Quảng Trị du kí - Sắc hoa An Lạc
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Sắc hoa An Lạc

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Đi đâu, ăn gì là những gợi ý về điểm đến và món ăn ngon của Quảng Trị được giới thiệu hàng tuần trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Thông qua chuyên mục Quảng Trị du kí, du khách biết đến nhiều hơn cảnh đẹp của quê hương và lựa chọn cho mình những món ăn yêu thích khi lưu trú tại Quảng Trị.

Trong Quảng Trị du kí tuần trước, chúng ta đã cùng nhau có những trãi nghiệm thú vị với hành trình khám phá những miền quê trên mãnh đất Quảng Trị thân thương, cùng thưởng thức các món ngon và sự độc đáo của ẩm thực quê nhà. Trong chương trình hôm nay, hãy cùng chúng tôi đến với những vùng đất mới và tìm hiểu những điều thú vị nơi đây.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, làng hoa truyền thống An Lạc nằm bên dòng sông Hiếu thơ mộng, ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) lại rộn ràng khoe sắc đón Tết. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên đến thời điểm này các hộ trồng hoa đang hoàn thành các khâu cuối để cung cấp hoa đáp ứng thị trường tết. QTDK tuần này mời quý vị và các bạn cùng đến với Sắc hoa An Lạc

 

Thưa QV&CB! Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, nắng ấm nên khắp nơi bên bờ sông Hiếu đã khoác lên mình sắc màu rực rỡ, tươi đẹp của muôn hoa đua sắc. Khắp nơi trong làng hoa, đâu đâu cũng bắt gặp người dân tất bật cắt tỉa, chăm bón từng luống, chậu, cây hoa để mang lại niềm vui cho mọi nhà, mọi người. Đêm đến, cả một vùng rực sáng bởi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn được các hộ dân thắp sáng cho cây phát triển, trổ hoa đúng dịp Tết cổ truyền mừng xuân mới.

Anh Hoàng Hữu Khiêm, Tổ trưởng Tổ trồng hoa An Lạc cho biết: năm nay, làng hoa An Lạc có hơn 20 hộ tham gia trồng hoa trong chậu tập trung, cung ứng cho thị trường tết, hiện hoa đang vào thời kì làm nụ, người trồng hoa An Lạc đang tập trung chăm bón để cây phát triển tốt nhất, nhằm cung ứng cho thị trường những chậu hoa chất lượng, bên cạnh đó thì người dân An Lạc còn tìm tòi trồng thêm nhiều loài hoa khác để đáp ứng như cầu phong phú của thương lái cũng như của người dân.

Đến Đông Giang thời điểm này chúng ta bước vào không gian ngập tràn của các màu hoa, nhìn những chậu hoa rực rỡ khoe màu khiến chúng ta cảm nhận được mùa xuân đến rất gần rồi. Bên cạnh hoa cúc là loại hoa truyền thống thì vùng hoa An Lạc còn trồng rất nhiều loại hoa cảnh để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp tết như đồng tiền, dạ yến thảo, hoa hồng…

Làng hoa An Lạc thực sự là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh dịp tết đến xuân về, nhiều người đến với làng hoa không chỉ để lựa chọn cho mình những chậu hoa yêu thích mà muốn có được cái cảm giác nôn nao đón tết. Với các bạn trẻ, đây là lúc các bạn diện cho mình những bộ quần áo đẹp, đi giữa những cách đồng hoa và lưu lại cho mình những kỉ niệm đẹp. Những năm trở lại đây, trào lưu chụp ảnh hoa tết cũng trở nên đắt khách, rất nhiều gia đình, nhiều nhóm bạn đã lựa chọn những khu chợ hoa, vườn hoa An lạc … để thực hiện những bộ ảnh đẹp cho mình.  Những cách hoa khoe sắc cùng dòng người vội vã ngày tết, khiến cho ta thấy mùa xuân đang rất gần. Bạn Đan Khanh ở thành phố Đông Hà chia sẻ:

Trích tiếng

Nghề trồng hoa, cây cảnh ở làng An Lạc có từ rất lâu. Đất đai thổ nhưỡng ở An Lạc thích hợp với việc trồng hoa, thuận lợi cho tưới tiêu từ nguồn sông Hiếu và người dân đã không bỏ qua những ưu đãi mà thiên nhiên, đất trời đã dành cho nơi này. Lúc đầu chỉ có ít hộ trồng hoa cây cảnh để sử dụng trong gia đình và bán cho người dân vào dịp tết cổ truyền, sản phẩm tiêu thụ tại địa phương là chính. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng hoa và cây cảnh của người dân tăng lên, thu nhập từ nghề trồng hoa cũng cao hơn, do vậy nghề trồng hoa nơi đây phát triển rất nhanh. Sản phẩm chủ yếu là cúc, tuylíp, ly, đồng tiền, dạ yến thảo, vạn thọ, hồng, hoa pháo... cùng một số cây cảnh (bonsai) như sung, mai vàng, lộc vừng, sanh, bồ đề…

Không chỉ trồng hoa dịp tết, nhiều hộ gia đình ở An lạc trồng hoa quanh năm, mỗi năm thu hoạch nhiều vụ, cung cấp nhiều loại hoa quý cho thị trường hoa tươi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh lân cận như Huế, Quảng Bình vào các dịp lễ, tết, và vì hoa An Lạc là loại hoa thuần với vùng khí hậu ở địa phương, lại có sắc hoa tươi và cánh hoa đẹp nên rất được ưa chuộng.

Qua thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế trồng hoa cao hơn nhiều so với nhiều ngành nghề khác. Kinh tế phát triển, diện mạo An Lạc đã có nhiều đổi thay. Hòa cùng nhịp hối hả của những ngày cuối năm, dạo qua làng hoa, cây cảnh, An Lạc để cảm nhận được mùa xuân đang đến rất gần. Những người trồng hoa cũng tràn đầy hy vọng hoa và cây cảnh sẽ mang lại một cái tết no ấm, đủ đầy, hạnh phúc.

******

QV&CB thân mến! Những ngày tết đến xuân về, bên cạnh bánh tét, dưa món, chân giò hầm măng… thì bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung. Ngày xưa, trước Tết khoảng 5 – 6 ngày, nhà nhà bắt đầu rộn ràng với việc đổ bánh thuẫn. Đây là món ăn đã gắn bó với kí ức của rất nhiều người. Hãy cùng QTDK tìm hiểu về món ngon này nhé.

Bánh thuẩn là loại bánh phổ biến đối với người dân Quảng Trị, nhất là khi tết đến xuân về. Công thức để làm bánh thuẩn cũng khá đơn giản, nguyên liệu chính là bột, trứng và một chiếc khuôn bánh làm bằng gang hoặc đồng. Một khuôn bánh thường có 6 đến 8 chiếc bánh nhỏ bên trong.

Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Công đoạn khó nhất là việc pha và đánh bột. Bột dùng để làm bánh là bột năng, bột bình tinh được pha với nhau theo một tỷ lệ nhất định. Trứng để làm bánh là trứng gà, trứng vịt hoặc sử dụng cả hai loại tùy theo sở thích của từng gia đình. Trứng cho vào với đường và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào và đánh cho đến khi hỗn hợp đó quyện lại và dậy lên là được. Sau khi đánh xong, cho vào một ít vani để có hương thơm.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì bắt đầu đổ bánh. Khuôn bánh rửa sạch, đặt lên lò than và làm nóng hai mặt bằng cách gắp vài cục than đang cháy đỏ để lên nắp khuôn. Một chén dầu được đặt bên cạnh, dùng cây cọ hoặc dùng cọng xanh của lá chuối đập dập một đầu, nhúng vào chén dầu và trét vào các khuôn bánh. Khi khuôn bánh đã đủ nóng, múc bột đổ vào từng khuôn nhỏ. Khi đổ phải nhớ canh lượng bột, không được đổ nhiều quá vì bánh lâu chín, lại bị dính ra xung quanh không đẹp. Nếu đổ ít quá bánh lại không đủ bột để nở bung và dễ cháy, chỉ nên đổ bột vừa ngang mép khuôn là được.

Sau đó đậy nắp bánh lại, nhớ canh than cháy đều cả bên dưới và bên trên nắp khuôn. Khi bánh bắt đầu tỏa mùi thơm phức, dùng những cây tre được vót nhọn, xiên bánh ra. Bánh thuẫn đạt tiêu chuẩn phải nở bung như cánh hoa mai và có màu vàng ươm trên bề mặt, phần dưới bánh có màu vàng đậm. Sau khi đổ xong hết các mẻ bánh, bánh thuẫn được xếp lên nong và đem hong khô trên bếp nhỏ lửa để bánh săn lại, ngon và để được lâu hơn, không bị mốc.

Ngày xưa, gần đến nhịp tết, rất nhiều nhà bày biện đổ bánh thuẩn để con cháu xum vầy bên bếp than ấm, ngày nay, với nhịp sống hối hả, có rất ít gia đình còn giữ thói quen này. Gia đình bạn Mỹ Tâm là một trong những nơi còn giữ được công việc này. Bạn Mỹ Tâm chia sẻ:

Trích tiếng

Trong những ngày giáp Tết, trong hầu hết các ngôi nhà ở Quảng Trị, chúng ta sẽ được ngửi thấy hương thơm phức của bánh thuẫn. Ngoài món bánh để cúng ông bà trong ngày Tết, bánh thuẫn được ưa thích vì có mùi thơm dịu, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác. Trong cái khí trời se lạnh ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh thuẫn bên những ấm trà nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 05/01/2022 08:37 Lê Vĩnh Nhiên 05/01/2022 15:48
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà