Đất TH 1/8
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất TH 1/8 TRẦN THẾ VĨNH : PHÓNG TÚNG SẮC MÀU. (Xuân Dũng-Lê Tú) -Đón xem: ptv đọc: Xuôi theo hướng đông nam về đồng bằng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị sẽ gặp một làng quê tươi đẹp, an hòa có tên là Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, từng có mặt trong tác phẩm nổi tiếng "Ô Châu cận lục" của tác giả Dương Văn An mấy trăm năm trước. Ở đó có người họa sĩ sau khi đã thành danh nay lại quay về lại nơi chôn nhau cắt rốn mang theo cá tính sáng tạo mãnh liệt của mình. Nội dung này sẽ được phát sóng truyền hình vào 20g30 ngày thứ hai: 1/8, mời quý vị và các bạn nhớ đón xem.

-Lời:

 

   Xuôi theo hướng đông nam về đồng bằng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị sẽ gặp một làng quê tươi đẹp, an hòa có tên là Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, từng có mặt trong tác phẩm nổi tiếng "Ô Châu cận lục" của tác giả Dương Văn An mấy trăm năm trước. Ở đó có người họa sĩ sau khi đã thành danh nay lại quay về lại nơi chôn nhau cắt rốn mang theo cá tính sáng tạo mãnh liệt của mình(tên phim).

   Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế cách đây đúng một con giáp, rồi anh theo đuổi hội họa và lập nghiệp ở TP.HCM. Anh đã có nhiều triển lãm được đồng nghiệp và dư luận chú ý; tranh của anh được nhiều nhà sưu tập ở các thành phố lớn yêu thích và lựa chọn cho mình. Có lẽ khát vọng sống và sáng tạo lớn nhất mà anh theo đuổi là sau khi tiếp nhận nhiều tri thức nghề nghiệp và cuộc sống thì hãy nên tôn vinh bản thể con người, muốn con người được trở lại là chính mình, vượt thoát ra khỏi những ràng buộc nặng nề, cứng nhắc, được thăng hoa đến tận cùng bản ngã. Được sống, được yêu, hạnh phúc và đau khổ, thậm chí cả lầm lạc và trả giá thì cũng hãy cứ là chính mình trong những đam mê dâng hiến tưởng chừng không bao giờ vơi cạn. Người nghệ sĩ muốn từng giây trải nghiệm mang hơi thở dấu ấn cá nhân là phóng túng hiện sinh, phóng túng sắc màu.

*Nhà văn Hoàng Công Danh, làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị, nói.

*Họa sĩ Trần Thế Vĩnh, , làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị, nói.

   Họa sĩ tâm đắc với chất liệu sơn dầu nhưng hội họa của anh lại không mềm mại, trau chuốt như thường thấy ở loại tranh này mà hầu hết đều xù xì, góc cạnh, nhấp nhô, thô ráp như chính bề mặt cuộc đời. Một cảm giác dang dở, chưa và có lẽ không bao giờ hoàn thiện mà rất có thể không cần phải thế. Nhân vật trong tranh là những đôi nam nữ, đôi chỗ có thêm con trẻ tượng trưng gia đình. Những đôi trai gái thường quấn quýt bên nhau trong dáng vẻ hồng hoang, họ đến với nhau bằng tâm cảm giao hòa, chia sẻ, bằng khát vọng được cháy hết mình trong lạc thú yêu đương ở vườn Địa Đàng. Hạnh phúc và cho dù cả khổ đau thì vẫn là những ước nguyện chân thành, được sống thật với bản lai diện mục. Nên khao khát sắc dục dù lồ lộ không che giấu và cũng không việc gì phải che giấu thì chỉ nâng đỡ con người lên chứ không hạ thấp xuống vũng lầy của dục vọng tầm thường, hạ đẳng. Cuộc sống trong tranh Trần Thế Vĩnh, vì thế thường hoang dã, cuồng nhiệt và tận hiến với những gam màu rất nóng nhưng vẫn phảng phất một nỗi buồn và pha lẫn cô đơn. Anh đã thể hiện mạnh mẽ cá tính sáng tạo trong nghệ thuật, tạo được cảm thức, giọng điệu khá độc đáo của riêng mình bằng giao hưởng sắc màu trong vũ điệu yêu đương. Anh học, đọc nhiều và chiêm nghiệm, để rồi dường như quên đi hết thảy để sáng tạo thăng hoa. Đó chính là trực cảm nghệ thuật bạo liệt đã nhào nặn tư tưởng Trần Thế Vĩnh thành tác phẩm hội họa nhiều ấn tượng.

*Họa sĩ Vũ Duy Tân (Huế), nói

*Họa sĩ Trần Xuân Minh (Huế), nói

  Cuộc triển lãm gần đây nhất ở TP.HCM có tên một chữ "Vọng" đã được công chúng mỹ thuật yêu thích và đồng nghiệp đánh giá cao. 51 bức tranh chân dung về các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Đức Thảo, Hữu Loan, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy...đã khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi. Có đến 50 người anh chưa hề gặp ngoài đời, chỉ biết tác phẩm và tranh ảnh của họ với những cuộc đời và chiều sâu thân phận mà anh nghiền ngẫm rồi sáng tác. Bởi vẽ chân dung giống với bề ngoài theo kiểu truyền thần thì không khó nhưng vẽ được chiều sâu của nhân vật thì quả thực không dễ, là một thách đố không nhỏ với người họa sĩ. Bởi không chỉ vẽ được cái mình nhìn thấy mà còn phải vẽ được cái mình không dễ hoặc không thể nhìn thấy, mà chỉ cảm thấy sau khi tìm hiểu và chiêm nghiệm. Tranh chân dung của anh không chỉ giống vẻ ngoài của nhân vật mà quan trọng hơn rất nhiều là lột tả được thần thái, nội tâm và cả những góc khuất thân phận, nhìn quen mà vẫn thấy lạ và mới, vì thế chinh phục được giới mộ điệu và những người có dịp thưởng lãm, gây được tiếng vang trong dư luận, tạo nên một dòng tranh chân dung mang tên Trần Thế Vĩnh như một dấu ấn riêng biệt trong mỹ thuật. Đó cũng là một cột mốc và bước ngoặt sáng giá trong cuộc đời sáng tạo của anh.

*Họa sĩ Trần Thế Vĩnh, nói

   Sau nhiều năm học tập và là việc xa nhà, anh đã trở lại với làng quê thân thuộc, cất giấu nhiều kỷ niệm tuổi thơ và nuôi dưỡng những ước mơ của người họa sĩ tương lai. Cuộc đời của mỗi con người cũng như hành trình nghệ thuật là nói cho cùng là tìm thấy được một nơi nương náu tâm hồn trên cõi tạm. Bình yên quê nhà chắc chắn sẽ giúp cho người nghệ sĩ càng tự tin hơn trong chặng đường sáng tạo. Và công chúng sẽ tiếp tục đợi chờ những họa phẩm mới khi  nghệ sĩ hóa thân trong sáng tác của mình.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 28/07/2022 09:58 Lê Vĩnh Nhiên 29/07/2022 09:38

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà