Dọc đường VN 28/1
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 28/1 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính mang tên "Tập tản văn : Về tập sách : Trước nhà có cây hoàng mai" và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 28/1 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 1/2 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, chúng ta cùng đến với tập sách nói về mùa xuân, bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct là cảm nhận của Xuân Nguyên về một ca khúc nổi tiếng của mùa xuân, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct do Việt Thanh biên tập, với sự thực hiện của ...thân ái chào tạm biệt.

    TRƯỚC NHÀ CÓ CÂY HOÀNG MAI.

                                                                                         (Xuân Dũng)

 

   "Trước nhà có cây hoàng mai" là tập tản văn, tùy bút của Minh Tự xứ Huế do NXB Thuận Hóa ấn hành.

   Thật lòng mà nói cũng có phần tò mò và chờ đợi khi nghe nhà báo Minh Tự ra tập sách về Huế. Bởi Cố đô đã quá nổi tiếng với vô vàn bài viết của nhiều người thành danh trong giới văn bút. Khai thác một đề tài tưởng như vô tận nhưng đã có vô số những lập ngôn ấn tượng là một trở ngại không dễ vượt qua.
    Sự ăn của Huế cầu kỳ, tinh tế bậc nhất thì sự chơi của Huế cũng vi diệu, uyên nguyên ít nơi bì kịp. Loạt ba bài viết về hoa mai: “Trước nhà phải có cây hoàng mai”, “Đi tìm lão mai”, “Cái chết của một lão mai” cho thấy một sự thâm nhập khá sâu của cây bút Minh Tự vào thú chơi cây cảnh đặc biệt này, vượt qua giới hạn của những bài báo thông thường. Dân Cố đô đối với loại cây này gần như một tín ngưỡng: “…để bạn thấy người Huế quý cây mai đến dường nào. Quý đến mức tôn thờ như một linh vật. Có thể nói với người Huế, hoàng mai là linh hoa. Nhà cào cũng có cây mai vàng trước sân. Cung điện của vua trước sân trồng mai vàng. Nhà dân bần hàn cũng mai vàng trước ngõ. Từ đường của dòng họ thì chắc chắn không thể thiếu cây hoàng mai. Vườn chùa Huế mà thiếu mai vàng thì khác gì chùa vắng bóng Phật”
   Nhưng chủ nhân của những sự ăn, sự chơi, sự sống là những người Huế - linh hồn của Huế mới là điều đáng nói nhất. Đó có thể là ông Nguyễn Hữu Vấn, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Huế và ông Vĩnh Ký, thợ kim hoàn yêu mai gần như máu thịt của mình. Người đọc cứ nhớ câu nói của ông Vĩnh Ký khi khước từ một số tiền quá lớn của một đại gia ở Vũng Tàu muốn mua “lão mai” gần trăm tuổi: “Chừng nớ năm đã qua ba đời người, trong khi cây vẫn còn sống, vẫn trổ hoa, quý hiếm như rứa thì biết định giá răng đây?” . Hay ông Nguyễn Hữu Tùng mấy lần “đấu xảo” cây cảnh toàn quốc đem huy chương vàng về cho Huế, luôn tâm đắc với một câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân: nghệ thuật là vô giá; hoặc như bác sĩ Đoàn Chí Thiện, người cất công mang cây xương rồng bị thương bởi chiến tranh ra tặng cho Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Có thể đó là thầy giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng với những cuộc chơi kỳ thú lên rừng xuống biển. Chính ông đã khởi xướng với bạn bè gặp nhau đêm cuối năm. “Võ sư Dũng nói hóa ra cái chuyện gặp nhau uống vài ly vào giờ cuối năm lại không đơn giản chút nào. Để đến với cuộc gặp vào thời khắc cuối năm, người ta phải vượt qua mọi sự ràng buộc của đời thường, với người Huế thì cả một mớ bòng bong ràng buộc quanh mình. Đó là một sự thử thách cũng là một sự giải thoát để trở về với chính mình.
   Bài “Chỉ một hướng xuất hành” khi bàn chuyện chọn hướng đi ngày tết ngay từ khi sách còn thơm mùi mực đã được nhiều người xúc động và chia sẻ. Đó là tình cảm, đạo nghĩa của Huế, của Việt Nam qua gan ruột của một người viết báo. “Bây giờ mạ tôi đã về yên nghỉ bên cha tôi và ông bà tổ tiên trên ngọn đồi sim. Tết này và mãi mãi những tết sau, tôi chỉ có một hướng xuất hành duy nhất: hướng cha mẹ tôi nằm. Không còn hướng nào tốt, hướng nào xấu nữa cả. Chỉ một hướng đi, hướng đã sinh ra tôi, nuôi tôi khôn lớn, thành con chim “đủ lông đủ cánh” bay khắp mọi miền. Hướng mà tôi có thể nhắm mắt đi mà không bao giờ lạc. Chỉ cần nghĩ về nơi ấy là tôi lấy lại sự thăng bằng giữa cuộc đời sóng gió. Hướng mà mỗi lần tôi mang ba lô trở về là cảm thấy nghèn nghẹn khi ngửi mùi khói bếp chiều cuối năm. Đó là hướng mãi mãi bình an vô sự cho chúng tôi, những đứa con dù đã bạc đầu vẫn bé bỏng đối với mạ!” .

   Cảm nhận về tập sách này, nhà văn Lê Phi Tân ở Huế cho biết (băng)

   Đó là tập sách đáng đọc khi muốn biết thêm về một vùng văn hóa.

 

 

          BÀI HÁT "MÙA XUÂN ĐẾN RỒI ĐÓ".

 

                                                                                             (Xuân Dũng)

 

    Ra đời chỉ sau vài năm nước nhà thống nhất, bài hát "Mùa xuân đến rồi đó" của nhạc sĩ Trần Chung thật ấn tượng và được nhiều người yêu thích.

   Bài hát là một khúc tâm tình của đôi lứa yêu nhau, mượn lời tâm tình để hát lên khúc nhạc của lòng mình với cuộc đời này:

    Em ơi mùa Xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời
Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng Xuân hát lên thôi

    Như một tín hiệu, một tin vui, một thông điệp thông báo với cuộc đời, với mọi người, với cô gái trong ca khúc rằng mùa xuân đã về, tự nhiên và phơi phới:

   Nghe em mùa Xuân nói gì đó
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời. 
Chim hót chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy
Mùa Xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương

   Một mùa xuân mang tính biểu tượng, một mùa xuân sau chiến tranh khi đất nước còn đầy thương tích đang từng ngày tái thiết, dựng xây trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh ở Tổ quốc này:

   Em ơi mùa Xuân mới gọi ta
Tiếng gọi tình yêu mới hiền hoà
Ôi Xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời đất mới đón người.
Xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc trên đường ta đi tới
Này em hãy hát lên cùng mùa Xuân mới xinh tươi 

Em ơi mùa Xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời ….
Em ơi mùa Xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời ….

 

   Mùa xuân đến rồi đó của Trần Chung tươi vui nhưng vẫn điềm tĩnh, hân hoan nhưng không lên gân, tình cảm và sâu lắng không dễ dãi. Đó là những ưu điểm cua một bài hát đi thẳng vào lòng người và neo đậu dài lâu.

   Bài hát này đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ nhưng mỗi khi hát lên lòng người vẫn reo vui và tươi mới, vẫn rạo rực đợi chờ mùa xuân với những niềm hy vọng không thể nào vùi lấp cho dù có đi qua những gập ghềnh buồn vui, vẫn một lòng hướng đến ngày mai, mỗi khi mùa xuân đến.

   Một bài hát ra đời trong những tháng năm gian khó, viết cho tuổi trẻ thanh niên xung phong, viết để cổ động tinh thần lao động vượt khó và quyết tâm chiếm lĩnh tương lai.

   Bài hát đã ngày càng thể hiện giá trị nghệ thuật của mình, chỉ có những điều đích thực mới tồn tại dài lâu trong cuộc sống, luôn khẳng định mình trong hiện tại và cả tương lai.

(Một đoạn bài hát ...)

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 25/01/2022 09:56
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà