dan toc mien nui
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI 27/12

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang đến với Tạp chí Dân tộc và miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay chúng tôi xin mời đồng bào và các bạn đến với lễ mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều, Pako ở vùng miền Tây Quảng Trị, phần còn lại sẽ là phóng sự của phóng viên chuyên mục về nghề nấu rượu bằng men lá truyền thống ở xã Ba Nang huyện Đakrông.

Sau đây là nội dung chương trình.

NHẠC CẮT

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn! Khi vụ mùa kết thúc cũng là lúc bà con Pa Kô, Vân Kiều tại vùng núi phía tây Quảng Trị lại tất bật chuẩn bị lễ mừng lúa mới, hay còn gọi là Tết A Da. Đây được xem là tết lớn trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây, cùng với lễ A Riêu Ping và Tết Nguyên đán.

Lễ mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều, Pako

Người Pa Kô, Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, họ tin vào các thần linh huyền bí và tin vạn vật hữu linh. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc mình. Bởi vậy, người Pa Kô, Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng lúa mới. Ngày nay ở vùng miền Tây Quảng Trị, cái đói, cái nghèo dần lùi xa. Người Vân Kiều, Pa Kô đã tiến những bước dài, từ bóng tối ra với ánh sáng. Trong nhịp sống hiện đại, điều đáng quý là nhiều người con của đại ngàn vẫn quyết tâm gìn giữ những nét đẹp văn hoá, truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại.

Nhiều năm nay, ngoài canh tác các loại cây trồng mới, cho năng suất cao, gia đình bà Kăn Bền ở thôn A Sói, xã A Túc vẫn cẩn thận dành riêng một đến hai mẫu đất để gieo lúa rẫy. Đây là giống lúa từ đời ông cha bà truyền lại với lời nhắn nhủ phải luôn giữ gìn. Tuy không cho năng suất cao nhưng giống lúa Cu Prêng khá dễ trồng, chịu hạn, chịu sâu bệnh tốt. Theo luật tục từ xưa để lại, đây là giống lúa quý, dùng để cúng thần linh, ông bà, tổ tiên. Thế nên, khi trồng lúa Cu Prêng, người Vân Kiều, Pa Kô hoàn toàn cậy nhờ vào thiên nhiên.

Bà Kăn Bền

Thôn A Sói, xã A Túc, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị

Tuy đất sản xuất không còn nhiều nhưng đây là giống lúa ngày xưa của ông cha để lại cho nên hàng năm vẩn phải trồng. Vì đây là giống lúa quý để làm quà, để cúng nhân dịp lễ tết.

Bà Pỉ Thắm

Bản Thanh 4, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đã bao đời nay, gia đình tôi đều trồng lúa rẫy ở vùng đất này. Dù có vất vả nhưng lúa ở đây thường xuyên được mùa, nhờ đó mà lương thực trong nhà luôn được bảo đảm, Tết đến lại có nhiều gạo nếp để gói bánh chưng cho cả nhà và cúng lúa mới.

Sau mỗi mùa thu hoạch bà con trên khắp các bản làng của huyện Hướng Hóa lại rộn ràng tổ chức lễ mừng lúa mới. Đây là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của người dân Vân Kiều, Pako ở miền Tây Quảng Trị. Trước đây, Lễ mừng lúa mới của bàn con bản Húc chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Để chuẩn bị cho Lễ hội, trước đó cả tuần lễ, già làng sẽ tập trung các gia đình tại nhà của mình để thông báo thời gian tổ chức và phân công công việc cho các các thành viên trong buôn làng.

Già làng Ăm Yêng

Thôn Húc, A Túc, Hướng Hóa, Quảng Trị

Lễ cơm mới diễn ra thường sau mùa thu hoạch. Sau một mùa vụ mùa thì đồng bào cũng tổ chức Lễ mừng lúa mới nhằm tạ ơn Thần linh đã ban cho họ mùa màng bội thu. Nếu không bội thu thì trong lời cúng của Già làng sẽ xin thần linh trong mùa lúa mới sẽ ban cho mùa màng bội thu.

 

Trong lễ cúng diễn ra trước nhà của già làng, già làng báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong buôn làng đồng thời cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh hay bị thú rừng phá hoại để mọi người có cuộc sống ấm no. Lễ vật của các mâm cỗ tùy thuộc và điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Nhà nào có điều kiện thì cúng một con lợn, con bò, nhà nào năm nay mất mùa thì cúng một con gà, dĩa xôi…Nhưng các mâm cỗ đều có đặc điểm chung là có một dĩa cơm nếp mới do chính nhà mình làm ra, các ống cơm nếp trắng và cơm nếp than được bỏ trong ống tre lồ ô rồi nướng trên bếp than hồng, bát nước trong và những bông hoa được làm từ cây tre tượng trưng cho những bông lúa.

Bà Ăm Yên

Thôn Húc, A Túc, Hướng Hóa, Quảng Trị

Lễ cúng Tết lúa mới ngoài nghi thức báo cáo với Trời đất, Tổ tiên, thổ thần về kết quả của một mùa thì nó còn mang ý nghĩa để người dân cầu cho mùa màng luôn tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhà nhà, người người trong thôn bản đều dồi dào sức khỏe. Đây cũng là dịp để ông bà, bố mẹ và con cháu tổng kết công việc làm ăn, học tập trong một năm và thông báo với ông bà tổ tiên và các vị thần linh, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ con cháu ngày càng làm ăn khấm khá, mùa màng ngày càng xanh tốt hơn. 

NHẠC CẮT

 

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và các bạn! Rượu Ba Nang mang hương vị đặc trưng của men lá, rượu được tạo nên từ một loại men đặc biệt, kết tinh từ hàng chục loại lá, rể cây mọc trong khu rừng sâu trên dãy núi Trường Sơn. Qua bàn tay cần mẫn và sự giữ gìn nghề truyền thống của người đồng bào Vân Kiều, sau hàng trăm năm vẫn rượu Ba Nang vẫn lưu giữ được hương vị đặc trưng vốn có. Những năm trở lại đây, chính quyền và người dân nơi đây đã và đang khôi phục, phát triển lại nghề nấu rượu truyền thống Ba Nang để nhằm mục đích giới thiệu đến khách gần xa biết về một loại rượu đặc biệt chỉ có ở vùng đất này.

 

RƯỢU MEN LÁ BA NANG

 

Đến thôn Đá Bàn xã Ba Nang huyện Đakrông vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình nơi đây đang tất bật với nghề khá phổ biến, đó là nghề nấu rượu. Không như những nghề truyền thống lâu nay có trên địa bàn như dệt thổ cẩm hay đan lát... nghề nấu rượu từ men lá Ba Nang đã và đang đuợc nhiều gia đình trong thôn, trong xã duy trì và có xu hướng phát triển. Gia đình bà Hồ Thị Mom được xem là tiên phong trong việc duy trì thường xuyên và phát triển loại nghề truyền thống của địa phương. Để cho ra lò một mẻ rượu thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của núi rừng, hàng ngày các thành viên trong gia đình thay nhau vào các khu rừng sâu để hái nhiều loại lá cây và rể để mang về. Với bàn tay tài tình cùng bí quyết qua bao đời, Bà Mom có thể tạo ra được loại men rượu đặc biệt mà không nơi nào có.

Trong cả quá trình cho ra một mẻ rượu thành công, công đoạn làm men là một trong những khâu quan trọng nhất. Lá và rể cây các loại sau khi được chọn lựa kỹ được đem giã đều và sau đó được trộn với loại trấu cám. Tiếp đến là giai đoạn ủ men trong khoảng 3 ngày và sau đó đem phơi. Một điều đặc biệt là trước khi tiến hành nấu rượu và có thể cho ra một loại rượu đúng chất riêng, người nấu rượu kiềm tra loại men có đạt chất lượng như mong muốn hay không, những loại men không đạt sẽ bị loại bỏ.

Cùng với men, nước cũng là yếu tố hết sức quan trọng để đem lại hương vị đặc sắc cho loại rượu này. Nước sử dụng để nấu rượu là loại nước được lấy từ trong rừng sâu, chảy ra từ các khe đá. Điều đặc biết là nước càng trong chảy ra từ các khu rừng sâu thì chất lượng rượu càng thơm ngon.

Bà Hồ Thị Mom, thôn Đá Bàn, Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

 (Không dịch): Trước đây mỗi tháng chỉ nấu vài lần thôi, nầu rượu chủ yếu là phục vụ cho gia đình. Nhưng từ khi có cán bộ hướng dẫn cách nấu rượu mới thì hầu như ngày nào gia đình cũng có nấu. So với trước đây, rượu bây giờ thơm hơn, an toàn hơn nhưng vẫn giữ nguyên hương vị của loại men lá. Vì vậy, rượu nấu ra đã được bán cho khách mua, đặc biết vào những ngày lễ tết có nhiều người đến mua hơn.

 

Rượu men lá là sản phầm nổi tiếng có từ lâu đời được các thế hệ đi trước truyền lại. Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, sản phẩm không chỉ người dân địa phương biết đến mà còn lan tỏa ra ngoài phạm vi của huyện. Từ loại men đặc biệt mang hương vị của núi rừng cùng với bàn tay khéo léo của người đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn, những năm qua, nghề nấu rượu nơi đây đang dần khôi phục và phát triển. Trước nhu cầu của thị trường và sự cần thiết của việc gìn giữ rượu Ba Nang như một nghề truyền thống, những năm trở lại đây, chính quyền địa phương từ huyện đến xã luôn quan tâm và tạo điệu kiện thuận lợi để nghề nấu rượu men la Ba Nang phát triển. Nếu như trước đây, nghề nấu rượu men lá Ba Nang phát triển một cách tự phát, không theo quy trình nhất định, sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ tại chổ thì nay khi theo một quy trình mới, được tổ chức bài bản thì sản phẩm này đang được nhiều người ưa chuộng.

Ông Lê Văn Thắng

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

 

Rượu men lá Ba Nang được biết đến không chỉ vì được chiết xuất từ hơn 20 hương vị của nhiều loại lá, rể cây khác nhau từ trong các khu rừng sâu, mà nó vốn được xem là loại nước uống đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Để sản phầm này mang thương hiệu riêng nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên thi trường, tháng 7 năm 2016, UBND huyện Đakrông đã quyết định thành lập Hội sản xuất và kinh doanh rượu men lá Ba Nang. Hội ra đời nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên khi tham gia, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo.

 

Hiện nay, rượu men lá Ba Nang được sản xuất tại các thôn Bù, Tà Mên, Tà Rẹc, Đá Bàn, A La và Ba Nang. Sản lượng mỗi năm đạt khoảng 15.000 lít được tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Mặc dù có sự đầu tư nhưng nhìn chung nghề nấu rượu men lá truyền thống Ba Nang còn chưa phát triển, giá trị sản xuất còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ, lao động tham gia ít, sản phẩm chưa có thị trường ổ định. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục hỗ trợ về trang thiết bị máy móc, tập huấn kỷ thuật, hỗ trợ đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó là trồng cây nguyên liệu đồng thời tổ chức giới thiệu quảng bá rộng rãi sản phẩm trên thi trường. Hiện nay sản phầm rượu men lá Ba Nang đã được Sở công thương cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và Chi cục ATVSTP đã công nhận sản phẩm sản xuất phù hợp quy chuẩn kỷ thuật QCVN6-03 2010 của Bộ Y Tế. Đây là điều kiện cần thiết để sản phẩm rượu men lá Ba Nang đảm bảo điều kiện pháp lý lưu thông trên thị trường.

 

CHÀO CUỐI

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 27/12/2017 08:50 Quách Đình Long 27/12/2017 08:50
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà