Tạp chí DTMN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi

Phát sóng: 25/1/2018

 

Kính chào đồng bào và các bạn đến với Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PT-TH Quảng Trị. Thưa đồng bào và các bạn, trong phần đầu của chương trình hôm nay, chúng tôi giới thiệu đến quý vị và các bạn những con người đang âm thầm giữ nghè rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Pako ở huyện Hướng Hóa. Phần cuối của chương trình là phóng sự ghi nhận hiệu quả từ nguồn vốn vay 30A ở xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình.

 

PS1:

 

Đồng bào và các bạn thân mến! Đã ngoài 60 tuổi đời và hơn 40 năm gắn bó với nghề, những con người này vẫn đang ngày đêm giữ cho ngọn lửa nghề rèn truyền thống của người Pako cháy mãi. Họ là Kôn Thay và Kôn Sương ở bản A Xói, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

 

Dù ngày nay máy móc, các loại nông cụ hiện đại đã thay thế dần sức người trong sản xuất nông nghiệp nói chung nhưng đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đặc biệt là ở những bản làng xa xôi thì những loại nông cụ truyền thống như cuốc cò, dao rựa, cuốc chét… vẫn chưa thể bị thay thế. Nông cụ thô sơ vẫn là những thứ không thể thiếu đối với bà con khi lên nương rẫy mỗi ngày.

Nhìn đôi tay khéo léo thuần thục với các công việc rèn này của Kôn Thay, không ai nghĩ ông đã ngoài tuổi 60. Hơn 40 năm trước, cha của ông là một thợ rèn nổi tiếng trong vùng, ông rất mong muốn truyền nghề cho các con. Thế nhưng thấy công việc của cha nặng nhọc, người lúc nào cũng lấm lem nên không ai muốn theo nghề này.  Khi nhận thức được sự cần thiết của những sản phẩm cha mình làm ra, Kôn Thay đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ và quyết học cho được nghề rèn. Được cha chỉ bảo tận tình và bản tính siêng năng, tay nghề của Kôn Thay được nâng lên từng ngày. Sau mấy năm chịu khó học hỏi, Kôn Thay rèn được những chiếc cuốc cò, cuốc chét, dao, rựa, liềm đầu tiên… khá bền và đẹp. Niềm đam mê với nghề rèn trong ông cứ thế nhân lên từng ngày khi các sản phẩm làm ra được bà con khen ngợi. Họ truyền tai nhau đến đặt mua sản phẩm của ông nhiều hơn trước. Sau khi người cha qua đời, Kôn Thay kế nghiệp lò rèn làm kế sinh nhai nuôi vợ con.

 

Ông Kôn Thay

Bản A Xói, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

( Trước đây, khi cuộc sống còn lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp, khoa thì hoạt động của nghề rèn thủ công diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa. Đây là công việc nặng nhọc nên thường do đàn ông đảm nhiệm. Ngày xưa, sau thời chiến tranh, nông cụ của bà con ở đây thiếu thốn lắm. Tận dụng các mảnh bom, thậm chí cả quả bom để mình rèn nên các nông cụ phục vụ lao động. Nghề chủ yếu hoạt động thường xuyên trước khi bước vào mùa vụ canh tác mới với nhu cầu sử dụng nông cụ nhiều. Sản phẩm làm ra phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cộng đồng bản địa, một phần để trao đổi với các dân tộc vùng lân cận, trong đó có người Lào ở bên kia biên giới.)

 

Do nhiều nguyên nhân mà nghề rèn của người dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa đang bị mai một dần, đến nay người còn theo nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều bí quyết, kỹ thuật rèn kim khí, kinh nghiệm tích luỹ từ nhiều thế hệ đang dần bị lãng quên, bị thay thế bởi những kỹ thuật mới mà không có sự kế thừa, phát huy giá trị truyền thống.

Cùng đồng hành với Kôn Thay là Kôn Sương, cùng đam mê, chung sở thích, nên hai người bạn già đã hỗ trợ nhau trong làm nghề, từ đó có thể hiểu nhau và làm việc với nhau mỗi ngày.

 

Ông Kôn Sương

Bản A Xói, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

( Tôi làm nghề này cũng lâu rồi, tất cả mọi thứ tôi đều biết làm hết. Tuy nhiên để làm được nghề này, thì người làm phải chịu khó, phải chịu được nhiệt độ của lò và phải có tính kiên trì, nhẫn nại mới có thể làm ra sản phẩm được. Tôi đã dạy cho các con của mình bí quyết làm nghề, tuy nhiên các cháu không chịu khó, nên giờ không ai theo nghề này cả, tôi rất buồn.)

 

Hơn 40 năm tâm huyết với nghề rèn truyền thống của cha ông, Kôn Thay và Kôn Sương không còn nhớ mình đã tự tay rèn, sửa chữa biết bao nhiêu nông cụ cho bà con dân bản. Chỉ biết rằng, trong huyết quản của mình vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê với nghề pha lẫn niềm ưu tư khi nghĩ đến một mai nghề rèn thủ công có nguy cơ thất truyền. Để ngọn lửa của lò rèn có thể duy trì, nhiều năm nay ông sẵn sàng rèn và sửa chữa nông cụ miễn phí cho người dân trong vùng, đặc biệt là người nghèo. Ông nói mình làm vậy là để giúp bà con đỡ vất vả khi phải đi xa để mua sắm và sửa chữa nông cụ.

 

Chị Hồ Thị Nguyệt

Bản A Xói, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

(Trong thôn ai cũng đến nhờ ông sửa các loại nông cụ cho mình. Tôi cũng đã nhiều lần mang đồ đến nhờ ông sửa giúp và đều được sửa chữa miễn phí. Gần đây cũng có 1 lò rèn nhưng người dân chúng tôi quen với câu dao, câu rựa của ông Kôn Thay rồi, với lại ông Kôn Thay rất tốt, ông toàn sửa giúp bà con mà không lấy tiền.)

 

Mỗi ngày, Kôn Thay và Kôn Sương có thể làm ra từ 5 đến 7 sản phẩm mới và sửa khoảng 20 sản phẩm hư hỏng. Sản phẩm làm ra tùy loại, có giá bán từ 20 đến 80 nghìn đồng. Để có thể ra lò những sản phẩm tốt, được người dùng ưa thích, các thợ rèn rất "kén chọn" nguyên liệu. Đó phải là những loại thép, sắt có độ bền cao, khi đưa vào sử dụng không bị giòn và chống gỉ tốt. Vì theo kinh nghiệm truyền thống, khâu chọn sắt, thép rất quan trọng, nếu thanh sắt có độ đàn hồi cao, thì khi tạo thành sản phẩm (dao, liềm, xẻng...) khi sử dụng dễ bị sứt mẻ, gãy. Đối với loại sắt, thép có độ cứng cao, khi tạo thành sản phẩm rất khó mài, đồng thời, độ sắc của lưỡi dao không bén, nên không được ưa dùng. Vì vậy, để biết được loại sắt, thép mình lựa chọn có đủ tiêu chuẩn hay không, người thợ phải quan sát và thử thực tế bằng cách cắt ra một miếng nhỏ cho vào lò nung đỏ rồi đem tôi vào nước, sau đó dùng búa gõ nhẹ xem độ giòn hoặc dẻo của thanh sắt, thép đó để đánh giá chất liệu sắt, thép có đạt tiêu chuẩn không, lúc đó mới quyết định đưa vào sản xuất. Khi đã chọn đúng loại thép tốt thì đến công đoạn rèn, đúc.  Đặc biệt, khâu tôi thép cực kỳ quan trọng, thợ giỏi phải nhìn màu sắc thép để tôi. Tôi xong thì chọn cán dao phải là cây gỗ già thân dẻo, mọc trên núi cao để tránh gẫy hay mối mọt. Công đoạn cuối cùng là mài dao. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng nghề rèn thủ công truyền thống đang dần bị mai một bởi xu thế thị trường và bởi những con người nơi đây không còn mặn mà với nghề truyền thống này nữa.

 

Ông Hồ Ku Đa

Phó Chủ tịch UBND xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

( Hiện nay ở xã còn lại rất ít người biết làm nghề truyền thống này, chỉ có ông Kôn Thay và Kôn Sương là những người vừa am hiểu nghề, vừa tâm huyết với nghề rèn này. Về phía chính quyền địa phương vẫn chưa có chính sách gì để hỗ trợ cả, nhưng chúng tôi mong muốn được hỗ trợ công cụ hiện đại hơn, để có thể giữ nghề truyền thống và phát triển nghề hơn.)

 

Trên những bản làng vùng Lìa, cuộc sống dân bản đang dần đổi thay tích cực. Những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều máy móc, nông cụ hiện đại cũng được bà con mua sắm để phục vụ sản xuất. Trái với hình ảnh đó, nhiều nghề truyền thống đặc trưng một thời như dệt vải, đan lát, cũng như nghề rèn đã dần lui vào dĩ vãng. Những người thợ rèn còn lại như ông Kôn Thay, Kôn Sương vẫn luôn đau đáu nỗi niềm và ao ước một ngày nào đó nghề rèn cùng một số nghề truyền thống độc đáo khác được bảo tồn, hồi sinh...

 

 

 PS2:

Thưa đồng bào và các bạn, được sự hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình 30a của Chính phủ, đời sống của người dân ở các huyện miền núi đã có những chuyển biến tích cực, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ghi nhận tại xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

 

Húc Nghì là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, người dân đã thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Trong đó, chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản là một trong những chính sách thiết thực, đem lại nhiều hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân địa phương. Gia đình anh Hồ Văn Làng ở thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì huyện Đakrông là một trong những hộ nghèo. Năm 2015, dự án 30a hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn, gia đình anh được nhận một con bò giống sinh sản. Đến nay, bò giống đã sinh sản bò con. Với sự hỗ trợ bò giống sinh sản đã giúp đỡ được rất nhiều những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Anh Hồ Văn Làng

Thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

( Khi mới lập gia đình ra ở riêng, điều kiện đất đai thiếu thốn, nên gia đình tôi được xét hỗ trợ 1 con bò giống của chương trình 30a. Sau quá trình chăm sóc bây giờ đã sinh trưởng được 1 con bê, tạo cho gia đình có nguồn vốn để phát triển kinh tế.)

 

Nhận thấy hiệu quả từ việc chăn nuôi, gia đình anh chị đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để mua thêm 1 con bò và trồng 2ha cây trồng để tăng kinh tế gia đình. Cùng với gia đình anh Làng, nhiều hộ nghèo trong thôn đã được nhận hỗ trợ. Nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình đã được sử dụng có mục đích, giúp các hộ gia đình có điều kiện phát triển, mở rộng chăn nuôi. Từ số con giống ban đầu, các hộ gia đình đều phát triển đàn hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, từ đó có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

 

Chị Hồ Thị Tà Hơn

Tổ trưởng tổ 30A xã Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị

( Trước kia ở địa bàn xã có nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều hộ gia đình đã được xét hỗ trợ bò giống trong đó có gia đình anh Làng. Năm 2017 người ta giao giống bò sinh sản cho 20 hộ trên toàn xã, hiện tại bò đều đã cho ra lứa mới và phát triển tốt. Những hộ gia đình được hỗ trợ đều cố gắng làm ăn, mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.)

Cùng với các chương trình, dự án và chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất của bà con dân tộc thiểu số và người nghèo ở miền núi, trong đó có nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ chương trình này.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 23/01/2018 09:15 Võ Nguyên Thủy 23/01/2018 13:35
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà