âm nhạc và đời sống
Danh mục
Âm nhạc và đời sống
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu

Thưa quý vị và các bạn, mùa hè là chủ đề được nhiều nhạc sĩ khai thác và luôn được người hâm mộ tìm nghe mỗi dịp xuân đi, hạ về. Những ngày đầu hạ là thời điểm giao mùa vội vàng với những cơn mưa rào ập đến bất chợt. Mùa hè với nắng, gió, bầu trời xanh và những chuyến đi xa đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ viết nên những giai điệu nổi tiếng

Với chủ đề “ Tình khúc tháng 6”, kính mời quý vị  và các bạn đón nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” , phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào lúc 17 h ngày thứ sáu 3/6/2022 và phát lại vào 16 h ngày chủ nhật 5/6/2022.

                  

                     CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC VÀ ĐỜI SỐNG

                   ( 3/6/2022)- Chủ đề “ Tình khúc tháng 6”               

                                      Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

MC: Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” , phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào lúc 17 h ngày thứ sáu và phát lại vào 16 h ngày chủ nhật, hàng tuần.

  Kỷ thuật viên phát một đoạn bài hát “ Vào hạ” nhạc sỹ Lê Hựu Hà, Tam ca áo trắng thể hiện

MC: Vâng, thưa quý vị, mùa hè là chủ đề được nhiều nhạc sĩ khai thác và luôn được người hâm mộ tìm nghe mỗi dịp xuân đi, hạ về. Những ngày đầu hạ là thời điểm giao mùa vội vàng với những cơn mưa rào ập đến bất chợt. Không khí này càng khiến tâm hồn mỗi người trở nên mơ hồ, bâng khuâng. Lúc này, âm nhạc là liều thuốc tốt nhất để giải tỏa những suy tư ấy, đặc biệt là những bài hát viết về chính cảm xúc ta đang có.

MC: Với chủ đề “ Tình khúc tháng 6”, trong chương trình hôm nay, kính mời quý vị  và các bạn cùng lắng lại lòng mình để thưởng thức câu chuyện về tình yêu và cuộc sống qua các nhạc phẩm được công chúng yêu thích.

                  

              Xướng, nhạc Tiểu mục " Thanh âm của yêu thương”

1. Kỷ thuật viên phát bài hát “Tính khúc tháng sáu” của Ngô Thụy Miên, Khánh Hà thể hiện

MC:  Tiếng ve ngân vang liên hồi từ những chùm phượng vĩ đỏ rực. Tháng 6 là thời gian để ta dừng lại, để ta đắm chìm trong vô vàn kí ức tràn về.

Những chiều mưa tháng 6 ai đó ngồi trầm tư bên cửa sổ nhìn mưa rơi thả hồn lãng đãng, ai đó ngồi ở hiên nhà nghe giọt rơi tí tách, ai đó ngồi trong quán café ngắm dòng người xuôi ngược trong mưa… Tất cả hình như đều là nỗi nhớ xẵm.

MC: Tình khúc tháng Sáu là một ca khúc khác của Ngô Thụy Miên sáng tác dựa trên ý tưởng bài thơ Tháng Sáu trời mưa của Nguyên Sa. Ca khúc ra đời năm 1970, cũng viết về tình yêu và lấy cảm hứng từ cơn mưa tháng Sáu. Ca khúc mang giai điệu buồn bã.

"...Tháng Sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em
Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan
Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê”

Khánh Hà là nữ ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này để người nghe cảm nhận một tháng sáu sâu trong nỗi nhớ của những người đang yêu

2. Kỷ thuật viên phát bài hát “ Vào hạ” nhạc sỹ Lê Hựu Hà, Tam ca áo trắng thể hiện

MC: Thưa quý vị và các bạn: Vào hạ là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ra đời vào những năm 1990. giọng hát của diva Mỹ Linh đã đưa ca khúc này lên tầm cao. Và sau này nhóm Tam ca áo trắng đã thể hiện với giai điệu rộn ràng, sôi động, mà quý vị và các bạn vừa nghe. Rất nhiều thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đó đã đón nhận nồng nhiệt và thuộc lòng từng câu hát của Vào hạ. Mùa hè là lúc chúng ta gác lại những công việc, mệt mỏi trong một năm để “vươn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên”.

MC: Vâng, một không khí đầy nhiệt huyết của mùa hè với những hình ảnh như “dòng sông xanh kia nằm yên như không muốn trôi” hay “rì rào ngọn heo may thở than qua muôn khóm cây” đã được người cố nhạc sĩ thể hiện qua phần lời ca đầy chất thơ của Vào hạ. Có lẽ người nghe đã cảm nhận trong từng ca từ của ca khúc này không chỉ một mùa hè của hiện tại mà còn một mùa hè quá khứ chất chứa bao kỹ niệm buồn vui.

                    Nhạc cắt + Lời xướng mục “ Tác giả và Tác phẩm”

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Chiều hạ vàng” nhạc Nguyễn Bá Nghiêm, ca sỹ Bảo Yến thể hiện)

MC: Thưa quý vị và các bạn.Những năm 80 của thế kỷ trước, sự xuất hiện của giọng ca Bảo Yến tựa như một cơn địa chấn trong làng nhạc. Nhắc đến Bảo Yến, không thể không nhắc đến nhạc phẩm Chiều Hạ Vàng. Ca khúc được viết bởi một nhạc sĩ không mấy tên tuổi, không có nhiều sáng tác nhưng như một mối duyên, lại bất ngờ được tiếng hát Bảo Yến đưa đi rất xa, có lẽ vượt xa cả kỳ vọng của chính tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm.

Kỷ thuật phát đoạn nhạc:

Em hát đi
Ru mây hạ về
Hạ trắng lang thang miên man tình buồn
Dòng sông này lá hát trên cây
Mây trôi trôi chim ngủ đồi nhớ 

MC: Vâng, những giai điệu buồn vương man mác đưa người nghe chìm sâu trong dòng tâm sự của những buổi chiều mùa hạ. Không biết đã bao nhiêu mùa hạ đến rồi lại đi theo vòng quay của thời gian, chỉ biết rằng cứ mỗi khi hạ về lại có người đứng bên “dòng sông” vắng, để mặc cho dòng tâm trạng lang thang chìm trôi vào miền nhớ. Trong chúng ta, hẳn ai cũng có những mối tình mùa hạ tươi trẻ, nồng say, chói chang, rực rỡ. Những mối tình ấy như những đặc ân mà tạo hoá dành riêng cho tuổi trẻ, để rồi khi đến một độ tuổi nào đó, ngồi nhìn lại những mùa hạ cũ, sẽ không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng, hoài nhớ:

Kỷ thuật phát đoạn nhạc

Em hát đi
Lênh đênh giọt buồn
Hoài mãi trong ta bơ vơ chiều về
Dòng sông này nhớ mãi em ca
Nhìn hạ về cây lá rưng buồn 

Em hát đi
Ru ngủ giấc chiều nay
Mây bay bay mơ tiếng ca trên đồi
Chiều hạ về nhớ áng mây trôi
Lá trên cây hong con nắng mơ màng 

MC: Vâng, Ai đó đã nói rằng, nếu như thanh xuân là một cơn mưa rào thì cho dù có bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa. Bởi những dấu ấn về nó sẽ luôn “hoài mãi trong ta”, sẽ mãi là những khúc ca tươi đẹp nhất trong đời người.

Những ca từ lặp đi lặp lại khắc khoải, rưng rưng như một sự khẩn nài, nguyện xin được trở lại những ngày xưa để lại được nghe giọng hát em, để được sống lại những mùa hạ xưa cũ, để tắm mát thanh xuân và để xua đi những miên man tình buồn, những lênh đênh, bơ vơ vọng sâu trong tâm hồn. Nhưng làm gì có ai đảo ngược được thời gian, làm gì có cỗ máy thần kỳ nào đưa được người về quá khứ nên chỉ đành xin một giấc mơ để nghe lại tiếng ca trên đồi”, để lá trên cây” 

Kỷ thuật phát đoạn nhạc

Ta lắng nghe ngu ngơ hạ về
Hạ trắng bơ vơ ru em lời buồn
Chiều mây vàng nhớ tiếng em ca
Mây lang thang trong nắng hanh vàng 

MC: Thưa quý vị, Chiều Hạ Vàng rõ ràng là một tình khúc. Nhưng xuyên suốt ca khúc, chẳng có câu chuyện tình nào được kể, không trùng phùng cũng chẳng có chia ly, những cao trào xúc động lại càng không có. Toàn bộ ca khúc chỉ như một khúc tâm tình, sẻ chia dòng tâm trạng hoài nhớ mênh mang về những mùa hạ xa xưa trong ký ức của nhân vật trữ tình. Và cái sự miên man, bồi hồi, nhớ thương da diết đó đã được ca sĩ Bảo Yến khắc hoạ sắc nét bằng giọng hát trầm sâu mà như nức nở của mình.

MC: Vâng thưa quý vị, thay cho lời kết của tiểu mục về câu chuyện tác giả tác phẩm, chúng tôi xin trích lên đây ý kiến của những người đã từng sống trong thập niên ấy và say mê giọng ca Bảo Yến đến bây giờ. ( Trích phỏng vấn)

           Xướng và nhạc cắt mục “ Câu chuyện âm nhạc”

( Kỷ thuật trích bài “ Mưa bong bóng” Quang Linh hát

(Kỷ thuật lưu ý chèn ghép nhạc nhẹ nhàng với giọng đọc 2 PTV)

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn vừa nghe nam ca sỹ Quang Linh vừa thể hiện ca khúc “ Mưa bong bóng”- Một sáng tác của nhạc sỹ Lý Dũng Liêm. Vậy Lý Dũng Liêm là ai. Ông Là hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, có nhiều bài hát quen thuộc với người yêu nhạc cả nước, như: “Mưa bong bóng”, “Hoa tím lục bình”, “Chỉ còn nỗi nhớ”...Ở Kiên Giang, mọi người gọi anh một cách thân mật: Lý Liêm. Ấy là bởi anh - nhạc sĩ Lý Dũng Liêm, cũng như những bài hát của anh, mộc mạc, chân tình, thấm đẫm dân ca Nam bộ, luôn đem đến cho người nghe những suy tư và nhiều cảm xúc, đôi khi đến nao lòng.

MC: Vâng, Lý Dũng Liêm đã sáng tác được trên 100 bài hát, nhiều bài được trao giải, được người nghe yêu thích như “Đất biển Kiên Giang”, ‘Trăng xưa kỷ niệm”, “Bên cầu nhớ mong”... nhưng bài hát được nhiều người thích nhất có lẽ vẫn là bài “Mưa bong bóng”.

Bài hát như một câu chuyện, có mở đầu bằng những giọt “mưa trên đường phố” đã “vô tình” làm “ướt áo ai” và như sắp đặt để “chúng mình quen nhau”. Và tất nhiên không thể thiếu đó là “Dáng em buồn” trong một chiều rơi đầy những giọt mưa bong bóng. Lại còn có rất nhiều kỷ niệm để nhớ, để mà trách, mà hờn:

“Em đi có nhớ mưa nào năm xưa

Phải chi hôm ấy đừng mưa

Phải chi hôm ấy đừng đưa nhau về”.

MC: Vâng, Nói đến Lý Dũng Liêm người ta nhớ ngay đến “Mưa bong bóng”. Bài hát đã được nhiều hãng phim video, các hãng đĩa CD, VCD và karaoke dàn dựng, thu âm và đã trở nên quen thuộc trong lòng khán thính giả yêu nhạc. Nhưng thích thú nhất, xúc động nhất vẫn là khi được nghe chính nhạc sĩ thể hiện ca khúc này bằng giọng nam trầm dù không hay lắm.

Cũng như nhiều bài hát khác của Lý Dũng Liêm, “Mưa bong bóng” không cầu kỳ trong tiết tấu, không lắt léo trong ca từ, nhưng nhờ thấm đẫm chất ca dao, dân ca mỗi lời thốt ra, mỗi hình ảnh hiện lên lại khiến người nghe nao lòng, nhất là những đôi lứa yêu nhưng lại không trọn vẹn, thương mà rồi “đường tình không chung lối”.

( Kỷ thuật trích bài “ Mưa bong bóng” Quang Linh hát lồng vào đoạn đọc gần cuối và hết)

MC: Chương trình “ Âm nhạc và đời sống” với chủ đề “ Tình khúc tháng 6” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..  thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 02/06/2022 08:37 Lê Vĩnh Nhiên 02/06/2022 14:51
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà