THƠ 27/3
Danh mục
Đến với Bài thơ hay
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thơ 27/3 -Đến với bài thơ hay (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Đến với bài thơ hay". Trong ct này, chúng tôi muốn giới thiệu một bài thơ hay được nhiều người yêu thích của thi sĩ Nguyễn Duy, ct được phát sóng vào ngày CN : 27/3, vào lúc 11g 20 và 16g50 , ct này do pv Xuân Dũng thực hiện, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Trong ct tuần này, chúng ta cùng đến với một tác phẩm rất phổ biến của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy, bài của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đến với bài thơ hay, ct do Việt Thanh bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

                        "TRE VIỆT NAM" CỦA NGUYỄN DUY.

                                                                                           (Xuân Dũng)

 

   Có thể khẳng định rằng trong gia tài thơ của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy thì "Tre Việt Nam" tuy chưa phải là tác phẩm hay nhất nhưng là bài thơ phổ biến nhất, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

   Bài thơ theo thể lục bát như một bài ru, như một tiếng lòng truyền thống cổ truyền mà dân dã, gợi cảm, gợi tình:

   Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa. . . đã có bờ tre xanh

  Tưởng chẳng có gì đáng nói, vì tự ngàn xưa hình ảnh cây tre đã gắn bó với làng quê Việt Nam như là máu thịt, đa phần các làng quê đều có lũy tre, bờ tre, mỗi gia đình đều có trồng cây tre. Tre để che chở gió mưa, tre để làm nhà, để đan nôi, để chẻ lạt làm bánh chưng, bánh giầy, măng tre dùng để ăn...Tre thân thuộc, hiền lành như một người bạn thủy chung với con người từ tuổi ấu thơ cho đến lúc về già.

   Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

   Tre thường không vạm vỡ, thân lớn vừa phải, thường khi nhỏ nhắn, có vẻ mềm mại, đôi khi có cảm giác như là yếu đuối nhưng kỳ thực tre có một nội lực ghê gớm, đó là sự mềm dẻo vững bền không dễ gì phá vỡ, và khi  nhiều cây nhiều cây tre liên kết lại thì tạo nên thành, nên lũy để che chở xóm làng, để phòng chống gió bão và cả giặc ngoại xâm khi đất nước lâm nguy.

   Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

  Tre chịu đựng, tre kiên cường, tre đứng giữa trời xanh, hứng nắng gắt, uống mưa dầm mà sinh sôi nảy nở, mà trụ vững trước những thách thức lớn lao mà đời người hầu như ai cũng trải qua.

   Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con

  Tre được nhân hóa như là con người, biết chai sẻ vui buồn, khó nhọc, đau khổ với nhân gian, và có khi hóa thân thành người mẹ Việt Nam tảo tần, chịu thương chịu khó, giàu đức hy sinh, lặng lẽ cả đời...

   Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau. . .
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

   Sự kế tục của tre cũng như của người là vô thủy vô chung là vô tận, cứ kéo dài từ đời này sang đời khác. Và như câu tục ngữ : tr già măng mọc cứ tuần hoàn như một chu kỳ sinh học của thiên nhiên và cũng là chu kỳ sinh thành của xã hội, của con người, đó chính là nội lực vững bền và bất tử, của tre và của xã hội loài người của dân tộc Việt Nam.

  Nhà giáo Thái Quốc Khánh ở Cam Lộ, Quảng Trị cảm nhận (băng)

  Chúng ta không khỏ liên tưởng đến tùy bút "Cây tre Việt Nam" của nhà báo Thép Mới, cùng mạch cảm xúc, có nhiều đồng điệu:

  "Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre… 
“Tre già măng mọc”. Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam, lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 
Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt. 

Nhưng, nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hoà bình. 

Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi. 

Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam".

   Bài thơ "Tre Việt Nam" đã từng được rất nhiều thế hệ yêu và nhớ, nhớ và thuộc, không thuộc cả bài thì cũng thuộc một đoạn hoặc vài câu. Điều đó chứng tỏ rằng:  thơ hay luôn có chỗ đứng trong lòng người đọc, trong lòng xã hội dù cho có văn minh hiện đại đến đâu chăng nữa.

  (Ngâm thơ Minh Ngọc : Tre Việt Nam")

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 20/03/2022 17:24 Lê Vĩnh Nhiên 22/03/2022 15:58

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà