cả nước có dịp gặp nhau sau mấy chục năm. Không ai có thể cầm nước mắt khi thấy hai cựu chiến binh sau bốn mươi năm gặp lại mà mỗi người chỉ còn một chân chụm lại để đứng bên nhau. Hai người lính khác, mỗi người mỗi tay còn lại mới đủ hai tay ôm nhau. Không ít trường hợp, mỗi người một mắt còn lại mới đủ hai mắt khóc cùng nhau trong ngày hạnh ngộ. Những câu chuyện mày - tao giữa những người lính già, tóc bạc trắng dưới tán rừng xanh một thời là trận địa mà họ từng chia bom, sẻ đạn vang lên ấm áp và vô cùng xúc động.

Còn nhớ năm chuyến hành hương vào tháng 7/2010, tại cánh rừng Hồ Khê, ngay cạnh lăng bia ghi danh liệt sỹ, khi thấy bà Nguyễn Thị Lý (lúc đó 77 tuổi, là vợ liệt sỹ Ngô Đức Hạt) và con cháu trải võng nằm dưới đất, tôi hỏi chị sao không mắc võng nằm cho khỏi hơi đất? Bà Lý đã làm cho tôi và mọi người khóc nghẹn bằng câu trả lời: “Võng chú cho chị sẽ mắc chỗ khác. Riêng chỗ này, chú để chị trải nằm dưới đất cho gần với anh ấy”.

- Tâm nguyện của bác là gì khi làm những điều không phải ai cũng thực hiện được cho đồng đội này?

- Những gì tôi làm chẳng có gì to tát. Đây chỉ là cách tôi và đồng đội còn sống sau chiến tranh đang sống thay, làm thay những công việc mà đồng đội đã hi sinh không có cơ hội làm. Nói cho cùng, nếu tôi hi sinh mà các đồng đội tôi còn sống, họ cũng sẽ làm những việc như tôi bây giờ thôi.

- Trong thời gian dịch VC 19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì hành trình Đưa quê hương vào cho đồng đội chắc chắn ít nhiều cũng gặp khó khăn?

Cảm ơn bác rất nhiều. Chúc bác sức khỏe...

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 16/12/2021 08:57
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà