Đất và Người Quảng Trị - Bài Thôn Phú An - Điểm sáng văn hóa vùng cao
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Phát thanh Đất và Người Quảng Trị

Phát sóng: 23/2/18

Như Hòa và Như Quỳnh rất vui khi được gặp lại quý vị thính giả trong 15p phát thanh chuyên mục Đất và Người Quảng Trị. Thưa quý vị thính giả, mở đầu trong chuyên mục phát thanh ngày hôm nay, mời quý vị thính giả đến với thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện ĐaKrông qua bài viết “Thôn Phú An  - điểm sáng văn hóa vùng cao” của PV Mỹ Nhị. Tiếp đó là cuộc trò chuyện của phóng viên Mỹ Nhị với ông Từ Quang Hóa về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông Trần Trọng Tân – người con của quê hương Quảng Trị. Cuối cùng là bài viết “Họa sĩ Trương Đình Dung: Đam mê vẽ với họa pháp tự do” của tác giả Nguyễn Bội Nhiên. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt:

Bài 1: Mở đầu mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết ““Thôn Phú An  - điểm sáng văn hóa vùng cao” của PV Mỹ Nhị”.

Bên bếp lửa nhà sàn, bao năm qua, người dân thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông vẫn truyền tai nhau câu chuyện về những khó khăn buổi đầu chọn đất, lập làng, chống giặc ngoại xâm và đặc biệt là trở về quê hương, đoàn kết đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Giờ đây, bà con đang dồn sức giúp bản làng ngày càng thay da, đổi thịt.

Dẫu đã bước qua tuổi 90 nhưng già làng Hồ Văn Kê vẫn giữ nét tráng kiện, tinh anh. Ông thường bảo rằng, nhờ thấy bản làng ngày càng no ấm, hạnh phúc nên mình mới sống vui, sống khoẻ. Theo lời kể của ông Kê, trước kia, tổ tiên người dân thôn Phú An sống dưới những cánh rừng già. Cuộc sống du canh, du cư không thể giúp bà con thoát khỏi sự đeo bám của đói nghèo, lạc hậu. Sau nhiều cuộc họp, dân bản thống nhất chọn mảnh đất Phú An để định cư lâu dài. Từ đó, dẫu cuộc sống còn vất vả nhưng bà con vẫn quyết tâm bám đất, bám làng. Đang yên ấm, khói lửa chiến tranh tràn đến khiến người dân thôn Phú An lâm vào cảnh loạn lạc. Sau ngày hoà bình, những người con mang họ Hồ tìm về quê cũ, quyết tâm chung xây cuộc sống mới.

Đến giờ, ông Hồ Văn Kê vẫn nhớ như in ký ức về những tháng ngày khó khăn sau khi trở lại quê cũ. Thời điểm ấy, hầu hết các hộ dân trong thôn chỉ có bàn tay trắng. Mảnh đất vốn màu mỡ, trù phú giờ chi chít hố bom và ẩn họa chiến tranh để lại. Người dân thôn Phú An làm ngày, làm đêm nhưng vẫn phải chạy gạo từng bữa. Đối diện cảnh khó, một số bà con đâm ra chán nản, không muốn lao động, sản xuất mà chỉ cậy nhờ vào… ông trời. Trong cộng đồng, những mặt trái bắt đầu xuất hiện như: rượu chè, mất đoàn kết, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình…

Bà Hồ Thị Bước – một người dân trong thôn chi sẻ: đọc dịch: Trước đây, gia đình tôi sinh 5 người con, cuộc sống khó khăn, không có việc làm ổn định. Giờ đây, được những người có uy tín, Ban Công tác mặt trận thôn vận động, tuyên truyền nên gia đình tôi đã biết đến làm ăn kinh tế, thu nhập từ việc trồng trọt cũng như chăn nuôi khấm khá hơn.

Ông Hồ Văn Kê vẫn nhớ, vào một ngày nắng vàng óng ả, đồng chí Trưởng và Phó Ban công tác Mặt trận thôn gõ cửa nhà vận động mình góp sức giúp người dân xây dựng đời sống mới. Ngay sau đó, ông Kê cùng hai cán bộ Mặt trận thôn đến nhà trưởng bản và những người có uy tín khác. Họ thống nhất quan điểm, trước khi xây dựng đời sống văn hoá, dân bản phải no ấm trước. Trên cơ sở ấy, những ngày tiếp theo, ngoài buổi họp thôn, thành viên trong Ban công tác Mặt trận thôn Phú An cùng già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn tìm mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động dân bản tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật; trao đổi kinh nghiệm sản xuất; xây dựng mô hình kinh tế mới; mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng trọt, chăn nuôi… Nhờ thế, nhiều hộ dân trong thôn đã vươn lên thoát nghèo. Một số hộ còn tình nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo vì không muốn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đi qua những ngày khó khăn, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân thôn Phú An ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết đời sống văn hoá ở khu dân cư” trở thành làn gió mới đối với bản làng. Từ đây, các hộ dân trong thôn tình nguyện ký cam kết bài trừ các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường… Điều đáng ghi nhận là dẫu cuộc sống có nhiều đổi mới, bà con vẫn giữ gìn những nét phong tục, tập quán độc đáo, tốt đẹp trong việc tổ chức lễ cưới hỏi, tang gia; phát triển nghề truyền thống của ông cha; tổ chức những hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao đậm đà bản sắc văn hoá… Những năm gần đây, thiết thực hưởng ứng Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Phú An đã chung tay bằng nhiều việc làm cụ thể như: Hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; đóng góp tiền, ngày công; nỗ lực xoá nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn…

Ông Hồ Văn Kê – già làng thôn Phú An chia sẻ: đọc dịch:“Hiện nay, toàn thôn Phú An có 194 hộ với 730 nhân khẩu. Việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng đời sống văn hoá ngày càng thuận lợi. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy dân bản luôn quyết tâm, hăng hái thi đua xây dựng gia đình văn hoá. Ai cũng đồng lòng, đồng sức trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết đời sống văn hoá ở khu dân cư” để quê hương mình trở thành lá cờ đầu của huyện, tỉnh”.

So với những ngày đầu gian khó, cuộc sống của người dân thôn Phú An đã có bước tiến dài. Thành quả ấy ra đời từ tinh thần đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực cao của mỗi một người dân trong xây dựng quê hương. Ông Hồ Văn Bền, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đakrông cho biết: “Với nhiều cách làm hay, Ban công tác Mặt trận thôn Phú An đã giúp người dân đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Từ đây, Phú An trở thành một trong những thôn đầu tiên của huyện Đakrông sớm được công nhận là làng văn hoá xuất sắc cấp tỉnh. Sắp tới, Phú An sẽ là đơn vị điểm tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân”.

Nhạc cắt

Bài 2: Phần tiếp theo, mời quý vị thính giả cùng nghe cuộc trò chuyện của PV Mỹ Nhị với ông Từ Quang Hóa về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông Trần Trọng Tân, một người con của quê hương Quảng Trị.

Băng

Nhạc cắt

Bài 3: Phần cuối, mời quý vị thính giả nghe bài “Họa sĩ Trương Đình Dung: Đam mê vẽ với họa pháp tự do” của tác giả Nguyễn Bội Nhiên.

Khi Dung bước vào với câu nói “Thấy người quen ngồi một mình nên không thể làm ngơ mà chạy thẳng được, phải ghé vô trò chuyện một chút”, tôi cảm thấy khung trời ảm đạm của tiết Đông chí đã tan mây trong sự liên tưởng tới câu thơ “Người thợ ảnh của loài người cùng khổ/ Không nỡ chụp con người trong những dáng cô đơn” của nhà thơ Chế Lan Viên. Không uống cà phê, không chém gió hoặc lướt facebook nên lời nói của Dung đọng lại giữa sự ghi nhớ của tôi, từ lúc này: “Nhiều người cứ nói là không thể làm gì được, không thể sống được ở Đông Hà mà phải đến những nơi trung tâm, những thành phố lớn mới làm nên chuyện nhưng mình thấy ở Đông Hà rất ổn. Mình vẫn dạy vẽ và vẽ tranh được, nhiều quán cà phê ở Đông Hà vẫn treo tranh của mình đó thôi”.

 

 Rồi Dung rời đi trên những bước chân rất vội. Trên tường, những bức tranh có nét cọ ký tên tác giả ở góc bên phải tr.dung hoặc DUNG thì thầm với tôi rằng: Đó là người mang chúng tôi đến cuộc sống mến thương này, họa sĩ Trương Đình Dung!

Trong không gian sáng tác của Trương Đình Dung có nhiều bức tranh đang vẽ, là mấy bức sơn dầu đang mang lại trên những cánh hoa đồng nội hay nhành thạch thảo đời sống mỹ thuật, một bức tĩnh vật sơn mài tươi tắn, bức thủy mặc vẽ những ngôi nhà trầm lắng ở triền đồi, một bức tranh lụa mịn màng sắc hoa đào, bức tranh phong cảnh êm đềm của làng quê… Hôm qua và hôm nay, họa sĩ qua bờ Bắc của dòng Hiếu giang, ngó nghiêng tìm kiếm những rung động thầm thì trên cỏ, trên cát, trên mặt sông. Và vẽ như để trải nghiệm nên tranh không nặng về đề tài hay tư tưởng, tác phẩm hội họa của Trương Đình Dung là để lưu giữ lại những khoảnh khắc bình dị nhất của những góc quê, khóm hoa, ngõ phố và đôi khi là những tình cảm mà họa sĩ bắt gặp trong cuộc sống. Đó là lý do vì sao rất dễ gặp trong tranh của Dung một vài mái nhà, cổng làng, cổng chùa, hàng rào, bờ tường, xóm ngõ, hoa dại hiện diện toàn thể ở tranh này, bị che khuất một phần bởi các lùm cây ở tranh kia. Các lùm cây thì cô đặc thành khối xanh lục thẫm, tường nhà thì trắng bệch hoặc nhợt nhạt như chính họa sĩ muốn phi lý hóa thực tế hoặc vờ như tàn nhẫn với cảnh vật, do đấy, dường như các bức họa ấy có những bi kịch của tự nhiên. Thể hiện những khách thể thẩm mỹ đó là những đường nét và màu sắc tối giản, không gian cũng được tối giản nhưng cái độc đáo của mỗi bức tranh là ẩn đằng sau sự tối giản là một ngôn ngữ hội họa thể hiện sự trải nghiệm, tìm tòi khá phong phú của họa sĩ. Với ngôn ngữ đó, dù đến bây giờ chưa nhiều người biết đến nhưng khi có dịp thưởng lãm thì người xem biết ngay tác phẩm nào là tranh của Trương Đình Dung bởi ở tranh hiện hữu cái riêng nhờ sự tối giản về đường nét, màu sắc, không gian.

 

Ở tuổi 42, họa sĩ Trương Đình Dung đã tạo được sự đa dạng trong phong cách, bút pháp của tranh sơn dầu, sơn mài và thủy mặc cho thấy đam mê hội họa và tính cách phóng khoáng, sự tìm tòi và khám phá đề tài mới lạ về thiên nhiên, con người, cuộc sống của một người đã tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên khoa Sơn mài và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Thủy mặc tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc. Nên giờ đây, tranh của Trương Đình Dung vẫn cho thấy sự tìm tòi và khám phá đề tài, sự đa dạng về phong cách và bút pháp thể hiện, sự trăn trở và đam mê bất tận với hội họa của một họa sĩ phóng khoáng luôn thể hiện cảm hứng lãng mạn phương Đông trên mỗi tác phẩm mang họa pháp đặc biệt tự do…

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 21/02/2018 16:09 Võ Nguyên Thủy 04/03/2018 10:30
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà