TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 14.8.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, mời Quý thính giả cùng đến  với những nội dung chính sau đây:

-Miền di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị

- Bài viết:

+ Bông hồng Cài áo của tác giả Bội Nhiên

+ Phỏng vấn Nhạc sỹ Xuân Vũ và bài hát “ Cha tôi”

+ Cuối chương trình là bài viết Hồng Khê tự- Mạch nguồn chảy mãi nghìn năm

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.Hướng Hóa là huyện miền núi có nhiều đặc trưng như hệ thống núi rừng hùng vĩ; sông suối, thác, hồ đa dạng, phong phú tạo nên bức tranh đẹp thơ mộng; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; giàu bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô; nhiều di tích lịch sử quốc gia, vang danh quốc tế...tạo ấn tượng khó phai đối với du khách đến tham quan. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch.

Thời gian qua, huyện đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, chú trọng thu hút đầu tư khai thác tiềm năng du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần làm phong phú các loại hình du lịch ở địa phương.

Theo đó, từ đầu năm 2020, huyện đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ tăng cường xúc tiến, quảng bá và kêu gọi đầu tư. Hướng Hóa đã đẩy mạnh quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông về tiềm năng thế mạnh du lịch địa phương.

 

2. Đầu tháng 8, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) ngành du lịch các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tham gia hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến của 5 địa phương tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

 

Tại hội nghị, ngành du lịch 5 tỉnh/thành phố miền Trung giới thiệu các sản phẩm du lịch và chương trình kích cầu của địa phương đến các công ty du lịch, lữ hành thị trường khu vực Tây Nguyên, đồng thời, quảng bá hình ảnh “Miền di sản diệu kỳ”, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 5 tỉnh/thành phố miền Trung và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối giữa 2 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước góp phần phục hồi, tăng trưởng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

3. Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế (TP Huế), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ khai mạc Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022.

Hội diễn là nơi quy tụ 6 Đoàn nghệ thuật quần chúng với gần 240 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần khẳng định giá trị trường tồn của các loại hình dân ca, dân vũ, tạo sân chơi lớn cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công được sáng tạo, thể hiện và cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

 

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Theo truyền thống, hàng năm, vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch, lễ Vu Lan là một ngày trọng đại trong văn hóa Phật giáo, đây là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Cùng với nghĩa tri ân gửi đến sự hy sinh ngang trời biển của cha mẹ, mỗi người con, cháu cũng dành lời tri ân đến các mẹ Việt Nam hòa trọn cùng ân giang sơn gấm vóc, ân Tổ quốc.

Vì ý nghĩa ấy, lễ Vu Lan hàng năm được hầu hết các gia đình tổ chức trang trọng, tôn kính nhưng vẫn giữ được nét giản dị vốn có theo truyền thống.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị bài viết Bông hồng cài áo của tác giả BỘI NHIÊN

 

Mỗi mùa Vu lan, âm nhạc luôn là nền tảng nghệ thuật nâng đỡ lời ca tiếng hát về công lao trời bể của mẹ cha và tình cảm gia đình. Âm nhạc mùa Vu lan vì vậy mà lan tỏa thông điệp về ơn nghĩa sinh thành và với âm nhạc, nhứng câu chuyện xúc động về tình cha, nghĩa mẹ đã được các nghệ sĩ cất lên, lan tỏa thông điệp về chữ hiếu, về lòng biết ơn đấng sinh thành. Vào thời điểm này, nhiều người rưng rưng nghe ca khúc bất hủ về tình mẫu tử Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc từ áng văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để nhận ra mình còn may mắn khi có cha, có mẹ trên cõi đời.

Một bông hồng cho em

Một bông hồng cho anh

Và một bông hồng cho những ai

Cho những ai đang còn Mẹ

Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn…

Áng văn Bông hồng cài áo được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào tháng tám năm 1962 có lời đề từ “Để dâng mẹ và để làm quà Vu lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ”. Sư ông Làng Mai bộc lộ suy nghĩ của mình về mẹ: Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành.

Áng văn của Sư ông Làng Mai tiếp tục đưa người đọc vào sự minh chứng rằng: Mẹ là bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

“Mẹ già như chuối Ba Hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.”

Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh, nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương… Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi:

Ngày Vu Lan, nghe giảng và đọc sách nói về ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên. Về sự hiếu đễ. Về công cha, nghĩa mẹ. Về bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu hoặc cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc nếu mẹ đã mất. Con có hiếu cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên.

Với áng văn Bông hồng cài áo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc mỗi người: Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Và Thiền sư đã tha thiết nhắc mỗi người đừng quên mẹ để khỏi chịu thiệt thòi bằng cách cài vào túi áo của người còn mẹ một bông hoa màu hồng để họ biết mình còn có niềm vui sướng nhất trên thế gian.

                                             Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nhạc sỹ người Quảng Trị Nguyễn Xuân Vũ là một nhạc sỹ có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích với những tác phẩm như “ Mồ hôi đá”, “ Tình em gió hát”, “ Đa krong mùa xuân”, trong đó có bài hát “ Cha tôi” sáng tác về người cha của mình – nhà văn Xuân Đức. Nhân dịp Lễ Vu Lan, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị về bài hát này và cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Nguyễn Xuân Vũ. Mời quý vị cùng lắng nghe.

Kỹ thuật phát bài hát “ Cha Tôi”

( Phỏng vấn Nhạc sỹ Xuân Vũ)

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Như chúng ta đã biết Quảng Trị là nơi được coi là vùng giao thoa không chỉ giữa hai nền văn hóa Chămpa và Đại Việt mà còn nhiều tộc người khác. Gia tài di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm,Việt, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm.

Quá trình đấu tranh với thiên tai địch họa đó, cha ông và các lớp kế tục đã tạo dựng và vun đắp, để lại cho hậu thế một gia tài văn hoá truyền thống vô cùng quý báu. Trong đó co kho tàng di sản văn hóa phi vật thể.

Thưa quý vị và các bạn, theo yêu cầu của thính giả nghe đài muốn tìm hiểu về tôn giáo và văn hóa lịch sử dân tộc, cụ thể là ông Trần Kim Vinh- Ở Hải Phú, Hải Lăng muốn rõ hơn về tục thờ Thành Hoàng ở các làng. Ông có hỏi như sau ( trích băng)

Để giải đáp câu hỏi của ông, chúng tôi có mời Thạc sĩ sử học Lê Đình Hào- Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị trao đổi về những nội dung này. Kính mời ông và các thính giả cùng cùng lắng nghe ( trích băng)

Xin cảm ơn Thạc sĩ sử học Lê Đình Hào cùng sự quan tâm của thính giả nghe đài. Chương trình luôn mong muốn sự cộng tác của quý vị và các bạn.

Nhạc cắt

MC: Nằm giữa không gian thoáng đãng giao hòa của cỏ cây hương đồng gió nội, ngôi Hồng Khê Tự trầm mặc với thời gian, an nhiên một cõi vô thường. Tuy nhiên sau cái khiêm nhường mà trang nghiêm này là một cổ tự đã góp phần tạo nên mạch nguồn văn hóa, như tên gọi vốn đang có, của không chỉ người dân nơi đây mà còn với Phật Giáo Quảng Trị. Mời quý vị đến với ngôi cổ tự này qua bài viết Hồng Khê tự- Mạch nguồn chảy mãi nghìn năm” của Nhà báo Việt Hà- Đài PTTH Quảng Trị.                                                                                                       

Một chiều giáp tết âm lịch Tân sửu 2021, chúng tôi tìm về ngôi cổ tự có tên là chùa Hồng Khê. Ngôi Hồng Khê tọa lạc ở đầu làng Bích Khê, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ bao đời nay, ngôi chùa làng này gắn liền với đời sống bình dị và mặc nhiên đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân làng Bich Khê.

Từ xa xưa cho đến ngày hôm nay, ngôi chùa ngoài lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật biểu trưng đường nét hoa văn dân tộc ra, nó còn có nhiều chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp sự hướng thánh thiện cho con người. Ấy vậy nên người dân Việt dù đi đâu về đâu, sau khi chọn vùng đất làm nơi sinh cơ lập nghiệp thì đều xây dựng cho mình một ngôi chùa. "Chùa làng, phong cảnh Phật" thật sự đã trở thành nét đẹp văn hóa của làng xã, là nơi neo giữ tấm lòng mọi người Việt Nam. Tùy theo điều kiện khác nhau để phụng lập ngôi tự thiện lớn hay nhỏ. Ngôi chùa với tên gọi gắn liền với đổi thay hương hiệu và vận mệnh của người dân nơi ấy.

Sư cô Thích nữ Hiền Thiện, chùa Hồng Khê, cho biết “ Làng Bich Khê thuộc phủ Triệu Phong xưa kia ra đời trong bối cảnh gắn liền công cuộc mở mang bờ cõi, khai hoang, khẩn nghiệp của các dân binh người Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông. Ngôi Hồng Khê này cũng vậy, trải qua bao cuộc bể dâu để hôm nay mặc khải với mây trời và an yên một chốn thiền định.

Gắn liền với quá trình tụ cư của làng Bích Khê, đã dần hiện hữu những cơ sở tín ngưỡng ban đầu, phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân. Chùa Hồng Khê cũng ra đời từ thời gian đó. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa do binh đao loạn lạc, ngôi Hồng Khê tự đã có vị thế của ngày hôm nay.

Với bề dày lịch sử văn hóa của một vùng quê thuần nông lâu đời, chùa Hồng Khê dẫu trải qua những khó khăn nhất định nhưng cho đến nay vẫn còn lưu giữ những pháp khí cổ cũng như những tấm bia đá được nhà chùa cũng như bà con dân làng Hồng Khê trân quý

Chùa Hồng Khê cùng với làng Bích Khê với những di vật hiện tồn, cùng với lịch sử hình thành và phát triển đã vẽ nên bức thủy mặc về một vùng đất thấm đẫm nét đẹp hòa quyện giữa đạo pháp và hồn dân tộc. Và như tên gọi rất đẹp của mình, mạch nguồn Hồng Khê sẻ không thôi ngừng nghỉ, chảy mãi đến ngàn năm sau

                                                  

Nhạc cắt

PTV: Chào cuối

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 12/08/2022 07:43 Lê Vĩnh Nhiên 12/08/2022 07:49

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà