TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

 QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm: Giới thiệu thơ của nhà thơ Võ Văn Luyến, Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Quảng Trị. Chương trình được PS vào lúc 17h 30 ngày 21/8 chủ nhật, 14h30 ngày thứ hai 22/8. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 21.8.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, mời Quý thính giả cùng đến  với những nội dung chính sau đây:

-Bản tin văn hóa Quảng Trị

- Bài viết:

+ Giới thiệu về tập thơ “ Sự trinh bạch của những ngọn nến”của nhà thơ Võ Văn Luyến

+ Các nữ nhân sáng lập ra làng Quảng Trị

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được xem là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, thời gian gần đây chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, dự án phi chính phủ nước ngoài khảo sát, định hướng cho người Vân Kiều nơi đây phát triển du lịch bằng cách khai thác những điều kiện sẵn có để góp phần quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Chênh Vênh còn có một thác nước nguyên sơ, hùng vĩ nằm lọt thỏm giữa rừng đại ngàn. Thác có độ cao hơn 20m, trông như một dải lụa vắt qua cánh rừng già, phía bên dưới có nhiều hồ nước vừa và nhỏ, nước trong xanh quanh năm. Thác Chênh Vênh được du khách khắp nơi lựa chọn làm điểm đến, nhất là vào mỗi dịp hè. Với 100% dân số là người Vân Kiều, hiện nay Chênh Vênh vẫn còn bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội cồng chiêng, ẩm thực, trang phục, đan lát và các làn điệu dân ca truyền thống nhu Cha -chấp, Xà -nớt thu hút sự tìm tòi, khám phá và trải nghiệm của du khách mỗi khi đến với Chênh Vênh.

2. Làng Nại Cửu thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị Làng Nại Cửu từ xưa có nhiều lễ hội như: Lễ thành hoàng, lễ hạ canh, lễ hạ ương, hội thi cày đất khô, hội thi kéo co, thi bơi trãi, hò giả gạo...Tuy nhiên qua nhiều thời gian và hoàn cảnh sống có những đổi thay nên đã dần dần mất đi chỉ còn lại một lễ hội đáng chú ý hơn cả là lễ hội Kỳ yên (hoặc là Cầu an hay siêu yên) được dân làng Nại Cửu duy trì hàng năm tại đình làng Nại Cửu vào ngày rằm tháng bảy.

 

 Lễ hội kỳ yên ở Nại Cửu đình là sinh hoạt văn cầu mong cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, là niềm tôn kính hướng về trời đất, hướng về các vị anh hùng có công với nước, các vị khai khẩn lập làng, các vị khai canh, các vị khoa bảng làm rạng danh tổ tiên. Lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu diễn ra ngày rằm tháng bảy hàng năm.  Cứ ba năm mới tế to một lần còn các năm khác thì tế thường (tế chay), lễ vật cũng đơn giản chỉ là hương, hoa, trầm, trà, rượu, hoa quả mà thôi. Lễ Hội Kỳ yên Nại Cửu là một trong những lễ hội cổ truyền thuộc di sản văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

3. Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng được gìn giữ, lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành nét văn hóa độc đáo của xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh nói riêng và của tỉnh Quảng Trị nói chung. Với ý nghĩa lan tỏa tinh thần vui tươi, lạc quan, thể hiện ý chí đoàn kết, quyết tâm vượt qua gian khó của con người mảnh đất Vĩnh Hoàng, cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền, vừa qua xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

 

Thành lập Câu lạc bộ Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng nhằm tập hợp, kết nối các bậc cao niên sáng tác, kể chuyện Trạng, những người tâm huyết, yêu quý chuyện Trạng ở mọi lứa tuổi. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động như: sưu tầm, lưu trữ; tập luyện kể chuyện Trạng; tổ chức giao lưu, biểu diễn… Từ đó góp phần bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo của địa phương.

 

                                                 Nhạc cắt

MC: Kính thưa quý vị, trong những nhà thơ, nhà phê bình lý luận văn học hiện nay của Quảng Trị, thì nhà thơ Võ Văn Luyến là một nhà thơ được bạn thơ mến mộ. Mến mộ bởi không chỉ tài năng mà còn phong cách sống giản dị và chân thành với bạn bè và đồng nghiệp. Quê ở làng Thi Ông, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị. Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn. nguyên Giảng viên chính trường CĐSP Quảng Trị, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Phân hội Văn học, Hội VHNT Quảng Trị. Nhà thơ Võ Văn Luyến đã có những giải thưởng lớn như Giải A sáng tạo VHNT Tỉnh và giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về tập thơ “Sự trinh bạch của ngọn nến” năm 2007;Giải B (không có giải A) sáng tạo VHNT tỉnh năm 2003. Các tác phẩm đã xuất bản: Trầm hương của gió (thơ) - NXB Thuận Hoá, 2003; Sự trinh bạch của ngọn nến (thơ) - NXB Hội Nhà văn, 2007; Sẽ có ngày tôi về (CD thơ phổ nhạc), 2006; Đối ngọn đèn khuya (khảo luận và phê bình) 2021. Trong Chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu tập thơ “ Sự trinh bạch của ngọn nến” của anh và bài thơ có tên “ Sự trinh bạch của ngọn nến” qua giọng ngâm của Nghệ sĩ Thúy Ái. Mời quý vị đón nghe

“Tôi tin những dòng sông chảy ngược/ Đó là những dòng sông tự chảy" câu thơ thể hiện sự chiêm nghiệm nhân sinh của bản thân được Võ Văn Luyến chọn làm lời đề từ cho tập thơ “Sự trinh bạch của ngọn nến” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đó là bài thơ mở đầu, Sự trinh bạch của ngọn nến có tư duy triết học của người làm thơ giàu vốn sống: Anh chú thích cuộc đời anh vào chỗ cuối cùng của trang giấy còn lại / bằng những con chữ trinh bạch/ sự trinh bạch của ngọn nến tự huỷ không đồng loã bóng tối...Với những bài thơ tiếp theo, những khơi gợi đa dạng trong cảm giác hướng người đọc đến những trải nghiệm là cội nguồn cảm hứng sáng tác của Võ Văn Luyến.

Dường như Võ Văn Luyến làm thơ bằng sự thấu thị ánh sáng đơn giản và độc đáo: Con gà/ nhốt mặt trời trong lòng quả trứng/ và chính nó thả mặt trời lên. Vào không gian và thời gian nghệ thuật được phóng chiếu bởi nguồn sáng ấy, độc giả bắt đầu hành trình cảm nhận “Sự trinh bạch của ngọn nến” theo những quãng ngược, quãng xuôi của ký ức tuổi thơ và nhận thức về công cha nghĩa mẹ, vẻ đẹp tự nhiên và xã hội của đất nước, khí phách kiên cường của lịch sử quê hương, sự thuỷ chung son sắt, tình yêu cuộc sống, tính nhân văn và bản chất nghệ sĩ, cá tính lao động nghệ thuật mà Võ Văn Luyến vừa là người mở đường, vừa là người tiếp chuyện.

Luôn song hành với ý thức về sự ra đời và trưởng thành của mình là hình ảnh “Cha mẹ tôi cày cuốc vun trồng/ Mồ hôi đẫm âu lo vầng trán” và quê nhà rơm rạ ruộng đồng, nắng nôi đất ải, nơi thuở nhở cậu bé Võ Văn Luyến ngụp lặn dòng song, con cá quẫy giấc mơ áo trắng, chiếc nón cời khoe nắng, khát vọng nẩy mầm trời xanh, sách bé học vần chuyền qua tháng năm, những con chữ ngấu bùn non ruộng mạ thấm đẫm tình mẹ che bên dột giọt nghiêng rơi bên nằm.

Điều này cắt nghĩa tại sao Võ Văn Luyến dành những từ ngữ đắt và hình ảnh đẹp khi viết về mẹ và tình nghĩa vợ chồng, như: Mẹ già ngồi canh bánh tết/ Lửa cười giãn nếp nhăn nheo ( bài thơ Nõn xuân),   Trên những câu thơ nhiều trăn trở, người đọc hiểu Võ Văn Luyến yêu lịch sử, phong hoá của quê hương, đất nước theo cách của riêng mình khi mô tả làng quê Thi Ông ruột thịt, cố đô Huế, dòng sông Hương, con sông Hiếu, đất thiêng Thành Cổ, vị mặn mòi của biển trên quê hương anh hùng Trần Thị Tâm, xứ Lạng và thị trấn Khe Sanh nơi miền sơn cước, miền Nam trù phú mênh mông màu xanh, Tây Nguyên đỏ thắm sắc bazan bát ngat hương cà phê… ở những nơi ấy, Võ Văn Luyến có giấc mơ buổi sáng, lời chào thời gian, gặp màu hoa ô cửa dưới khoảng trời mùa xuấn, nhận ra sự lãng mạn của gió, viết những câu thơ chợt đến trong ngày mang lại niềm hy vọng, nghe lời hát mê say và tiếng đàn khiến nhịp tim rộn ràng theo điệu nhảy trong ánh mắt nhen ngọn lửa tương phùng…

Ánh sáng trinh bạch của ngọn nến còn soi tỏ ý thức công dân sâu sắc và trái tim thi sĩ nhạy cảm của Võ Văn Luyến trong những câu thơ bộc lộ cảm thức lịch sử về những người đã giữ Thành Cổ Quảng Trị trong tám mươi mốt ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vào năm 1972: Các anh đã hoá trời xanh mây trắng, hoá cuộc đời thêu hoa dệt gấm, hoá tình yêu sớm tối đi về (Thành Cổ 1972 và những miền đêm khác), về tình yêu một đời của những nữ thanh niên xung phong trong bài thơ “ Chị”: “Tuổi hai mươi ở dưới hầm/ Ngàn đêm thao thức/ Hoà bình đất trời lại sáng/ Chị vẫn chờ anh trong nỗi nhớ lặng thầm/ Vầng trăng cồn cào lồng ngực/ Mây trắng bay qua mái đầu”. Nói về tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Lao Bảo có những câu như : “Tự chứng tuổi mình/ trong bão táp vẫn vươn cao, đứng thẳng/ toả bóng xuống thời gian/ Cây Vông đồng ở nhà tù Lao Bảo/ Tạc tượng đài thiên nhiên/ Tạc bài thơ lên giữa trời xanh/ Tạc niềm tin bền gan tranh đấu ( trong bài thơ: Cây Vông đồng ở nhà tù Lao Bảo).

Trong tinh thần nhân văn, “Sự trinh bạch của ngọn nến” còn có cái nhìn và thái độ quý trọng, yêu thương những điều làm nên sự hình thành và hoàn thiện đời sống: “Dọc đường tôi qua/ gặp những bông hoa cánh rũ/ bàn tay nâng niu nhặt lên/ sắc hương vẫn còn quyến rũ… Dọc đường về/ trưa nồng cỏ bạch/ chợt hiện/ một tàn phai bóng quen!” ( bài thơ Dọc đường quên). Đối thoại về khía cạnh này, Võ Văn Luyến tặng người đọc câu thơ chân thật: Ôi cuộc đời này/ Trái tim tôi yêu bằng sự trung thực . Bởi yêu lắm cuộc đời và những gì tạo dựng cuộc đời, quá trình lao động nghệ thuật của Võ Văn Luyến thật cẩn trọng để viết những câu thơ ngấu bùn/ tạc người nông dân lấm láp/ và nụ cười in trên gương mặt. Cũng như người nông dân ấy, Võ Văn Luyến quan niệm, đó là sự sáng nguồn. Trong Sự trinh bạch của ngọn nến, thơ xuất hiện khi cánh rừng tâm hồn tự nhiên rụng látrong giấc mơ anh hy vọng nẩy chồi và với tình yêu nồng nhiệt, bền lâu dành cho thơ, đến nay Võ Văn Luyến là người vẫn Lặng nghe trong gió, Thơ Hàn vút lên.

Gấp lại những trang thơ Sự trinh bạch của ngọn nến, vẫn nghe vang những câu thơ một thanh điệu, bàn chân buồn vương sương ra đi/ nghe thời gian chờ mong như khi/ em còn trong ta thương yêu thầm thì. Nhịp điệu ngôn từ và sự khúc triết ấy còn theo người đọc đến những khám phá mới vừa được sự trinh bạch của ngọn nến chỉ ra bên trong tâm hồn thơ ca đã được Võ Văn Luyến mở lối: Nơi giăng mắc sương mù/ Trái tim ngổn ngang sự thật/ Trái tim biết giấu sau lồng ngực/ Giữ niềm tin bền lâu/ Nơi ta qua những cây cầu/ Những nhịp cầu người đời đã mắc/ Sẽ nối tiếp dòng sông trước mặt/ Vẫy gọi ta dựng mới.

Kỷ thuật phát ngâm thơ bài thứ 3 trong file thơ Thúy Ái

                                              

                                                        Nhạc cắt

PTV: Mỗi làng quê trên đất Quảng Trị đều thấm dẫm câu chuyện của những người Việt ngày xưa hiên ngang đi mở cõi. Chính trên mảnh đất lịch sử này, qua hàng trăm năm nay người dân bao đời đã đoàn kết chống lại thiên tai, địch họa, tạo lập nên nên làng mạc, hưng nghiệp dài lâu cho cháu con. Trong những bậc tiền bối ngày xưa khai hoang điền địa ấy có các nữ nhân đã không quản gian khó để sáng lập nên hương hiệu. Họ được các thế hệ đời sau tôn quý như những vị nhân thần của làng.  Mời quý vị và các bạn lắng nghe bài viết NHỮNG NỮ NHÂN SÁNG LẬP LÀNG  TRÊN ĐẤT QUẢNG TRỊ

Hầu hết ở các làng trên đất Quảng Trị đều thờ cúng Thành hoàng riêng của làng mình và đa phần là các vị Nam thần. Tuy nhiên bên cạnh các vị Thành hoàng làng thì còn có một vị luôn được làng và các họ tộc tôn vinh, trân trọng và tự hào- Đó là ngài tiền khai khẩn ra làng, tức là người đầu tiên chiêu mộ người đến vùng đất hoang cắm nêu, lập ấp tạo dựng nên một ngôi làng mới.

 Qua một số tài liệu ghi lại, các cuộc di dân vào Quảng Trị thời bấy giờ đã thành lập 173 xã cổ có trước đời chúa Nguyễn Hoàng (1075-1558). Từ đời Nguyễn Hoàng về sau, giai đoạn (1558-1776) thành lập thêm hàng chục tổng và xã cổ khác. Trong các xã ( làng cổ) đó, như đã giới thiệu trên đã có nhiều nữ nhân đã trầm trải nắng mưa nơi rừng thiêng nước độc, thú dữ hoành hành để lập ra các làng mạc. Trong bài viết này xin được giới thiệu 3 vị nữ nhân tiêu biểu ở một số làng

Thứ nhất, Bà Đày Tôn thần ở làng Mộc Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Nằm bên tả ngạn dòng Hiếu Giang với bao dấu ấn lịch sử dân tộc, làng Mộc Đức trầm mặc- an nhiên, chắt chiu cho mình những hồn cốt của làng quê Việt Nam với mái đình, sân chùa cổ kính. Làng có địa thế “Tiền thủy hậu chẩm”, mặt hướng ra dòng sông trong xanh, lưng tựa vào những cánh đồng màu mỡ. Qua hàng trăm năm, làng Mộc Đức đã tinh luyện đất mẹ bao để tỏa hương, khoe sắc với đời và với người. Theo gia phả các họ tộc trong làng, người có công khai khẩn ra làng là một nữ nhân đến từ vùng Thanh- Nghệ, sau này được dân làng vinh danh là Tiền Tiền khai khẩn, tự hiệu: Bà Đày Tôn thần,

Ở trong khuôn viên khu vực tâm linh rất thoáng đãng bên bờ sông Hiếu, có đình làng và 03 miếu thờ các vị khai khẩn, khai canh ra làng, trong đó có miếu thờ của Bà Đày Tôn thần. Các ngôi miếu này rất đặc biệt là đều làm bằng gỗ mít, tuy không cầu kỳ nhưng toát lên một vẻ cổ kính, hồn cốt của một không gian xưa. kiến trúc đền miếu được xây dựng với một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức nhà rường nhưng quy mô nhỏ bé, quy cách đơn giản, được tạo theo kiểu nhà sàn, bên dưới có 4 cột. Sàn và xung quanh được thưng bằng ván tấm. Theo một tài liệu nghiên cứu thì đây là loại miếu thờ chỉ dành cho một vị thần, dạng miếu này có phong cách cổ xưa, đậm tính truyền thống mang đặc thù của vùng Trị - Thiên. Miếu thờ này có thời điểm xuất hiện sớm nhất (thế kỷ XV - XVI) và trước đây tồn tại phổ biến ở tất cả các làng quê trên vùng đất Quảng Trị.

Theo lời các vị cao niên thì tên hiệu bà Đày gắn liền về sự tích của một gia thế lớn ở vùng Thanh - Nghệ. Do chồng bà chống đối với Triều đình nên bị hại chết, riêng bà và gia quyến thì bị đày vào xứ Đàng Trong. Khi đến đây thấy sông nước hữu tình nên bà đã cùng thân tín dừng lại để định cư lâu dài, sau này dần dần nhiều người tới xin ở lại và hình thành nên làng. Đến nay, hàng năm Thập nhị tôn phái trong làng Mộc Đức đều cung kính tổ chức nghi lễ trọng tại miếu thờ để tỏ lòng tôn quý đến người sáng lập ra làng.

Tiếp đến là Các vị nữ Thành hoàng của làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Theo một số cổ sử thì làng An Mô được lập vào khoảng thời gian từ sau khi Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở Đàng Trong. Hiện trong các văn tế của làng khi nói về các vị Thành hoàng và tiền khai khẩn, hậu khai canh thì danh hiệu Thành hoàng được nhắc đến khi tế lễ là “Bổn thổ Thành hoàng dực vận hoà chung chính nghi siêu thông tôn thần” và “Thành hoàng Bổn thổ chi thần”. Đó là nói đến 2 vị nữ nhân được phong làm Thành hoàng của làng.

Qua tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu thì vị Thành hoàng thứ nhất được sắc phong “Thành hoàng Bổn thổ chi thần” là quý nương phu nhân họ Mạc- Bà Mạc Thị Giai. Câu chuyện gia thế của bà cũng gắn liền với lịch sử phân tranh giữa các họ Lê- Trịnh- Mạc và Nguyễn Hoàng. Tương truyền bà là vợ con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên. Khi Nguyễn Hoàng vào lập Dinh Ái Tử (Triệu Phong ngày nay), Nguyễn Phúc Nguyên được giao một số dân binh khai phá lập ấp ở các vùng lân cận. Về sau để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân vùng này tôn bà lên làm Thành hoàng. Hiện nay miếu thờ của bà đối diện với miếu khai khẩn thờ Lục tộc Thủy tổ của làng, trong khu vực chùa làng An Mô. 

Vị Thành hoàng thứ hai của làng An Mô là bà Phạm Thị Còng, con gái ngài đại tổ Phạm Văn Đạo. Bà đã cùng ông nội và cha vào vùng đất Thuận Hoá để khai phá lập nên phường Ðộ Mô (An Mô bây giờ), Tương truyền bà đã có công cứu chúa Nguyễn Hoàng thoát nạn trong một trận đánh với quân Trịnh. Sau sự kiện này bà được Nguyễn Hoàng phong cho chức: “Thị giá Phu nhân”. Năm Gia Long thứ 18 (1819), để ghi nhớ công ơn của những người có công với nhà Nguyễn, triều đình đã sắc phong khai khẩn làng An Mô cho bà Phạm Thị Còng và sau đó phong lên làm Thành hoàng làng An Mô với tước hiệu: “Bản thổ Thành hoàng dực vận hòa chung chính nghi siêu thông tôn thần...

Xin được nói thêm là cư dân vùng này vốn có nghề dệt vải lụa từ tơ tằm, xưa kia là những làng nghề truyền thống, lụa là trong vùng tốt có tiếng gần xa và được được thương nhân đưa đi bán khắp nơi. Tương truyền nghề này bà Phạm Thị Còng có được từ quê gốc ở ngoài Bắc, bà đã dạy dân làng ở đây trồng dâu nuôi tằm dệt lụa.

Hiện nay, mộ của bà ở làng An Mô, trên văn bia có ghi dòng chữ Hán: “Sắc khai khẩn thị tòng phu giá mệnh phụ trứ phong trinh uyển dực bảo trung hưng Phạm quý nương tôn thần chi mộ”. Ngày 24 tháng 11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của bà, được tổ chức trang trọng tại nhà thờ họ Ðỗ.  Vào lễ Đại tự cầu an hàng năm, dân làng An Mô tổ chức tế lễ tại đình làng, trong đó có ghi nhớ công ơn các vị tiền khai khai khẩn và Thành hoàng làng An Mô.

Thứ ba:  Bà Tiền Tiền khai khẩn Trần Thị Cao làng Phước Thị, xã An Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị

Phước Thị  là một làng cổ của tỉnh Quảng Trị. Qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay làng Phước Thị ngày càng đổi thay và phát triển. Là một trong 6 thôn thuộc xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh  Quảng Trị. Nằm cách thị trấn Gio Linh khoảng 4 km về phía Đông, Thôn Phước Thị nằm giữa các làng của xã Gio Mỹ. Riêng phía bắc của làng được bao bọc bởi nguồn nước từ hồ thủy lợi Hà Thượng đã đi vào ca dao xưa: “Tam Sơn chảy xuống ba Hà/ qua đình Hà Thượng chảy ra sông Cánh Hòm”. Con sông này góp phần đem lại mùa màng tươi tốt cũng như điều hòa khí hậu cho vùng quê này.

Theo sách Phủ biên tạp lục của tác giả Lê Quý Đôn, làng Phước Thị được thành lập khá sớm cùng với các làng như An Mỹ, Nhĩ Thượng, Thủy Khê – Thuộc tổng An Mỹ, châu Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Gia phả của các họ tộc hiện còn lưu lại khẳng định làng được hình thành khoảng vào thế kỷ thứ 15, 16 bởi các dân binh vùng Thanh -Nghệ vào Đàng Trong để mở cõi.

Cũng theo các gia phả, làng Phước Thị có được như ngày hôm nay là nhờ công đức của bà Tiền Tiền khai khẩn Trần Thị Cao- một nữ nhi can trường đã khai canh điền địa, tạo dựng hương thôn. Thấy đất lành chim đậu, không lâu sau đó có thêm một số họ khác cùng tìm đến nhập cư, lập nên làng Phước Thị. Tương truyền khi mới đến xứ Đàng Trong, nơi bà dừng chân là vùng Cây thị, xứ Châu Thị, tuy nhiên do nơi đây lam sơn chướng khí, giặc giã hoành hành nên bà xuôi về hướng đông lập nên xứ Xuân Thị.

Một thời gian sau trên đường đi hành binh vào Nam, có ông Nguyễn Xuân Quý dừng chân ở Xuân Thị, gặp bà Trần Thị Cao và kết nghĩa phu thê. Tương truyền ông Nguyễn Xuân Quý quê ở làng Phúc Thị, Từ Liêm, Hà Nội bây giờ. Vì muốn kết hợp tình quê nơi cố quận và vùng đất mới nên 02 ngài đã đổi tên làng Xuân Thị trở thành làng Phước Thị. Qua bao thăng trầm của lịch sử, tên làng Phước Thị vẫn trường tồn cho đến ngày nay.

Chắc ai từng ở làng thì biết: Rổ rá, thúng mủng, giần sàng… là các loại dụng cụ không thể thiếu được hàng ngày của nhà nông. Nói về làng nghề truyền thống của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị người ta luôn nhắc đến làng nghề cổ truyền về đan lát Lan Đình và Phước Thị. Đối với làng Phước Thị thì tương truyền nghề đan lát cũng từ sự truyền dạy của bà Tiền Tiền khai khẩn Trần Thị Cao. Bà đã đem theo nghề đan gia truyền từ quê cha đất tổ và đã tạo cho người dân trong làng Phước Thị một nghề ổn định thu nhập lúc bấy giờ cho đến ngày nay.Hàng năm vào 25 tháng chạp, người làng Phước Thị trọng vọng tổ chức ngày giỗ của Ngài Tiền Tiền khai khẩn để nhớ công đức của bà, và đây cũng là một trong 4 lễ lớn trong năm của làng Phước Thị.

Như trên đã nói, các vị tiền nhân khai khẩn ra các vùng đất mới, cụ thể là vùng đất Quảng Trị, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, dù thân thế có được ghi trong sử sách, gia phả hay truyền miệng thì luôn được tôn vinh là những người sáng lập nên một ngôi làng. Sau khi mất đi tiếp tục hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) cho con dân trong làng những thế hệ kế tiếp. Với những vị nữ nhân có công lớn với làng mạc cũng vậy, hậu thế và lịch sử luôn ghi ơn, tôn quý như họ những vị thần của làng.

                                                Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí Văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân, Hải Lăng Quảng Trị, là một làng có tiếng văn vật. Mảnh đât này đã sản sinh ra nhiều nhân vật vang bóng một thời như: Hoàng Bôi, Trần Hữu Mậu, Bùi Văn Tú, trong đó, nổi danh là Danh nhân Bùi Dục Tài. Trong chương trình trước chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị cuộc phỏng vấn trao đổi giữa Nhà báo Việt Hà với Tiến sĩ Sử học Nguyễn Bình- Chủ tịch Hội Khoa học- Lịch sử tỉnh Quảng Trị về nhân vật lịch sử Hoàng Bôi người con của làng Câu Nhi. Mời quý vị đón nghe ( trích băng)

                                                                                                                                      

Nhạc cắt

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 18/08/2022 09:41 Lê Vĩnh Nhiên 18/08/2022 09:59

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà