Chương trình phát thanh Cuộc sống muôn màu tuần 2 tháng 11
Danh mục
Văn hóa và đời sống
NỘI DUNG

Chương trình phát thanh: Cuộc sống muôn màu

Phát sóng 14/11

Hiến chương các nhà giáo


Kính chào quý vị và các bạn! Vậy là một tuần trôi qua thật là nhanh, chúng ta lại được đồng hành cùng nhau trong 15 phút của chương trình Cuộc sống muôn màu.


Tháng 11 có một ngày đặc biệt để chúng ta dành lòng tri ân đối với các thế hệ  thầy giáo cô giáo, và trong chương trình hôm nay chúng tôi giành toàn bộ thời lượng để nói về ngày nhà giáo và những người làm nhiệm vụ trồng người. Hãy cùng đồng hành cùng Cuộc sống muôn màu số 2 tháng 11 quý vị và các bạn nhé!


Nhạc cắt!


Quý vị và các bạn thân mến!

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được nhân dân ta lưu truyền trong những câu tục ngữ, ca dao “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Lịch sử giáo dục của dân tộc ta cũng sẽ còn ghi mãi công lao những người thầy tiêu biểu, được nhân dân mãi mãi tôn vinh, gương sáng còn lan tỏa đến ngày nay như thầy Đỗ Năng Tế (thầy dạy cả văn lẫn võ cho hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị), thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Đình Chiểu. Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo bao thế hệ học trò, con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc.

 

Chúng ta hãy giành một ít thời gian tìm hiểu xem, vì sao lấy ngày 20 - 11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 bắt đầu được tổ chức từ bao giờ?

Tháng 7 - 1946 tại Paris (thủ đô Cộng hòa Pháp), một tổ chức các Nhà giáo tiến bộ trên thế giới được thành lập lấy tên là “Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Federation International Syndicale des Enseignats, viết tắt là FISE). Ba năm sau, vào năm 1949, tại Vasava (thủ đô Ba Lan), tổ chức FISE họp Hội nghị thông qua một bản Hiến chương gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học, tôn vinh vai trò cao quý của Nhà giáo.

 

Ngày 22 - 7 - 1951, Công đoàn giáo dục Việt Nam được thành lập. Tháng 2 - 1953, tổ chức FISE họp Hội nghị tại Viên (thủ đô nước Áo) có mời Công đoàn giáo dục Việt Nam tham dự. Đoàn đại biểu Công đoàn giáo dục Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn dẫn đầu đã tham dự hội nghị. Tại hội nghị này, Công đoàn giáo dục Việt Nam được kết nạp vào tổ chức FISE.

 

Từ ngày 26 đến 30 - 8 - 1957, tại Vacsava (thủ đô Ba Lan), Hội nghị FISE được tổ chức có đại biểu của 57 nước tham dự, trong đó có đoàn đại biểu của Công đoàn giáo dục Việt Nam. Hội nghị đã thông qua bản Hiến chương Quốc tế các Nhà giáo và quyết định lấy ngày 20 - 11 hằng năm là ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”. Ngày 20 - 11 - 1958, lần đầu tiên ngành giáo dục Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tổ chức kỉ niệm “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” trên toàn miền Bắc từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra rất ác liệt, ngày 20 - 11 vẫn là ngày hội được tổ chức rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong các thầy, cô giáo, cán bộ ngành giáo dục và học sinh, sinh viên.

 

Nhạc cắt!

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem các bạn học sinh suy nghĩ như thế nào về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Em Thu Hà- lớp 11A6 trường THPT Đông Hà tâm sự:

Còn các bậc phụ huynh suy nghĩ như thế nào, hãy cùng nghe một vài chia sẻ sau đây

Chị Thúy Hằng- Trương Định (Đông Hà)

Chị Thùy An- Ngô Sỹ Liên (Đông Hà)

Nhạc xen!

Gió heo may đã mang hơi lạnh ngọt dịu đầu mùa về với Quảng Trị, tiết trời se se lạnh này không làm giảm đi không khí háo hức của bao lứa học sinh, sinh viên dành lòng tri ân đối với các thầy giáo, cô giáo của minh. Ở lứa tuổi nào cũng đều bồi hồi thương nhớ bởi tình cảm chất chứa với những người thầy đã dìu dắt ta khôn lớn. Tình cảm thân thương mà cả xã hội giành cho quý thầy cô sao mà ấm áp đến thế.

 

Mời quý vị và các bạn nghe bài viết đầy xúc động và chan chứa yêu thương như một lời tri ân của các thế hệ học sinh gửi đến các thầy cô giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tháng 11 về với nỗi nhớ, về với kỉ niệm, về với tình cảm thiết tha của thầy trò, bởi cái ngày mà cả một năm mới có một lần đó chứa chan yêu thương. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, hay cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc lỗi.

Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho học trò của mình, kể cả những đứa học trò mà luôn làm mình phát bực la lớn lên và mời đi ra khỏi lớp. Thậm chí có thể là đình chỉ học môn đó nguyên một tuần.

Thầy cô là người luôn phải chịu đựng bởi bao trò tai quái mà những đứa học trò gây ra, nhưng có khi lại là những vị cứu tinh của những học sinh bị bắt nạt. Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ, không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C.

Nhớ ngày 20/11 năm xưa chắc ai cũng trải qua cái thời mà đòi mẹ phải mua quà để đi tặng thầy cô cho bằng được nhưng nỗi khổ là không dám đi một mình, lần nào cũng kè kè mẹ đi cùng, bởi lúc đó nhỏ có biết nói gì đâu thấy bạn đi mình cũng đi cho bằng được. Quà 20/11 lúc xưa cũng chỉ là dầu gội, bột ngọt, sữa hay cuốn sổ và cái bút, nhà có điều kiện hơn thì xấp vải cho thầy cô may đồ để đi dạy. Lớn lên chút thì đã biết đường đi mua quà cho thầy cô, nhưng đến lúc tặng thì run cầm cập, gặp thầy cô ở trường suốt không sao cả nhưng mà gặp riêng thầy cô thì không dám đến. Nhớ lúc đi tặng quà thì vừa vào phòng, thấy thầy cô là tặng cho thầy cô rồi nói một câu ngắn gọn: "Mừng Cô (Thầy) 20 tháng 11" rồi chạy cái vèo ra ngoài.

Lớn lên rồi học cấp 3, ngày 20/11 được xem như là một ngày học nhẹ nhàng nhất trong năm vì ngày 20/11 thầy cô “khuyến mãi” không dò bài. Đôi khi thì còn được nói chuyện phiếm và nghỉ học luôn môn đó, thường thì lớp trường đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô, cả lớp chúc mừng và thế là xong buổi .

20/11 không phải thầy cô vui vì được nhận hoa và quà của học trò, thầy cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn hơn, thầy cô khi thấy những thành quả của mình tốn bao công sức tâm huyết đã đạt được thành quả, đó là điều mà làm cho thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình.

Lúc ngồi viết những dòng này tôi bỗng nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho thầy cô... Sao có thể làm những trò ấy nhỉ, nhưng mà thôi "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" mà, nhưng dù gì thì cũng mong ngày 20/11 sắp đến, bạn hãy bỏ một chút thời gian nếu như được hãy đến thăm thầy cô, thầy cô sẽ không quên bạn đâu, nhưng nếu không được thì hãy dành cho một cuộc điện thoại chỉ năm, mười phút thôi. Đừng chỉ gửi một cái hình lên mạng xã hội cho thầy cô và kèm theo dòng ngắn ngủn: "Mừng 20/11, chúc Thầy (Cô) có ngày lễ vui vẻ" là thôi.

Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.

 

Nhạc xen

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Cuộc sống muôn màu tuần 2 tháng 11 chủ đề Hiến chương các nhà giáo.

Phần cuối của chương trình, mời quý vị và các bạn nghe bài viết của CTV Bội Nhiên:

 

 

 

Như ngôi sao không tắt

 

 

Câu chuyện bên ly cà phê sáng nay của nhóm bạn thời Phổ thông trung học chúng tôi là nhắc nhau cùng đi thăm những thầy giáo, cô giáo đã dạy mình thuở ấy nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Một kế hoạch nhanh chóng được đồng thuận, nhưng khi cả nhóm bắt đầu yên ắng trở lại thì một gợi ý khác được đưa ra là thêm nén tâm hương viếng thăm người thầy dạy Văn đã trao cho một học trò nhỏ mà mình dạy dỗ tình thương yêu và lòng cảm thông trìu mến, sự chia sẻ bùi ngùi như trong những câu thơ cảm động của thầy: Cho đến hôm nay/ Giữa chợ Đông Hà/ Mẹ và em/ Đi bán con gà trống/ Để nộp tiền lệ phí kỳ thi/ Mẹ già rồi. Hai bàn tay lẩy bẩy/ Con gà bay/ Nước mắt mẹ lưng tròng/ Thầy trao em món tiền nho nhỏ.

Ba mươi năm trước, người học trò trong bài thơ ấy đã bước vào khung trời cao rộng hơn của tri thức một phần nhờ sức tác động của phẩm chất nhà giáo và người thầy giản dị, nhân hậu kia đã có thêm niềm vui, hạnh phúc: Hôm nay nhận được thư em/ Lá thư viết nơi giảng đường đại học/ Giữa Sài thành hoa lệ lao xao/ Thầy có biết đứa học trò ngày ấy/ Làm gia sư quyết ăn học bằng người/ Thư em đến trước giờ lên lớp/ Thầy thấy cuộc đời toàn trái ngọt, hoa tươi. Thuở ấy, trên bục giảng giữa thời bao cấp luôn có những thầy giáo, cô giáo gieo vào mỗi học sinh niềm ước hẹn và sự tin tưởng về ngày mai rồi sẽ hết nghèo khó, rồi sẽ nên người và bằng người. Truyền thụ kiến thức và quan trọng hơn cả là trao cho từng học trò lòng yêu kiến thức và mưu cầu kiến thức, thầy cô giáo thực hiện sứ mệnh trồng người vinh quang và gian khổ. Vậy nên giờ đây, trong tâm trí của những cô cậu học trò ba mươi năm trước vẫn khắc ghi lời giảng thân thiết, xúc động về tình yêu quê hương, đất nước của người thầy; vẫn giữ lòng yêu kính và niềm biết ơn đối với thầy cô giáo đã giúp mình tiếp nhận những bài học về đường thẳng, đường cong và hoa trái, mùa màng; vẫn nhớ dáng người, giọng nói và phong thái của thầy của cô đã nuôi dưỡng tâm hồn và khơi nguồn tri thức cho mình…

Nén tâm hương viếng thầy giáo rưng rưng hình ảnh người thầy thuở trước ngày hai buổi đi xe đạp tới trường, vượt mấy con dốc cao giữa lòng thị xã vào mùa nắng thì vi vu gió Lào, trong mùa mưa thì bời bời gió bấc bằng sức mạnh của trái tim luôn tin tưởng và hy vọng học trò của mình rồi đây sẽ là những con người sống bằng trí thông minh và sự trung hậu, lòng hiếu thuận. Người thân của thầy kể, lòng thầy tràn ngập nỗi lo lắng, niềm thương cảm khi có một ngày người học trò ấy không đến lớp và thầy đã thầm gửi học trò lời động viên giản dị và chân thành: Đừng nản lòng. Vì vậy mà khi đã đạt được sự học, người học trò ấy của thầy tin rằng ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu đối với mỗi con người bởi thầy đã đưa mình đến ngưỡng của tư duy và tri thức, đã dạy dỗ mình bằng trái tim và giúp mình vượt qua những thử thách của đời sống.

Thầy như ngôi sao đã tắt nhưng ánh sáng từ trái tim yêu tri thức, yêu nghề, yêu trò của thầy vẫn đang tiếp tục chiếu rọi và làm chúng tôi xúc động trong giây phút lĩnh hội những câu thơ về vẻ đẹp cao quý của những nhà giáo chân chính mà thầy đã viết từ mấy mươi năm trước: Cuộc đời người thầy giáo nhân dân/ Như ngày xưa Chu Văn An, Nguyễn Trãi/ Không muốn cao sang, chỉ muốn thanh bần/ Như ngày xưa Nguyễn Tất Thành cầm phấn/ Vì con đường rạng rỡ tương lai.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Thái Thị Thúy Diệu 11/11/2016 21:02 Lê Vĩnh Nhiên 29/11/2016 09:09
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà