Thơ 27/2
Danh mục
Đến với Bài thơ hay
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thơ 27/2 BÀI THƠ HAY CỦA MỘT NHÀ THƠ, BÁC SĨ. (Xuân Dũng) -Đến với bài thơ hay (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Đến với bài thơ hay". Trong ct này, nhân đúng ngày 27/2, ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi muốn giới thiệu một bài thơ hay của một nhà thơ có tiếng, đó là tác phẩm tiêu biểu là của nhà thơ, tiến sĩ y khoa, bác sĩ Phạm Nguyên Tường" được phát sóng vào ngày CN : 27/2, vào lúc 11g 20 và 16g50 , ct này do pv Xuân Dũng thực hiện, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Trong ct tuần này, nhân chào mừng kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam : 27/2, chúng ta cùng thưởng thức một bài thơ hay của của PGS, tiến sĩ y khoa, bác sĩ, nhà thơ Phạm Nguyên Tường, bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đến với bài thơ hay, ct này do Việt Thanh bt, với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt

Lời:

   NHÀ THƠ PHẠM NGUYÊN TƯỜNG VÀ BÀI THƠ "THƯỞ XA EM"

                                                                                                 (Xuân Dũng)

 

   Xin giới thiệu đôi nét về thi sĩ Phạm Nguyên Tường.

   Bút danh khác: Ngự Viên, Phạm Tường Hân

Sinh ngày 25 tháng 9 năm 1972

Tại quê ngoại Tam Kỳ- Quảng Nam

Quê quán: phường Phú Cát- Huế

Từng giữ chức Chức vụ: Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế (1998) và Đại học Sư phạm Huế (hệ tại chức, chuyên ngành Thực hành phiên dịch, khoa Ngoại ngữ - 1998).

Tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Ung thư Trường Đại học Y Hà Nội 2003. Đã hoàn thành Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại châu Âu.

Học hàm,Học vị và nghề nghiệp: PGS,Tiến  sĩ Y khoa, bác sĩ chuyên ngành xạ trị ung thư, khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế.

 

Những tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Phạm Nguyên Tường:

 • Hoa cúc mùa thu (tập thơ) Nhà xuất bản Thuận Hóa 1994

• Lá tháng Chạp (tập thơ) Nhà xuất bản Thuận Hóa 1998

• Quang gánh và những bài thơ khác (tập thơ) Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2006

• Chết như thế nào (bút ký) Nhà xuất bản Thuận Hóa 2009.

 *Hóa vàng đi Tường (tập thơ), NXB Thuận Hóa, 2021.

*Sông nói cuộc vô thường (tập tùy bút) ,NXB Thuận Hóa, 2021

 Phạm Nguyên Tường là một PGS, Tiến sĩ, một bác sĩ ở Huế. Dĩ nhiên như vậy rồi!

   Nhưng Phạm Nguyên Tường còn là một người hiền, một người thơ. Và hơn nữa anh còn là một lương y đúng nghĩa. Tôi còn nhớ thời sinh viên Huế, có lần Tường rụt rè đưa tôi  bài thơ đầu tay "Thuở xa em" nhờ tôi góp ý. Lúc ấy Tường còn học Sư phạm Huế. Có lẽ anh nghĩ tôi học văn và cũng tấp tễnh làm thơ nên đưa tôi biên tập. Tôi đọc xong, chẳng đổi thay một dấu phẩy, chỉ đảo vị trí một khổ thơ để bài thơ "có đáy".Và bài thơ đó được đăng và có diện mạo như bây giờ. Sau đó, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, thơ Tường nổi đình nổi đám ở Huế. Sinh viên chúng tôi nhiều người thuộc thơ Tường, không thuộc cả bài thì cũng một vài khổ thơ. Và rồi Tường học Y khoa một cách chuyên tâm và trở thành một bác sĩ thực thụ và vẫn say mê làm thơ rồi đàng hoàng được gọi tên thi sĩ.

   Nhà báo, nhà văn Lê Phi Tân hiện công tác ở Huế có đôi điều cảm nhận về bài thơ này (băng)

   Thơ Tường dường như chẳng ảnh hưởng một ai, kể cả các thi hào, thi bá. Anh viết thơ tự nhiên, hồn nhiên, nhi nhiên. Nhiều câu thơ, đoạn thơ được viết ra như thể tâm linh cầm tay phóng bút. Anh như là thi sĩ từ trong huyết quản. Mở đầu bài thơ "Thưở xa em", tác giả viết:

            Có một dòng sông chảy hoài trong tâm thức

         Thuở nào ta yêu em

        Sự hoang vu của buổi chiều kiệt sức

        Hiện ra như một kết cục đê hèn.

    Câu cuối cảm được nhưng giải thích chính xác lại không hề đơn giản. Cái kết cục của thơ hay kết cục cuộc đời. Nhưng có điều, sự day dứt, khắc khoải, tự vấn hiện lên rất rõ một tâm trạng không thể ngồi yên, không thể chấp nhận cái gọi là sự an bài. Cái tôi, cái bản ngã cần được lên tiếng, kể cả những cung bậc cảm xúc không dễ minh bạch, đo lường cũng cần có tiếng nói trong thơ và cả trong đời.

        Bao nhiêu đêm ký ức về đập cửa

        Lôi ta đi nạm cỏ ngậm ngang mồm

        Thành phố của những mê lộ

        Tiếng chổi dài quét vội những chiếc hôn...

   Thơ bắt đầu chớm có ảnh hưởng của cổ tích và ngụ ngôn. Đương nhiên có những điều không dễ và không thể hiển ngôn thì cần phải hiểu và khám phá theo cảm nhận riêng mình. Sợi chỉ trường liên tưởng tuy mỏng manh, ẩn hiện nhưng rõ ràng là nó tồn tại nên mối liên hệ giữa những câu thơ, và cả tạo ra nhiều tưởng tượng giữa những "khoảng lặng" ngôn từ.

           Bao nhiêu mặt trời không giữ được giùm ta chút lửa

        Đêm ơi xin cùng cạn chén trăng rằm

        Có một dòng sông tâm thức

        Xác ta bồng bềnh như thể trăm năm...

   Đã có nhiều sự tưởng tượng và hóa thân. Dòng sông ở đây không hẳn là dòng sông hiện thực mà là dòng tâm tưởng, một giả định và tưởng tượng thi ca nhằm chuyên chở những hình ảnh và tư tưởng của nhà thơ trước những biến cải của cuộc đời, của nhân thế và của chính bản thân mình. Dòng sông tâm thức được nhắc đi nhắc lại như một hình tượng chủ đạo, một từ khóa trong bài thơ, để từ đó phiêu bồng cảm xúc và tâm tưởng và sự hóa thân của chính bản thể nhà thơ, hay một nhân vật trữ tình mang bóng dáng tác giả.

   Em vụt đến, chưa kịp gì, vụt mất

Để ta yêu mụ phù thủy trong đời

Câu thần chú biến ta thành hành khất

Xin gì đây ta ngửa nón lên trời?

   Đến đây thì cổ tích, huyền thoại và cả ngụ ngôn cùng hiện thực xen lẫn với nhau, pha trộn nhau, tương tác nhau làm nên một bức tranh thi ca trừu tượng và siêu thực. Không còn chỗ cho mặt phẳng nhận thức trên trang giấy, mặt đất mà đã hình thành không gian ba chiều và hơn thế trong cảm thụ và tưởng tượng, làm phong phú hơn đời sống nhiều vẻ của tác phẩm, khiến chúng lung linh, hấp dẫn hơn và đem lại những xúc cảm và nhiều hình dung cho người thưởng thức. Dù không phải nhiều thứ đã tường minh và có lẽ vì vậy mà bài thơ càng trở nên cuốn hút và ấn tượng, để lại âm sắc dài lâu trong tâm hồn người đọc.

   Thơ đến lúc cũng giở trò bội bạc

Huống hồ em xa quá triệu tầm tay

Ta với tới một vì sao đẫm ướt

Thề không sáng nữa đêm nay!

   Có ít nhất ba hình tượng và khái niệm chính cộng hưởng trong trong bài thơ này đó là : dòng sông, em và ta cứ xoay quanh trục nhận thức và tưởng tượng của người đọc, nhiều khi tách bạch, nhiều khi song trùng, tam trùng tạo nên những hiệu ứng cảm xúc và tư tưởng không chịu đứng yên một chỗ. Đó chính là điểm thú vị của bài thơ này.

   "Thưở xa em" là tác phẩm đầu tay, là một bài thơ hay, đánh dấu một giọng điệu thơ riêng, lạ và mới của Phạm Nguyên Tường từ ba mươi năm trước. Đó cũng là một cột mốc trong hành trình thi ca của một nhà thơ đồng thời là một bác sĩ  xứ Huế có tiếng của miền Trung, cho đến hôm nay càng khẳng định những thành quả nghệ thuật của mình.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 22/02/2022 10:33 Lê Vĩnh Nhiên 23/02/2022 08:49

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà