Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 9.2.2022

PTV: KÍnh chào Quý thính giả đang đến với chương trình Tạp chí VNCN tuần này. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến Quý thính giả những nội dung chính sau đây:

-Tổng kết Trại sáng tác và triển lãm nhiếp ảnh "Đakrông trên hành trình hội nhập và phát triển"

- Hướng Hóa phát triển mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022.

-Bài viết:

+ Những Cây bút trẻ mang  luồng gió mới cho văn chương Quảng Trị

+Vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam trong tranh của họa sỹ Trịnh Thị Thương

+Bánh chưng, bánh tét và đêm lửa hoàn nguyên đón Tết

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.Tổng kết Trại sáng tác và triển lãm nhiếp ảnh "Đakrông trên hành trình hội nhập và phát triển"

Thưa Quý vị và các bạn! Vừa qua, Ban Tổ chức Trại sáng tác và triển lãm nhiếp ảnh "Đakrông trên hành trình hội nhập và phát triển" đã tổ chức tổng kết và trao giải cho các tác giả đạt giải lần này.

Qua gần 6 tháng diễn ra Trại sáng tác (tháng 7/2021 - 12/2021), hội viên và cộng tác viên đã thực hiện nhiều chuyến thực tế sáng tác tại địa phương ở huyện Đakrông. Các tác phẩm tham gia Trại sáng tác “Đakrông trên hành trình hội nhập và phát triển”, đã tái hiện về sự phát triển của Đakrông hôm nay. Sau 6 tháng tổ chức, với 521 tác phẩm tham dự, ban Tổ chức xét trao 11 tác phẩm được trao giải, trong đó giải A thuộc về tác phẩm “Bếp nồng ngày xuân” của tác giả Phương Hoan. Trại sáng tác là dịp để hội viên và cộng tác viên thể hiện niềm yêu nghề, và đây cũng là nơi để giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm sáng tác, qua đó tạo ra những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và thẩm mỹ, thúc đẩy phong trào sáng tác văn học nghệ thuật tại Quảng Trị ngày càng phát triển.

2. Hướng Hóa phát triển mô hình du lịch cộng đồng

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch tại các địa phương, Tổ chức Ủy ban  Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã phối hợp với huyện Hướng Hóa và xã Hướng Phùng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị). Qua hơn 4 tháng triển khai, đến nay các hạng mục còn lại của mô hình đang gấp rút hoàn thiện để kịp đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022.

Mô hình có nhiều lợi thế như không khí trong lành, nằm cạnh danh thắng thác Chênh Vênh, có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, măng rừng, chanh leo…, đặc biệt là bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Thôn Chênh Vênh còn là điểm nối với các danh thắng đẹp khác trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Vì thế, mô hình mở ra triển vọng mới về một điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch khi đến Hướng Hóa.

3. Lễ hội mừng lúa mới của người Vân Kiều – Pa Kô

 Hằng năm, tại các bản làng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Paco diễn ra rất nhiều các hoạt động văn hóa như lễ hội, lễ tế trời đất… trong đó nổi bật nhất là Lễ mừng lúa mới. Với nhiều hoạt động cộng đồng đặc sắc, Lễ hội là dịp để bà con tạ ơn trời đất, cầu cho một vụ mùa bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ mừng lúa mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào. Trước đây, Lễ mừng lúa mới của bàn con chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Để chuẩn bị cho Lễ hội, trước đó cả tuần lễ, già làng sẽ tập trung các gia đình tại nhà của mình để thông báo thời gian tổ chức và phân công công việc cho các các thành viên trong buôn làng.

Lễ cúng mừng lúa mới sẽ diễn ra trước nhà của già làng, già làng báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong buôn làng cùng những đồ lễ mà bà con làm ra như cơm, thịt gà, thịt heo… Đồng thời cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh hay bị thú rừng phá hoại để mọi người có cuộc sống ấm no và vụ mùa bội thu.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!

Trong chiều dài lịch sử, văn nghệ Quảng Trị ngày càng được chú ý nhiều hơn nhờ lớp tác giả trước trưởng thành về nghề và lớp tác giả sau xuất hiện một cách tự tin. Báo giấy, báo mạng, các trang blog cá nhân phát triển mạnh tạo cơ hội cho các tác giả công bố tác phẩm để khẳng định bản thân. Đó là thế mạnh của các tác giả trẻ sau này. Điều đáng trân trọng là những cây bút trẻ tỉnh nhà vẫn luôn miệt mài sáng tạo nghệ thuật, nâng niu chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình.

PTV: Từ sự tương tác này, các cây bút đã tạo nên một cộng đồng, một đội ngũ thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo của tỉnh nhà với những tác phẩm được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao.

Các cây bút trẻ Quảng Trị

Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Bất kỳ thời nào, mảnh đất này cũng sản sinh ra nhiều nhân tài trên các lĩnh vực thi ca, nhạc họa. Mạch nguồn văn hóa từ ngàn xưa đến nay đã sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, ca sỹ, nghệ sỹ, họa sỹ nổi tiếng, tên tuổi, cống hiến cho văn chương, nghệ thuật, làm đẹp cho cuộc sống này. Tre già măng mọc. Dường như, sức sống của văn chương nghệ thuật vẫn trường tồn và tiềm ẩn, trở thành trầm tích văn hóa, trở thành lẽ sống, thành máu thịt trong con tim, khối óc người Quảng Trị.

Có thể thấy trong những năm gần đây, đội ngũ sáng tác trẻ xuất hiện trên Tạp chí Cửa Việt  hay báo Quảng Trị khá đa dạng về thể loại, nhiều tác giả viết đều tay trên hai, ba thể loại. Họ tiếp nhận các trào lưu nghệ thuật đương đại mà vẫn giữ được hồn văn truyền thống, sử dụng các kỹ thuật viết mới để hòa nhập được vào dòng chảy văn học chung. Nhờ đó, mỗi người đều có những nét riêng, một phong cách khác nhau nhưng đều tự tin khẳng định vị trí nghệ thuật của mình. Họ công bố tác phẩm trên báo chí cả nước và in sách ở các nhà xuất bản uy tín. Tác phẩm của người trẻ vì thế có chất lượng và được đón nhận nghiêm túc hơn.  Có thể kể đến các cây bút trẻ hiện nay của tỉnh nhà được đánh giá cao như: Hoàng Hải Lâm, Ngô Diệu Hằng, Diệu Ái, Hoàng Công Danh, Trần Thị Thanh, Lê Như Tâm, Yên Mã Sơn…đã tạo nên luồng sinh khí mới cho lĩnh vực VHNT của tỉnh nhà.

P/v: Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng- Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị cho biết:

Trong thời gian qua, đời sống Văn học- Nghệ thuật tỉnh nhà có lúc thăng, lúc trầm, nhưng điều đáng mừng là liên tục những năm gần đây đã xuất hiện những cây bút trẻ, mang đến hương sắc mới cho Văn học nghệ thuật Quảng Trị. Họ là những người có thể được xem là trẻ, bởi vì, bằng cách này hay cách khác, họ đã góp thêm tiếng nói tinh thần cho cộng đồng, bằng những tác phẩm đầu tay của họ, với tất cả niềm đam mê, tận hiến, và bằng tất cả tình yêu sâu sắc, vô điều kiện đối với văn học Nghệ thuật, bằng cả tâm hồn mình, dám thể hiện, dám sống, dám nói lên suy nghĩ của mình trước cuộc đời, trước số phận con người. Những cây bút trẻ hiện nay đều là những người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Sự đào tạo bài bản đó chứng tỏ họ không chỉ viết bằng bản năng, năng khiếu mà luôn tiếp nhận tri thức để sáng tạo. Và chính họ, đã ít nhiều khẳng định một điều rằng nhà văn phải là đội ngũ trí thức tiêu biểu của xã hội. Trong những cuộc “tập hợp”, điểm danh” về văn học trẻ cả nước, một vài người viết Quảng Trị đều được gọi tên với sự trân trọng. Trong các cuộc thi văn chương uy tín, người viết trẻ tỉnh nhà cũng đều có tác phẩm tham gia và được các nhà phê bình, các giám khảo đánh giá tốt. Điều đó đã xóa mờ quan niệm văn chương tỉnh lẻ, củng cố thêm lần nữa văn chương là cuộc chơi bình đẳng của tất cả mọi người, mọi vùng miền.

P/v: Nhà thơ Nguyễn Văn Trình- Hội VHNT Quảng Trị cho rằng:

Trong thời buổi giới trẻ đang bị cuốn theo sự ồ ạt của nền kinh tế thị trường, thì vẫn còn đây những người trẻ giàu nhiệt huyết với văn chương, coi văn chương như một phần máu thịt đời sống. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng. Và mừng hơn nữa vì một đội ngũ các cây bút trẻ của tỉnh nhà đang dần khẳng định mình trên văn đàn cả nước, chính họ đã tạo nên một thế hệ kế tục dòng chảy văn học nghệ thuật trên quê hương non Mai sông Hãn.

P/v: Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng- Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị cho biết thêm:

Trong sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực nào, sự tiếp nối, kế cận thế hệ là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Rõ ràng, những cây bút trẻ hôm nay luôn rất cần sự tin tưởng, động viên, cổ vũ và cả dẫn dắt của những lớp người đi trước để mạch nguồn  văn chương, nghệ thuật luôn đổi mới, phát triển, vì đó chính là quy luật tất yếu nếu văn học, nghệ thuật muốn tồn tại. Chính họ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Quảng Trị qua nhiều góc độ báo chí, văn chương nghệ thuật để bạn đọc gần xa hiểu hơn về vùng đất giàu truyền thống văn hóa cách mạng.

Trích bài hát

Ptv: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa Quý vị và các bạn! Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Trong mĩ thuật, hình ảnh người phụ nữ cũng luôn là đề tài chính, thu hút sự sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ.

Đối với họa sỹ Họa sỹ Trịnh Thị Thương- Hội viên Phân hội Mỹ Thuật, Hội VHNT Quảng Trị; chị sáng tác khá nhiều chủ đề khác nhau song có lẽ đề tài về thiếu nữ Việt Nam luôn mang lại cho chị những cảm xúc đặc biệt.

Tranh về thiếu nữ của họa sỹ Trịnh Thị Thương

Họa sỹ Trịnh Thị Thương vốn là cô giáo dạy mỹ thuật. Ngoài giờ lên lớp với các em học sinh, chị lại say sưa với thế giới nghệ thuật hội họa của mình. Trịnh Thị Thương sáng tác với khá nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc sống bằng những cảm xúc và suy tư của một người phụ nữ trước nhịp điệu cuộc sống. Bằng sự đam mê, nét cọ của mình, họa sĩ Trịnh Thị Thương được các nhà chuyên môn đánh giá là nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng hết sức lãng mạn và quyến rũ. Trong rất nhiều câu chuyện được Trịnh Thị Thương chuyển tải vào không gian hội họa của mình, người xem dễ dàng nhận thấy với những bức tranh về thiếu nữ  Việt Nam luôn gợi lên trong chị những cảm xúc khó tả.

P/v: Họa sỹ Trịnh Thị Thương -Hội viên Phân hội Mỹ Thuật Quảng Trị chia sẽ:

 Có lẽ họa sỹ Trịnh Thị Thương vốn yêu thích thể hiện nét đẹp tiềm ẩn của thiếu nữ nên cách sử dụng chất liệu và phối màu kết hợp với bút pháp lãng mạn, đưa người xem lạc vào một thế giới với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về vẻ đẹp thiếu nữ Việt. Ở đấy, mỗi tác phẩm ẩn hiện sự trong sáng, tinh khiết qua cái nhìn về vẻ đẹp của thiếu nữ. Với tác phẩm “Nữ sinh Đồng Khánh” vừa tham gia Triển lãm mỹ thuật Khu vực bắc Trung Bộ vừa qua, dường như thêm một lần nữa chị khẳng định thiếu nữ với nét đẹp tinh tế, dịu dàng trong tà áo dài Việt, tỏa hương sắc ngọt ngào. Bằng chất liệu yêu thích sơn mài, bức trang “Nữ sinh Đồng Khánh” của họa sỹ Trịnh Thị Thương mang đến cho người xem vẻ đẹp trong trẻo; đó chính là những nét đẹp gắn kết với văn hóa, nghệ thuật, nguồn cội của dân tộc.

P/v: Họa sỹ Trịnh Thị Thương -Hội viên Phân hội Mỹ Thuật Quảng Trị nói thêm:

Là một phụ nữ trẻ nhưng họa sĩ Trịnh Thị Thương luôn mang trong mình nhiều trăn trở day dứt về cuộc sống. Với những bức tranh về thiếu nữ Việt, Trịnh Thị Thương đã tạo cho mình một phong cách riêng trong việc khai thác hình ảnh người phụ nữ. Chủ đề quen thuộc trong tranh chị là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Các nhân vật nữ của chị rất đa dạng, họ đẹp một vẻ đẹp thánh thiện, trong trẻo, nữ tính và… rất Việt Nam. Ba cô gái trong bức “Nũ sinh Đồng Khánh” của họa sỹ Trịnh Thị Thương mang nét đẹp kín đáo e ấp, khiến nét đài các, kiêu sa của người con gái càng thêm phần giá trị.

Trong thế giới hội họa, mỗi họa sĩ đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện khác nhau, mà khi đến với từng người, ta như thể đến với miền đất lạ, mỗi miền đó đều mang một mảnh ghép tâm hồn của người nghệ sĩ, chờ đợi người thưởng thức chạm đến và cảm nhận bằng trái tim mình. Với các bức tranh của họa sỹ Trịnh Thị Thương về đề tài thiếu nữ Việt Nam, mỗi tác phẩm gợi lên một vẻ đẹp riêng của người thiếu nữ: khi đài các kiêu sa, lúc dịu dàng đằm thắm, khi chất phác thuần hậu, lúc duyên dáng mặn mà…đó là thành công của Trinh Thị Thương bởi chị  không ngừng sáng tạo, với lối biểu hiện mới, cách nghĩ và cách cảm mới, song vẫn cho thấy sự phong phú đến mê mị của một đề tài.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi chúng ta sẽ cùng nhau đón tết cổ truyền của dân tộc. Vâng! Sống trong vùng khí hậu có mùa Đông hàng năm mang về cái rét ngọt kéo dài đến tận tiết Lập Xuân, người dân tỉnh Quảng Trị thường hân hoan đón mùa Xuân trữ tình và Tết Nguyên đán kỳ diệu cùng lúc dồn tụ trong đêm lửa hoàn nguyên dường như chỉ làm sứ mệnh duy nhất là nấu món bánh chưng và món bánh tét bình dị đã mấy nghìn năm tuổi của dân tộc. Với nhiều người, một đêm canh lửa nấu bánh chưng là điều chẳng mờ phai trong ký ức…Phần cuối chương trình hôm nay, mời Quý thính giả cùng đến với cảm nhận của CTV Bội Nhiên qua bài viết:

Bánh chưng, bánh tét và đêm lửa hoàn nguyên đón Tết

Chiều hai mươi chín hoặc ba mươi Tết tùy tháng Chạp thiếu hay tháng Chạp đủ. Gạo nếp được vo sạch đã ráo nước, đậu xanh đã nấu chín nhừ được giã nhuyễn dậy mùi thơm và vị bùi khắp nhà, thịt nạc lẫn ít mỡ được cắt thành từng miếng chừng hai ngón tay rồi rắc hạt tiêu, rắc muối trộn đều sau đó xúc vào lòng bàn tay, nắm thành từng nắm. Lá chuối, lá dong đã được rửa sạch, tước bỏ sống lá và lau khô, để một bên xoong đậu xanh, xoong thịt và rá nếp, bó lạt giang đã được ngâm nước muối hoặc hấp mềm. Ngồi giữa sự sắp đặt ấy, bằng những động tác chính xác và thành thục, người lớn trong nhà lần lượt gói những chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh, những chiếc bánh tét tròn trịa. Cầm chiếc bánh vừa được gói trên tay có cảm giác như cầm một tác phẩm nghệ thuật quý giá nên phải nâng niu, một món mà dù chưa ăn nhưng đã cảm thấy ngon lắm. Trẻ nhỏ trong gia đình ngồi đợi từng chiếc bánh vừa được buộc nút lạt cuối cùng xong là xếp bánh thành hàng, thành tầng một cách thích thú.

Bánh chưng được gói bằng lá dong xanh biếc tượng trưng mặt đất và bánh tét tròn lẳn vừa gói được xếp thành hàng trong nồi. Những lá thừa và cuống lá được cắt ra dùng để lót nồi nấu bánh. Nước đổ ngập bánh. Kê mấy viên gạch làm bếp. Củi gộc đã được chuẩn bị sẵn từ lâu được đốt lên thành ngọn lửa trước khoảnh khắc thời gian được tính bằng phút giao thừa lại đến. Rồi lửa reo vui và chừng hơn một tiếng đồng hồ sau đã nghe tiếng nước trong nồi bánh sôi lục bục như tiếng trò chuyện thầm thì giữa gạo quê và lá dong ở rừng, lá chuối ở vườn với sự của tài hoa, khéo léo người gói bánh cùng ân tình và sự vui vẻ của người ngồi canh lửa nấu bánh. Cứ thế, ngọn lửa của đêm nấu bánh chưng xua cái rét cuối năm, nhen niềm nồng đượm mỗi năm chỉ có một lần khiến ai trải qua thì suốt đời thương nhớ và thắc thỏm mong chờ ở thời điểm năm hết Tết đến. Tầm ba giờ sáng, người canh lửa bánh chưng, bánh tét pha tách cà phê hay ấm trà để thức trọn đêm lửa hoàn nguyên. Hương cà phê, hương trà và mùi bánh chín dần quyện hương hoa bưởi ngoài vườn khuya trong đêm nấu bánh chưng thơm mãi trong không gian tâm tưởng của bao người con đất Việt.

Không một không gian nào ấm áp bằng không khí gia đình quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Người trong nhà cùng ngồi quanh bếp lửa trò chuyện, người mẹ nhìn ngọn lửa với vẻ yên lòng, trẻ nhỏ tíu tít nướng khoai lang trong lớp than hồng. Trước ngọn lửa hoàn nguyên và trong sức nóng đợi mùa Xuân chạm ngõ, những củ khoai nướng chín tỏa hương, người lớn kể với con cháu sự tích hoàng tử Lang Liêu của vua Hùng thứ 16 làm bánh chưng, bánh dày để thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông và đất trời xứ sở như một sự nhắc nhở về truyền thống của dân tộc và tầm quan trọng của cây lúa cùng nhiều yếu tố thiên nhiên khác trong nền văn hóa lúa nước của người Việt. Bên ngoài, gió vẫn cứ vi vút và mưa phùn lạnh mướt vẫn rơi, có năm rét ngọt buốt xương mà người già vẫn thường bảo nếu đêm nấu bánh chưng mà rét càng đậm thì Tết sang càng đẹp, Xuân càng thắm tình. Và, sự ấm áp của đêm lửa bánh chưng, bánh tét càng thân thiết với người trong gia đình khi tắm gội tất niên, ai cũng lấy nước nóng từ chiếc xoong lớn hoặc ấm to đặt cạnh bếp để dùng.

Rồi ngày mới đã đến. Củi đã hết và lửa tàn, bánh chín.

Mẹ, cha vớt bánh, ép cho rền, cho đẹp rồi thay áo, thắp nhang đặt chiếc bánh chưng, bánh tét đầu tiên lên bàn thờ tổ tiên một cách thành kính. Hơi bánh nghi ngút, nóng hổi và thơm ngào ngạt. Mùi lá dong, lá chuối chín quyện mùi nếp cái chín thơm nồng nàn, mùi hương rất bùi của đậu xanh, mùi thơm béo ngậy của thịt đánh thức tất cả các giác quan của con người. Em nhỏ nhất được chiếc bánh chưng con con, vui mừng khoe khắp nhà.

Đêm lửa hoàn nguyên tràn hơi ấm quanh bếp nấu những chiếc bánh chưng vuông vắn và bánh tét tròn đẹp, xanh rờn sẽ cùng mứt ngọt, trà thơm, áo ấm, khăn len làm nên Tết Nguyên đán kỳ diệu của con Lạc cháu Hồng, mùa Xuân trữ tình hàng năm trên non sông Việt Nam. Có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt, mỗi chiếc bánh chưng chứa cả mùa màng, thời tiết và cả hương đất nước nên nấu bánh chưng là một tập quán, nét văn hóa trong các gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vì thế mà đêm nấu bánh chưng, bánh tét vẫn luôn là nỗi nhớ, niềm mong của nhiều người và ngọn lửa bập bùng nấu bánh chưng, bánh tét là ngọn lửa hoàn nguyên đẹp nhất ở nhiều nơi trên khắp đất nước đang bước vào năm mới, Xuân mới.

Trích bài hát: Xuân đã về

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! Ca khúc Xuân đã về cũng đã khép lại chương trình Tạp chí VNCN tuần này….

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 05/01/2022 09:30 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:36

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà