Tạp chí VNCN 26.12
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí VNCN 26.12.2021

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn đến đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến Quý thính giả những nội dung đáng chú ý sau:

-  Ý nghĩa tập sách  “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”

-  Bài viết: Sức mạnh âm nhạc qua bài hátVì Quảng Trị bình yên” tiếp sức chống dịch COVID 19

- Đồng bào Pa Ko, Vân Kiều trong sáng tác của học sỹ Lê Cảnh Oánh

-Tùy bút: “Cam Lộ bây giờ sương vẫn ngọt” của CTV Bội Nhiên

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.Về miền Văn chương Xuân Mỵ

Thưa Quý vị và các bạn! Xuân Mỵ là một trong 65 làng cổ của châu Minh Linh xưa, thuộc huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh ngày nay. Trải qua hơn 500 năm tạo dựng hưng nghiệp, người dân làng Xuân Mỵ đã chung lưng đấu cật, xây dựng hương thôn ngày càng phát triển. Không chỉ có vậy, những người dân quê chân chất ấy đã tạo nên danh xưng đất học với nhiều thế hệ xưa và nay đỗ đạt, thành tài, có ích cho xã hội.

Xuân Mỵ thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nằm về phía bắc của huyện Gio Linh, làng Xuân Mỵ được dòng sông Bến Hải lịch sử và các sông Cánh Hòm, Rào Cụt như những dải lụa xanh uốn quanh ôm ấp lấy làng. Tương truyền rằng, do địa thế của làng như một cái nghiên mực tàu, nên kể từ khi sáng lập hưng nghiệp đến nay trải qua hàng trăm năm mảnh đất này đã sinh ra nhiều thế hệ học hành thi cử đỗ đạt, giúp ích cho đời.  Nói đến địa danh làng Xuân Mỵ hẳn nhiều người sẽ nhớ câu đồng dao xưa “Văn chương Xuân Mỵ”. Phát huy truyền thống can trường có từ xa xưa, người Xuân Mỵ đã chắt chiu nhẫn nại gieo hạt lại gặt mùa. Hiện nay các dòng họ trong làng Xuân Mỵ tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, nhiều người con dân làng Xuân Mỵ thành tài tiếp tục làm rạng danh cho đất học Xuân Mỵ.

2.Quyển sách  “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”

Nghiên cứu thi pháp sáng tác, chỉ ra phong cách thơ Chế Lan Viên và tư duy nghệ thuật cùng chiều sâu, cách thức chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực của tác giả…là nội dung của tác phẩm “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên” của PGS. TS Hồ Thế Hà. Tập sách này cũng vừa tác giả gửi tặng cho Ban quản lý Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên thôn An Thạch, xã Thanh An, huyện Cam Lộ.

Chế Lan Viên là một người con Quảng Trị nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Theo PGS. TS Hồ Thế Hà hành trình thơ Chế Lan Viên là một quá trình phát triển liên tục trên cơ sở có biến đổi, kế thừa; có phủ định nhưng vận động biện chứng: có sáng tạo bổ sung... Với tập sách “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”, PGS. TS Hồ Thế Hà muốn góp thêm tiếng nói khiêm tốn vào việc nghiên cứu thi pháp của Chế Lan Viên lẫn duy nghệ thuật cùng chiều sâu, cách thức chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực, phương thức thể hiện luôn mới mẻ, bất ngờ của nhà thơ CLV.

Hy vọng tập chuyên luận này sẽ là tài liệu quý giá đem đến cho độc giả, người yêu thơ Chế Lan Viên có thêm những góc nhìn thú vị về nhà thơ đầy trí tuệ, triết lý, tiêu biểu bậc nhất của phong trào Thơ mới.

3.Bảo tồn và phát huy lễ hội dân tộc Vân Kiều, Pa Cô phục vụ phát triển du lịch

Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh có 27 lễ hội. Trong đó,  lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chiếm 6 lễ hội, gồm: Lễ hội Mừng lúa mới; Lễ hội Cồng chiêng; Lễ hội Đâm trâu; Lễ hội A riêu Ping; Lễ hội AraPựt; Lễ hội Uống rượu thề. Lễ hội truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô là một phần quan trọng tạo nên di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân.

Trong những năm gần đây, ngành văn hóa rất quan tâm làm thế nào để các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số vừa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch, vừa giữ nguyên được bản sắc. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở VHTT&DL Quảng Trị đã hỗ trợ phục hồi và phát huy giá trị lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhờ đó, nhiều lễ hội tiêu biểu đặc sắc có nguy cơ mai một, như: Lễ hội A Riêu Ping, Lễ Hội Ara Pựt, Lễ hội Uống rượu thề,… nay đã được bảo tồn, được tiến hành một cách nghiêm túc, đảm bảo tính nguyên bản, đồng thời loại bỏ một số hủ tục lạc hậu. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch gần xa.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! những ngày trở lại đây; TP.Đông Hà xuất hiện trở lại nhiều ca Covid-19 cộng đồng. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tp đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao. Bên cạnh sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của các cấp, các ngành; mỗi người dân phải luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch covid bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng.

PTV: Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, cùng với các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm chống dịch thì âm nhạc đóng vai trò không nhỏ trong việc cổ vũ tinh thần khi những ngày toàn dân đối mặt với dịch bệnh. Với  giai điệu tươi trẻ, sôi động cùng những ca từ mang nhiều địa danh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bài hát “Vì Quảng Trị bình yên” của ca sĩ, nhạc sĩ Cáp Anh Tài ra đời trong những ngày đầu tiên của tháng 10 năm 2021 đã mang nhiều ý nghĩa. Trên trang nhật ký điện tử của mình Cáp Anh Tài tâm sự rằng: “Với tình cảm của người con xa quê luôn dành tình cảm yêu thương nhất cho Quảng Trị, tôi mong muốn được đóng góp một phần nhỏ trong khả năng của mình cùng quê hương chống dịch, đặc biệt là những người trên tuyến đầu phòng chống COVID-19”.

Trích bài hát

“Vì Quảng Trị bình yên” tiếp sức chống dịch Covid 19

“Chợt dịch bùng lên nhưng bất ngờ thật mau. Dân quê tôi đã quyết tâm cao không sao. Nên không ai cảm giác lao đao nôn nao. Không bước chân ra, cứ ở trong nhà. Trong gian khó tấm lòng sẻ chia. Gửi Đông Hà mến thương. Từ thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh. Từ Cam Lộ những ân tình Yêu thương gửi quả bầu đọt măng. Từ Gio Linh từ Hải Lăng Cồn Cỏ, Hướng Hóa và Triệu Phong. Từ miền núi cao Đakrông”. Đó là những ca từ trong ca khúc Vì Quảng Trị bình yên của ca sĩ, nhạc sĩ Cáp Anh Tài. Lời bài hát như bức tranh ngôn ngữ âm nhạc khắc họa thực tiễn phòng chống COVID-19 ở tỉnh Quảng Trị trong những ngày thành phố Đông Hà chuyển qua trạng thái giãn cách và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Chia sẽ về bài hát “Vì Quảng Trị bình yên”, ca sỹ, nhạc sỹ Cáp Anh Tài cho biết:

p/v: Ca sỹ, nhạc sỹ Cáp Anh Tài cho biết:

Trích băng và trích bài hát

Với mục đích sáng tác ca khúc Vì Quảng Trị bình yên là tiếp thêm niềm lạc quan, niềm tin tươi sáng với mọi người nên ca sĩ, nhạc sĩ Cáp Anh Tài sử dụng phong cách nhạc POP và ca từ mộc mạc, gần gũi thể hiện hình ảnh chân thực để khi nghe là người Quảng Trị thấy mình trong đó. Đồng thời, chính thông điệp “Đồng lòng chống dịch thành công” đã quyết định cách thể hiện ca khúc bằng nhiều giọng hát và phong cách biểu diễn của các ca sĩ. Vì vậy mà Vì Quảng Trị bình yên có sự tham gia của NSƯT Vân Khánh, Lâm Chấn Huy,  Như Hải Yến, Trần Hữu Kiên, Thanh Quý, Gia Hân, Thạch Thảo, Chính Hưng, Gia Nhật, Băng Châu, Anh Tú, Thanh Bình và Hoàng Hiệp. Đặc biệt, bài hát được thực hiện khi thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đông Hà đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh covid 19 nên mỗi ca sỹ  phải tự thu âm và ghi hình bằng điện thoại nhưng họ vẫn “cháy” hết mình với giai điệu trẻ trung và những ca từ lạc quan làm nên phong cách tươi trẻ cũng như sự đa dạng của MV Vì Quảng Trị bình yên.

Trích hát

Cổ vũ tinh thần chống dịch COVID-19, Vì Quảng Trị bình yên là bài hát đầy màu sắc và lôi cuốn người nghe bởi nhịp điệu sôi động, lời ca truyền cảm. Ca khúc đã vẽ bức tranh nhiều màu sắc, hình ảnh của Đông Hà trong đó nổi bật là sự đồng cảm, sẻ chia của người dân tỉnh Quảng Trị với Đông Hà đang "ốm". Đồng thời với tình cảm thương yêu hướng về quê nhà ruột thịt; nhạc sĩ, ca sĩ  Cáp Anh Tài cũng thể hiện sự biết ơn đối với sự hi sinh và những đóng góp của các lực lượng trên tuyến đầu và sự đồng lòng, chung sức của người dân trong công tác phòng chống dịch: “Những người chiến sĩ công an. Những người lính, những tình nguyện viên. Cho quê hương bình yên. Bao gian khó sẵn sàng vượt qua, dù gia đình cách xa..” Đó là những thiên thần áo trắng mang trong tim truyền thống quê hương yêu thương. “Trong gian nan vất vả chăm lo mang cho. Sức khỏe bao người, hơi thở nụ cười. Cho COVID không còn ở đây”.

P/v: Ca sỹ, nhạc sỹ Cáp Anh Tài cho biết thêm:

Trích băng và trích bài hát

          Giữa những ngày tháng cam go đầy thử thách này, lời của bài hát Vì Quảng Trị bình yên vang lên đã cổ vũ tinh thần toàn dân phòng chống COVID-19 lay động ý thức và trái tim của mỗi người bằng những nốt nhạc lan tỏa tinh thần lạc quan về tương lai- đây chính là liệu pháp vaccine tinh thần hỗ trợ cộng đồng bền sức cùng nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch như đoạn kết của bài hát  Vì Quảng Trị bình yên mang những âm giai, thông điệp như thế: “Bừng tươi hồng nắng mai. Vang Thành Cổ nối nhịp Hiền Lương, cùng trao tình mến thương. Chung tay sớm đẩy dịch lùi xa. Đồng tâm của chúng ta. Yêu thương lắm Quảng Trị của tôi. Bình yên đến muôn nơi”...

Trích bài hát

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa Quý vị và các bạn! Họa sỹ Lê Cảnh Oánh là một trong những gương mặt trẻ của Phân hội mỹ thuật Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Huế, Lê Cảnh Oánh đã chọn vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa để lập nghiệp và gắn bó với nghề giáo. Ngoài giờ lên lớp, Lê cảnh Oánh lại trở về với thế giới hội họa của mình.

PTV: Anh sáng tác nhiều đề tài khác nhau. Song có lẽ một trong những chủ đề luôn mang đến cho Cảnh Oánh nhiều cảm xúc nhất chính là đời sống văn hóa và sinh hoạt của đồng bào Pako, Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị. Đó là lý do để Lê Cảnh Oánh đưa vào trong tranh của mình với nhiều góc nhìn khác nhau với những tp như: “ Bên mái nhà sàn, Tà Cơn gặp lại, Nhịp hội cồng chiêng, Người mẹ Vân Kiều”..

PTV: Trong chương trình hôm nay, BTV Ánh Tuyết có cuộc trò chuyện của họa sỹ Lê Cảnh Oánh để hiểu hơn về những tác phẩm mang sắc màu của đồng bào Pako, Vân Kiều của anh. Mời Quý vị và các bạn cùng nghe!

-Thưa họa sỹ Lê cảnh Oánh! Được biết, trong rất nhiều sáng tác của mình, anh dành rất nhiều cảm xúc với chủ đề về đời sống Văn hóa tinh thần của đông bào Pako, Vân Kiều Quảng Trị. Anh có thể chia sẽ về điều này ạ?

-Vậy so với những chủ đề thông thường thì khi sáng tác về đời sống của đồng bào nơi đây; anh có những cách thể hiện khác biệt ntn ạ?

-Và chắc chắn bản thân anh trong quá trình sống ở vùng đất Hướng Hóa đã có một quá trình tìm hiểu phải ko ạ?

 -Sau một thời gian gắn bó với đời sống của người Pako, Vân Kiều; điều khiến anh yêu mến nhất là gì ạ?

-Thưa họa sỹ Lê Cảnh Oánh! Vậy khi vẽ về đồng bào Pako Vân kiều thì anh sử dụng chất liệu và màu sắc ntn để thể hiện ý tưởng của mình một cách trọn vẹn?

(nối)

Xin cảm ơn họa sỹ Lê Cảnh Oánh với cuộc trò chuyện hôm nay

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai cũng có cội nguồn,  ai cũng có quê hương của riêng mình.  Nơi ấy ta sinh ra và lớn lên và gắn bó với những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ tươi đẹp.  Đó cũng là những cảm xúc được CTV Bội Nhiên gửi gắm qua tùy bút: “Cam Lộ bây giờ sương vẫn ngọt’ trong phần cuối chương trình hôm nay.

Trích bài hát: Ký ức một miền quê

Cam Lộ bây giờ sương vẫn ngọt

Với tôi, chuyến đi này thật sự là một cuộc hành hương về với cội nguồn. Cội nguồn ấy là Cam Lộ, nơi chôn nhau cắt rốn của Mạ tôi tám mươi năm về trước. Để rồi về sau, mảnh đất ấy mãi mãi là giọt sương ngọt lành ngấm vào da thịt trong từng ngày tôi sống, mỗi ngày đi qua. Đã từ lâu, tuổi trẻ của tôi thắc thỏm đợi chờ cái ngày mình được trở lại đứng trên chiếc cầu Đuồi ngắm nhìn phiên chợ làng, ngôi đình rợp tán cây xanh và xóm, thôn trên biền bãi dọc đôi bờ sông Hiếu. Trong tâm trí của tôi, những hình ảnh đó cùng khoảng thời gian gần nửa đời người với bao chuyến đi xa, có nhiều buồn vui tán tụ làm nên tâm trạng bồn chồn háo hức của tôi trước chuyến đi này.

Sáng tinh mơ. Chiếc xe khách ngược đường 9. Trong lúc mải mê nhìn ngắm cảnh vật xung quanh đang lần lượt hiện ra trước mắt qua ô cửa nhỏ, tôi thấy rõ vô vàn giọt sương lớn nhỏ đang đọng trên cành lá của cây cối hai bên đường. Những giọt sương long lanh, trong suốt như thế đã có trong ký ức của tôi từ cái ngày tôi ngây ngô hỏi Mạ: -“Tại sao quê mình được gọi là Cam Lộ?”. Ánh mắt của Mạ tôi lúc đó trìu mến và hiền như ý nghĩa của tên gọi miền đất cha ông. Lớn lên, qua bài học lịch sử ở trường tôi biết thêm về vó ngựa của Lý Thường Kiệt, thuộc lòng câu chuyện Huyền Trân công chúa thành hoàng hậu Chiêm Thành mà tự hào với tên gọi Việt Thường từ xa xưa.

Đặt chân lên con đường vào khu chợ làng ngày nào… tôi có cảm giác mình vừa mới tập đi những bước chân đầu tiên. Nắng đang lên, nắng chiếu xuống hàng cây ở hai bên đường và những thửa ruộng xanh mơn mởn nhấp nhô gợn sóng khi ngọn gió ban mai nhẹ nhàng lướt qua. Phiên chợ làng hôm nay cũng đã được bắt đầu bởi đã có những cô gái gánh rau quả đi về phía chợ. Hiếu nhận ra tôi giữa qua lại những người vào ra trước chợ. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Vòng tay của Hiếu rắn rỏi và thân ái. Lòng tôi dịu lại khi Hiếu đưa tôi vào nhà, nghe Hiếu vui mừng giới thiệu tôi với những người gặp trên đường. Chén nước chè xanh sóng sánh trên tay Hiếu đưa cho tôi với nụ cười giúp tôi hiểu, với những người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cam Lộ, dù có đi đâu về đâu và làm gì chăng nữa thì hương vị của chén nước chè xanh ấy vẫn không hề phai nhạt trong tâm tưởng. Tôi nhẩm tính khoảng thời gian mình chỉ được sống với quê mẹ trong thương nhớ theo miền ký ức đằm đẳm về nơi đã và đang cho mình rất nhiều yêu thương. Cho dẫu giờ đây, đường đi lối lại ở đây đã khác trước rất nhiều thì tôi vẫn muốn tự mình tìm đến với những gì mà ngày trước tôi đã từng quen thuộc. Thời gian đã đắp đổi cho cuộc sống của những con người ở hai bờ dòng sông Hiếu hiền hòa này bao nhiêu là mới mẻ và tôi vẫn là một người con của Cam Lộ, sẽ khám phá thêm những điều mà mình từng rõ, đã tường ở quê nhà.

Trở lại quê nhà Cam lộ hôm nay: Những dãy nhà san sát ở hai bên đường 9, tường vôi xanh tươi và vàng ấm đã làm nên phố mới cho lời thừa nhận Cam Lộ đã đổi sắc thay da thêm phần mạnh mẽ. Lớp trẻ của quê tôi giờ đã được học hành chu đáo hơn nhiều lần so với cái thuở tôi cùng bạn bè hát câu ca mơ ước: -“Cam Lộ quê em có đồng lúa xanh tươi, chiều chiều đàn em cắp cặp sách tới trường”. Những ngôi trường cao bề thế cho các lứa tuổi đang vang vọng tiếng đọc bài, tiếng vui đùa ríu rít của trẻ thơ. Ngày còn bận bịu với công việc và niềm khắc khoải được trở lại quê nhà, tôi đã nghe nhiều về những gì mà con người ở quê ngoại của mình đang làm được. Đó là một vùng Tân Lâm xanh ngắt với bạt ngàn hồ tiêu, cao su, dâu tằm cùng ngọt mát dòng nước khoáng thiên nhiên. Là vùng lúa từ bãi chiến địa hoang tàn đỏ thắm đất bazan quyện máu và nắng lửa đã tươi xanh trở lại với những gò đồi được trồng cây công nghiệp. Là các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu... trở thành vùng trọng điểm lúa. Vị cay nồng của hạt tiêu, màu trắng của dòng nhựa cao su và những nén tơ óng ả, những lạc, vừng, ngô, đậu…đang cho tôi niềm hy vọng về sự giàu đẹp của quê ngoại trong những thời gian tới. Làm sao không tin được như thế khi đi trên con đường xuyên Á kéo ngang Cam Lộ để về cảng Cửa Việt làm nên một chặng dài xa lộ băng qua cánh đồng Trào Ba, băng qua dòng sông Hiếu, xuôi về Sòng, vượt Cam An... rồi đến với cảng biển rộng mở ở chân trời. Hiện thực đó đã làm lòng người trên quê ngoại của tôi rộn ràng vui chi lạ.

Đêm xuống dần. Phiên chợ làng đã vãn từ lâu, tán cây nơi sân đình thẫm lại, tiếng xe chạy qua cầu Đuồi nghe rõ mồn một. Lòng tôi chợt rộn lên khi nhìn thấy ánh điện bắt đầu chiếu sáng trong từng mái nhà dọc hai bờ sông Hiếu, ở phía gò đồi. Bước đi trên những con đường đã được mở rộng giữa làng ngoại của mình, tôi hiểu rằng thôn này xóm kia giờ đây không còn cách xa nhau vời vợi. Bởi đã có những con đường mà hôm qua và hôm nay được con người làm nên để nối gần những nẻo vui của cuộc đời đẹp dần hơn thêm trước mưa nắng mênh mang. Đó là những miền đất của quê hương đang trở thành các thung lũng lá và hoa. Ở đó, mỗi khi đêm xuống hay bình minh lên, có vô vàn những giọt sương long lanh. Mỗi khi chạm môi mình vào những giọt sương ở đó, con người luôn có cảm giác mình đang uống dòng sữa mẹ mãi mãi ngọt ngào.

Trích bài hát: Cam Lộ miền sương ngọt

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! Ca khúc Cam Lộ miền sương ngọt- một sáng tác của nhạc sỹ Võ Thế Hùng cũng đã khép lại Tạp chí VNCN tuần này….

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 23/12/2021 17:34 Lê Vĩnh Nhiên 24/12/2021 14:09

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà