Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 

Tạp chí VNCN: 30.1.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này.

Thưa Quý vị và các bạn! Tết Nguyên Đán đang đến cận kề, không khí náo nức sửa soạn, trang hoàng nhà cửa đón tết lúc này đang được mọi nhà, mọi người tất bật chuẩn bị. Hy vọng, Quý thính giả sẽ luôn đồng hành cùng tạp chí VNCN trong mỗi số phát sóng của chương trình. Chúng ta hãy đến với những nội dung chính trong Tạp chí VNCN hôm nay.

- BÁNH TÉT MẶT TRĂNG CỦA LÀNG ĐẠI AN KHÊ- HẢI THƯỢNG, HẢI LĂNG

- PHONG TỤC ĂN CƠM TẤT NIÊN CỦA ĐỒNG BÀO PAKO- VÂN KIỀU

- Bài viết: Ý nghĩa của tục “Dựng nêu đón Tết”

-Mùa xuân với “Làng lúa làng hoa”

-  TẢO MỘ NGÀY TẾT-NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ

- Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1. BÁNH TÉT MẶT TRĂNG CỦA LÀNG ĐẠI AN KHÊ- HẢI THƯỢNG HẢI LĂNG

Thưa Quý vị và các bạn! Nếu nói đến bánh chưng, bánh tét thì khắp đất nước Việt Nam ở đâu cũng có, nhưng điểm khác biệt so với những vùng miền khác làm nên thương hiệu của làng bánh Đại An Khê đó chính là bí quyết “gia truyền” mà cha ông để lại từ xa xưa. Nổi tiếng nhất trong các loại bánh làm từ gạo nếp đó chính là bánh tét bán nguyệt hay còn gọi là bánh tét mặt trăng.

Trong quá trình làm bánh, người dân làng Đại An Khê lựa chọn những loại nếp dẻo, thơm và để có màu xanh của bánh, trong vườn nhà ai cũng đều trồng rau ngót để lá rau ngót hòa quyện với gạo nếp và nhân bánh khi ăn sẽ không bị ngán mà thơm nồng, ngon miệng. Những ngày cuối năm, gác lại công việc bộn bề, mỗi người lại trở về với nguồn cội, quê hương để vui Xuân đón Tết bên mâm cơm gia đình. Theo đó,  cùng với bánh chưng thì những chiếc bánh tét mặt trăng luôn có trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình để dâng cúng ông bà tổ tiên, đây là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt từ xa xưa. Mỗi miếng bánh như là lời dặn dò của thế hệ trước đối với con cháu sau này phải luôn giữ gìn truyền thống của cha ông.

2. CỜ CHÒI - TRÒ CHƠI DÂN GIAN ĐẶC SẮC Ở QUẢNG TRỊ

Ở Quảng Trị, ngày xưa các trò chơi dân gian thường được diễn ra trong các ngày đầu năm, những dịp lễ tết, các ngày hội làng đã mang lại không khí đầm ấm, vui tươi, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xã. Chơi cờ chòi cũng vậy, xuất phát từ trong dân gian theo kiểu chơi cờ quân của những người có tuổi, dần dần được các nghệ sĩ chân đất đưa lên sân khấu và trở thành trò chơi truyền thống của người dân các làng quê Quảng Trị trong mỗi độ tết đến xuân về.

Cờ chòi, trước đây có mặt ở rất nhiều làng quê, nhưng nay chỉ còn được tổ chức ở một số làng như Hà Trung (huyện Gio Linh); làng Diên Sanh, làng Đại An Khê, làng Long Hưng, làng Văn Quỹ, làng Anh Thơ, làng Phú Kinh, làng Hưng Nhơn (huyện Hải Lăng)...

Hô%3ḅi cờ chòi là một trò chơi dân gian thể hiện trí thông minh nhanh nhạy, mưu lược và tài tiên đoán của các thành viên trong các chòi thông qua viê%3ḅc bàn bạc, tính toán để đưa ra các quân cờ phù hợp, chính xác nhằm giành lợi thế trong từng ván đấu và giành phần thắng về cho chòi mình trong toàn bô%3ḅ cuô%3ḅc chơi. Hội cờ chòi còn là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng, nơi thư giãn sau một năm lao động vất vả, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.

3. PHONG TỤC ĂN CƠM TẤT NIÊN CỦA ĐỒNG BÀO PAKO- VÂN KIỀU

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác trong nước, tết cổ truyền của người Pa Kô, Vân Kiều có nhiều nét đặc trưng riêng.  Trong đó tục ăn cơm tất niên của đồng bào dù trải qua bao biến thiên lịch sử vẫn trường tồn, được lưu giữ và phát huy.

 Từ sáng sớm tinh mơ ngày 28 tháng Chạp khắp các bản làng, tiếng chày giã nếp làm bánh tết đã thì thụp, hối hả. Cùng với đó, mỗi gia đình sẽ mổ một con lợn, rồi tách xương, nạc và mỡ để riêng dành chế biến thành những món ăn và làm một số loại bánh truyền thống. Trong khi cánh đàn ông làm thịt lợn, làm dê, gà thì các bà, các mẹ và chị em phụ nữ tề tựu cùng làm bánh, làm xôi ống. Những cao niên vừa trông trẻ nhỏ, vừa tranh thủ chơi nhạc cụ truyền thống một cách thảnh thơi. Những thanh âm tươi vui mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô du dương qua những nóc nhà sàn, những bản làng bãng lãng khói sương càng tô điểm cho những ngày tết đến, xuân về đầy phấn chấn và hi vọng.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, Tết Nguyên Đán là ngày hội lớn của dân tộc bởi đây là khoảng thời gian diễn ra rất nhiều phong tục, hoạt động văn hóa độc đáo được người dân gìn giữ qua hàng ngàn năm thể hiện đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã. Một trong những tục lệ rất hay của người Việt và các làng, xã Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng là lễ dựng nêu đón Tết cổ truyền hàng năm…Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tục dựng nêu đón tết qua bài viết sau đây của CTV Bội Nhiên.

Dựng nêu đón Tết

Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, câu chuyện Sự tích cây nêu ngày Tết do học giả Nguyễn Đổng Chi biên soạn kể rằng: “Ngày xưa, quỷ chiếm toàn bộ đất còn người chỉ làm thuê và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột người quá tay và cuối cùng quỷ tự cho mình hưởng quyền "ăn ngọn cho gốc". Người chỉ được hưởng rạ nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai còn quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức "ăn ngọn cho gốc". Sang mùa khác, quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn nên tức giận bảo mùa sau "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật trao cho người giống ngô để gieo trồng. Quỷ lại không được gì. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người phải trả lại tất cả ruộng đất. Phật bảo người xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến quỷ mất đất phải chạy ra Biển Đông. Do mất đất sống nên quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên quỷ bị thua sau khi bị bên người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột,... và quỷ lại bị Phật đày ra biển. Trước khi đi, quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên. Được Phật đồng ý, hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán là quỷ vào  đất liền. Phòng tránh quỷ không đến chỗ người cư ngụ, người trồng cây tre và treo lên đó khánh đất để khi gió rung là có tiếng động phát ra là xua được quỷ. Trên ngọn cây tre ấy còn buộc bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để làm quỷ sợ và vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông, rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào nhà để cấm cửa quỷ trong những ngày Tết. Toàn bộ cây tre cùng những trang bị trên cây tre ấy là cây nêu ngày Tết của người Việt Nam từ bao đời nay”.

Giữ gìn mỹ tục ngày Xuân, nhiều làng quê ở tỉnh Quảng Trị vẫn tổ chức lễ dựng nêu đón Tết hàng năm, nổi tiếng như làng Võ Xá của xã Trung Sơn, làng Gia Bình của xã Gio An, huyện Gio Linh và nhiều thôn, xã của  huyện Triệu Phong, các chùa trên địa bàn huyện Hải Lăng… Ở các làng quê này, khi cây nêu đã được dựng là lúc người dân trong làng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán-Tết cổ truyền của dân tộc. Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, Ban Trị sự của làng tập trung tại đình làng. Trên sân đình, một cây tre thẳng và dài được róc hết cành, còn lại ngọn lá để buộc một dải vải đỏ dài chừng 2 m, rộng khoảng từ 20 cm đến 25 cm đã sẵn sàng. Giữa sân đình được đặt bàn thờ với lễ vật đơn giản gồm hoa, quả, cau trầu, rượu trà, trầm, hương, vàng mã. Trong đình, Ban Trị sự của làng làm lễ cáo thành hoàng bổn thổ việc làng làm lễ thượng nêu và cầu thành hoàng bảo vệ dân làng tránh khỏi quỷ dữ trong những ngày Tết. Trở ra sân đình, Ban Trị sự của làng làm lễ cáo giang sơn để báo cáo và xin phép thần linh về việc làng tổ chức lễ thượng nêu đồng thời mời thần linh về chứng giám. Hoàn tất các nghi lễ quan trọng này, Ban Trị sự tiến hành dựng cây nêu trên sân đình rồi làm lễ hóa vàng mã để kết thúc lễ thượng nêu.

Ở mỗi làng quê, khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại nhường chỗ cho các công việc đón Tết. Nhiều nghiên cứu văn hóa khẳng định rằng, cây nêu tạo nên thế cân bằng trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới ở cộng đồng làng xã của người Việt trong khoảng thời gian người Việt yên tâm đón Tết, vui Xuân với những phong vị đặc sắc và ý nghĩa như đã đúc kết thành một cặp câu đối nổi tiếng:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Trích bài hát: Lắng nghe mùa xuân về

PTV: KÍnh thưa Quý vị và các bạn! Mùa xuân khởi đầu của một năm mới. Lá hoa khoe sắc, trời đất giao hòa mang sức sống mới cho vạn vật khiến lòng người ngập tràn bao cảm xúc và khát vọng. Mùa xuân cũng là nguồn cảm hứng dào dạt để các nhạc sĩ viết lên những giai điệu, thanh âm, ca từ mượt mà, sâu lắng. Nhiều ca khúc viết về mùa xuân dù ra đời khá lâu thế nhưng vẫn lưu lại trong ký ức những người yêu nhạc Việt, đặc biệt trong hương sắc mùa xuân đang chạm ngõ thì những ca từ của các nhạc phẩm về mùa xuân lại khiến lòng người phấn chấn rạo rực hơn bao giờ hết.

Trích bài hát: Làng lúa làng hoa

PTV: Quý thính giả vừa đến với những giai điệu quen thuộc trong ca khúc “Làng lúa làng hoa”- một sáng tác của ns Ngọc Khuê qua phần thể hiện của ca sỹ Thanh Hoa. Vâng! Trong thời khắc giao hòa giữa mùa xuân đất trời, chúng ta hãy cùng đến với cảm nhận về nhạc phẩm nổi tiếng này qua những chia sẽ của một người yêu nhạc, xin giới thiệu anh Cáp Anh Tú- TP Đông Hà.

1.Thưa anh Cáp Anh Tú- Lần đầu tiên anh nghe ca khúc Làng lúa làng hoa của NS Ngọc Khuê là khoảng thời gian nào ạ?

Anh Tú trả lời..

2. Vậy cảm xúc đầu tiên của anh khi đến với nhạc phẩm này là gì ạ?

Anh Tú trả lời….

3. Hình ảnh nào khiến anh ấn tượng nhất trong bài hát này ạ?

Trích:

4. Thưa anh, “Làng lúa làng hoa” là bài hát ra đời vào những thập niên 80. Ở thời điểm đó, với anh bài hát đã gắn với những kỷ niệm nào ạ?

Anh Tú trả lời…

5. Vâng! Ca khúc này được NS Ngọc Khuê vẽ nên bức tranh của 1 làng quê thật đẹp và nên thơ khi đất trời vào xuân. Với anh, là người con của quê hương Quảng Trị thì từ hình ảnh của làng quê đó anh cảm nhận ntn về bức tranh mùa xuân của quê nhà?

Xin cảm ơn anh Cáp Anh Tú

Kính thưa Quý vị và các bạn! Mùa xuân bao giờ cũng mang đến những điều thật trong trẻo, dịu dàng. Mỗi một ca khúc viết về mùa xuân đều được khai thác ở những khía cạnh khác nhau, những lát cắt cuộc sống khác nhau nhưng hầu như tất cả những ca khúc viết về mùa xuân đều khiến người nghe thêm yêu cuộc sống

Trích bài hát: Làng lúa làng hoa

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Trong quan niệm xa xưa của người Việt Nam chúng ta thì “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Cùng với nhiều phong tục ngày tết thì việc thăm viếng phần mộ ông bà tổ tiên vào dịp Tết đến xuân về là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt vốn đã có từ lâu đời. Dù tất bật trong cuộc mưu sinh, nhưng mỗi năm đến ngày tảo mộ thì con cháu dù bôn ba làm ăn ở nơi xa cũng quay về để tảo mộ ông bà tổ tiên, hướng về nguồn cội. Phần cuối chương trình hôm nay, Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về:

TỤC TẢO MỘ NGÀY TẾT-NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ

Tục tảo mộ hay nói theo ngôn ngữ của người miền Trung là “Chạp mộ” thường được các gia đình Việt tổ chức vào cuối tháng Chạp hàng năm, trước khi sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết. Bởi theo quan niệm của người Việt, Tết là một mốc thời gian vô cùng quan trọng. Trong thời khắc thiêng liêng này khi âm dương giao hòa con người có thể cộng cảm với thiên nhiên, có thể nghe thấy từng hơi thở của mùa xuân len lỏi vào mạch đời và cảm ứng với tổ tiên, với những người đã khuất. Chính vì thế khi năm hết tết đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất. Đối với những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tùy theo phong tục truyền thống của từng địa phương, tục tảo mộ diễn ra vào những thời điểm khác nhau. Ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tục chạp mộ từ đầu tháng chạp và ngày đầu năm (mùng 1 tết). Nghi thức và lễ vật mỗi nơi mỗi khác, nhưng đều chung nhau ở tấm lòng thành. Lòng thành với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và với cả đất trời. Ngày tảo mộ, ngay từ sáng sớm, người dân từ già, trẻ, gái, trai đều tập trung ra phần mộ của tổ tiên để tổ chức lễ tảo mộ. Người lau dọn mộ, người phát bỏ cây dại xung quanh, người làm sạch bát hương, lọ hoa, quét vôi lại mộ phần... cho người đã khuất; sau đó tiến hành các nghi lễ cúng bái, thắp hương...

P/v: ……

Tục tảo mộ ngày Tết có ý nghĩa sửa sang lại phần mộ cho sạch đẹp, giãi bày tâm tư, tình cảm với những người đã khuất về những sự việc xảy ra trong một năm qua; đồng thời, mời gọi hương hồn những người đã khuất về nhà ăn Tết cùng con cháu. Vì thế, vào dịp này, các gia đình, dòng họ đều cùng nhau sửa sang, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Ngày nay ở cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê. Nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, Tết đến những người con sinh sống xa quê cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận của mình.

P/v: ….

Thăm viếng phần mộ đã trở thành một nét truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi khi Tết đến; giữ gìn tục tảo mộ là giữ gìn những giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong và góp phần tạo nên nét văn hóa làng quê, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh và bảo tồn được hồn thiêng của văn hoá dân tộc Việt. Tục tảo mộ của người Việt càng chứng tỏ ý nghĩa sâu sắc của câu ca dao: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn

Trích bài hát: Lắng nghe mùa xuân về

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! Lúc này đây đất trời và lòng người đang cùng hòa vang những giai điệu rộn rã về mùa xuân. Kính chúc Quý thính giả sẽ cùng nhau đón một cái Tết sum vầy, đầm ấm. Chúc mọi nhà, mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng. Những người thực hiện chương trình….kính chào tạm biệt.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 19/01/2022 16:39 Lê Vĩnh Nhiên 20/01/2022 08:22

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà