Trang NN
Danh mục
Trang nông nghiệp
NỘI DUNG

TRANG NÔNG NGHIỆP NGÀY 21 - 11 – 2017

PTV: Kính chào bà con và các bạn!

Trang Nông nghiệp tuần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật phòng trừ bệnh Lùn sọc đen và rầy môi giới truyền bệnh. Tiểu mục mô hình kinh nghiệm là câu chuyện làm giàu từ mô hình trồng nấm của chàng trai trẻ ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong. Còn trước tiên như thường lệ là phần thông tin Nông nghiệp.

I. THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP

1. TẬP HUẤN CHĂN NUÔI THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa phối hợp với Tổ chức Plan vùng Quảng Trị tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê và gà bản cho các thành viên nhóm nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị các dự án phát triển kinh tế giảm nghèo thuộc các xã Húc, Xy, Thanh, Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa) và Hướng Hiệp (huyện Đakrông).

Thông qua các lớp tập huấn, các nông dân được hướng dẫn cụ thể về các kỹ thuật chăn nuôi dê và gà bản như: vị trí, vật liệu, các kiểu chuồng trại cho dê, gà; cách chọn giống; cách chế biến thức ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng; các kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng các vật nuôi này từ khi sơ sinh đến khi trưởng thành; cách vệ sinh, phòng bệnh cũng như cách nhận biết và chữa trị một số bệnh thường gặp. Song song với các lớp tập huấn này các học viên còn được Tổ chức Plan vùng Quảng Trị hỗ trợ một số con giống và vật tư làm chuồng trại để họ có thể áp dụng các kiến thức đã học được vào thực tiễn sản xuất.

Được biết, những năm trở lại đây, tại các huyện miền núi chăn nuôi dê và gà bản đã và đang mang lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên với cách nuôi như hiện tại thì đàn dê và gà bản thường mắc một số bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả… dẫn đến vật nuôi bị chết hoặc phát triển kém, tăng trọng chậm. Vì vậy việc mở các lớp tập huấn về chăn nuôi dê và gà bản như thế này sẽ giúp người nông dân có những kiến thức cần thiết; tận dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ của dự án để duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi, tiến tới liên kết chăn nuôi quy mô lớn hơn, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả cao nhất.

2. PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ LỒNG BÈ Ở HẢI LĂNG

Hải Lăng là địa bàn vùng trũng nên những năm qua bà con đã tận dụng diện tích ao hồ để nuôi cá. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Hải Lăng có 153 lồng bè nuôi cá, tăng 10 lồng so với cùng kỳ năm trước. Tập trung chủ yếu ở các xã: Hải Tân, Hải Sơn, Hải Chánh và Hải Trường.

Các đối tượng thả nuôi chủ yếu là cá chình với 50 lồng nuôi, tăng 17 lồng so với cùng kỳ năm trước; còn lại là lồng nuôi cá trắm cỏ. Đối với lồng nuôi cá chình, trung bình sau 18 – 24 tháng nuôi có thể mang lại thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng; còn đối với cá trắm cỏ, trung bình sau từ 10 – 12 tháng nuôi có thể mang lại thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng. Ngoài ra năm nay người dân còn đưa vào nuôi thử nghiệm 2 – 3 lồng nuôi cá leo và bước đầu đã cho kết quả rất khả quan.

Trước những hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng mang lại, bắt đầu từ năm 2016, huyện Hải Lăng đã đưa mô hình này vào kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương để có sự hỗ trợ hợp lý nhằm động viên người dân mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Cụ thể, đối với 1 lồng nuôi cá chình bằng nhôm người dân sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng, còn đối với lồng nuôi cá trắm cỏ bằng tre hoặc lưới sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng.

Theo đánh giá, nuôi cá lồng được đánh giá là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khai thác thủy sản cạn kiệt, bảo vệ môi trường tại địa phương. Trong thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng mô hình nuôi cá lồng không chỉ trên sông mà còn trên các hồ đập thủy lợi có nguồn nước đảm bảo, đồng thời du nhập thêm các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

II. KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ

PTV: Thưa bà con và các bạn! Hiện nay lúa chét đang phát triển tốt trên đồng ruộng cộng  với rầy lưng trắng đang tồn tại với mật độ cao trên hầu hết các cánh đồng. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để bệnh Lùn sọc đen tiếp tục phát triển và lây lan trên diện rộng, có khả năng tiếp tục gây hại nghiêm trọng lúa vụ đông xuân sắp tới và các vụ tiếp theo nếu không có giải pháp phòng trừ kịp thời và triệt để. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật phòng trừ bệnh Lùn sọc đen và rầy môi giới truyền bệnh. 

HƯỚNG DẪN PHÒNG TRỪ BỆNH LÙN SỌC ĐEN VÀ RẦY MÔI GIỚI TRUYỀN BỆNH

III. MÔ HÌNH KINH NGHIỆM

LÀM GIÀU TỪ NGHỀ TRỒNG NẤM

PTV: Thưa bà con và các bạn! Tốt nghiệp trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, ó công ăn việc làm ổn định ở thành phố lớn nhất miền Trung, nhưng lại đột ngột khăn gói về quê tự mở trang trại trồng nấm với quyết tâm mình sẽ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đó là chàng trai trẻ Phan Bá Cận ở tại thôn Kiên Phước (xã Triệu Ái – huyện Triệu Phong). Ông chủ trẻ đang ngày càng thành công nhờ nghề trồng nấm.

Cơ duyên đến với anh Phan Bá Cận vào đầu năm 2014 trong một chuyến về thăm nhà. Tình cờ đi ngang Khu Công nghiệp Ái Tử (huyện Triệu Phong), Cận phát hiện ra các xưởng chế biến gỗ ở đây thải ra lượng mùn cưa khá lớn. Ngay lập tức trong đầu Cận nảy ra ý tưởng sản xuất nấm từ mùn cưa. Không phụ lòng người, ngay lứa nấm đầu tiên Cận đã thu được những kết quả hết sức khả quan. Thấy hiệu quả, Cận quyết định dốc hết vốn liếng, vay thêm 20 triệu đồng qua kênh giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại mỗi tháng trại nấm của anh trồng hơn 6.000 bịch nấm với sản phẩm chủ yếu là nấm sò tím. Mỗi ngày cho thu hoạch từ 25 – 30 kg. Với giá bán dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg tùy thời điểm, tính ra mỗi ngày Cận bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng.

P/v anh Phan Bá Cận – Thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong

Theo anh Cận, trồng nấm không quá phức tạp nhưng trong quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình. Người trồng nấm phải kiên trì, thường xuyên thăm nom, tuyệt đối không để có chuột và kiến trong trại, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho các loại nấm. Ngoài ra, trại nấm phải được thiết kế chắc chắn, đảm bảo độ thoáng mát. Các bịch nấm nên treo có hàng lối, giữ một khoảng cách thích hợp để dễ tưới tiêu và kịp thời phát hiện sâu bệnh.Không chỉ làm giàu cho riêng mình, Cận còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống cho các hộ dân ở địa phương tận dụng thời gian nông nhàn, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

P/v ông Lê Hài – Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong

Được biết, nên mặc dù còn rất trẻnhưng với nghị lực và ý chí của mình Cận đã được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp. Đây xứng đáng là một tấm gương sáng về nghị lực, ý chí, một điển hình để các thanh niên ở địa phương noi theo.

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 17/11/2017 16:34 Võ Nguyên Thủy 18/11/2017 15:44

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà