Tạp chí DTMN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI

PHÁT SÓNG: 11/1/2018

 

Kính chào đồng bào và các bạn đến với Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PT-TH Quảng Trị.

Đồng bào và các bạn thân mến! Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Trị được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Nhờ vậy, cùng với việc thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ để giới thiệu các làn điệu dân ca và phục chế các loại nhạc cụ truyền thống có nguy cơ thất truyền, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã thành lập được các câu lạc bộ, nhóm, hội thường xuyên hoạt động, cùng nhau đàn, hát để những làn điệu dân ca được lưu giữ và truyền lại cho con cháu nhằm bảo tồn, chuyển tải nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với công chúng.

Tạp chí Dân tộc và Miền núi tuần này mời quý vị và các bạn đến với thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện Đakrông để tìm hiểu về những con người đang cố gắng gìn giữ nét độc đáo trong các làn điệu và nhạc cụ dân tộc của người Pakô nơi miền rẻo cao này.

Nhạc…..

Cuộc sống mưu sinh gắn với dòng sông, con suối, những rẫy lúa, nương ngô đã thấm sâu vào lối sống của đồng bào Pa Cô nơi miền rẻo cao huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Nhạc cụ truyền thống gắn với đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Bằng những nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên như tre, nứa, lá cây cùng một số loại cây rừng cùng với đôi bàn tay khéo léo và sự cảm nhận âm thanh tuyệt mỹ, các thế hệ đồng bào Pa Cô đã chế tạo ra những nhạc cụ truyền thống độc đáo và còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Tại nhiều xã của huyện miền núi Đakrông đã thành lập và duy trì hoạt động của đội văn nghệ quần chúng gồm già làng và các thanh niên, sưu tầm và tập luyện những làn điệu dân ca, sử dụng nhạc cụ truyền thống, tham gia biểu diễn trong các hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức và các dịp lễ, Tết. Đến thăm hội người cao tuổi thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, chúng tôi ngỡ ngàng vì hầu hết các thành viên trong hội đều có thể sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Những con người đã đi quá nửa đời người, từng tham gia vào cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc nên những làn điệu dân ca và âm hưởng của các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình đã ngấm vào máu của những con người này. Sinh hoạt định kì hàng tháng, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chính là các tiết mục âm nhạc được thể hiện bởi các thành viên trong hội.

Với các đạo cụ đặc trưng của đồng bào Pako như: khèn bè, trống ... cùng các làn điệu dân ca quen thuộc, những giai điệu đậm chất núi rừng được vang lên êm ái trong mỗi buổi sinh hoạt hội. Vừa mang tính chất giải trí, vừa là cơ hội để các thành viên trong hội thể hiện tài năng của mình. Từ đây, nhiều làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc đã được ghi chép lại để truyền lại cho thế hệ sau.

Qua các buổi sinh hoạt như thế này đã khơi nguồn, bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Cô. Đây được coi là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền.

 

PV: Ngày xưa, thời của cha mẹ là dùng cái này để đàn nhưng ngày này, thời con cháu thì họ dùng cái đàn ghi-ta, máy móc. Thời bây giờ khác ngày xưa… thời bây giờ khi đã có đảng, đất nước hòa bình cuộc sống ấm no hơn nên nhiều người ít tìm đến cái đàn này nữa. Còn thời của mẹ cuộc sống cực khổ nên thường xuyên tìm cái đàn để quên đi cái đói, cái buồn. Rồi đàn dùng trong chuyện hội sim, dùng đàn để tỏ tình trai gái với nhau. Nhưng giới trẻ bây giờ thì họ bằng lá thư, bằng chữ…không còn yêu đàn như trước nữa.

PV: Giới trẻ bây giờ họ không còn biết về nhạc cụ truyền thống nhưng nếu có cơ hội để học thì cũng nhiều người thích học vì đây nhạc cụ truyền thống của Pako mình. Chỉ tiếc là điều kiện để tổ chức dạy không có vì ai cũng phải đi làm.

 

PV: Mẹ sáng tác bài này bắt nguồn từ thời kháng chiến, thời mà thiếu cái ăn…..hồi mẹ còn nhỏ mẹ đã nghe người mẹ của mẹ ru cho mẹ và từ đấy mẹ bắt đầu biết sáng tác, rồi mẹ ru em gái của mẹ, mà ngày mẹ có con cái thì mẹ lại ru con của mẹ. nhưng bây giờ sau đất nước chia cắt thì mẹ sáng tác thêm để ca ngợi về đảng , bác hồ. Lời ru này mẹ chẳng được ai dạy mà chỉ nghe qua người mẹ của mẹ ru và học.


Đây là nhạc cụ mà mẹ đã học được từ cha, mẹ của mẹ nên giờ mẹ mới đánh được. Thời năm 67 mẹ để cái này ở balo, vừa gùi gạo, đạn...và cả đoàn đi thành hàng phải trên 20,30 người. Khi lên dốc thì đánh theo nhịp nhanh hơn còn đi đường ở những nơi thung lũng thì đánh nhịp chậm hơn. Đánh như vậy để quên đi cái mệt, cái đói và rộn ràng tiếng cười.

Đàn dùng trong các đêm hội sim. Khi một chàng trai muốn tỏ tình một cô gái thì họ dùng đàn này để bày tỏ thay lời ngại ngùng muốn nói. Từ khi được sinh ra thì tôi đã thấy nó. Và trước chiến tranh cũng đã có rồi…đến bây giờ thì những người lớn tuổi họ vẫn dùng để đàn, để gợi nhớ ông bà nhưng giới trẻ thì họ không dung nữa.

 

 

 

PTV: Đồng bào và các bạn thân mến! Để tìm hiểu rõ hơn về các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Pako, chúng ta sẽ cùng đến với phần giới thiệu của một người có nhiều năm nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Pako- Nghệ nhân Kray Sức.

 

 

Người Pakô chúng tôi là một dân tộc sinh sống ở các sườn núi phía Tây huyện Đakrông. Từ xa xưa dân tộc chúng tôi có truyền thống chơi các nhạc cụ như: Khen, Chiềng, A Pler… Nhờ có nhạc cụ mà đôi trai gái tìm đến nhau, se duyên thành vợ chồng.  Dù trải qua nhiều đời, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ người Pakô chúng tôi vẫn giữ được những nét truyền thống đó.

Sau đây xin được giới thiệu đến mọi người các loại nhạc cụ truyền thống của người Pakô. Cái này tiếng Pakô gọi là A Per, gồm có 2 loại, A Per. Đây là thanh gỗ “ăn nam” được bồi bằng nhựa thông rồi sau đó phơi khô. Cái nay tiếng Pakô gọi là “A Poom” ngậm vào miệng. Ngày xưa ai mà chơi được nhạc cụ này thì nhiều người con gái theo. Nhạc cụ A Per này xuất hiện từ rất lâu rồi, người dân tộc Cơ Tu cũng có nhạc cụ A Per và cũng được gọi là A Per nhưng không biết A Per của người Pakô xuất hiện trước hay của người Pakô xuất hiện trước. A Per của người Pakô được truyền lại từ tổ tiên xa xưa rồi. Người là A Per ở xã hiện giờ một là Nghệ sỹ ưu tú Mai Sen, ông Hồ Văn Phiêng. Bên cạnh se duyên vợ chồng, A Per cũng có thể để ru con ngủ, hiện người chơi và hát với A Per không còn nhiều nữa.

 Cái nay tiếng Pakô gọi là Khen – Khen được làm từ cây trúc rừng, phơi khô từ 1 đến 2 tháng. Sau đó chặt từng khúc rồi ghép lại với nhau, gồm có 2 loại, 1 loại làm bằng A Păn, 2 là làm bằng P rả. Khen làm bằng 2 loại này khi thổi tiếng nghe hay hơn, âm thanh cao và vang hơn và chắc chắn nữa. Hiện trong xã không còn ai biết làm loại khen này nhưng sửa lại thì được. Khen được xuất xứ từ nước bạn Lào, ngày xưa chúng tôi ở sườn núi của nước bạn Lào. Mặc dù khen là loại nhạc cụ xuất xứ từ nước bạn Lào, nhưng trải qua nhiều đời thì khen là một loại nhạc cụ không thể thiếu người dân Pakô. Khen có nhiều khúc, đốt. Khen có 34 đốt và thương dùng với hát: Xiêng, Cha chấp, K lời, Tăng Y,… Khen thường được dùng trong các lễ hội truyền thống người dân tộc Pakô như: A Riêu Ping, A Za đều dung khen. Theo tôi biết thì 1 năm 2 lễ 1 là lễ AZa (vào cuối năm) và lễ gieo trồng (ở đầu, giữa năm). Một lễ hội lớn của người dân Pakô đó là A Riêu Ping, 10 năm tổ chức 1 lần, có làng khá giả thì 5 năm tổ chức 1 lần. Ở mỗi lễ hội nào cũng có thổi và múa theo khen.

- Cái này tiếng Pakô gọi là Ăm pel, người Vân Kiều gọi là đàn Ta Lư. Theo chuyện xa xưa kể lại: Ngày xưa có 1 gia đình bố và con gái sống với nhau, người con gái góa chồng về sống với bố. Hàng ngày người con đi làm, còn người bố ở nhà trồng cháu. Người bố ở nhà làm nhạc cụ này, giản dây trần 1 đầu bỏ vào ống tre sau đó lặp vào 1 khúc gỗ, rồi chơi nhạc cụ nay để ru cháu ngủ. Thấy hay nên nhiều người biết đến và được lưu truyền đến ngày nay.

 

Trống của người Pako có loại to, nhỏ khác nhau. Trống to có tiếng âm hơn còn trống nhỏ thì thanh hơn….và phát ra âm thanh ting crưp ting crưp khác nhau. Thường thì từ xa xưa chúng tôi vẫn lấy da bò, còn những loài da khác thì ít..nếu có thì là da hươu, còn da trâu thì không ai làm cả. còn gỗ, ngày xưa nổi tiếng nhất là gỗ proh vì gỗ này nhẹ mà âm thanh tốt. Còn những gỗ đặc như thế này thì vẫn tạo ra âm thanh tốt nhưng nặng. Ngày xưa là gỗ proh còn bây giờ thì rất hiếm…trong công việc để hòa giải người với ngườim với trời đất là phải dùng trống. Với người Pako khi mà có lễ hội, đám tang phải có 2 người vác có nghĩa là: “vác trống là để người đã khuất thấy được sự kính trọng đối với họ. Trong tầng bậc của xã hội con người, người quyền lực nhất là người được phục tùng tốt nhất. Nhưng với người đã khuất lúc còn sống họ vẫn chưa được hầu hạ tốt như thế nên việc vác trống giống như là vác người đã khuất lên vai người còn sống như một sự kính trọng….”. Về nguồn gốc của cái này thì từ đời tổ tiền sống những vùng đất Lào. Cái này có 2 loài là cồng và chiềng và cũng có tên riêng là Chum và Ching. Đó là cặp vợ chồng, Chum là chồng còn Ching là vợ. Họ là hai vợ chồng không có con nhưng họ rất giỏi và làng bản ai cũng nể phục……… Sau khi ông Chum, bà Ching mất thì làng lấy công và chiềng đánh “ chum chum, ching ching….” để tiễn biệt, tạ ơn. Sau này mỗi khi có lễ hội gì thì họ lại đánh “ chum chum, ching ching….” như một lời mời gọi hai ông bà về thăm làng thăm con cháu ngày nay sinh sống, làm ăn thế nào. Còn cái này là giờ chỉ là bản sao nhưng ngày xưa cái này cũng vẫn như vậy, cái này chúng tôi gọi là toong, cái toong này trong làng, trong nhà nó có ít, nó chỉ có nhiều ở trên nương đồi. Đời ông bà, tổ tiên ngày xưa có rất nhiều loài thú rừng và đến khi mùa thu hoạch là chúng lại vào phá nương rẫy dân làng. Tên đầu tiên là 3 chị em gái trong làng nọ, họ đều rất xinh đẹp…và được làng chọn lên giữ nương rẫy. Để xua đuổi thú rừng vào phá nương rẫy 3 chị em lấy củi để lên mặt đắt và gõ thì nó không phát ra âm thanh gì cả...và người em nói: ‘hay là chúng ta trèo lên. Rồi 3 người cùng trèo, mỗi người 3 thanh chum lại và gõ thì tức khắc âm thanh vang lên. Rồi từ đó khi về đêm thì âm thanh càng vang xa vang tới những bản làng khác…Vì âm thanh quá hay nên nhiều người tò mò quá và đến xem thì biết là 3 chị em tạo ra âm thanh đấy. Từ đó nổi tiếng khắp nơi, nhiều chàng trai ở các bản làng khác cũng đều biết về 3 chị em gái đó.. và từ đó đàn có tên là toong.

 

 

 

PTV: Đồng bào và các bạn vừa được nghe Nghệ nhân Kray Sức giới thiệu về  nguồn gốc, ý nghĩa của các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Pako. Trước đây, người Pako chỉ quen sử dụng các nhạc cụ này trong đời sống sinh hoạt và trong các nghi lễ của làng, bản. Điều đó được quy định rõ ràng. Nhưng nay khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng văn minh thì việc sử dụng các nhạc cụ đó có phần tiến bộ hơn. Họ không bó hẹp phạm vi sử dụng mà thay vào đó họ đã biết mở rộng, biết đưa những nhạc cụ truyền thống kết hợp với các làn điệu dân ca và sử dụng trên sân khấu biểu diễn, mang cái truyền thống phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Tuy nhiên để nhạc cụ truyền thống của người Pako có cơ hội phát huy giá trị trong đời sống hiện đại thì tất yếu cần sự hỗ trợ thích hợp để bảo tồn di sản văn hóa truyền thống này đúng nghĩa. Đến đây thời lượng của Tạp chí Dân tộc và Miền núi tuần này cũng xin được kết thúc. Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của đồng bào và các bạn. Thân ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 09/01/2018 15:26 Võ Nguyên Thủy 09/01/2018 16:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà