âm nhạc và đời sống
Danh mục
Âm nhạc và đời sống
NỘI DUNG

 QRTV: Mùa đông đến mang cho con người biết bao cảm xúc. Cái lạnh thấm dần trong từng làn da thớ thịt khiến bàn tay muốn nắm lấy bàn tay và người muốn gần người hơn để thêm ấm áp. Trong không gian se lạnh của tháng cuối năm, những bản nhạc du dương sâu lắng là những thanh âm không dễ gì ta quên. Với chủ đề “ mùa đông không lạnh” kính mời quý vị và các bạn cùng lắng lại lòng mình để thưởng thức những ca khúc hay về mùa đông. Chương trình Âm nhạc và đời sống được phát sóng vào lúc 17 h ngày 7/ 1/2022 và được phát lại vào 16h ngày 9/1 trên sóng Radio của Đài PTTH Quảng Trị.

 

               

                           CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC VÀ ĐỜI SỐNG

                             ( 1/1/2022)- Chủ đề “ Mùa đông không lạnh               

                                      Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

         

MC: Như Quỳnh và Đỗ Hằng rất vui khi được gặp lại  quý vị và các bạn trong CT âm nhạc và đời sống. Chúc quý vị những ngày cuối tuần sức khỏe và bình an. Bây giờ hãy để cho những gia diệu của chương trình kết nối yêu thương, các bạn nhé

( Kỷ thuật phát bài hát Mùa đông không lạnh- Akira Phan hát, lồng nhạc dạo vào giộng dẫn MC trước)

MC: Kính thưa quý vị,  bài hát “Mùa đông không lạnh” qua sự thể hiện của ca sỹ trẻ Akiri Phan như là một thông điệp. Mùa đông đến mang cho con người biết bao cảm xúc. Cái lạnh thấm dần trong từng làn da thớ thịt khiến bàn tay muốn nắm lấy bàn tay và người muốn gần người hơn để thêm ấm áp. Mùa đông lạnh lẽo nhưng lại có cái đẹp của riêng nó. Thiên nhiên lạnh lẽo nên con người cảm nhận được rõ rệt hơn cái ấm áp trong lòng họ. Nhưng nếu như không có cái ấm áp từ bên trong ấy thì mùa đông trở nên lạnh lẽo gấp muôn lần.

Trong không gian se lạnh của tháng cuối năm, những bản nhạc du dương sâu lắng là những thanh âm không dễ gì ta quên. Với chủ đề “ mùa đông không lạnh” trong chương trình hôm nay, kính mời quý vị và các bạn cùng lắng lại lòng mình để thưởng thức những ca khúc hay về mùa đông.

1/ Kỹ thuật mở bài hát “ Một ngày mùa đôngBằng Kiều thể hiện.

MC: Mùa đông đến cùng những cơn gió lạnh, những hàng cây vắng tanh, tiếng mưa phùn rơi và đem theo cả những ký ức buồn về tình yêu. Trong một ngày mùa đông vắng lặng, chàng trai trong bài hát nhớ về người yêu và chợt nhận ra tình cảm của mình quá mãnh liệt. Tuy nhiên, tình cảm xưa kia giờ chỉ còn là “bờ cỏ này giọt sương đã tan, bậc thềm này còn in dấu chân”.

MC: Chàng trai ấy chờ đợi mãi để rồi xót xa: “Giờ đây anh biết anh biết đã mất em rồi đấy, ngày mùa đông đến nghe tiếng xa vắng mưa phùn rơi”. Nếu như tình yêu ở mùa xuân là những e ấp, ngượng ngùng của một mối tình chớm nở, mùa hè thể hiện cho tình yêu mãnh liệt, mùa thu là tình yêu ngọt ngào, dịu êm thì mùa đông lại thường gắn với những tâm sự buồn đau. Các ca sỹ Lê Hiếu, Tuấn Hưng hay Bằng Kiều mà quý vị vừa thưởng thức đều là những giọng ca nam đem tới cho Một ngày mùa đông những sắc màu riêng biệt.

2/  Kỹ thuật mở bài hát “ Nỗi nhớ mùa đôngThu Phương thể hiện.

MC:

“…Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi…”

Bài hát kinh điển về mùa đông của cố nhạc sĩ Phú Quang mỗi lần vang lên lại đem tới cho người nghe một cảm giác se lạnh và nỗi nhớ bất tận. Những cơn gió mùa đông bắc thổi qua từng mái nhà báo hiệu mùa đông về, màu vàng của những chiếc lá thu giờ nằm dưới mặt đất, tiếng chuông chiều vang vọng từ nơi xa vắng đều là những hình ảnh gợi lên “nỗi nhớ mùa đông”.

MC: Câu hát da diết “Làm sao về được mùa đông” như lời của tác giả thúc giục những gì đẹp đẽ trong quá khứ quay trở lại, để rồi cuối cùng phải “thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”. Có rất nhiều giọng ca thể hiện Nỗi nhớ mùa đông theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng nỗi nhớ khắc khoải, mãnh liệt nhất dường như vẫn là trong phiên bản của ca sĩ Thu Phương, trích từ album Đêm nằm mơ phố.

2/ Kỹ thuật mở bài hát “ chuyện của mùa đôngca sỹ Hà Anh Tuấn thể hiện.

MC: “Kìa nắng lên rồi, buổi sáng yên vui trong tiếng nhạc

Có bao giờ đông ngọt ngào đến thế

Mùa đông dịu dàng đến thế

Lắng nghe tiếng em khẽ cười.”

Đó là Lời bài hát “Chuyện của mùa đông”  ca sỹ  Hà Anh Tuấn vừa thể hiện. Một năm bốn mùa, mỗi mùa mỗi vẻ đẹp riêng. Có người yêu thích màu sắc rực rỡ chan hòa của mùa xuân, có người lại thích mùa hè sôi động, cũng không ít người trót say mê vẻ đẹp quyến rũ của mùa thu. Còn mùa đông thì sao?

MC: Cái thời tiết phảng phất sương lạnh phả vào người mỗi sớm mai, nhìn hàng cây thu mình trong không gian mờ ảo, khẽ kéo kéo áo khoác lên thật cao, hít một hơi cảm nhận bầu không khí vô cùng đặc biệt của tiết trời mùa đông, không chỉ có sự lạnh lẽo mà còn hoà lẫn sự trầm lắng thư thái đến lạ, khiến không ít người thốt lên rằng: “À thì ra mùa đông dịu dàng đến thế!”

Khi những cơn mưa vừa dứt, đợt áp thấp đi qua, chẳng còn ngày mưa nặng hạt nhưng không khí se lạnh vẫn còn vấn vương. Nhưng đến khi ngẫm nghĩ lại mới chợt nhận ra, cái lạnh này nào phải do mưa mà là mùa đông đã về rồi đấy thôi!

            Nhạc cắt + Lời xướng mục “ Tác giả và Tác phẩm”

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Đêm đông ” nhạc Nguyễn Văn Thương , ca sỹ Cẩm Vân thể hiện thể hiện)

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông

Đó là 2 câu mở đầu của bài hát Đêm Đông rất nổi tiếng được cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác từ năm 1939. Đã hơn 80 năm qua, ca khúc bất hủ này vẫn được nhiều thế hệ yêu thích. Với những ai ở vào hoàn cảnh tha hương lữ thứ, nếu đã từng có những bước lang thang vô định ở xứ người, chắn chắn đều sẽ cảm thấy đồng cảm sâu sắc với những ca từ trong bài hát


Đêm 29 Tết, khi bạn bè đều đã về quê hết, chàng học trò nghèo buồn lang thang khắp phố phường Hà Nội. Đi ngang qua ga Hàng Cỏ, nhìn mọi người tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã, ông đã rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Sau đó ông về nằm ở nhà trọ số 10 phố Hội Vũ. Căn gác trọ làm bằng gỗ, đêm mùa đông rét, gió thổi qua khe cửa… Từ khung cảnh ấy, dòng chảy của một ca khúc cứ tuôn trào:

Kỷ thuật phát đoạn 1:

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời

Tiếng chuông trong câu hát này được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương giải thích là tiếng chuông chùa, hoặc chính xác hơn là chuông gia trì của giới Phật tử tại gia dùng để gõ mỗi khi thắp nhang hoặc đọc kinh hàng đêm. Đó là tiếng chuông buông lững lờ, chứ không phải là từng hồi chuông đổ như tiếng chuông nhà thờ. Dù vậy, trong hầu hết các bản hòa âm Đêm Đông sau này, các nhạc sĩ thường đưa vào tiếng chuông nhà thờ. Có lẽ bởi không khí lạnh lẽo đêm đông của bài hát rất gần gũi với một đêm

Kỷ thuật phát đoạn 2:

Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu

Muôn đời xưa và nay, giao thừa luôn là dịp để đoàn viên, được quây quần bên người thân. Nhưng với người lữ thứ lang thang ngoài phố thì chỉ thấy duy nhất một nỗi cô đơn hoang lạnh vô bờ. Khoảnh khắc này thời gian cứ chầm chậm trôi qua trong tê tái, xung quanh toàn là những hình ảnh gợi sầu, như hàng cây trút lá, mưa giăng mắc, hay là sương phủ đường khuya, tất cả tạo nên một khung cảnh đìu hiu như chính tâm trạng của người.

Kỷ thuật phát đoạn 4:

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phụ
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng

 Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng

Dưới con mắt của nhạc sĩ, phút giao thừa không chỉ có đoàn viên, mà vẫn có nhiều người đồng cảnh ngộ khác, như là bên song kia có người chinh phụ ngẩn ngơ mong chồng. Trong lúc này, rất có thể người chinh phu đang băng mình giữa chốn rừng sâu. Qua một con phố khác, lữ khách chợt thấy một “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”, là hình ảnh một cô ca nhi ngồi buồn trong căn nhà gỗ… Trong khoảnh khắc đó, chàng nhạc sĩ trẻ đã thấy đồng cảm với nỗi buồn của chinh phụ, và với hoàn cảnh người “ca nhi” vắng khách, chỉ biết ngồi đối gương cô đơn ôm sầu lạnh. Ba mảnh đời, ba số phận nhưng cùng một tâm trạng với nhau.

Kỷ thuật phát đoạn 5:

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình yêu thương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà


Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương để kể lại hoàn cảnh sáng tác và giải thích về hình tượng “ca nhi đối gương” như sau: “Đêm giao thừa, không có tiền để về quê đoàn tụ với gia đình ngày đầu năm, buồn, nhớ tái tê lắm, tôi lang thang ở ga Hàng Cỏ, nhìn người qua tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã. Từ nỗi niềm riêng, tôi chạnh lòng liên tưởng để chia xớt với những ai cùng cảnh ngộ phải xa nhà trong đêm giao thừa”

Mời quý vị nghe lại bài hát “ Đêm Đông” qua sự thể hiện khác. Nam ca sỹ Vũ Khanh

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Đêm đông ” nhạc Nguyễn Văn Thương , ca sỹ Vũ Khanh thể hiện thể hiện)


Xướng và nhạc cắt mục “ Câu chuyện âm nhạc”

          ( Kỷ thuật viên phát bài hát “Nơi tình yêu bắt đầu ” Bằng Kiều- thể hiện) 

MC: Thưa quý vị, quý vị vừa nghe ca khúc “ Nơi tình yêu bắt đầu” qua sự thể hiện của song ca Bằng Kiều- Lam Anh. Một trong những sáng tác của nhạc sỹ Tiến Minh. Chắc nhiều người chưa được biết rõ về nhạc sỹ Tiến Minh, trong chương trình này chúng tôi sẽ giới thiệu về sự nghiệp sáng tác của anh.

Phùng Tiến Minh, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1978.  là một diễn viên phim truyền hình và diễn viên kịch, nhạc sỹ, ca sỹ. Anh được nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 2019 sau những đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà

Ngoài là diễn viên kịch, Tiến Minh còn đóng phim. Anh đóng các vai chính diện trong Tình thắm Sapa, Nhọc nhằn cửu vạn, Hoa cúc trắng. Tiến Minh còn đóng cả hài kịch, đáng chú ý nhất là các bộ phim hài Tết do Công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long sản xuất như Chôn nhời, Cổ tích thời @, Cụ tổ hiển linh,... đồng thời anh còn là nhạc sĩ sáng tác ca khúc trong các bộ phim hài đó.

Ca khúc đầu tiên Phùng Tiến Minh sáng tác vào năm 1992. Phần nhiều ca khúc anh sáng tác là nhạc cho phim và kịch. Tính đến cuối năm 2013, Phùng Tiến Minh viết ca khúc và nhạc cho hơn 40 phim truyền hình và gần 20 vở kịch. Lần đầu tiên Tiến Minh viết ca khúc cho phim vào năm 1999 cho bộ phim Nhọc nhằn cửu vạn. Anh khi đó là diễn viên trong phim. Khi đạo diễn chưa ưng ý bài hát cho phim, Tiến Minh đã đưa bài hát do mình sáng tác và được chấp nhận. Sau này, anh có nhiều bài hát nổi tiếng cho các bộ phim như Đi qua bóng tối, Vệt nắng cuối trời, Con đường hạnh phúc...

Tuy sáng tác nhiều bài hát nhưng Tiến Minh chưa qua trường lớp đào tạo sáng tác bài bản nào. Vì vậy anh không cho rằng mình là nhạc sĩ. Anh cho rằng mình thiếu chuyên nghiệp và viết nhạc chỉ để kiếm tiền đóng phim.

Một số bài hát của anh không dễ hát nên nhiều lúc anh thể hiện luôn tác phẩm của mình. Ngoài tên thật, Tiến Minh còn sử dụng một số nghệ danh khi trình bày tác phẩm như Minh Tiến (tên em trai), Minh Hiếu (tên con trai). Mời quý vị nghe lại ca khúc viết về tình yêu trong mùa đông này qua sự thể hiện khác,  tươi mới của ca sỹ trẻ Bùi Anh Tuấn

          ( Kỷ thuật viên phát bài hát “Nơi tình yêu bắt đầu ” Bùi Anh Tuấn- thể hiện) 

 

 

 MC: Khi nghe ca khúc này, người nghe thấy cảm giác lưu luyến những ngày tháng cũ vừa trôi qua, đồng thời tin tưởng vào những ngày mai “chứa chan niềm tin yêu”. “ Khi tình yêu bắt đầu” đã trở thành một trong những bản nhạc được yêu thích nhất khi mùa đông về. Đó không chỉ còn là một bản nhạc mà là một câu chuyện tình rất đẹp của bao lứa đôi.

Vâng, Có người từng nói, mùa đông là mùa của đất trời nghỉ ngơi, vạn vật như đang chìm trong giấc ngủ sâu, chỉ còn lại sự lạnh lẽo và khắc nghiệt để chờ đợi ngày được “khoe sắc” dưới đất trời mùa xuân. Tuy nhiên, dù cho sự giá rét có vây quanh, nhiều người vẫn yêu thích và muốn cảm nhận thật rõ mùa đông theo cách của mình.

Những người thực hiện chương trình Việt Hà, Như Quỳnh, Đỗ Hằng và Vĩnh Lộc chúc mọi người một một mùa đông ấm áp tình thân.

 ( Chèn bài hát “Nơi tình yêu bắt đầu ” Bùi Anh Tuấn- thể hiện vào giọng đọc trên đến cuối chương trình)

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 04/01/2022 16:41 Nguyễn Việt Hà 04/01/2022 16:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà