Tạp chí VNCN 13.2
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 13.2.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn! Thưa Quý vị và các bạn! Sau những ngày nghỉ tết Nguyên Đán dài ngày, mọi người đã quay trở lại với cuộc sống và sinh hoạt thường nhật. Lúc này đây, không khí của mùa xuân mới với bao niềm vui phấn khởi và hân hoan dường như vẫn còn vương vấn trong lòng mỗi người. Tạp chí VNCN kính  chúc Quý vị và các bạn một năm mới an vui, may mắn, thành công và luôn là những Quý thính giả thân thương của chúng tôi. Trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với 1 số nội dung đáng chú ý sau đây:

-Hổ trong những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng

-Độc đáo lễ hội bài chòi đầu xuân

- Câu đối Tết- nét đẹp văn hóa vui Tết, đón Xuân

- Ý nghĩa của chiếc BÁNH TÉT MẶT TRĂNG CỦA LÀNG ĐẠI AN KHÊ, xã Hải Thượng, Hải Lăng

 Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn!

1.HỔ TRONG NHỮNG CÂU CHUYỆN TRẠNG VĨNH HOÀNG

Thưa Quý vị và các bạn!

Theo sử sách ghi lại, trạng Vĩnh Hoàng xuất hiện khoảng 400 năm về trước. Khi đó, nhiều dòng họ từ các tỉnh phía Bắc vào khai khẩn và lập nên làng Huỳnh Công. Hồi đó, rừng liền rừng, rú liền rú vào sát tận bìa làng, thích hợp cho các loài muông thú kéo nhau về đây trú ngụ và sinh sống. Đặc biệt, loài hổ thường lẫn vào đàn trâu bò để bắt mồi, rồi đến chuyện hổ thường vào làng để bắt người. Nhiều câu chuyện trạng về hổ xuất hiện từ đó.

Xưa nay, hổ được ví như chúa tể rừng xanh, nhiều người khiếp sợ. Người làng trạng đã “chiến thắng” loài hổ bằng những câu chuyện trạng như: Bắt nhầm cọp đi cày, Bứt nhầm đuôi cọp. Những câu chuyện trạng về hổ luôn thu hút, lôi cuốn người nghe. Dù được xem như chúa tể rừng xanh, oai hùng, dữ tợn nhưng đối với người làng trạng thì hổ đã trở thành câu chuyện vui. Thông qua những bức tranh, bài thơ và nhất là các chuyện trạng được kể bằng giọng nặng trịch, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tập trung xoáy sâu vào chi tiết, chuyện trạng Vĩnh Hoàng đưa người nghe đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để rồi đọng lại là tiếng cười vui tươi, sảng khoái. "Dù ai đi ngược đi xuôi/Tiếng trạng đã ngấm vẫn về đây nghe”...

2. Quảng Trị liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh, thành phố lân cận

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Trị tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo kế hoạch, ngành du lịch các tỉnh, thành trên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, các sản phẩm dịch vụ và tạo hiệu ứng lan truyền trong quảng bá, xúc tiến du lịch về điểm đến của cả 5 địa phương tới thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Phối hợp quảng bá, cung cấp thông tin về thời gian và nội dung các lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn giữa 5 địa phương nhằm tránh trùng lặp. Phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch chung căn cứ trên thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa các địa phương như: du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch khám phá, mạo hiểm...

3. Độc đáo trang phục cưới của người Pako

Cũng như bao dân tộc khác ở Việt Nam, lễ cưới là dịp đại hỷ nên người Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là trang phục của cô dâu, chú rể. Với trai gái người Pa Kô, được khoác lên mình những bộ áo, váy đẹp, trang sức quý trong lễ cưới cũng thể hiện kỳ vọng về một cuộc hôn nhân hạnh phúc, gia đình ấm no, con cháu đề huề.

Hàng trăm năm về trước, khi chưa có vải thổ cẩm, mỗi khi đến dịp cưới, hỏi, người Pa Kô phải vào rừng lấy vỏ cây a mưng đập mềm, ngâm nước cho hết chất độc, phơi khô, vo mềm lại thành sợi để chế tác thành áo, thân váy cho cô dâu; khố của chú rể làm đơn giản hơn, dùng sợi vỏ cây đã khô kết thành một tấm dài khi mang quấn lại... Sợi chỉ dùng để khâu được lấy từ cây mây. Sau này có vải thổ cẩm, việc chuẩn bị trang phục cưới thuận lợi hơn, tuy vẫn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Ngày nay, khi xã hội phát triển, việc mang trang phục truyền thống khi làm lễ vẫn được người Pa Kô duy trì và phát triển phù hợp. Đặc biệt, sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Trị còn được thể hiện ở sự kết hợp tình yêu giữa các đôi nam nữ người Pa Kô và Vân Kiều, tạo nên những đám cưới có màu sắc rất đặc trưng.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Mùa xuân luôn là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm và gắn liền với nhiều lễ hội. Khi tiết trời vào xuân cũng là lúc tiếng trống, tiếng mõ báo hiệu cuộc chơi bài chòi bắt đầu, trên các sân đình, nhà văn hóa…với già trẻ, gái trai lại nô nức đi chơi hội. Cùng với thời gian, hội bài chòi là một trong những trò chơi dân gia truyền thống mang lại không khí vui tươi, rộn rang trong những ngày đầu xuân mới.

HỘI BÀI CHÒI NGÀY XUÂN

Trích hát:

Từ lâu, bài chòi là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của làng quê miền Trung, kéo dài từ Quảng Bình đến Phú Yên. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng lại rộn ràng dựng chòi, kê ván chuẩn bị tổ chức hội bài chòi. Không chỉ xem đây là một thú vui giải trí trong ba ngày tết, người ta đến với bài chòi còn vì muốn xem vận hên, may đầu năm ra sao. Trong thời gian diễn ra lễ hội bài chòi, lời ca tiếng hát, hò vè trong lễ hội cùng lối diễn xướng dí dỏm, vui tươi của những người dẫn dắt trò chơi đã tạo nên một không khí lễ hội náo nhiệt, vui vẻ. Tại lễ hội bài chòi, đông đảo người dân được hòa mình vào không khí sôi động của trò chơi dân gian độc đáo, được thưởng ngoạn những cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn, lôi cuốn mà trò chơi mang lại.

P/v: Nghệ nhân Nguyễn Thanh Hồng- CLB dân ca Sông Hiền, huyện Vĩnh Linh chia sẽ:

Bài chòi được sử dụng các con bài của bộ bài tới (30 lá bài), được đặc tên theo danh vị, đặc tính biểu trưng của người, tên các con vật đồ vật như: thầy, trò, nghèo, thái tử, gióng, rế, gà, voi…Mỗi lá bài được đặt ra nhiều lời hô bằng thai chòi thường là lục bát, hoặc lục bát biến thể để miêu tả, hay mô phỏng đặc tính của mỗi con bài. Khi tham gia chơi bài, mỗi người được nhận một thẻ bài trên đó có dán ba lá bài khác nhau và ngồi vào các chòi đã dựng sẳn. Trong khi chơi, người cầm hiệu lần lượt hô các con bài, người chơi phải chú ý lắng nghe để biết con bài trúng. Ai may mắn trúng hết các con bài trong thẻ sẽ là người thắng cuộc.

P/v: Chị Thúy Ái- CLB dân ca Quảng Trị cho biết:

Trích

Bài chòi Quảng Trị ra đời từ xa xưa, ẩn chứa nhiều nét văn hóa đặc sắc, mang đậm tính dân gian và gắn chặt với đời sống sinh họat làng xã… được cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển và trao truyền qua nhiều thế hệ. Với những nét độc đáo riêng có, hội bài chòi Quảng Trị luôn luôn hấp dẫn người chơi, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Lễ hội bài chòi được tổ chức vào dịp Tết đến Xuân về không chỉ là hoạt động văn hóa dân gian phục vụ vui chơi cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ tốt hơn di sản truyền thống quý giá này đến thế hệ mai sau.

p/v: Chị Mai Thị Kim Ly, huyện Hải Lăng cho rằng:

P/v: Ông Nguyễn Văn Trình-TP Đông Hà chia sẽ:

Qua những hội bài chòi ngày đầu xuân, với những anh hiệu, chị hiệu đã góp phần gìn giữ bài chòi, tôn vinh, quảng bá “Nghệ thuật Bài Chòi” của vùng đất Quảng Trị đến với bạn bè gần xa.

Trích bài hát:

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! Chúng ta đang ở trong khoảng thời gian của những ngày đầu xuân mới với không khí Tết Nguyên Đán vẫn còn mang nhiều cảm xúc. Vâng! Trong những ngày Tết, có rất nhiều nét đẹp văn hóa được thể hiện ở các gia đình, các không gian sinh hoạt cộng đồng như chơi tranh Tết, khai bút, cho chữ và câu đối… Đặc biệt, câu đối Tết là một thể loại văn học đã được nhiều gia đình dùng làm tác phẩm trang hoàng nhà cửa và thưởng thức nghệ thuật trong những ngày đầu Xuân, đầu năm mới.  Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Câu đối Tết- nét đẹp văn hóa vui Tết,  đón Xuân qua bài viết sau đây của CTV Bội Nhiên.

Câu đối Tết- nét đẹp văn hóa vui Tết,  đón Xuân

Câu đối là thể loại thuộc văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Câu đối treo trong nhà dịp Tết được viết trên những tấm màu giấy đỏ hay hồng đào nên được gọi là câu đối đỏ. Và, câu đối đỏ cũng xuất hiện trong câu đối Tết nổi tiếng được lưu truyền theo thời gian:

Thịt mỡdưa hànhcâu đối đỏ

Cây nêutràng pháobánh chưng xanh.

Là hình thức sinh hoạt văn hóa-văn nghệ độc đáo và tao nhã của người Việt, câu đối vừa là một hình thức trắc nghiệm trí tuệ vừa có giá trị trong niềm vui chào đón năm mới theo phong tục cổ truyền khi Xuân về, Tết đến. Trong dịp Tết và có thể kéo dài trong cả mùa Xuân, những câu đối được treo lên cột, dán hoặc viết lên cổng, cửa, tường nhà, đền, miếu, đình, chùa... điển hình như:

Tân niên hạnh phúc bình an tiến

Xuân nhật vinh hoa phú quý lai.

Hai vế trong một câu đối luôn có số chữ bằng nhau, ý nghĩa và luật bằng trắc đối chọi hoặc tương ứng nhau đúng theo phép đối về nội dung là đối ý, về hình thức là đối chữ theo quy luật âm thanh và loại từ. Tết Bính Tuất năm 2006, một câu đối chỉnh được ưa thích là:

Ất Dậu qua Gà lâm bệnh nằm im không tiếng gáy

Bính Tuất đến Chó chạy rong đường lớn tiếng sủa vang

Thông thường, câu đối thể hiện những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên và cuộc sống, tình người và thế thái, đề cao đạo lý, thể hiện mong ước và chí hướng của người làm câu đối. Mùa Xuân, mong muốn có một năm mới an vui, phát đạt, người chủ một gia đình dán ở hai trụ cổng ra vào nhà câu đối: Môn đa khách đáo thiên tài đáo. Gia hữu nhân lai vạn vật lai, nghĩa là Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến. Nhà có người vào lắm vật vào. Trên hàng cột dưới hiên nhà thường được dán câu đối nói đến cảnh sắc mùa Xuân và niềm vui của năm mới, như: Sơn thủy thanh cao Xuân bất tận. Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh, nghĩa là Non nước thanh cao Xuân mãi mãi. Thần tiên vui thú cảnh đời đời.

Vẫn là thể hiện ý chí, nguyện vọng chung của con người nhưng những câu đối dán, treo trong nhà mang nội dung gần gũi, bình dị và thiết thực hơn. Những câu đối ấy có thể là câu đối cầu phúc, chúc thọ, như: Thiên tăng tuế nguyệt niên tăng thọ. Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường, nghĩa là Trời thêm năm tháng người thêm tuổi. Xuân khắp thế giới phúc khắp nhà. Hoặc: Tổ tông công đức thiên niên thịnh. Tôn tử hiếu hiền vạn đại vương, là Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh. Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu.

Trong các giai đoạn trước, giới Nho sĩ sáng tác rất nhiều câu đối vào mỗi dịp Tết, nổi bật là danh nhân Nguyễn Công Trứ với câu đối làm ở thuở hàn vi:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Với ý nghĩa tốt đẹp của câu đối và thú vui chơi câu đối, ngày nay người Việt Nam vẫn chọn mua những tấm thư pháp viết câu đối vào mỗi dịp Tết. Nhiều năm qua, tại các đường hoa, đường sách đón Tết ở một sổ tỉnh, thành phố thường có các bạn trẻ bày giấy bút viết câu đối Tết tiếng Việt viết theo lối thư pháp chữ Quốc ngữ. Ở tỉnh Quảng Trị, gian thư pháp viết câu đối Tết tại chợ đình Bích La của huyện Triệu Phong được tổ chức vào sáng mồng 3 Tết hàng năm thu hút nhiều người và đem đến niềm vui ý vị, tao nhã.

Trong những ngày Tết, câu đối đỏ rực rỡ tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng.. hòa cùng với màu sắc của bánh chưng xanh, cành mai vàng, cành đào hồng thắm làm tươi sáng thêm không khí mùa Xuân đang dần ấm áp trong trái tim của mỗi người:

Thái bình trăm họ dày phúc lộc

Lạc nghiệp muôn nhà sáng nghĩa nhân.

Năm mới mang đến điều may đầy đủ

Tiết tốt báo hiệu ngày xuân mãi dài.

Trích bài hát: Điệp khúc mùa xuân

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Kính thưa Quý vị và các bạn!

Việt Nam là một dân tộc gắn liền với nền văn minh lúa nước, với những cánh đồng đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Từ những hạt ngọc của trời, người dân Việt đã làm ra những chiếc bánh chưng bánh tét. Với nhiều thế hệ-bánh chưng, bánh tét trở thành một món ăn mang đậm hương vị Tết cổ truyền dân tộc, đó là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn viên-  là nét văn hóa ẩm thực tinh túy không thể thiếu trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

PTV: Cũng như mọi miền quê trên đất nước việt Nam, làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng vốn nổi tiếng với những chiếc bánh chưng, bánh tét được gói cùng lá ngót của vườn nhà. Chính cái màu xanh của lá ngót đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt với món ăn độc đáo của quê nhà; song điều đặc biệt làm nên thương hiệu của làng chính là những chiếc bánh tét mặt trăng đã gắn liền với bao thế hệ người dân sinh ra và lớn lên ở đây.

     BÁNH TÉT MẶT TRĂNG CỦA LÀNG ĐẠI AN KHÊ

Làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng vốn có lịch sử hình thành lâu đời. Trong rất nhiều nét văn hóa truyền thống ở đây;  không thể không nhắc đến những chiếc bánh tét mặt trăng gắn liền với người dân làng từ đời này sang đời khác. Từ xa xưa trong bất cứ ngày lễ giỗ, chạp của gia đình, dòng họ hay của làng, các bà các mẹ lại quây quần cùng nhau gói bánh, trong đó có những chiếc bánh  tét mặt trăng. Từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, chiếc bánh tét mặt trăng được những đôi bàn tay khéo léo làm ra như gửi gắm mong muốn, tâm tư, của mỗi người về một cuộc sống no đủ và bình an.

P/v: Ông Đào Bá Vây- Làng Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng cho biết:

(lịch sử bánh tét mặt trăng)

Hiện nay, ở làng Đại An Khê, gia đình ông Đào Bá Vây được mọi người biết đến khi trong nhiều năm qua luôn nỗ lực cùng với bà con của làng duy trì nghề gói bánh tét mặt trăng và đưa những chiếc bánh quê nhà giới thiệu cùng bạn bè gần xa.

 Chỉ từ những nắm lá ngót, ít đậu xanh, nếp, thịt lợn, đã làm nên những chiếc bánh tét mặt trăng thơm lừng của làng Đại An Khê, khiến cho ai đi ngang nơi này đều phải dừng chân khi nghe và tận mắt nhìn thấy chiếc bánh tét đặc biệt của ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi – đó là Bánh tét mặt trăng mang nhiều ý nghĩa.

P/v: Ông Đào Bá Vây- Làng Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng nói thêm:

(ý nghĩa bánh tét mặt trăng)

Để làm ra được một chiếc bánh tét mặt trăng chất lượng cũng lắm công phu, ngoài chất liệu là gạo nếp thì phải chọn lá rau ngót tươi, giã lọc lấy nước. Nước lá ngót có vai trò rất quan trọng trong quá trình làm bánh bởi nước lá sau khi được vắt ra phải trộn ngay với nếp mới giữ được màu xanh như ngọc trên từng chiếc bánh. Ngoài việc lựa chọn những loại nếp thơm dẻo, ngon và nhân đảm bảo thì cách nấu cũng khá quan trọng. Trước khi nấu, cần cho bánh vào một lượt trong nồi, đổ nước lạnh vào ngập xăm xắp bánh. Sau đó đun lửa cháy đều cho nồi bánh sôi ùng ục quanh đều, giữ đều lửa để bánh chín dần. Nấu từ 9 đến 10 giờ đồng hồ, bánh tét mới chín, sau đó nhỏ lửa và để ngâm trong nước khoảng vài giờ đồng hồ vớt bánh ra để ráo. Bằng cách nấu này đòn bánh tét sẽ giữ được lá xanh, cây bánh đẹp và để được lâu ngày. Củi phải được chọn từ những nhánh củi dày, tốt nhất là củi dương để nồi bánh được đượm và mùi hương khi cháy sẽ góp phần cho sự thơm ngon của từng chiếc bánh. Từ kinh nghiệm gói bánh được những người trong gia đình trao truyền, ông Đào Bá Vây luôn miệt mài với công việc gói bánh với mong muốn những chiếc bánh tét mặt trăng truyền thống của cha ông sẽ nhắc nhớ con cháu về sự phong phú của hương vị ẩm thực quê hương.

P/v: Ông Đào Bá Vây- Làng Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng cho biết thêm:

(Giữ gìn nghề gói bánh tét mặt trăng)

Bánh chưng bánh tét là món ăn bình dị, dân dã, không thể thiếu của người Việt vì nó tượng trưng cho món ăn ngày Tết. Dù cuộc sống đã hiện đại, đã đủ đầy hơn rất nhiều, cũng không cần phải chờ tới Tết mới có thể thưởng thức món bánh tét mặt trăng, nhưng cứ mỗi khi có dịp ăn một miếng bánh tét mặt trăng, là 1 lần ta có thể cảm nhận được vị bùi của đậu, vị thơm của nếp, vị ngậy của thịt, hòa quyện vào nhau tạo nên 1 hương vị khó phai. Và chiếc bánh thể hiện cho tình yêu gia đình với hình ảnh hai chiếc bánh được buộc chặt vào nhau, lại nhắc nhớ ta về sự phong phú của hương vị ẩm thực quê hương.

Làng Đại An Khê đã hơn 500 năm tuổi và cũng ngần ấy thời gian nồi bánh tét mặt trăng luôn có mặt trong đời sống dân làng, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực và văn hóa Quảng Trị.Những chiếc bánh tét mặt trăng của người dân làng Đại An Khê Từ xa xưa đến nay không chỉ là một món bánh truyền thống của làng mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa  sâu xa như gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát vọng  của người làm ra chiếc bánh và được người dân của làng gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Trích bài hát: Bánh chưng xanh

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 08/02/2022 22:24 Cao Thị Ánh Tuyết 08/02/2022 22:24

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà