Quảng Trị du kí - Mùa hoa trẩu
Danh mục
Quảng Trị Du ký
NỘI DUNG

Quảng Trị du kí

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Quảng Trị du kí của đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Trong Quảng Trị du kí tuần trước, chúng ta đã cùng nhau có những trãi nghiệm thú vị với hành trình khám phá những miền quê trên mãnh đất Quảng Trị thân thương, cùng với những trãi nghiệm về sự độc đáo của ẩm thực quê nhà. Trong chương trình hôm nay, hãy cùng chúng tôi đến với những địa điểm mới và tìm hiểu những điều thú vị nơi đây.

Thưa QV&CB! Ở huyện miền núi Hướng Hoá, bắt đầu từ tháng 3 là thời điểm hoa trẩu bung nở giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Hàng ngàn chùm hoa trắng tinh với hương thơm ngan ngát đung đưa theo gió trong ánh nắng đầu hè chiếu rọi, làm bừng cả một vùng biên cương tổ quốc. Với người dân ở Hướng Hóa, đây là loài hoa gắn liền với đời sống của bà con dân bản, và với du khách, ai đã một lần ghé ngang và chiêm ngưỡng loài hoa này đều say đắm với loài hoa trắng tinh hương thơm đắm say lòng người này,  đóhoa trẩu. Vượt qua đoạn đường đèo quanh co, uốn lượn ở đèo Sa Mù, du khách như lạc vào không gian hư ảo với những dãy múi mờ sương, những cánh rừng thay màu áo mới và cả những chùm hoa trẩu đung đưa theo gió.

Có lẽ với rất nhiều bạn nữ, những loài hoa ở vùng núi Hướng Hóa có sức hút đặc biệt để các bạn có thể vượt quãng đường hơn 70 km từ thành phố Đông Hà để đến vùng Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Lập hay đèo Sa Mù để ngắm vẽ đẹp của các loài hoa mà họ yêu thích như hoa dã quỳ, hoa cà phê, hoa trẩu. Mỗi sắc hoa với mỗi vẽ đẹp riêng và được rất nhiều du khách tìm đến vào mùa nở rộ. Ở miền biên cương này, không ai biết vì sao loài hoa trắng tinh với hương thơm đắm say lòng người này lại có tên là trẩu. Chỉ biết rằng, cứ đến độ tháng ba, tháng tư và kéo dài đến tháng năm hàng năm, loài hoa này sẽ bung nở sắc trắng điểm tô khắp núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Cây trẩu mọc tự nhiên ở vùng đất này, người dân thường để lấy gỗ, các bộ phận của cây trẩu được dùng làm thuốc chữa bệnh (vỏ trẩu dùng để chữa đau răng, sâu răng. Hạt dùng để chữa mụn nhọt, chốc lở), dầu hạt trẩu có thể chế làm dầu ăn...Hoa trẩu là loài hoa mọc thành chùm, bung nở điểm xuyến trong những chiếc lá xanh tươi. Trên mỗi chùm hoa trẩu có hàng trăm bông hoa nhỏ, xếp thành chùm tròn được ôm ấp, bao bọc bởi những chiếc lá xung quanh. Khác với các loại hoa khác, hoa trẩu có sắc trắng dịu dàng, tinh khôi. Hoa trẩu với những cánh hoa trắng tinh, nhị hoa vàng có cuống nhị màu hồng đậm tạo nên sự hài hoà, thanh nhã cho loài hoa đặc trưng của núi rừng biên cương Tổ quốc. Chị Hồ Thị Vai, một người dân ở xã Hướng Lập cho biết:

Trích tiếng

Dọc đường từ Hướng Phùng lên Hướng Việt, Hướng Lập hay ở xã Hướng Sơn có rất nhiều cây trẩu mọc hai bên đường. Cây trẩu vươn mình lên giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, bung nở những chùm hoa trắng tinh, rạng rỡ, làm sáng bừng cả một khoảng trời hoa nắng tháng ba, tháng tư. Mỗi khi có làn gió nhẹ khe khẽ thổi, những cánh hoa trẩu mỏng manh đu đưa theo làn gió quyện hương thơm vương vít, ngan ngát cứ thế mà bay xa, bay cao qua những triền đồi vạt núi. Thấy được lợi ích của cây trẩu trong việc giúp bà con cải thiện sinh kế, thời gian qua, Hội nông dân xã Hướng Lập đã xây dựng vườn ươm trẩu và trồng trẩu dọc đường. Khi cây trẩu phát triển bà con không chỉ thu hoạch các sản phẩm như hạt, võ trẩu...mà còn hướng đến mục đích xa hơn là phát triển du lịch cộng đồng. Chị Hồ Thị Tà Ơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa cho biết:

Trích tiếng

Rất nhiều du khách khi đến vùng núi rừng Hướng Hóa đã có cho mình những bộ ảnh đẹp để lưu giữ cho mình những kỉ niệm. Nhiều cặp đôi cũng đã tìm đến khu vực nhiều hoa trẩu để chụp hình cưới. Hoa trẩu vốn mộc mạc mà tinh khôi, đơn sơ mà thanh khiết, dưới ánh nắng đầu hè chan chát, cái tinh khôi và thanh khiết của những chùm hoa trẩu trắng dường như làm lòng ta dịu nhẹ hơn, tĩnh tại hơn, dường như làm xao xuyến cả những bước chân ta.

Ai đã đi đến miền Tây Quảng Trị đúng vào mùa hoa trẩu chắc chắn không khỏi xao xuyến, bâng khuâng bởi sắc trắng dịu dàng và hương thơm ngan ngát mà loài hoa đặc trưng của vùng biên cương mang lại. Hãy đến và ngắm nhìn loài hoa yêu thích trong dịp này, chúng tôi tin sẽ không làm các bạn thất vọng.

*******

Thưa QV&CB! Vùng đất Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng không chỉ được biết đến với những chiếc bánh tét mặt trăng ngon nổi tiếng mà còn nổi tiếng với nhiều món ngon khác trong vùng, trong đó có thể kể đến là món bánh đúc thịt vịt. Một món ngon dân dã khác được chế biến từ những nguyên liệu của đồng đất quê hương.

Theo những người lớn tuổi trong làng, món bánh đúc thịt vịt hay còn được gọi là cháo đặc, có từ rất lâu đời. Các chị, các mẹ trong làng ai cũng biết nấu bánh đúc. Con gái trong làng lớn lên đều được mẹ truyền lại công thức nấu món ăn truyền thống này. Món bánh này là sự kết hợp của các nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, trên đồng đất quê hương như vị ngọt mát của gạo ngon, vị béo và thơm của thịt vịt thả đồng và bùi bùi của đậu phụng trồng ngoài bãi sông, vị cay và thấm của gia vị… Bánh đúc thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong các dịp giỗ, chạp, lễ, tết hay cưới hỏi của người dân làng quê này.

Khác với món bánh đúc bình dân mà vùng quê nào cũng có, món bánh đúc thịt vịt của làng Đại An Khê có cách nấu và kỹ thuật nấu khá cầu kỳ. Để nấu được nồi bánh chuẩn vị trước hết cần các loại gạo nấu cũng khác và có những cách làm khác nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của loại bánh này. Ông Đào Bá Vây, một người dân có kinh nghiệm trong làng chia sẻ:

Trích tiếng

Trước hết cho mỡ lợn vào nồi, phi hành củ thơm lừng rồi tiếp cho gạo vào đảo đều để mỡ thấm sâu vào từng hạt gạo cho đến lúc hạt gạo săn lại. Khi gạo ngã sang màu vàng nhẹ, rót nước dùng được nấu chiết từ xương vịt vào theo tỉ lệ 1 lon gạo 4 lon nước dùng. Nấu bánh đúc đúng kiểu Đại An Khê rất kỳ công, tốn thời gian. Công đoạn này cần giữ ngọn lửa thật nhỏ liên tục nhưng đượm than vừa đủ để gạo chín nhừ là bí quyết quan trọng nhất để có mẽ bánh đúc ngon. Nếu giữ lửa không khéo, nồi gạo sôi không đều, bánh không nhuyễn. Già lửa, bánh sẽ có mùi khê. Khi gạo sôi, tiếp tục rắc lạc giã nhỏ trên mặt gạo và giữ lửa riu riu để gạo, lạc chín từ từ.

Khâu cuối cùng là tạo hình cho bánh cũng khá cầu kỳ. Thông thường, bánh sau khi nấu xong được đổ ra một chiếc sàng bằng tre có lót lá chuối tươi, dàn mỏng, rắc thêm rau gia vị, ớt tươi và tiêu. Dùng lá chuối đặt lên trên mặt bánh, ép nhẹ nhàng để cho mặt bánh chặt và chắc rồi để bánh nơi thoáng gió chờ nguội. Khi ăn, chỉ cần dùng dao bằng tre cắt từng lát hình thoi hay hình vuông bày ra dĩa. Bánh đạt tiêu chuẩn là miếng bánh sắc cạnh, đặc và mềm.

Để đĩa bánh ngon hơn, đậm đà hơn phải kể đến nước lèo chan vào bánh. Đó là hỗn hợp gia vị đun sôi giữa hành tỏi phi thơm kết hợp với mè và đậu phụng rang giã nhỏ, hòa với nước mắm, đường, nước dùng sao cho vừa miệng. Có thể cho thêm gan lợn băm nhuyễn để tăng độ sánh và thơm ngon cho nước lèo.

Món bánh dân dã mà ấm lòng này đã vượt ra khỏi làng quê, trở thành món ngon nổi tiếng, có mặt trong các hội chợ ẩm thực của địa phương, là món quà sáng hay món ăn chiều đậm đà hương vị làng quê cho nhiều người dân phố thị. Bánh đúc thịt vịt đủ sức níu chân những đứa con xa trở về bằng hương vị khó phai, nhắc nhớ về sự phong phú của ẩm thực quê hương hồn hậu, thật thà.

Chào kết

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 09/03/2022 08:37 Lê Vĩnh Nhiên 10/03/2022 08:24
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà