Tạp chí dân tộc và miền núi số 3 tháng 12
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí dân tộc và miền núi số 3 tháng 12

MC: Kính chào đồng bào và các bạn

cảm ơn đồng bào và các bạn

đang theo dõi tạp chí Dân tộc và Miền núi

của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Trị.

 Trong chương trình hôm nay

chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn

những nội dung chính sau :

Tuổi trẻ Hướng Hóa phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Học sinh dân tộc thiểu số tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường học

-         Phần cuối chương trình là phóng sự Độc đáo nghề làm rượu từ men lá của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô Quảng Trị.

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình. Kính mời đồng bào và các bạn cùng chú ý theo dõi.

Nhạc cắt

MC: Kính thưa đồng bào và các bạn, Trong những năm qua, nhiều sáng kiến, ý tưởng kinh doanh sáng tạo cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp thanh niên Hướng Hóa khởi nghiệp thành công. Với sức trẻ, ý chí, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm đã giúp cho tuổi trẻ ở huyện miền núi này làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Phóng sự sau ghi nhận một số kết quả trong phong trào phát triển kinh tế của tuổi trẻ Hướng Hóa, kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi:

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa có khá nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả do thanh niên làm chủ và mang lại thu nhập hàng năm khá cao từ 100 -  200 triệu đồng/mô hình. Các mô hình kinh tế chủ yếu đầu tư phát triển chăn nuôi heo, gà, vịt và mở rộng diện tích trồng trọt như bời lời, sắn, chuối cùng nhiều công ty kinh doanh sáng tạo. Đặc biệt sau khi đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022 vừa được ban hành đã tạo môi trường, động lực mạnh mẽ nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần đổi mới, ra sức sáng tạo, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Qua đó, đã giúp cho nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên thanh niên tại huyện Hướng Hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phỏng vấn : Anh Nguyễn Anh Cư -  Phó Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa, Quảng Trị

( Trong thời gian vừa qua về phía Huyện Đoàn đã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các nguồn vốn vay và kết hợp đào tạo nghề tạo điều kiện để thanh niên lập nghiệp. Thông qua các hoạt động đoàn thể để khơi gợi tinh thần tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp. Cổ vũ, động viên đoàn viên thanh niên  Bằng ý chí và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những năm gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Hướng Hóa đã khởi nghiệp xây dựng và phát triển thành công các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh)

Với tinh thần đó nhiều thanh niên trẻ ở miền núi Hướng Hóa đã bắt tay xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng bản làng Hướng Hóa ngày càng khởi sắc. Anh Hồ Văn Thiếu, Bí thư Chi đoàn thôn Pa Nho, thị trấn Khe Sanh là một trong những thanh niên tiên phong trong phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ địa phương. Là một người con sinh ra và lớn lên từ bản làng thấy được cuộc sống của bà con dân bản khó khăn, anh Hồ Văn Thiếu luôn trăn trở chuyện làm giàu trên đồi đất quê hương. Với cách nghĩ đó, sau khi tốt nghiệp THPT anh Thiếu mạnh dạn đi học tập cách làm kinh tế nông nghiệp, mạnh dạn vay vốn để phát triển trang trại. Ban đầu anh chăn nuôi heo, gà ở quy mô nhỏ, sau khi có kinh nghiệm anh mở rộng phát triển đa cây đa con. Cứ như vậy, trang trại kinh tế do người thanh niên trẻ Hồ Văn Thiếu làm chủ dần dần hình thành với những quả ngọt mùa nối mùa thành công.

Phỏng vấn : Anh Hồ Văn Thiếu

Bí thư Chi đoàn thôn Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa

Ở Khe Sanh nhiều năm gia đình đã cố gắng rất nhiều phát triển được mô hình chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt. Nói chung nhờ thiên nhiên thuận lợi nên an hem đã nổ lực cố gắng phát triển để xây dựng kinh tế. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống là thanh niên trẻ chúng tôi cố gắng làm việc, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển nâng cao đời sống. Nhờ sự cố gắng của anh em nay kết quả cũng có thu hoặc đáng kể. Mang lại niềm vui, cuộc sống tốt hơn cho gia đình và nhiều hộ thanh niên khác.

Đến thăm những mô hình kinh tế của thanh niên Hướng Hóa dáu ấn để lại không chỉ là hiệu quả kinh tế mà hơn thế đó là tâm huyết, là khát vọng làm giàu trên đồi đất quê hương. Trong mỗi thành quả là sự đồng hành của các cấp bộ đoàn, sự quan tâm của các chính quyền địa phương. Đặc biệt là tinh thần chủ động ứng dụng  những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật cùng với việc triển khai có hiệu quả kế hoạch tuổi trẻ tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2019 – 2022 đến tận đoàn viên thanh niên đã mang lại hiệu quả kinh tế tại địa phương, đồng thời tạo sự sức bật cho thanh niên vùng khó vươn lên khẳng định mình . Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Hoàng Hà một đoàn viên trẻ ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa là một trong những mô hình tạo nên dấu ấn của tuổi trẻ Hướng Hóa trên con đường lập thân, lập nghiệp. Mới đây anh được trao thưởng giải thưởng Lương Định Của năm 2021 với tinh thần lập thân, lập nghiệp, vượt khó, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều ý nghĩa từ những mô hình mang lại hiệu quả giá trị kinh tế đồng thời góp phần khẳng định rõ hơn chủ trương đúng đắn phát triển kinh tế nông nghiệp từ những vùng đất khó.

Ông Nguyễn Triệu Chung, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long

( Đây là một mô hình phải nói là trong thời gian vừa qua đã đưa lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Mô hình ưu việt ở chổ là vốn đầu tư ban đầu thấp nhưng cho hiệu quả cao. Rất phù hợp với bà con có kinh tế thấp, cần nguồn vốn quay vòng. Từ những hiệu quả từ mô hình này giúp chúng tôi đưa các chính sách phát triển kinh tế đến với bà con địa phương cũng thuận lợi hơn, hiệu quả hơn)

Với những thanh niên trẻ như anh Hoàng Hà giải thưởng Lương Định Của không chỉ là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất mà hơn hết giải thưởng còn là động lực để những thanh niên vùng khó như anh Hoàng Hà tiếp tục nổ lực vươn lên, tạo động lực cho thanh niên Vân Kiều, Pa Cô học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.  

Phỏng vấn :  Anh Nguyễn Anh Cư -  Phó Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa, Quảng Trị

( Có thể thấy trước đây các mô hình kinh tế xuất hiện còn mang tính manh nha, chưa có chiều sâu . Tuy nhiên trong thời gian trở lại đây các thanh niên đã có sự chủ động suy nghĩ về cách làm kinh tế cho gia đình. Chủ động phát triển mô hình gắn với tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Đáng phấn khởi là thanh niên không chỉ làm giàu cho bản thân mà biết lắng nghe, chia sẻ đến cộng đồng, hỗ trợ bà con làm kinh tế xóa đói giảm nghèo ngày càng hiệu quả.)

          Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, thời gian tới, Huyện đoàn Hướng Hóa sẽ tiếp tục cùng các cơ sở Đoàn trong tuyên truyền  đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho đoàn viên thanh niên. Đặc biệt là chủ động đổi mới tư duy, nhận thức về khởi nghiệp cùng với việc phát huy và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích đã giúp cho nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Hướng Hóa luôn nỗ lực, bền chí làm giàu theo cách của riêng mình. Với ý chí không ngại thất bại, dám nghĩ dám làm đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích những người trẻ ở vùng miền núi sự bản lĩnh và mạnh dạn phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nhạc cắt

PS : Học sinh dân tộc thiểu số tích cực thăm gia các hoạt động nghiên cứu KHKT

Lấy lại hình ảnh của phóng sự trong Tạp chí số 3 tháng 10 và phần quay mới

MC: Thưa đồng bào và các bạn, Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, diện mạo giáo dục miền núi Quảng Trị  đã khởi sắc, có những chuyển biến tích cực. Những cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực, tạo đột phá hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Đặc biệt là khơi dậy tinh thần nổ lực vươn lên của học sinh vùng khó, thông qua các cuộc thi  khoa học kỹ thuật, các hoạt động dạy và học ngày càng đổi mới sôi nổi và hiệu quả.  Mặc dù chiếm tỷ lệ không nhiều trong số các đề tài, công trình khoa học kỹ thuật để tham dự các cuộc thi cấp tỉnh khối học sinh trung học nhưng những công trình sáng tạo của học sinh dân tộc thiểu số đang theo học các Trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn tạo ấn tượng sâu sắc trong các phong trào thi đua nghiên cứu khoa học dành cho học sinh.

 Trước đây, cũng như nhiều học sinh ở vùng miền núi Đakrông với em Trần Bảo Huy học sinh Lớp 11B1, Trường THPT Đakrông đã từng nghĩ rằng, được đến trường học tập, hoàn thành bài tập thầy cô giao, có được điểm số tốt là hoàn thành nhiệm vụ khi đến trường. Rồi sau đó, em sẽ thi vào một trường Đại học, rồi ra trường tìm kiếm một công việc ổn định cho cuộc sống sau này. Giờ đây mục tiêu phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn còn đó nhưng cách làm đã có sự thay đổi. Với sự động viên, tạo điều kiện của các thầy cô giáo em  Trần Bảo Huy đã mạnh dạn bắt tay nghiên cứu khoa học. Thông qua tìm hiểu sách báo, khảo sát nhu cầu thực tế trong cuộc sống em Trần Bảo Huy đã hoàn thành  “Đề tài “Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ thông minh”. Công trình là sản phẩm mới nhất của em trong năm học 2021 – 2022 để hưởng ứng phong trào học sinh nghiên cứu khoa học cấp trường và cấp huyện.

Phỏng vấn em Trần Bảo Huy học sinh Lớp 11B1, Trường THPT Đakrông

“Đề tài “Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ thông minh” là công trình hưởng ứng phong trào học sinh nghiên cứu khoa học mà em vừa hoàn thành trong những ngày đến trường học vừa qua. Dù trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 diễn ra phức tạp nhưng chúng em được các thầy cô giáo động viên rất nhiều, tổ chức các hoạt động khuyến khích học tập rất sôi nổi, giúp em tìm kiến thông tin và hoàn thành đề tài. Tham gia các cuộc thi cấp huyện, cấp trường dù kết quả như thế nào thì với em vẫn rất ý nghĩa vì với công trình này em thực sự chiến thắng chính mình khi được góp sức cùng các bạn dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô đang theo học ở trường tham gia các cuộc thi Khoa học kỹ thuật. 

Để tạo thêm sự tự tin, tinh thần nổ lực vượt qua khó khăn, mạnh dạn tham gia những lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo vốn được xem là thế mạnh của học sinh vùng thuận lợi, trong thời gian qua Trường THPT Đakrông đã có sự quan tâm, định hướng rõ ràng đến mỗi học sinh, cổ vũ động viên các em mạnh dạn hơn khi thể hiện ý kiến, sản phẩm, đề tài của mình. Ngoài các buổi học chính khóa, các tiết học nâng cao nhà trường bố trí giáo viên có kinh nghiệm đồng hành cùng các em trong việc xây dựng đề tài. Chỉ tính riêng năm học 2021 – 2022, Trường THPT Đakrông đã có 8 nhóm đề tài nghiên cứu được hoàn thành. Qua đó góp phần khơi dậy tinh thần học tập và sáng tạo trong mỗi học sinh, giáo viên cũng như không khí học tập của toàn trường.

Phỏng vấn : Ông Lê Chí Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông

(Đội ngũ tại Trường THPT Đakrông đa số là giáo viên trẻ và các thầy cô giáo đã tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại, hiệu quả. Nhà trường xác định để nâng cao chất lượng giáo dục cần quan tâm đổi mới phương pháo dạy và học. Trong đó chú trọng gợi dậy tinh thần ham học hỏi của học sinh. Phần lớn các học sinh là trường là dân tộc thiểu số các em có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiệt huyết của thầy cô giáo, tinh thần phấn đấu của các em, nhiều học sinh đã gặt hái được thành công và lan tảo nhiều giá trị tốt đẹp đến bạn bè cũng như người dân ở bản làng, nơi các em sinh sống)

 Trong những năm qua, nhờ có chính sách phù hợp và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, cùng sự nỗ lực kiên cường bám trường, bám lớp của các thầy cô giáo, giáo dục miền núi Quảng Trị đã từng bước chuyển mình. Việc đổi mới phương pháp dạy và học ngày càng mang lại hiệu quả, định hướng kích thích học sinh tự sáng tạo, tập dượt nghiên cứu khoa học, tạo động lực thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng mục tiêu đổi mới của ngành; đồng thời việc tổ chức các cuộc thi, các phong trào dạy và học trong nhà trường đã khuyến khích học sinh quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, liên hệ kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội. Đây cũng là một trong những điểm sáng để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó ở Quảng Trị trong thời gian qua.

Phỏng vấn : Cô Lê Thị Lan

Phó Trưởng phòng Giáo dục THPT – Giáo dục Thường xuyên – Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị  

( Trong thời gian qua vừa qua có thể thấy rằng trong bức tranh tổng thể giáo dục Quảng Trị, giáo dục miền núi có nhiều khởi sắc. Về quy mô trường lớp, về đội ngũ và chất lượng giáo dục. Từ chổ có thể coi là vùng trũng về giáo dục nhưng với sự quan tâm của các cấp ngành, sự nổ lực của các thầy cô giáo và học sinh miền núi Quảng Trị, giáo dục miền núi địa phương đã thay đổi nhất là về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn ngành, đó là dù trong khó khăn thiếu thốn trăm bề những đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật).

         Trong những năm qua, Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng miền núi và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Điều phấn khởi là những kết quả này không chỉ thể hiện ở việc phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục; chính sách đối với trẻ em, học sinh; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm mà sự thay đổi và phát triển hiện diện rõ nét trong từng tiết học, giờ dạy, sự nổ lực học tập và quyết tâm vươn lên của học sinh dân tộc miền núi Quảng Trị hôm nay.

Ps 3 :Phát sóng 1/1/2021

Ps: Giữa gìn nét đẹp văn hóa nấu rượu từ men lá rừng

MC: Thưa quý vị và các bạn!  Hướng Hóa, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Sự hình thành và phát triển vùng đất này gắn liền với lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên, đất và người nơi đây đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, hình thành những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống mang sắc thái riêng. Đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa Cô với bản tính năng động, cởi mở và giao lưu văn hóa đã tạo cho vùng đất này một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Gắn liền với đời sống tinh thần của người dân nơi đây từ lâu đời đó là rượu men lá, một sản phẩm được chắt lọc từ tinh hoa hoa của  núi rừng. Từ trong đời sống thường ngày đến các lễ hội đều không thể thiếu rượu men lá. Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn hình ảnh về loại rượu độc đáo này bên bếp lửa hồng của người Vân Kiều.

 Vùng miền núi Quảng Trị có nhiều nghề thủ công truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Để khôi phục và phát triển, thời gian qua, huyện đã mở nhiều lớp đào tạo, khôi phục nghề truyền thống cho bà con và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nhiều nghề đã được khôi phục, không chỉ trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình mà hơn thế nó đã đưa cái đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều, Pa Cô trở lại với đời sống cộng đồng làm phong phú thêm kho tàng văn hóa vốn có. Trong đó phải kể đến nghề nấu rượu men lá trứ danh của người Vân Kiều dọc theo tuyến đường giáp biên giới Việt Lào có tên gọi là vùng Lìa.

Xã A Dơi một trong những địa phương còn lưu giữ văn hóa nấu rượu bằng men lá rừng. Ở đây đã có sự xen kẻ dân cư giữa 3 dân tộc anh em Vân Kiều – Pa Kô và dân tộc Kinh.Thường những vùng đất như vậy sẽ có nhũng nét văn hoá độc đáo, giao thoa và riêng biệt. Rượu men lá của đồng bào Vân Kiều có lẽ đã khởi nguồn từ đây.

Căn nhà sàn nhỏ nhoi nằm khuất giữa bản làng A Dơi Đớ là nơi nhen nhóm gìn giữ ngọn lửa cuộc sống của bà Hồ A Nai. Bà không nhớ rõ mình đã bao nhiêu tuổi mà chỉ từng nghe người cha kể lại, bà được sinh ra chỉ sau một thời gian Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Tuổi thơ của bà gắn liền với ký ức những ngày theo cha vào rừng hái lá, hái rễ cây về làm men ủ rượu để đón mừng những mùa rẫy mới. Rồi dần già, bà trở thành một nghệ nhân làm men rượu có tiếng trong vùng.

Không thể nhớ mình bắt đầu làm men từ bao giờ nhưng việc chọn lá chọn rễ cây bà lại nhớ đặc điểm của từng loại. Hơn ba mươi loài lá, rễ cùng với nếp rẫy tinh tươm là nguyên liệu chính loài men rượu này.

Với người ngoài thì sẽ không bao giờ được tham gia đi lấy lá và không biết được hết loại lá ấy nhưng với con cháu, bà sẵn sàng truyền nghề như để gìn giữ cho mai sau.

Phỏng vấn: Bà HỒ A NAI – Thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng, Quảng Trị

MC đọc dịch lòng tiếng: Để làm được men này thì phải có rễ, lá cây thuốc, cây riềng, cây tiêu, cây mía cùng với nhiều loại khác ở trong rừng. Đem về phơi thật khô, thật sạch rồi giã chung với nếp rẫy.

Làm men lâu lắm rồi vẫn một cách này thôi, tự tay mẹ làm chứ không ai làm được. Mấy chục năm rồi, lúc nào cũng có men trong bếp.

Ngày xưa thì dễ kiếm hơn, nhưng giờ đi kiếm rễ cây phải đi xa lắm, vào tận rừng bên kia đồi, xa lắm.

Dù không thể biết hết có bao nhiêu loại lá rừng rễ cây, nhưng với chút chia sẽ của bà đủ cho trí tưởng tượng bay bổng hơn: Men lá để chưng rượu này có vị ngọt bùi của mía, có mùi thơm ngát của nếp trên nương, có hương nồng cay của tiêu của riềng. Có lẽ, đó chính là hương vị nồng say độc đáo mà không một loại men nào có được. Làm men là một sự kỳ công tinh tế, ủ và nấu rượu cũng là quá trình tốn nhiều công sức không kém để làm thăng hoa thứ men của lá rừng.

Thường công việc nấu rượu ở vùng bản là của của phụ nữ nhưng người đàn ông này đã may mắn vì được mẹ truyền dạy. Để chuẩn bị mẽ rượu hôm nay, nếp rẫy được nấu thành cơm phơi khô rửa sạch rồi ngâm ủ với men lá cả một mùa trăng. Đối với những người có kinh nghiệm nấu rượu men lá ở vùng này, thời gian ngâm ủ càng lâu rượu càng dậy hương.

Phỏng vấn: Anh HỒ VĂN VEN - Thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng, Quảng Trị (Nội dung: Nấu rượu men lá theo dân tộc mình khá phức tạp, phải nếp rẫy phơi thật khô, nấu thành cơm, phơi lại lần nữa…mỗi thùng nếp bỏ 30 viên men, trộn đều ủ 15, 20 ngày, sau đó ngâm với nước thêm 15,20 ngày nữa rồi mới nấu thành rượu như thế này

Sau hơn 30 phút đun sôi, những giọt rượu đầu tiên đã tuôn trào toả hương thơm nồng nàn. Rượu men lá của đồng bào Vân Kiều nấu ra cũng gần giống quá trình làm mưa. Cơm nếp với men rừng nước suối cũng trải qua quá trình chịu nhiệt độ cao để hấp hơi, rồi ngưng tụ tạo thành dòng khi gặp nguồn nước mát lạnh. Đó cũng chính là sự kết tinh từ thiên nhiên qua bàn tay khối ốc của con người từ đời này sang đời khác. Với đồng bào Vân Kiều - Pa Kô, rượu men lá đã đi sâu vào tiềm thức, trở thành chất nồng say không thể thiếu, như sông như suối, tan chảy vào trong huyết quản của đời sống.

Phỏng vấn: Ông HỒ XUÂN GIANG – Cán bộ VHTT xã A Dơi, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị (Nội dung: “Bữa nay hơi khó khăn tức là rễ cây ngày càng hiếm, phải đi tìm xa, tìm gần không có, khan hiếm lắm. Ở xã A Dơi nếu làm men khoảng 10 hộ, còn nấu rượu như này còn 4,5 gia đình thôi.”     

Trong các nghi lễ tâm linh hay lễ hội của người Vân Kiều – Pa Kô bên những làn điệu dân ca, những âm vang của cồng chiêng, tiếng nỉ non mời gọi của đàn Ta Lư, của Khèn bè thì không thể những chén rượu men lá. Một tính hiệu đáng mừng là rượu men lá đã được đưa vào đề án Bảo tồn phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của ngành văn hoá.

Phỏng vấn: Ông NGUYỄN HƯNG – Phó trưởng phòng Phòng VHTT huyện Hướng Hoá, Quảng Trị (Nội dung: Về văn hoá vật thể và phi vật thể, ngành vh chúng tôi đã chú trọng bảo tồn. Cùng với các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm….rượu men lá đã đưa vào đề án. Chúng tôi sẽ mời các nghệ nhân truyền dạy cách nấu….Nếu đề án thông qua chúng tôi triển khai đưa sản phẩm rượu men lá thành một đặc sản, thành một sản phẩm du lịch, đưa văn hoá của đồng bào đến với bạn bè”          

Ngày nay, dù đã có nhiều loại đồ uống khác nhau, song đặc sản rượu men lá vẫn được người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa lưu giữ và phát triển trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Với họ, rượu men lá không những là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ hội mà còn là quà quý biếu khách đến thăm như một món quà đậm đà hương vị quê hương, chứa đựng tình người, được lưu giữ qua đôi bàn tay của người phụ nữ vùng cao.

 MC: Thưa đồng bào và các bạn, Người Vân Kiều, Pa Kô ở miền tây tỉnh Quảng Trị có đời sống văn hóa vô cùng phong phú, trong đó, văn hóa ẩm thực luôn là điều hấp dẫn đối với du khách gần xa. Ngoài các món ăn đặc sắc thì rượu men lá rừng  được coi là một thứ thức uống vô cùng đặc biệt- góp phần làm phong phú, sinh động thêm vốn văn hóa ẩm thực của người Vân Kiều, Pa Kô. Với những nổ lực của Ngành văn hóa, của bà con dân bản mong rằng hương vị độc đáo của rượu men lá sẽ được biết đến nhiều hơn. Đến đây chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi Quảng Trị xin được tạp dừng, cảm ơn đồng bào và các bạn đã quan tâm theo dõi xin kính chào tạp biệt.

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Vĩnh Nhiên 17/12/2021 17:10
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà