Dân tộc và Miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi

Phát sóng 16/1/2018

Kính chào đồng bào và các bạn đến với Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PT-TH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục hôm nay, trong phần đầu của chương trình, chúng tôi giới thiệu đến quý vị và các bạn về một nghệ nhân ở miền rừng núi phía Tây Quảng Trị, người đang ngày đêm giữ gìn các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình- già làng Con  Hơm. Phần cuối chương trình là mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả ở xã Pa Nang, huyện Đakrông. Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

Ở bản Tà Rụt 2, xã tà rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có một người đã và đang âm thầm lưu giữ những giá trị văn hóa của người Pako, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Bởi những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc ở từng bản làng, được tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chính nhờ sự gìn giữ, phát huy của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng tộc và của cộng đồng từng làng. Ở Tà Rụt, ông Hồ Văn Phiêng (Con Hơm) là một con người như thế.

 

Chúng tôi đến thăm ông Hồ Văn Phiêng (Con Hơm) khi ông đang mải mê với những đường đan của chiếc gùi. Đan lát là công việc thường ngày của ông, nguồn nguyên liệu sẵn có nên ông có thể đan bất cứ đồ dùng gì cần thiết cho cuộc sống thường nhật. Từ gùi, a chói, a điền, ta vin ông đều đan với những đường đan tinh xảo. Bởi đây là nghề truyền thống của dân tộc mà ông cha để lại và hơn hết nó rất hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ngày nay thế hệ trẻ không mấy hứng thú với công việc này, những sản phẩm ông làm ra thường tặng lại cho mọi người với mong muốn không ai quên đi nguồn cội dân tộc và đem lòng yêu thêm những sản phẩm gắn bó với bản làng. Gác lại những đường đan của mình, ông kể chúng tôi nghe về những câu chuyện của buôn làng, về cuộc sống của người dân nơi đây và về các nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Pako nơi miền núi cao này.

 

 

Ông Hồ Văn Phiêng

Thôn Tà Rụt 2- Tà Rụt- Đakrông- Quảng Trị.

( )

 

 

Cùng với các đường đan tinh xảo, già làng Con Hơm còn có thể tự tay làm ra các vật dụng cần thiết trong cuộc sống như dao, rìu…Sống hòa mình vào thiên nhiên, Con Hơm là người ít ỏi còn lại của núi rừng miền Tây Đakrông biết làm ra các loại dụng cụ truyền thống bởi nghề rèn này. Nhiều người đã theo ông để học làm nghề nhưng đều đã từ bỏ, bởi nghề rèn không chỉ đòi hỏi về kĩ thuật mà còn đòi hỏi người làm có tính chịu khó. Người làm nghề phải thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao của lò, phải kiên trì, nhẫn nại mới có thể làm ra được một sản phẩm hoàn thiện. Trước đây, khi ít có sự giao thương về hàng hóa, tất cả vật dụng của buôn làng đều do 1 tay Con Hơm làm ra. Giờ đây, mẫu mã sản phẩm phong phú hơn, giá cả cũng phải chăng hơn, nên ít người tìm mua sản phẩm của Con Hơm nữa. Con Hơm chỉ làm phục vụ cho gia đình mình và tặng cho những người bà con. Điều mà già làng lo lắng nhất, đó chính là nghề rèn truyền thống của người Pako đang dần bị quên lãng và thế hệ trẻ không ai mặn mà với nghề này nữa.

 

 

Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Pako ở miền Tây Quảng Trị thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân. Với hàng ngàn năm sinh sống trong các thung lũng, trên những lèn núi đá, họ đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình. Con Hơm không chỉ là người đàn hay, hát giỏi, am hiểu về các làn điệu dân ca, mà chính từ đôi bàn tay khéo léo của mình, ông có thể làm nên những cây đàn Tong từ những thân gỗ. Tỉ mẩn từng ly với khúc gỗ vô tri, những cây đàn được tạo ra với mong muốn truyền lại các điệu ta oải, xa nớt cho con cháu mình. Bởi đối với người Pako, dân ca không chỉ là hình thức giải trí mà đã trở thành bản sắc gắn với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc mình. Dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng Trường Sơn.

Đàn Toong, khèn bè, chiêng, trống...tất cả các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc mình đều được ông chơi một cách thành thạo. Và tất cả chúng đều được ông cất giữ ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà sàn của mình.

 

Ông Hồ Văn Phiêng

Thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị.

(…)

Ông Kray Sức- Cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

()

 

Có một thực tế đang diễn ra mà chúng ta phải chấp nhận, đó là nhịp sống hiện đại đã len lỏi vào từng ngôi nhà, từng bản làng xa xôi nhất. Người trẻ Pako bây giờ không còn mấy mặn mà với văn hóa truyền thống. Việc làm thế nào để văn hóa truyền thống tiếp tục phát triển và sống mãi với thời gian là câu chuyện của rất nhiều người. Là một già làng đam mê tâm huyết với bản sắc văn hóa dân tộc, Con Hơm đã thành lập được một nhóm người đam mê với nhạc cụ truyền thống. Chính trong các buổi sinh hoạt hội, nhóm, Con Hơm đã tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ để giữ gìn các làn điệu của dân tộc mình. Nơi đây sẽ là nơi để mà các bạn trẻ có địa điểm để hiểu thêm hơn về văn hóa dân tộc, để bản sắc của người Pako không bị mai một theo thời gian.

 

 

Nhạc cắt

Thưa đồng bào và các bạn, nhận thấy Nghị Quyết 30a của Chính phủ là cơ hội để tạo chuyển biến trong đời sống của người dân ở các huyện miền núi, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo chú trọng tập trung các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đời sống người dân có nhiều thay đổi, đi lên từng ngày. Ghi nhận tại xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

 

Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ, người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khai hoang đất ở sường đồi, tạo ruộng lúa nước, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Phần lớn các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được chuyển giao kỹ thuật sản xuất thông qua các lớp tập huấn và được hỗ trợ tiền mua giống con vật nuôi như trâu, bò, dê, heo…, hỗ trợ là chuồng trại chăn nuôi, giống cây trồng, phân bón và vắc xin phòng bệnh.

Gia đình anh Hồ Văn Lành và chị Hồ Thị Rương là một trong những hộ nghèo của thôn A La, xã Pa Nang, huyện Đakrông. Năm 2015, dự án 30a hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn, gia đình anh chị được nhận một con bò giống sinh sản. Đến nay, bò giống đã sinh sản bò con. Với sự hỗ trợ bò giống sinh sản đã giúp đỡ được rất nhiều những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Anh Hồ Văn Lành

Thôn A La, xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

(…)

 

Nhận thấy hiệu quả từ việc chăn nuôi, gia đình anh chị đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để mua thêm 1 con bò và 2 con dê. Sau 2 năm, gia đình anh chị đã có trong tay 4 con bò và 4 con dê. Có thể thấy, nhận thức của người dân thay đổi đã làm thay đổi đời sống của người dân nơi đây. Có của cải vật chất, gia đình anh chị có điều kiện lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn hơn.

 

Cùng với việc hỗ trợ vật nuôi, các cán bộ được tăng cường về địa bàn miền núi cũng đã có những ý tưởng hay giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cách làm phù hợp để tiết kiệm thời gian và công sức. Với số bò giống sinh sản được hỗ trợ, cán bộ đã hướng dẫn người dân địa phương từ bỏ việc chăn nuôi nhỏ lẻ của từng hộ gia đình bởi các hộ không có chuồng trại đảm bảo thường thả tự do ở dưới nhà sàn rất mất vệ sinh. Nay mô hình nuôi tập trung đang được hình thành và thấy rõ những hiệu quả thiết thực.

 

Anh Hồ Văn Toàn

Thôn A La, xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

( Được dự án hỗ trợ bò giống, 5 hộ gia đình chúng tôi đã cùng nhau xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tập trung. Hàng ngày thì phân chia nhau để chăm sóc bò. Việc nuôi tập trung như này mỗi ngày chỉ cần 1 người để chăm sóc bò, cũng như phòng bệnh cho bò. Trong đàn lại có 1 con bò đực nên dễ dàng hơn cho việc phát triển đàn. Các hộ gia đình đều thấy hiệu quả của việc nuôi tập trung này. )

 

 

Anh Hoàng Huy Gia- Tổ trưởng tổ 30A xã Pa Nang, Đakrông, Quảng Trị.

( Để đảm bảo một môi trường vệ sinh và phát triển tổng đàn, tổ 30A chúng tôi đã lập kế hoạch cho xã để xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung. Chính sách của nhà nước đa số hỗ trợ bò cái, mỗi thôn chỉ có 1 con bò đực nên việc phát triển tổng đàn là cần thiết. Nuôi tập trung cũng góp phần bảo vệ môi trường và chăm sóc dễ dàng hơn và giảm thiểu nhân công lao động ở địa phương. )

Cùng với các chương trình, dự án và chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất của bà con dân tộc thiểu số và người nghèo ở miền núi, trong đó có nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ chương trình này.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 15/01/2018 13:55 Võ Nguyên Thủy 15/01/2018 16:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà