Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 7.8.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, mời Quý thính giả cùng đến  với những nội dung chính sau đây:

-TỌA ĐÀM KHOA HỌC “LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI/PA CÔ Ở QUẢNG TRỊ”

- Bài viết:

+ Có 1 mùa thu trong âm nhạc của Văn Cao

+ Sức sống của bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải”

+ Ý nghĩa tác phẩm nghệ thuật“Mẹ và những người con Trường Sơn”của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hùng

   + Mạch nguồn ngôi làng cổ Kim Đâu

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.Thưa Quý vị và các bạn! Vừa qua, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa tổ chức Tọa đàm khoa học xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội A Riêu Piing của người Tà ôi/Pa cô ở Quảng Trị”.

Ariêu ping (lễ cải táng) được xem là lễ hội lớn nhất của người Pa kô và mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào nơi đây, thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất.

Buổi tọa đàm đã tập hợp các bài Tham luận của các nhà nghiên cứu, của các nghệ nhân đang nắm giữ di sản để làm rõ các vấn đề về “Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Ariêu Ping người Pacô ở Quảng Trị” để từ đó, tổng hợp hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô ở Quảng Trị, làm cơ sở để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

2. Địa đạo Vịnh Mốc là di tích tiêu biểu nằm trong cụm di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid 19, thời gian vừa qua di tích lịch sử này đã khá nhộn nhịp đón khách tham quan ghé thăm trở lại.

Năm 2022 này, nhiều chương trình du lịch đã được kích hoạt trở lại như “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; chương trình du lịch “Về nguồn”, “Hành trình di sản” của các trường THCS, THPT và sinh viên các trường đại học… Đặc biệt, di tích đã đón các đoàn khách quốc tế, tuy số lượng chưa nhiều nhưng đây cũng là tín hiệu mừng cho thấy rằng khách quốc tế vẫn đang háo hức đến với di tích, là những dấu hiệu khả quan cho một mùa du lịch đang dần được phục hồi.

3. Một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Quảng Trị chính là lễ hội dân gian truyền thống. Đặc biệt, với các làng làm nghề biển thì có Lễ hội cầu ngư, thể hiện giá trị văn hóa tín ngưỡng vô cùng độc đáo của ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển.

Lễ hội cầu ngư phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm cho những chuyến đi biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an. Trong lễ hội cầu ngư, ngoài phần lễ diễn ra trang trọng, tôn nghiêm thì phần hội là những trò chơi dân gian thể hiện những nét đẹp của văn hóa tinh thần người dân vùng biển Quảng Trị.   

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhiều nhạc sĩ viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. Với chiều sâu trong từng tác phẩm âm nhạc của mình, Văn Cao trở thành một trong những nhạc sỹ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Mỗi khi thưởng thức những giai điệu thanh thoát, trữ tình đã sớm làm nên phong cách tinh tế, dịu dàng, giàu chất thơ của nhạc sĩ Văn Cao trong âm nhạc, cảm giác của người nghe thêm một lần nữa gặp lại những mùa Thu lãng mạn, bay bổng, tràn ngập vị tình. Chúng ta hãy cùng đến với mùa thu trong âm nhạc của Văn Cao qua bài viết sau đây.

Trích: Buồn tàn thu

Bước vào âm nhạc Việt Nam với ca khúc Buồn tàn Thu lúc mười sáu tuổi, nhạc sĩ Văn Cao nhanh chóng đưa mùa Thu gắn liền với những giấc mơ, khát vọng thuộc về tâm hồn và sự sáng tạo của con người. “Ai lướt đi ngoài sương gió/ không dừng chân đến em bẽ bàng… thôi tình em đấy như mùa Thu rớt rơi theo lá vàng”. Bài ca mang hơi hướng Đường thi quen thuộc trong hình ảnh người thiếu phụ ngồi đan áo chờ chồng. Sự xuất hiện của mùa thu trong âm nhạc Văn Cao trở đi trở lại như một chủ đề, làm đậm lên chất cổ điển trong âm nhạc của ông. Điểm xuất phát của nhạc sĩ Văn Cao trên con đường chinh phục, xây đắp âm nhạc là một tâm trạng cô đơn trong “đêm mùa Thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng” để rồi từ đó nhạc sĩ Văn Cao dâng tặng cuộc đời những mùa Thu chan chứa khát vọng ấm lành tình người.

Trích

Sự mẫn cảm chân thành với khát khao tinh thần tốt đẹp của người xưa trong chuyện tình Trương Chi tài hoa, bất hạnh với Mỵ Nương công chúa là yêu tố trữ tình để nhạc sĩ Văn Cao giúp người khác hát lên tình yêu của họ trong âm hưởng mùa Thu man mác vẻ đẹp hồi cổ trong ca khúc Trương Chi:Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ/ trầm trầm không gian mới rung thành tơ/ vương vất heo may oanh yến mong chờ/ ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ” trên “Dòng sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà”. Qua âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao, mùa Thu vẫn luôn làm xao xuyến trái tim người nghe bởi tiếng lòng tha thiết là cơ sở thực tiễn và cũng là cơ sở huyền bí của những ca từ rất sâu lắng và những giai điệu mượt mà, uyển chuyển. Chị Nguyễn Hương Mai- một người yêu âm nhạc Văn Cao đến từ huyện Vĩnh Linh chia sẽ:

Trích P/v: Nguyễn Hương Mai

Lắng nghe tiếng Thu bằng âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao có thể cảm nhận được trong những ca từ tiếng Việt đang bay lên cùng những nốt nhạc vút cao nét sương khói bàng bạc của trời, đất, sông, núi, hoa lá, muông thú, cỏ cây muôn đời vẫn vậy đã được nhạc sĩ nâng lên những cung bậc mới theo những tình ý mới.

Trích: ca khúc Trương Chi

Mang trọn vẹn sắc thái riêng đó, Suối mơ là tác phẩm âm nhạc thính phòng bậc cao và qua sự thẩm định với thời gian đã trở nên bất tử bởi giai điệu tuyệt đẹp của nó,- “Suối mơ bên rừng Thu vắng/ dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/ ngày chưa đi sao gió vương/ bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương… Từng hẹn mùa xưa về xây nhà bên suối/ nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát/ đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”…

Trích: Suối mơ

Là khách hành hương về mọi nẻo của văn chương-nghệ thuật”, mùa Thu là lời hẹn ước của nhạc sĩ Văn Cao với âm nhạc. Nhạc sĩ hẹn về dòng suối bên rừng Thu “nắn buông tiếng đàn lưu luyến” để quanh đấy nghe “hồn cầm lắng tiếng đời”. Thực hiện lời hẹn ấy, nhạc sĩ Văn Cao có sự nhạy cảm trong trẻo với mùa Thu đạt tới mức “đã từng nghe gió biết Thu sang”, đã cảm thấy “lòng chiều bơ vơ lúc Thu vừa sang” và đã bao lần “nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng”. Cũng bằng sự nhạy cảm tinh tế trước mùa Thu mà nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tạo những hình tượng đẹp như “em ngồi đan áo”, người con gái “từ song the hé đợi đàn, mùa Thu tới nước băng qua ngàn nước nước in ve bờ xanh in bóng tre”… Từ mùa Thu trên sông Thương vang dìu dặt tiếng tơ rơi của Trương Chi, nhạc sĩ Văn Cao đưa người nghe đến với mùa Thu trên sông Lô bừng sáng chiến công oai hùng trong Trường ca Sông Lô: “sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u Thu ru bến nắng vàng lặng nhìn màu khói Thu”. Chia sẽ về cảm nhận của mình với các bài hát về mùa Thu của nhạc sỹ Văn Cao, chị Nguyễn Mai Ly ở TP Đông Hà cho rằng:

P/v: Chị Nguyễn Mai Ly ở TP Đông Hà

Trên con đường nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao, mùa Thu là nguồn cảm hứng kỳ diệu nhất, là đối tượng thẩm mỹ tuyệt vời nhất để ông sáng tác những giai điệu bất hủ. Vừa mộng vừa thực, mùa Thu ẩn hiện trong từng tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao còn mãi giữa đời người và năm tháng. Với mùa Thu đã được chưng cất bằng trái tim trữ tình và tâm hồn lãng mạn của mình, nhạc sĩ Văn Cao làm nên những mùa Thu tình yêu tuyệt đẹp trong âm nhạc và để lại với người yêu âm nhạc thông điệp tình yêu ngọt ngào, sâu lắng. Vì vậy mà mỗi khi tiếng hát Trương Chi cất lên bên Suối mơ giữa Thu cô liêu là lại nghe và thấy “một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi”….

Trích: Thu cô liêu

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!

Chỉ ít tháng sau ngày nước nhà thống nhất năm 1975, có một bài thơ hay ra đời khi cả nước hân hoan trong niềm đại đoàn viên sau hơn hai mươi cách trở. Đó là bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà, phóng viên Đài phát thanh Giải phóng. Bài thơ đã đạt giải bài thơ hay nhất nhân kỷ niệm tạp chí Văn nghệ Giải phóng ra 100 số báo. Trong chương trình hôm nay, một lần nữa chúng ta hãy cùng đến với bài thơ này qua cảm nhận của nhà báo Xuân Dũng.

Bài thơ Đưa dâu qua cầu Bến hải được Cảnh Trà sáng tác ngay tại thôn Hiền Lương khi chiếc cầu mới vừa nối lại Nam-Bắc một nhà:

    Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu

    Đám đưa dâu qua cầu Bến Hải

    Cầu vừa bắc xong

    Sơn còn tươi rói.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh thời bình, một buổi sáng an lành khi đón nhận tin vui đám cưới qua sông. Chắc sẽ chẳng điều gì đáng nói nhiều nếu như dân tộc này không kinh qua bể dâu thế sự. Nên đây chính là đám –cưới-ước- mơ suốt mấy mươi năm nơi đụng đầu lịch sử.  Những ngày tháng dòng sông nghèn nghẹn không thể trọn ven đôi bờ vì nỗi đau chia cắt đất nước, vì chiến chinh tàn phá, hủy diệt mọi ước vọng thành bình, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường ở hết thảy các vùng quê lại trở thành “sự kiện” trong thơ. Cái bình thường của sự đưa dâu đã hóa thành cái khác thường khi hòa bình như một giấc mơ đi xa mới quay về  với người dân đất Việt.

    Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng

    Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rung rưng

    Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ

Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau

Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu.

Khó lòng nói hết cảm xúc sau mùa xuân đầu tiên khi đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải. Cảnh vật xung quan từ đồng lúa xanh cho đến nước dưới chân cầu như được phục sinh, như vừa trẻ lại hoan hỉ đón mừng cảnh tượng quen thuộc đã vắng bặt trên chiếc cầu lịch sử trong suốt hai mươi năm cách biệt. Chiến tranh dưới góc nhìn về sự tàn bạo của nó không chỉ hiện ra với lưỡi hái tử thần mà còn xa lạ với khái niệm hạnh phúc lứa đôi, một hạnh phúc vốn dĩ rất đỗi đời thường mài cũng có và ai cũng muốn. Vậy nhưng đã có một thời:

Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái

Bước chân Hiền Lương sao đường nghẽn lại

Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên

Cũng chính vì lẽ đó mà hãy trả lại cho cuộc đời này những gì thanh bình, quen thuộc như cuộc đời sinh ra vốn vậy, ấy là hòa bình và khát khao hạnh phúc. Để không còn cảnh bờ Bắc, bờ Nam, để chàng trai từ  phía Vĩnh Linh có thể cưới một cô dâu vùng quê Cam Lộ mà không còn lo chuyện chia ly, mà có thể đàng hoàng đưa dâu qua cầu Bến Hải.

Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên

Như là hoa, là lá

Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ

Mà hay chưa bỡ ngỡ như chiêm bao

Gía trị nhân văn của bài thơ là nói lên tiếng lòng của người Việt Nam về ước nguyện hòa bình, hạnh phúc, vì chiến tranh là sự chấp nhận bất đăc dĩ, vì nó trái với lẽ tự nhiên và mang nhiều nguy cơ phi nhân tính. Bởi vậy qua đằng đẵng ngăn cách nên khi chứng kiến một đám cưới, ai nấy đều ngỡ như mình đang mơ một giấc mơ.

Bài thơ kết thúc với một với cảm nhận về khung cảnh làng quê trong tình cảm thiết tha, bình dị:

Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ

Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.

 Với cách khai thác đề tài tưởng chừng bình thường mà độc đáo, Cảnh Trà đã thành công khi đã sáng tác nên một bài thơ hay, có sức sống lâu bền. Bài thơ dung dị, chân thành và da diết, sâu lắng nên để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc, được công chúng văn học gần xa đón nhận. Có thể nói sau ngày nước nhà thống nhất, cùng với bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhác sĩ Văn Cao, bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà đã có một cách nhìn khác biệt về chiến tranh và hòa bình,  bằng tư duy văn nghệ đặc sắc và đầy ý nghĩa nhân văn…vẫn luôn có sức sống cùng thời gian..

Trích bài hát: Vĩnh Linh thương nhớ

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng các sở ban ngành tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV (Bắc miền Trung) lần thứ 27 năm 2022. Triển lãm giới thiệu 174 tác phẩm gồm các thể loại: Hội họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng của 155 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật 6 tỉnh khu vực (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, thể hiện nhiều dấu ấn độc đáo của các nghệ sĩ tham gia triển lãm. Hội đồng nghệ thuật Trung ương đã công bố kết quả chấm giải thưởng Triển lãm Nghệ thuật khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ 27 với 2 giải B, 1 giải C và 7 giải khuyến khích; đồng thời chọn 2 tác phẩm đạt giải B tham dự giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022. Trong đó, tác phẩm “Mẹ và những người con Trường Sơn”của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hùng- Phân hội mỹ thuật Quảng Trị đã vinh dự đạt giải B lần này. Chúng ta hãy cùng đến với tác phẩm này qua cuộc trò chuyện của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hùng với BTV Ánh Tuyết.

1.     Trước tiên xin chúc mừng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hùng đã dành được giải B với tác phẩm “Mẹ và những người con Trường Sơn” trong cuộc triễn lãm mỹ thuật lần này. Anh có thể chia sẽ đôi nét về tác phẩm vừa đạt giải của mình ạ?

2.     Vâng! Để khắc họa thành công tác phẩm “Mẹ và những người con Trường Sơn”, anh đã có một thời gian sáng tác ntn ạ?

3.     Tác phẩm sử dụng nghệ thuật điêu khắc trên gỗ. Vậy so với lĩnh vực hội họa thì để thể hiện tác phẩm bằng nghệ thuật điêu khắc thì có sự khác biệt ntn ạ?

4.     Thưa nhà điêu khắc Nguyễn văn Hùng,tại triễn lãm lần này tác phẩm  “Mẹ và những người con Trường Sơn” của anh được Hội đồng NT đánh giá rất cao bởi ý nghĩa tác phẩm mang lại. Là một người sáng tác tác phẩm này, thông điệp anh muốn gửi gắm thông qua đứa con tinh thần của mình là gì ạ?

5.     Xin trở lại với Triễn lãm NT Bắc miền Trung. Đây là lần thứ 27 được tổ chức và được biết anh thường xuyên tham gia vào các lần triễn lãm.  Anh nhận thấy ý nghĩa mà Triễn lãm mang lại ntn đối với những người làm nghề như anh ạ?

Xin cảm ơn nhà điêu khắc NVH và chúc anh sẽ luôn có nhiều tác phẩm ý nghĩa trong thời gian đến.

Nhạc cắt

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn! Ngã Tư Sòng, nơi ghi dấu bắt đầu con đường thượng đạo xuyên sơn ngày xưa nối vùng biển với vùng núi Cam Lộ-Quảng Trị, nối chợ Sòng với chợ phiên Cam Lộ, nay là giao lộ của đường xuyên Á  chạy từ Cửa Việt lên Lao Bảo với quốc lộ 1.A. Ngôi chợ này ngày xưa  cũng nhộn nhịp có tiếng với hai câu ca dao quen thuộc: “Vì răng mà bị chồng chê/Cũng vì bánh ướt, cháo kê Chợ Sòng”. Nhưng ít ai biết chợ Sòng vốn nằm ngay trước ngôi đình làng Kim Đâu thuộc xã Cam An (nay là xã Thanh An- Cam Lộ)- nơi có cây ngô đồng như hình ảnh gợi nhớ những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bích Khê.

                   Mạch nguồn ngôi làng cổ Kim Đâu

Nằm cuối huyện Cam Lộ xuôi về phía đông có một ngôi làng khá đặc biệt, đó là làng Kim Đâu thuộc xã Cam An (nay là xã Thanh An). Ngôi làng này gắn với nhiều di tích lịch sử được nhà nước công nhận như tháp Chăm Kim Liên, giếng nước cạnh Bàu Đá và miếu thờ Bà Chúa Ngọc mà người dân Đại Việt cho đến ngày nay vẫn quen gọi là miếu thờ Huyền Trân Công Chúa. Cả cụm di tích được khởi nguồn từ người Chăm đã quần tụ trong một ngôi làng cổ như Kim Đâu cũng là nét riêng đặc sắc ở vùng quê Cam Lộ. Thừa hưởng tín ngưỡng thờ mẫu của người Chăm, người Việt cũng thờ phụng hình tượng công chúa Huyền Trân trong ngôi miếu này suốt nhiều thế kỷ đã qua. Đó là tâm nguyện biết ơn một nhan sắc cung vàng điện ngọc đã bước chân sang xứ người để Đại Việt mở mang bờ cõi. Trong buổi sáng đẹp trời người dân Kim Đâu đã chiêm bái người con gái đã làm nên sự kiện lịch sử đám cưới Huyền Trân công chúa năm 1306, mở ra một trang mới trong sử ký nước nhà, để lại bao niềm cảm thương, khâm phục với một người con gái đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho đại sự quốc gia, mở rộng cương vực trong đó có vùng quê Cam lộ, Quảng Trị qua hơn bảy trăm năm. Chính bước đi lấy chồng của Huyền Trân công chúa đã vẽ lại bản đồ quốc gia, để lại cho đời sau một vùng đất rộng ở phía Nam nước ta, để lại cho đời sau một gia tài vô giá khó có gì sánh nổi. Theo các cụ cao niên tại làng Kim Đâu cho biết: ngôi miếu  đã có từ xa xưa lúc người dân Đại Việt mới vào đây sinh cơ lập nghiệp sau đám cưới của Huyền Trân Công chúa. Dân làng luôn dành cho bà một tình cảm kính yêu, ngưỡng vọng.

Bàu Đá Kim Đâu cũng là một sự lạ của đất trời ân sủng.Nằm giữa vùng đồng bằng Cam Lộ, bàu nước này quanh năm không hề khô cạn, cây cối bên bờ mọc xanh tốt um tùm, phía dưới đáy bàu lại toàn là đá tảng, ngày xưa bà con dân làng đem lên dùng để làm nhà. Thật là một nơi phong thủy hữu tình không dễ có được trong những ngày nắng hạn mắt người như có khói. Ngay cạnh Bàu Đá là giếng vuông cũng bằng đá, di tích của người Chăm có tuổi đời ngót nghét sáu trăm năm. Bàu nước trong xanh với hai bên bờ chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử quả là một giai phẩm thiên nhiên ban tặng cho làng xóm Kim Đâu.

Kim Đâu còn có ngôi chùa làng cũng vào loại chùa cổ mấy trăm năm. Hàng trăm năm qua chùa thành nơi thăm viếng, khói hương của phật tử vùng này và không có sư trụ trì, mọi việc đều do làng coi sóc, mãi tận gần đây mới có  nhà sư được giáo hội cử đến lo phật sự. Ngôi chùa làng nằm xa phố xá, xa những con đường ồn ào náo nhiệt, ẩn mình phía sau làng nên gần gũi với người dân quê vốn chất phác, hiền hòa. Mỗi khi có dịp lễ trọng thì chúng sinh Phật tử chốn quê lại quây quần về đây sinh hoạt bên nhau để nêu cao một đời sống tâm linh hướng thiện. Cửa thiền rộng mở cho mọi người nuôi dưỡng khát vọng xây đắp một đời sống an lành. Người già,thanh niên và cả trẻ em tìm thấy một khung cảnh an hòa, thanh tịnh đặng tu tâm dưỡng tính và góp tâm lực của mình trong công việc nhà chùa. Phía sau chính điện là nơi phụng thờ hai vị tiền khai khẩn và các vị hậu khai canh có công lớn với làng. Vị sư trụ trì giới thiêu với người vãn cảnh chùa những chứng tích về một ngôi chùa làng đã có một quá khứ dài lâu.Những hình tượng Phật giáo, nhất là từ ngôi chùa làng luôn gợi lên cảm giác gần gũi, thân tình. Những hình ảnh, thanh âm quen thuộc, thân thương từ một ngôi chùa làng lại khiến cho  người dù là dân làng hay khách thập phương thấy tâm mình lắng đọng khi bước chân vào một  chốn thiền môn.

Làng quê Kim Đâu với hàng mấy trăm hộ dân đã vui buồn sớm tối có nhau, vẫn nhắc nhau lấy công việc siêng năng và đạo nghĩa, yên bình làm trọng đã thành một điểm nhấn sinh động trong bức tranh Cam Lộ vốn nhiều màu sắc. Không gì yên lòng hơn khi đến với một làng quê no ấm, an lành khi bà con muôn người như một trong khung cảnh thơ mộng, trữ tình. Một vùng quê có đủ núi đồi, ruộng đồng, sông nước, có những di tích cổ kính ngàn xưa, có những tấm lòng thơm thảo và hiền lành, sâu xa như đất. Những mùa vàng đã ban tặng cho người nông dân vất vả sớm hôm dầm mưa dãi nắng để mang về những hạt lúa đủ đầy, dẻo thơm như tình đất tình người nơi đây.

Nhạc cắt

PTV: Chào cuối

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 02/08/2022 14:57 Lê Vĩnh Nhiên 02/08/2022 15:48

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà