Chương trình Thiếu nhi
Danh mục
Tạp chí tuổi hoa
NỘI DUNG

                                    Chương trình Thiếu nhi 2-12

Xin chào các bạn và các em đang đến với chương trình Thiếu nhi của Đài PTTH Quảng Trị. Các em thân mến, mỗi chúng ta khi sinh ra trên cuộc đời này, nếu có đầy đủ chân tay lành lặn, lớn lên khỏe mạnh như mọi người thì quả thật là may mắn phải không nào? Các em đừng cho rằng đó là một điều bình thường, không đáng quý, bởi vì không phải bạn nhỏ nào cũng có được may mắn đó các em ạ. Chương trình hôm nay, chị mời các bạn và các em cùng gặp gỡ với một bạn học sinh lớp 3, đến từ trường Tiểu học Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh. Bạn ấy không may bị dị tật bẩm sinh cụt tứ chi, nhưng đã biết vươn lên trong cuộc sống và học tập, là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn của nhà trường và toàn xã hội.

                         Nghị lực của cậu bé 9 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh

(LỚP HỌC TIẾNG VIỆT) Dù chỉ mới 9 tuổi và không may bị dị tật bẩm sinh cụt tứ chi,  những tưởng sự nghiệt ngã này sẽ cắt đứt con đường đến trường của cậu học trò nhỏ này. Nhưng rồi nghị lực phi thường đã khiến em Hoàng Đức Sơn – học sinh lớp 3B, trường tiểu học Vĩnh Nam vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Từ khi còn ở trong bụng mẹ, Sơn được các bác sĩ chuẩn đoán là dị tật bẩm sinh – cụt tứ chi. Sơn không có bàn tay, bàn chân, duy chỉ bàn tay trái là còn… 1 ngón. Do vậy, từ lúc lọt lòng đến trước khi đi học, mọi sinh hoạt hằng ngày của Sơn gặp nhiều khó khăn hơn so với các bạn đồng trang lứa và đòi hỏi cậu học trò nhỏ phải cố gắng gấp nhiều lần người khác. Sơn không thể tự cầm thìa, đũa, không thể tự tắm rửa, mặc quần áo, đi lại cũng khó khăn. Đến nay, Sơn vẫn chưa thể mặc dép được có lẽ sau này cũng vậy. Do bị dị tật bẩm sinh nên Sơn cũng không được khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa. Cậu thường bị đau ốm, nhất là lúc trở trời, tay chân Sơn sẽ bị đau buốt. Không những vậy, Sơn còn bị cận 8 độ do di chứng của dị tật.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó không ngăn được Sơn theo đuổi con đường đến với tri thức, văn hóa. Nhìn những trang vở với những dòng chữ nắn nót, gọn gàng, ít ai nghĩ rằng, đây là những con chữ do một cậu học sinh chỉ có một ngón tay viết ra. Lúc lên lớp 1, tất cả các bạn cùng trang lứa Sơn tập viết một cách dễ dàng nhưng đối với Sơn thì đó là cả một thử thách. Sơn phải nỗ lực gấp nhiều lần các bạn bởi em không thể cầm bút được mà phải kẹp bằng cả 2 tay, ngồi trên ghế có lót thêm đệm vì vóc dáng quá nhỏ bé. Giờ ra chơi hay ngoài tiết học, Sơn ở lại lớp hằng tiếng đồng hồ sau giờ học để cô giáo kèm cặp thêm. Sơn tập viết nhiều đến mức hai đầu tay mỏi nhừ, đau buốt, nhiều khi em muốn nghỉ học, nhưng nhớ đến gia đình và thầy cô, dành tất cả niềm tin yêu cho mình, Sơn lại tiếp tục. Cuối cùng, Sơn cũng viết được, mặc dù không nhanh như bạn cùng lớp.

(GIỜ TIN HỌC) Trong các tiết học thực hành tin học, hay học múa hát, thể dục, Sơn cũng tỏ ra rất nhanh nhẹn, tháo vát, tiếp thu nhanh khiến các thầy cô giáo không khỏi bất ngờ và bạn bè nể phục.

Em Phan Lê Minh Thương, trường Tiểu học Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị: Bạn Sơn rất thông minh, nhanh nhẹn. Chúng em ai cũng thích chơi với Sơn vì bạn Sơn rất vui tính

Em Đinh Thiên Nhân, trường Tiểu học Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Với sự siêng năng, chăm chỉ của mình, Sơn đã đạt học sinh tiên tiến 2 năm liền, được trao tặng danh hiệu học sinh vượt khó vươn lên. Đặc biệt Sơn rất giỏi môn Toán và làm toán rất nhanh nhạy. Ở Môn Tiếng Việt Sơn có gặp một chút khó khăn vì viết chậm hơn các bạn. Tuy nhiên, vì chăm chỉ nên Sơn cũng dần khắc phục được điểm yếu này. 

Cô giáo Lê Thị Quý, trường Tiểu học Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Em Đặng Thị Phương Nhi, trường Tiểu học Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị:chúng em thường giúp đỡ Sơn những việc mà Sơn khó làm được, ví dụ như kẻ hàng trong vở...Còn lại các môn khác thì Sơn học rất tốt

(GIỜ RA CHƠI) Tiếp xúc với Sơn, ấn tượng mạnh nhất đó chính là hình ảnh một cậu bé nhanh nhẹn, tháo vát, mặc dù không có bàn chân nhưng Sơn chạy nhảy rất nhanh và vững chãi. Để làm được điều này, cậu học sinh khuyết tật đã trải qua một thời gian tập luyện dài nghiêm túc. Hiện tại, ở trong lớp, Sơn là một cậu học trò rất hoạt bát,hiếu động, không hề tự ti mà ngược lại, cậu bạn luôn hòa đồng với các bạn, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động vui chơi, các giờ học ngoại khóa mà không hề có chút e dè, ngần ngại.

(Ở NHÀ) Nghị lực vươn lên thoát khỏi số phân nghiệt ngã của  cậu học trò nhỏ vẫn luôn cháy bỏng như lời ru mà bà đã truyền lại cho  Sơn: “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Để có Sơn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và ngày ngày được đến trường tiếp thu vốn kiến thức phong phú như hôm nay, bên cạnh sự dìu dắt của thầy cô giáo, sự giúp đỡ của bạn bè thì không thể thiếu vai trò quan trọng đặc biệt của bố mẹ Sơn. Bố mẹ Sơn luôn cố gắng dành tất cả thời gian có thể để ở bên Sơn, động viên, sát cánh với Sơn từng bước đi chập chững đầu đời.

Ông Hoàng Đức Bốn – Bố em Sơn

Thôn Nam Hùng, xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh: Sơn sinh ra đã bị khiếm khuyết cơ thể nên mọi sinh hoạt đều khó khăn vô cùng. Không những vậy, khi gia đình cho cháu đi học thì ban đầu trường mầm non cũng e ngại, sợ sức khỏe cháu không đảm bảo, đi học không an toàn. Sau này, rất may là cháu đã hoạt bát, nhanh nhẹn hơn...

Hiện tại, không còn quá nhiều khó khăn với cậu học trò nhỏ, mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày bạn đều cố gắng làm được. Không cam chịu số phận,Sơn âm thầm vượt qua sự run rủi của cuộc đời để tìm đến ước mơ như bao đứa trẻ bình thường.

Em Hoàng Đức Sơn, trường Tiểu học Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị: Em mong muốn sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Nhưng với tình trạng cơ thể này thì khó thực hiện được, do đó em phải chăm chỉ học tập, cố gắng nhiều hơn nữa.

Mặc dù vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho Sơn có được đôi tay đôi chân lành lặn như bao người khác nhưng cậu học trò nhỏ đã làm nên điều kỳ diệu, viết nên câu chuyện cuộc đời mình bằng nghị lực sống phi thường.

Dẫu không may bị khuyết tật nhưng với những bước đầu đạt được, Sơn là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bạn bè về tấm gương vươn lên số phận. Hy vọng rằng, trong tương lai, ước mơ trở thành một người bác sĩ để chữa bệnh cho những người kém may mắn như mình của Sơn sẽ sớm thành hiện thực như những gì mà bố của Sơn – “cậu bé đồng” – đã làm được. Đến đây thì thời lượng của chương trình tuần này cũng đã hết, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn và các em. Xin chào và hẹn gặp lại các em trong chương trình lần sau!

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Ngân Hà 30/11/2017 08:16 Võ Nguyên Thủy 04/12/2017 13:34

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà