âm nhạc và đời sống
Danh mục
Âm nhạc và đời sống
NỘI DUNG

   QRTV giới thiệu

Mùa hè khoảng thời gian nói lời chia tay của tuổi học trò với thầy cô, bạn cũ, với mái trường yêu dấu và với bao kỉ niệm chanh chua tuổi học trò.  Mùa hè cũng là quãng thời gian để mỗi trái tim bỏng cháy ngày nào cất những bước đi đầu tiên, đi những bước chập chững đầu tiên hòa vào dòng đời bôn ba với biết bao những hoài bão lớn lao.

Với chủ đề “ Câu chuyện tháng 5”, kính mời quý vị  và các bạn đón nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” , phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào lúc 17 h ngày thứ sáu 6/5/2022 và phát lại vào 16 h ngày chủ nhật 8/5/2022.

                  

                     CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC VÀ ĐỜI SỐNG

                   ( 6/5/2022)- Chủ đề “ Câu cuyện tháng 5               

                                      Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

MC: Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” , phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào lúc 17 h ngày thứ sáu và phát lại vào 16 h ngày chủ nhật, hàng tuần.

Kỷ thuật viên phát bài hát “Giấc mơ trưa” Thùy Chi  thể hiện

MC: Vâng, thưa quý vị, Tháng 5 đã;về cùng với hạ vàng; lkhông chỉ riêng mùa xuân hoa thơm lộc biếc mà mùa hè cũng là chủ đề được nhiều nhạc sĩ khai thác và cảm hứng để sáng tác những ca khúc hay. Với chủ đề “ Câu chuyện tháng 5”, trong chương trình hôm nay, kính mời quý vị  và các bạn cùng lắng lại lòng mình để thưởng thức những  nhạc phẩm sống mãi với thời gian.

                             Xướng, nhạc Tiểu mục " Thanh âm của yêu thương

1. Kỷ thuật viên phát bài hát “ Hát với chú ve con” ca sỹ Hồng Nhung- Bằng Kiều thể hiện

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn vừa nghe một sáng tác rất trẻ trung sôi động về mùa hè của cố nhạc sỹ Thanh Tùng qua sự kết hợp thể hiện của 02 ca sỹ được khan giả mến mộ: Hồng Nhung và  Bằng Kiều.

Đây là khúc được viết năm 1984 về một câu chuyện buồn. Lúc đó nhạc sĩ Thanh Tùng yêu một cô gái rất đẹp nhưng lại có một số phận rất đau đớn. Vì cuộc sống xô đẩy mà cô ấy trở thành tiếp viên và không còn tin vào tình yêu nữa, dù ông đã rất cố gắng chứng minh điều đó. Rồi sau đó, cô ấy ra nước ngoài đoàn tụ gia đình và mang theo ca khúc Hát với chú ve con do nhạc sĩ Thanh Tùng viết vội tặng lúc chia tay.

Lời bài hát: "Đừng mang cho lời ca những nỗi ưu phiền và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn" chính là những gì mà ông muốn gửi gắm tới cô gái.

 

MC: Vâng, Nếu có một người nói với bạn rằng họ đã không còn tin tưởng vào tình yêu, vào những xúc cảm thiêng liêng ấy thì bạn sẽ làm gì? Với nhạc sĩ Thanh Tùng, khi một cô gái nói với ông điều đó, ông đã sáng tác ca khúc “Hát với chú ve con” để mượn âm nhạc thay lời ông muốn nói với cô gái nọ về tình yêu, về cuộc đời. Với giai âm thứ, thức điệu nhanh, rộn rả, ông như đang kể cho một ai có thực hoặc một ai đó không thực trong đám đông quanh đây nổi niềm của mình. Bởi vậy “ Hát với chú ve con” được nhiều lứa tuổi đón nhận, đặc biệt là với tuổi trẻ. Và đó chính là thành công của ca khúc này.

2. Kỷ thuật viên phát bài hát “Chiều hè trên bãi biển” Ca sỹ Cẩm Ly thể hiện

MC: Quý vị và các bạn vừa thưởng thức ca khúc “ Chiều hè trên bãi biển” qua sự thể hiện của ca sỹ Cẩm Ly. Nhạc sỹ sáng tác ca khúc này là Hoàng Phương, Ông tên thật Nguyễn Kim Hoàng. Những sáng tác của ông chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương tha thiết. Hoàng Phương là tác giả của bài hát nổi tiếng "Hoa sứ nhà nàng". “Chiều Hạ vàng” cũng là một ca khúc nổi tiếng trong thập niên 80, 90.

MC: Thưa quý vị “Chiều hè trên bãi biển” là một tình khúc nhẹ nhàng, kể về câu chuyện tình của một đôi lứa yêu nhau. Những ca từ dầy hình tượng, được nhạc sỹ từ tốn kể cho người nghe thưởng thức như xem một cuốn phim tình cảm lãng mạng và thật đẹp. Có lẽ khi nghe xong ca khúc “ “Chiều hè trên bãi biển” nhiều người muốn về ngay miền biển xanh để ngắm và hòa mình vào sóng nước.

3. Kỷ thuật viên phát bài hát “Hạ trắng” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)- Quang Dũng thể hiện

MC: Vâng, quý vị và các bạn vừa nghe nam ca sỹ Quang Dùng thể hiện rất hay ca khúc Hạ Trắng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Trải qua 50 năm, Hạ trắng vẫn mang một sức sống mãnh liệt như thưở ban đầu, vẫn đưa người nghe “lang thang” trong những ý niệm vô hình về thời gian mỗi khi những giai điệu quen thuộc được cất lên. Khánh Ly hay Quang Dũng  đều là những ca sĩ đã trình diễn thành công tuyệt phẩm này.

MC: Vâng, khi nghe cả bài hát không hề nhắc tới từ “hạ” nhưng qua những câu hát bất hủ và giai thoại về giấc mơ “hạ trắng”, người nghe có thể cảm nhận được câu chuyện mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã kể trong Hạ trắng là vào một mùa hè oi ả, “trời không có mây”. Được người cố nhạc sĩ sáng tác vào năm 1961, Hạ trắng luôn gợi một hình ảnh xa xăm về quá khứ. Khi câu hát “gọi nắng, trên vai em gầy, đường xa áo bay” vang lên, người nghe như bị hút vào và lơ lửng trong cái thinh không của thời gian, để rồi sau đó bị kéo trở lại bởi tiếng gọi của “mùa thu tới”…

                   Nhạc cắt + Lời xướng mục “ Tác giả và Tác phẩm”

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Chiều hạ vàng” nhạc Nguyễn Bá Nghiêm, ca sỹ Bảo Yến thể hiện)

MC: Thưa quý vị và các bạn.Những năm 80 của thế kỷ trước, sự xuất hiện của giọng ca Bảo Yến tựa như một cơn địa chấn trong làng nhạc. Nhắc đến Bảo Yến, không thể không nhắc đến nhạc phẩm Chiều Hạ Vàng. Ca khúc được viết bởi một nhạc sĩ không mấy tên tuổi, không có nhiều sáng tác nhưng như một mối duyên, lại bất ngờ được tiếng hát Bảo Yến đưa đi rất xa, có lẽ vượt xa cả kỳ vọng của chính tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm.

Kỷ thuật phát đoạn nhạc:

Em hát đi
Ru mây hạ về
Hạ trắng lang thang miên man tình buồn
Dòng sông này lá hát trên cây
Mây trôi trôi chim ngủ đồi nhớ 

MC: Vâng, những giai điệu buồn vương man mác đưa người nghe chìm sâu trong dòng tâm sự của những buổi chiều mùa hạ. Không biết đã bao nhiêu mùa hạ đến rồi lại đi theo vòng quay của thời gian, chỉ biết rằng cứ mỗi khi hạ về lại có người đứng bên “dòng sông” vắng, để mặc cho dòng tâm trạng lang thang chìm trôi vào miền nhớ. Trong chúng ta, hẳn ai cũng có những mối tình mùa hạ tươi trẻ, nồng say, chói chang, rực rỡ. Những mối tình ấy như những đặc ân mà tạo hoá dành riêng cho tuổi trẻ, để rồi khi đến một độ tuổi nào đó, ngồi nhìn lại những mùa hạ cũ, sẽ không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng, hoài nhớ:

Kỷ thuật phát đoạn nhạc

Em hát đi
Lênh đênh giọt buồn
Hoài mãi trong ta bơ vơ chiều về
Dòng sông này nhớ mãi em ca
Nhìn hạ về cây lá rưng buồn 

Em hát đi
Ru ngủ giấc chiều nay
Mây bay bay mơ tiếng ca trên đồi
Chiều hạ về nhớ áng mây trôi
Lá trên cây hong con nắng mơ màng 

MC: Vâng, Ai đó đã nói rằng, nếu như thanh xuân là một cơn mưa rào thì cho dù có bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa. Bởi những dấu ấn về nó sẽ luôn “hoài mãi trong ta”, sẽ mãi là những khúc ca tươi đẹp nhất trong đời người.

Những ca từ lặp đi lặp lại khắc khoải, rưng rưng như một sự khẩn nài, nguyện xin được trở lại những ngày xưa để lại được nghe giọng hát em, để được sống lại những mùa hạ xưa cũ, để tắm mát thanh xuân và để xua đi những miên man tình buồn, những lênh đênh, bơ vơ vọng sâu trong tâm hồn. Nhưng làm gì có ai đảo ngược được thời gian, làm gì có cỗ máy thần kỳ nào đưa được người về quá khứ nên chỉ đành xin một giấc mơ để nghe lại tiếng ca trên đồi”, để lá trên cây” 

Kỷ thuật phát đoạn nhạc

Ta lắng nghe ngu ngơ hạ về
Hạ trắng bơ vơ ru em lời buồn
Chiều mây vàng nhớ tiếng em ca
Mây lang thang trong nắng hanh vàng 

MC: Thưa quý vị, Chiều Hạ Vàng rõ ràng là một tình khúc. Nhưng xuyên suốt ca khúc, chẳng có câu chuyện tình nào được kể, không trùng phùng cũng chẳng có chia ly, những cao trào xúc động lại càng không có. Toàn bộ ca khúc chỉ như một khúc tâm tình, sẻ chia dòng tâm trạng hoài nhớ mênh mang về những mùa hạ xa xưa trong ký ức của nhân vật trữ tình. Và cái sự miên man, bồi hồi, nhớ thương da diết đó đã được ca sĩ Bảo Yến khắc hoạ sắc nét bằng giọng hát trầm sâu mà như nức nở của mình.

           Xướng và nhạc cắt mục “ Câu chuyện âm nhạc

          ( Kỷ thuật viên phát trích  bài hát “ Hoa tím ngoài sân” nhạc Thanh Tùng, ca sỹ Hà Trần thể hiện) 

    (Kỷ thuật lưu ý chèn ghép nhạc nhẹ nhàng với giọng đọc 2 PTV)

MC: Quý vị và các bạn vừa nghe Ca khúc “Hoa tím ngoài sân”  qua sự thể hiện của ca sỹ Hà Trần , đây là một trong những bản tình ca xuất sắc nhất của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. 1954 khiến ông theo cha mẹ ra Bắc năm 6 tuổi. Trưởng thành tại Hà Nội, thuở thanh niên, ông có dịp tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Triều Tiên và tốt nghiệp vào năm 1971, khi mới 23 tuổi. Ngay sau đó, Thanh Tùng được cử giữ cương vị chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

MC: Thưa quý vị, nhạc sỹ Thành Tùng  rời xa dương thế sáng 15-3-2016 , hưởng thọ 68 tuổi, sau 12 ngày nằm viện và gần 8 năm bị bệnh nặng. Với sự ra đi của ông, lối cũ dường như đã bớt đi hương ngọc lan, gió cũng bớt trút lá úa xuống vườn chiều, nhưng trong trái tim người yêu nhạc, mãi còn hình bóng ông...

Với nhiều ca khúc trẻ trung mà đề tài chính là tình yêu, ngôn từ đơn giản nhưng ẩn chứa đâu đó những nét sâu sắc. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước, những bài hát của ông đã trở nên “thương hiệu” cho nhiều giọng ca. Có thể kể tới “Lời tỏ tình của mùa xuân” , “Giọt sương trên mí mắt”  “Mưa ngâu”, , “Em và tôi” và “Lối cũ ta về”, hay “Trái tim không ngủ yên” “Hoa tím ngoài sân”

Thưa quý vị, chúng tôi xin trích lên đây ý kiến của Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Vũ, một nhạc sỹ với nhiều ca khúc hay viết về tình yêu và quê hương, đất nước khi nói về nhạc sỹ Thanh Tùng. ( trích băng)

MCL Vâng, Thưa quý vị, nhìn lại cả con đường âm nhạc của Thanh Tùng, một sự nghiệp mà như ông từng nói, “đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi”, có thể cái đọng lại với thời gian là nét hoài niệm rất mạnh mẽ trong ca từ và nội dung các ca khúc, kể cả trong những bài hát có tiết tấu nhạc trẻ trung và hứng khởi nhất.Ký ức tình yêu chan chứa và sâu lắng ấy đã khiến ông vượt lên nhiều nhạc sĩ khác của Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua. Và, người yêu nhạc sẽ nhớ tới ông như người chấn hưng nhạc trẻ Việt Nam trong nước, mỗi khi “Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi” lúc “Hoa tím vẫn rơi đầy sân”mà quý vị vừa thưởng thức qua ca khúc “ Hoa tím ngoài sân” trong CT.

MC: Chương trình “ Âm nhạc và đời sống” với chủ đề “ Câu chuyện tháng 5” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..  thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 03/05/2022 09:36 Lê Vĩnh Nhiên 04/05/2022 08:52
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà