Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình phụ nữ và cuộc sống 14/5

Phụ nữ Quảng Trị với vai trò gìn giữ các nghề truyền thống

MC1: Kính chào QV & các bạn! Bây giờ là chương trình phát thanh phụ nữ và cuộc sống của Đài PTTH Quảng Trị.

 Thưa QV và các bạn! Việt Nam có nền văn hóa truyền thống lâu đời với văn minh lúa nước và các nghề truyền thống trải khắp chiều dài đất nước. Các làng nghề được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thay nhau gìn giữ các giá trị văn hóa thông qua các ngành nghề. Tuy nhiên để các làng nghề được tồn tại cho tới ngày nay không thể không nhắc đến vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình các làng nghề đó.

MC2: Làng nghề truyền thống ở Việt Nam chủ yếu dựa trên đơn vị gia đình. Trong gia đình, đối tượng làm nghề chủ yếu là phụ nữ, do đó việc xác định đóng góp công sức và kinh tế của phụ nữ là điều cần thiết. Ở làng nghề, cho dù được coi là nghề phụ hay nghề chính, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Phụ nữ tham gia vào các nghề truyền thống không chỉ để phát triển kinh tế mà họ còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét đẹp của các nghề truyền thống của quê hương. Đây cũng chính là nội dung của chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này, mời QV & CB cùng nghe.

Nhạc cắt

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Hướng Hóa, Đakrông

MC1: Thưa chị em và các bạn! Dệt thổ cẩm không chỉ thể hiện nét đẹp truyền thống mà còn là sự tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Những nét hoa văn đặc sắc trên trang phục nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ  như trở nên sống động, gần gũi với đời sống thường nhật mà họ vốn có. Nó thể hiện tính cần cù, chăm chỉ và nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ đồng bào. Vì thế, nghề dệt thổ cẩm cần được khôi phục, duy trì và phát triển. Bỡi đây là một cách để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào.

MC2: Để tạo nên một sản phẩm thổ cẩm đẹp phải mất vài tháng từ khâu se sợi, dệt vải đến khi dệt nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Trước đây. một bộ phận người dân Đakrông vẫn giữ phong tục sử dụng sản phẩm dệt áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên bây giở, đồng bào đã dệt theo nhu cầu của thị trường, được các dự án đầu tư, hướng dẫn thợ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm. Các dự án duy trì nghề thổ cẩm, phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế hộ gia đình. Ðây cũng là một trong những cách đáp ứng được nguyện vọng của nhiều phụ nữ muốn thoát nghèo bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình. Ông Hồ Văn Pườm, xã A Bung huyện Đakrông cho biết thêm:

                                                ( Ghi âm)

          MC1: Tổ dệt thổ cẩm xã A Túc thành lập năm 2011, do UBND xã và Hội LHPN huyện Hướng Hóa quản lý. Sự ra đời của tổ góp phần tạo công ăn, việc làm cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống thông qua việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống. Chị em đã được học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương trong nước; được tư vấn, thiết kế sản phẩm, hỗ trợ kết nối thị trường; tham gia tập huấn nâng cao năng lực quản lý, sử dụng sổ sách, hạch toán chi phí, tiếp thị sản phẩm. Hội LHPN cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho những người làm nghề dệt thổ cẩm ở đây. Chị Hồ Thị Dun, xã A Túc cho biết:

                                                ( Ghi âm)

( PTV đọc dịch: Trước đây chị em chúng tôi dệt chỉ để mang thôi, bán ra họ không thích, họ chê xấu. Nhưng nay chúng tôi được tập huấn, được dệt theo mẫu, dệt nhiều hơn nên khăn và váy hung tôi dệt ra đẹp hơn, bán cũng được rồi)

          MC2: Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo đặc biệt. Chỉ một đường chỉ sai, tấm thổ cẩm xem như hỏng. Vì vậy, mỗi sản phẩm ra đời thực sự là một đứa con tinh thần đối với chị em. Không dừng lại ở các phục trang quen thuộc là khăn, sấn, áo..., chị em trong tổ dệt đồng bào ở huyện miền núi Hướng Hóa còn sáng tạo nhiều đồ dùng độc đáo như vòng tay, túi xách, bọc điện thoại, móc chìa khóa... Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện Hướng Hóa là một cách để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Nhạc cắt

HƯỚNG ĐI MỚI CHO NÓN LÁ TRÀ LỘC.

MC2: Thưa chị em và các bạn! Thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân không chỉ được biết đến bởi có khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc nổi tiếng thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm mà nơi đây còn được biết đến với nghề làm nón truyền thống có từ lâu đời. Qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, những sản phẩm nón lá Trà Lộc đã được đông đảo chị em phụ nữ khắp các miền đón nhận. Tuy nhiên với mong muốn nâng cao chất lượng, mẩu mã sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình tại địa phương, thời gian qua làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc đã mạnh dạn có những giải pháp tích cực, bước đầu tạo hướng đi mới cho làng nghề. Bài viết của PV Hoài Đức, mời chị em & CB cùng nghe.

MC1: Thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng có nghề truyền thống chằm nón từ hàng trăm năm nay. Nón lá Trà Lộc vừa đẹp, vừa bền được đưa đi tiêu thụ trên địa bàn nhiều tỉnh thành. Theo chị Lê Thị Bé, một trong những người làm nghề lâu năm của Tổ hợp tác nón lá Trà Lộc thì đây là nghề truyền thống của gia đình, từ bà, đến mẹ rồi đến chị. Thôn Trà Lộc hiện có gần 500 hộ dân nhưng có đến hơn 300 hộ phát triển nghề làm nón. Đây là nghề đòi hỏi sự khéo tay và kiên trì nên tham gia làm nghề chủ yếu là phụ nữ. Cứ vào lúc nông nhàn, khi công việc đồng áng đã xong, người dân ở đây lại làm nón. Tùy vào từng loại nón 2 lớp, 1 lớp, nón 16 vành hay nón 17 vành,...mà thời gian để làm ra một chiếc nón sẽ khác nhau. Bình thường mỗi người làm được từ 2-4 chiếc nón/ngày. Tuy nhiên, mẫu mã các sản phẩm vẫn còn ở dạng truyền thống, khó cạnh tranh. Nhằm mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, Ban điều hành làng nghề đã vận động 30 chị em phụ nữ thành lập tổ hợp tác, đồng thời kêu gọi các nguồn vốn để mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm. Chị Lê Thị Bé nói:

Trích tiếng

MC2: Trước đây, các sản phẩm ở làng nghề nón lá Trà Lộc chủ yếu chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày, cho công việc đồng áng nên phần lớn chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh, vì thế thu nhập của các hộ làm nón chưa cao. Nhưng nay, với phương châm “gắn phát triển làng nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch”, tận dụng tiềm năng sẳn có tại địa phương là khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, BĐH làng nghề nón lá Trà Lộc đã quyết tâm đưa sản phẩm nón lá thành một sản phẩm làm quà tặng hấp dẫn, ý nghĩa cho du khách mỗi khi đến Quảng Trị.  Ông Cáp Hữu Hanh, trưởng thôn Trà Lộc cho biết: Có thời điểm người dân ở đây không quan tâm tới nghề này nhưng những năm trở lại đây nghề đã được phục hồi và phát triển mạnh. Đây là công việc rất thuận lợi cho chị em lúc nông nhàn, thậm chí nhiều em nhỏ cũng đã biết chằm nón để giúp đỡ cha mẹ và lưu giữ nghề. Chị Lê Thị Bé cho biết thêm:

Băng ghi âm

MC1: Với sự mạnh dạn đổi mới của BĐH làng nghề, hiện nay huyện Hải Lăng cũng hết sức ủng hộ cách làm này của làng nghề nón lá Trà Lộc và đang có kế hoạch tiếp tục chỉ đạo làng nghề phát triển theo hướng sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch, đồng thời phối hợp với các địa điểm du lịch trong tỉnh để liên kết đưa sản phẩm đến với người khách hàng.

Nhạc cắt

          MC2: Qv và các bạn thân mến!  Có thể nói, nghề truyền thống của là nét văn hóa rất độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của mỗi vùng quê. Ngày nay, nghề truyền thống có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương. Và có thể khẳng định những người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ các nghề truyền thống của quê hương.

MC1: Hy vọng rằng trong thời gian đến chính quyền và các ngành chức năng sẽ có sự quan tâm, khuyến khích hơn nữa để những người phụ nữ tại các làng nghề có điều kiện để phát huy hết vai trò của mình. Chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này cũng xin được khép lại tại đây, chương trình này do…. Thực hiện. Cảm ơn QV đã luôn đồng hành cùng chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Đón nghe:

Làng nghề truyền thống ở Việt Nam chủ yếu dựa trên đơn vị gia đình. Ở làng nghề, cho dù được coi là nghề phụ hay nghề chính, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Phụ nữ tham gia vào các nghề truyền thống không chỉ để phát triển kinh tế mà họ còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét đẹp của các nghề truyền thống của quê hương. Đây cũng chính là nội dung của chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này, mời QV & CB đón nghe vào 11h thứ 7 ngày 14/5 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 11/05/2022 10:10 Lê Vĩnh Nhiên 13/05/2022 18:35
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà