Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí VNCN 17.7.2022

PTV: Kính chào Quý thính giả đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với các nội dung chính sau đây:

-Hướng Hóa trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”

- THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ HỒ SĨ BÌNH”.

- Hướng Hóa khai giảng lớp dân ca, dân vũ Vân Kiều, Pa Kô cho học sinh.

- THƯ TỊCH CỔ HÁN NÔM LÀNG CẨM THẠCH

- Xuân Long- Vùng đất lửa một thời

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.     Thưa Quý vị và các bạn! Vừa qua, UBND huyện Hướng Hóa tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” huyện Hướng Hóa năm 2022.

Sau gần 2 tháng phát động, cuộc thi thu hút gần 100 thí sinh đến từ 16 đơn vị trường học từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở trên địa bàn tham gia. Nhìn chung, các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, công phu như xây dựng video clip, bài viết, tranh vẽ… Nội dung được nghiên cứu sâu, hình thức thể hiện đẹp, khoa học, thể hiện được sự xuất sắc trong ý tưởng, kỹ năng viết, sáng tạo, thể hiện được nội dung các câu hỏi theo yêu cầu, truyền cảm hứng về việc đọc sách và hình thành ý thức lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng.

Kết quả, ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích; trao các giải chuyên đề như: Bài chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất; truyện ngắn khuyến đọc hay nhất; bài thơ khuyến đọc hay nhất; sáng tác kịch khuyến đọc hay nhất...; trao 2 giải tập thể cho đơn vị có nhiều thí sinh tham gia và đơn vị có nhiều thí sinh đoạt giải cao nhất.

2. Được thành lập từ năm 2010, suốt nhiều năm qua, cứ mỗi tháng một lần, các thành viên CLB Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa lại cùng nhau tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng để cùng nhau tập luyện với những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Vân Kiều như: Cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống... Đàn ông say sưa theo nhịp cồng, nhịp chiêng, nhịp trống, phụ nữ thì uyển chuyển trong từng động tác múa.

Văn hóa dân gian vật thể hay phi vật thể đều giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của mỗi cộng đồng người. Văn hóa cồng chiêng của người Vân Kiều cũng không thể ngoại lệ. Cứ vào mỗi dịp địa phương có những sự kiện hay lễ hội trọng đại hoặc liên hoan văn hóa thì các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa luôn góp mặt để biểu diễn tiết mục múa cồng chiêng mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người Vân Kiều. Với niềm đam mê vô bờ cùng kinh nghiệm dày dặn và ước vọng cồng chiêng được lưu truyền mãi mãi, những thành viên trong CLB đang sát cánh bên nhau để gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

3. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức triển khai thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại thị xã Quảng Trị.

Mục đích nhằm xây dựng thí điểm và đưa vào khai thác chương trình tham quan, thăm viếng một số di tích lịch sử vào ban đêm nhằm tạo sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, khác biệt để thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú, góp phần tăng doanh thu, phát triển KT - XH. Đồng thời góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Sau chương trình thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại thị xã Quảng Trị, Sở VH,TT&DL tổ chức tiếp chương trình thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Sở sẽ chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan đưa vào khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đêm để Nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nhà thơ, nhà văn Hồ Sĩ Bình là người Quảng Trị, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng….Là người rất yêu thơ, Hồ Sỹ Bình luôn dành trọn niềm đam mê trong những sáng tác của mình với nhiều trăn trở và niềm tin yêu cuộc sốn . Chúng ta cùng nghe bài viết của nhà báo Xuân Dũng với tựa đề:  “THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ HỒ SĨ BÌNH”.

    Một hôm nào đó về lại quê nhà Quảng Trị nghe cảnh vật và cả thời gian như thể chiêm bao khi lắng nghe “mộng mị quanh đời” :

vẫn là một màu sương ấy bập bùng trong trái tim

  rung như quả lắc mập mờ một điều rất mới

  hiu hắt triền đê bóng chiều hấp hối

  chợt ngại ngần muốn hỏi

  khế trong vườn hoa tím chưa em?

     Đại lượng thời gian và cách đo đếm theo cung bậc cảm xúc nhiều khi không còn nặng chuyện chính xác hay không hoặc nếu có cũng  chỉ là giả định. Nhưng không phải vì thế mà xúc cảm, đặc biệt là nỗi lòng đối với mẹ và cố hương Quảng Trị vô vàn yêu dấu lại có thể nhạt nhòa:

   chiếc cầu mới như một vầng trăng khuyết

   hay trăng non cũng thế thôi mà

   tôi tìm mẹ về nơi không có mẹ

   chỉ để tìm nỗi thương nhớ xa xưa

  Về lại cố hương ai mà chẳng muốn nhưng ngay cả điều này nói như Xuân Diệu : “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” nên Hồ Sĩ Bình vẫn mang nỗi niềm của Lưu Nguyễn trần hoàn, lắm lúc thấy thấm một nỗi cô đơn không dễ gì chia sẻ và nỗi buồn dù chưa gặp đã thấy trước rồi phải chia tay, người viết như đứng trước một nghịch lý trớ trêu nhưng đó lại là chân lý không thể khước từ. Nhà thơ như muốn kêu lên:

   quê quán ơi

   bao lần trở lại

   trở lại bao lần

   cũng chỉ để mà đi

  Và thi nhân thường tiếc nuối thời gian, vật vã với thời gian rất nhiều khi người thơ muốn phân thân, hóa thân trong các chiều kích thời gian khác nhau để ao ước sống hết với những cảnh giới khác nhau của một kiếp người:

  người về nói với ngày xưa

  tiếng chim đã khản bên bờ ruộng dâu

   người về có biết mai sau

  chuông ngân đã rụng đêm sâu giếng vàng...

  Nhưng cảm thức thời gian đầy đủ nhất, cô đặc cảm  xúc Hồ Sĩ Bình và khá tiêu biểu cho thơ anh về mặt này là thi phẩm “mới đây” :

   sớm mai chưa kịp cầm tay

   hoàng hôn níu bóng một ngày đã qua

   mùa xuân mới chạm tay ngà

   đã nghe sương khói nhạt nhòa nỗi xa

một người mới nhấm hoàng hoa

   chén nghiêng chưa kịp đã qua đông rồi

mới đây rồi cũng một đời

   tóc thơm buổi trước cũng lời tà huy

    Đương nhiên thơ Hồ Sĩ Bình còn những điều đáng nói khác nữa. Tuy vậy ám ảnh thời gian vẫn là hiện hữu đặc trưng nhất trong thơ của một người quê Quảng Trị, có khi vài câu, có khi cả đoạn, thậm chí cả bài. Nhiều bài đọc từng câu có vẻ không thấy dấu vết thời gian rõ nét nhưng tổng thể cả đoạn, cả bài lại thấy nao nao cảm xúc và hiện hữu một thời –gian-tâm-trạng rót đầy tâm trạng thời gian. Ví như những bài thơ :”ngoài nớ trong ni”, “bảng tên trường”, “ngày bão rớt”, “ký ức phố huyện”,”thư cũ”, “vết cắt”, “uống rượu rừng biên”,“hương xưa mẹ và em”...

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Được sự tài trợ của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, Trường TH&THCS A Xing, huyện Hướng Hoá phối hợp với một số nhà hoạt động thiện nguyện đã tổ chức khai giảng lớp dân ca, dân vũ Vân Kiều, Pa Kô cho học sinh. Việc mở lớp dân ca, dân vũ, đã tạo cho các em có sân chơi bổ ích trong kì nghỉ hè. Giúp cho các em hiểu và biết thêm những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình, góp phần giáo dục, giữ gìn bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Lớp dân ca, dân vũ Vân kiều, PaKô lần này sẽ do nghệ nhân Kray Sức (ở Đakrông) trực tiếp hướng dẫn. Xung quanh nội dung này, chúng ta hãy cùng nghe những chia sẽ của nghệ nhân Kray Sức qua phần trò chuyện cùng pv chuyên mục sau đây.

1.     Thưa nghệ nhân ưu tú Kraysuc! Trước hết xin ông cho biết lý do ông tham gia dạy Lớp dân ca, dân vũ Vân kiều, PaKô lần này ạ?

2.     Và tham gia trong chương trình này, những làn điệu, bài hát dân ca nào của đồng bào được ông đưa vào giảng dạy cho các em hs ạ?

3.     Để các em tiếp thu và học hát dân ca một cách dễ dàng, ông đã có phương pháp dạy hoc hát cho các em ntn ạ?

4.     Vậy thực tế qua chương trình này, ông nhận thấy tinh thần của các em khi tham gia học hát dân ca ra sao ạ?

5.     Được biết thời gian qua nghệ nhân ưu tú Kraysuc rất tâm huyết với việc bảo tồn kho tàng văn hóa của đồng bào PaKo, Vân Kiều trong đó có các bài hát dân ca. Ông có thể chia sẽ về điều này?

6.     Nhân đây ông có thể chia sẽ về mong muốn của mình trong việc bảo tồn các làn điệu dân ca của đồng bào mình ạ?

Xin cảm ơn nghệ nhân Kraysuc với những chia sẽ ý nghĩa.

Nhạc cắt

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Làng Cẩm Thạch xã Cam An (nay là xã Thanh An), huyện Cam Lộ là một trong những ngôi làng cổ của Quảng Trị. Theo người dân địa phương cho biết: Cẩm Thạch là tên của loại đá quý vì phía trước của làng có một Bàu toàn đá trắng vô cùng đẹp mắt. Ngoài nghề nông căn bản như nhiều làng quê khác thì Cẩm Thạch vốn nổi tiếng với nghề làm bún truyền thống-gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân ngay từ buổi đầu khởi nghiệp. Trải qua chiến tranh binh lửa với nhiều mất mát… làng Cẩm Thạch hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu, đặc biệt là các văn bản, thư tịch cổ Hán Nôm khá đồ sộ, chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán cùng các quy định về luật tục, hương ước, khoán ước, địa bộ của làng.

THƯ TỊCH CỔ HÁN NÔM LÀNG CẨM THẠCH

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, đình làng không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Với người dân làng Cẩm Thạch, xã Thanh An; ngôi đình làng còn là nơi người dân thờ phụng các văn bản, thư tịch cổ Hán Nôm tôn nghiêm nên muốn làm gì đều phải kinh cáo. Thế nên, trước khi mở các các văn bản, thư tịch của làng, các vị cao niên trong làng thành tâm dâng nén hương báo cáo cùng thành hoàng làng, thể hiện sự uy nghiêm, tôn kính dành cho các vị tiền nhân.

Những bức thư tịch cổ Hán Nôm của làng Cẩm Thạch dù đã trải qua nhiều thế kỷ với văn bản có niên đại sớm nhất được lập dưới thời Cảnh Trị (1669) và muộn nhất dưới thời Bảo Đại (1929) vẫn được người dân giữ gìn cẩn thận. Với khoảng 55 văn bản, thư tịch, tư liệu cổ hiện Hán Nôm chứa đựng trong hơn 300 trang, toàn bộ nội dung văn bản được viết bằng bút lông mực tàu trên giấy dó - loại giấy được sản xuất tại địa phương của làng Cẩm Phổ với kích thước các văn bản gần giống nhau. Chữ viết khá đa dạng gồm 3 loại chữ: chữ chân, chữ thảo và chữ lệ, nhưng cơ bản là viết lối chữ chân. Lối chữ này được viết phổ biến dưới thời nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX mang tính quy chuẩn và thẫm mỹ cao. Thư tịch cổ Cẩm Thạch có nhiều loại văn bản như: gia phả, hương ước, khế ước, các loại bằng cấp chủ yếu là giấy tờ hành chánh liên quan đến hồ sơ đất đai (địa bạ, đơn từ, văn khế…). Bên cạnh đó là những văn bản phục vụ sinh hoạt của làng như phong tục, tập quán, hương ước…

P/v: Ông Hoàng Xuân Chước- Trưởng làng Cẩm Thạch, xã Thanh An, Cam Lộ, Quảng Trị

Thư tịch cổ được xem là một loại hình di sản văn hóa, là nguồn tài liệu quý báu, không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, tinh thần, mà còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử. Từ những tư liệu của các văn bản cổ để lại, giúp cho con cháu của làng hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống qua bao thế hệ…đặc biệt trong đó có nghề làm bún nổi tiếng Cẩm Thạch. Dân làng Cẩm Thạch ngoài nghề nông căn bản như nhiều làng quê khác thì người dân còn gắn bó với nghề làm bún truyền thống gọi là bún Sòng kể từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Ban đầu, bún được làm theo phương thức thủ công dưới sự chăm chút của những bàn tay khéo léo. Sở dĩ Bún Sòng của làng nghề bún Cẩm Thạch ngon và có hương vị đặc trưng riêng là nhờ vào bí quyết gia truyền của làng nghề. Với quy trình ngâm, ủ nguyên liệu kỳ công, nên bún của làng nghề Cẩm Thạch có hương vị thơm rất riêng, vừa chua, ngọt, béo, dai và trong, có thể để được lâu ngày. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến nay nghề làm bún làng Cẩm Thạch vẫn tiếp tục phát triển và gắn với cuộc sống nhiều gia đình nơi đây. Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị đã công nhận làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch.

P/v: Ông Trần Quang- Làng Cẩm Thạch, xã Thanh An, Cam Lộ, Quảng Trị

Quảng Trị là một vùng đất bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh là nguyên nhân đầu tiên làm cho việc lưu giữ các tư liệu Hán Nôm bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy khá nhiều. Thế nhưng, con cháu làng Cẩm Thạch cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác luôn ý thức bảo quản, bảo vệ các di sản văn hóa của làng kéo dài hơn ba thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX), luôn được người dân cất giữ ở những nơi trang trọng nhất và xem như "vật bất ly thân".

P/v: Ông Bùi Minh Thành- Làng Cẩm Thạch, xã Thanh An, Cam Lộ, Quảng Trị

Là một trong những ngôi làng cổ với lịch sử lâu đời trên vùng đất Quảng Trị, từ khi khai hoang lập làng, tất cả các sinh hoạt thường ngày, phong tục, các nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng... hiện hữu trong cuộc sống, lao động, sản xuất đều được những người có chức sắc trong của làng Cẩm Thạch ghi chép cẩn thận, chi tiết trên giấy dó, giấy quyển. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, trong cuộc sống hiện đại hôm  nay, người dân làng Cẩm Thạch đang cùng nhau nỗ lực xây dựng cuộc sống mới và những bản thư tịch cổ chứa đựng nhiều nội dung ý nghĩa như lời căn dặn, dạy bảo của những bậc tiền nhân đi trước để con cháu của làng luôn đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, hăng say lao động; thế hệ trước là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, phấn đấu, nỗ lực học tập và rèn luyện, góp phần xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp.

P/v: Ông Trần Quang- Làng Cẩm Thạch, xã Thanh An, Cam Lộ, Quảng Trị

Thư tịch cổ Hán Nôm của làng Cẩm Thạch đã được nhiều thế hệ dày công gìn giữ. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng việc bảo quản, lưu giữ các thư tịch cổ đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi phần lớn thư tịch cổ đều tồn tại trong thời gian hàng thế kỷ nên đến nay rất nhiều tài liệu bị mục nát, thất lạc, vì vậy nội dung tài liệu cũng mất đi. Hơn nữa chữ Hán - Nôm là ngôn ngữ khó học, khó hiểu, người biết đọc, viết và dịch các tài liệu ấy không nhiều.

P/v: Ông Hoàng Xuân Chước- Trưởng làng Cẩm Thạch, xã Thanh An, Cam Lộ, Quảng Trị

Thông qua các nội dung trong thư tịch cổ Hán Nôm làng Cẩm Thạch, giúp chúng ta hiểu hơn về đời sống văn hóa, phong tục tập quán của một ngôi làng cổ trên đất Quảng Trị có từ xa xưa. Thế nên, việc nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch tư liệu Hán Nôm của làng Cẩm Thạch sẽ cung cấp nguồn tư liệu giá trị, quý hiếm cho việc biên soạn địa chí, lịch sử; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tư liệu địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương nói riêng và Quảng Trị nói chung.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Xuân Long là miền đất được nhiều người biết đến của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất này đã gắn liền với câu chuyện của lịch sử và những tên gọi được cả nhân loại nhớ đến như Sông Bến Hải, Vỹ tuyến 17 với nỗi đau chia cắt hai miền Nam Bắc.Từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hi sinh mất mát, người dân Xuân Long một lòng đi theo cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Xuân Long đã đồng lòng, đồng sức để xây dựng hương thôn ngày thêm đổi mới.  Phần cuối chương trình hôm nay, nhà báo Việt Hà sẽ gửi đến chúng ta ghi chép: “Xuân Long- Vùng đất lửa một thời”.

Xuân Long- Vùng đất lửa một thời

Xuân Long là một trong 6 thôn thuộc xã Trung Hải huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nằm cách trục đường quốc lộ 1 A và cây cầu Hiền Lương lịch sử về phía Đông chừng 2 km; Xuân Long được bao bọc, ấp ôm bởi sông Cánh Hòm và sông Bến Hải ngày đêm miệt mài đưa nước về tưới tắm cho ruộng đồng, cho tôm cá đầy ghe. Chính nơi đây là vùng đất một thời hào hùng vang danh trong chiến trận và nay đã hồi sinh lớn mạnh không ngừng

Theo sách Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì Xuân Long là một trong những làng cổ hình thành đầu tiêncủa tỉnh Quảng Trị, tức là vào khoảng thời gian từ 1075-1553trong cuộc Nam tiến lần thứ nhất từ đàng Ngoài vào đàng Trong.Làng có tên sơ khởi là Xuân Lôi, qua bao lần  vật đổi sao dời, tách chia địa bộ đến nay Xuân Long thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Theo lời Ông Hoàng Đình Kinh, hào lão trong làng “ Xa xưa hàng trăm năm trước vùng đất này thấp trũng, lũ lụt quanh năm. Các bậc tiền nhân khai canh khai khẩn sáng lập hương hiệu ra làng đã không quản nắng mưa, cùng nhau biến vùng đất thiên tai địch họa, đơm bông kết trái. Cùng với sự khởi sắc của đất và người trong tiến trình lịch sử, nhiều họ tộc khác trước sau đến nhập làng cùng chung lưng đấu cậtdựng xây nên một hương thôn xinh đẹp như ngày hôm nay”.

Trong suốt những năm tháng hai miền Bắc- Nam của đất nước mang nặng vết đau chia cắt, cán bộ và nhân dân Xuân Long ngày đêm tăng gia sản xuất và chiến đấu bám đất giữ làng. Bên kia sông là Vĩnh Linh- nơi tuyến đầu của miền Bắc XHCN. Dòng sông Bến Hải hôm nay thanh bình êm đềm chảy về xuôi với những con đò ngủ ngon sau khi cùng người trầm trãi lưới chài. Nhưng năm xưa nơi đây là đạn bom khói lửa và vạng vọng bản anh hùng ca cách mạng, còn như thấy những chuyến đò đầy nặng quân lương vượt sóng băng dòng hướng về tuyền tuyến. Và cùng không ít lần dòng sông này lại thổn thức lặng đưa những thương binh tử sỹ trở về.Ngày đó, đối diện bên phía bắc của Trung Hải là bến đò C lịch sử, phía bên này những người dân quân du kích bám trụ trên mảnh đất quê hương đã tiếp nhận, chỉ lối đưa các đoàn quân vào trận tuyến.

Trong những năm tháng kháng chiến chống mỹ cứu nước, từ trước và sau Mậu Thân 1968 cho đến ngày quê hương Gio Linh hoàn toàn giải phóng vào ngày 2/4/1972, mảnh đất này là nơi chứng kiến sự chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Xuân Long. Để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ và tay sai đã biến nơi đây thành một vành đai trắng với đủ thứ vũ khí tối tân và hành động bạo tàn. Một trong những nữ du kích gan dạ lúc bấy giờ là bà Hoàng Thị Chẩm, quê ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải. Lúc ấy bà còn rất trẻ nhưng đã tham gia nhiều cuộc chống càn tại địa phương và vây lấn Căn cứ Dốc Miếu. Bà được phong tặng 09 lần Dũng sỹ diệt Mỹ Ngụy, trong đó có 07 lần Dũng sỹ bắn tỉa, 02 lần Dũng sỹ diệt xe cơ giới và máy bay. Trong những ký ức về một thời đạn bom, bà nhớ từng câu chuyện như mới vừa xảy ra hôm qua khi cùng anh em du kích giáp mặt với quan địch với đây đủ vũ khí hiện đại, xe tăng, máy bay…

Về Xuân Long hôm nay, bên cạnh những chuyện xưa tích cũ không phai mờ theo  thời gian là những hình ảnh tươi mới của một làng quê với sự đổi thay của câu chuyện Tam nông đúng nghĩa. Những cánh đồng đồng rộng lớn được quy hoạch một cánh khoa học, thuận tiện trong việc sản xuất canh tác nông nghiệp, Những đường bê tông rộng rãi được trang trí bằng những cánh hoa tươi thắm đi đến tận ngõ của các ngôi nhà. Thấp thoáng sau bóng mát cây xanh là mái ngói của những ngôi nhà được xây dựng khang trang vững chãi.

Công tác khuyến học khuyến tài luôn được các dòng họ chú trọng qua bao đời nay. Đã có những người con làng Xuân Long thành danh, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Những người già luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo học tập, tu dưỡng đạo đức.

Tự hào với những truyền thống yêu nước nồng nàn được lưu truyền mãi mãi, làng Xuân Long đã miệt mài thêu hoa dệt gấm những câu chuyện lịch sử dân tộc trong những điều dung dị và điềm tĩnh, như tính cách của dòng sông lặng lẽ mãi miết trôi xuôi về biển cả, để lại bên đời những hạt ngọt phù sa. Để cho hôm nay và mai sau hậu thế được  biết đến:  Nơi đây- có một làng quê Xuân Long như thế.

PTV: Chào cuối

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 13/07/2022 09:20 Lê Vĩnh Nhiên 13/07/2022 14:21

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà