Tạp chí DTMN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi

Phát sóng: 8/3/2018.

 

Kính chào đồng bào và các bạn đang đến với Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn, trong chương trình hôm nay, mở đầu là ghi nhận về việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu ở các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa. Phần cuối chương trình, chúng tôi giới thiệu đến quý vị và các bạn mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở bản A Cha, xã A Xing, huyện Hướng Hóa. Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình.

 

PS1: A Xing chuyển đổi diện tích đất trồng.

 

Đồng bào và các bạn thân mến! Để từng bước chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả tại các xã Thuận, Thanh, Xy, A Dơi, A Túc, A Xing, Ba Tầng, Hướng Lộc… sang trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp khác như gừng, nghệ, ngô, cao su…huyện Hướng Hóa đã thông qua Nghị quyết số 09/2017/NQ - HĐND, ngày 25/7/2017 với đề án “Hỗ trợ chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác giai đoạn năm 2017 - 2020 đối với các xã vùng Lìa…”. Ghi nhận tại xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

  

Vào những ngày này, người dân xã A Xing, huyện Hướng Hóa đang tiến hành làm đất để chuẩn bị trồng cây nghệ. Đối với nhiều người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thì cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cho gia đình. Thế nhưng trồng sắn lâu năm khiến đất đai bạc màu, giờ đây qua mỗi mùa sắn, người dân cũng không thu nhập được là bao. Gia đình chị Hồ Thị Diệp là một trong những hộ nghèo của bản Tăng Quan, xã A Xing. Khi được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ giống cây nghệ để trồng, chị đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả của gia đình mình sang trồng cây nghệ.

 

Chị Hồ Thị Diệp

Tăng Quan, A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

(Đây là diện tích hơn 2ha trồng sắn của gia đình tôi. Đất này trồng sắn lâu năm rồi, nay cũng đã bạc màu, hiệu quả không cao nữa. Gia đình tôi thì lâu nay kinh tế chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào cây sắn, giờ hiệu quả không cao nên được hỗ trợ chuyển đổi. Tôi luôn nghe theo đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là mình là hộ nghèo, được hỗ trợ về giống nên sẵn sàng chuyển đổi, mong muốn có hiệu quả cao hơn..)

 

Với diện tích hơn 4ha trồng sắn nhiều năm, gia đình chị Hồ Thị Hiền cũng đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng nghệ. Qua các buổi tuyên truyền và hướng dẫn kĩ thuật trồng, người dân đã hiểu được sự cần thiết của việc chuyển đổi cây trồng.

 

Chị Hồ Thị Hiền

Tăng Quan 2, A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Trước kia nhà tôi chỉ trồng sắn thôi, giờ đất không còn tốt nữa rồi, cán bộ khuyên nên chuyển đổi cây trồng, họ phân tích cây nghệ là phù hợp với đất này, nên tôi nghe theo. Chúng tôi đã được tập huấn kĩ thuật trồng và chăm sóc rồi nên cũng yên tâm.)

 

Trong năm 2017, tổng diện tích trồng sắn của xã A Xing là 500 ha, sản lượng đạt trên 4.000 tấn.  Dù diện tích trồng sắn trên địa bàn lớn, có xu hướng tăng nhanh nhưng do người dân chưa chú trọng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nên chất lượng, năng suất giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân…Trước thực tế đó, việc chuyển đổi một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây hoa màu khác là hoàn toàn phù hợp và được người dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã tiến hành làm đất, chờ giống mọc mầm là sẽ tiến hành trồng. Gia đình ông Hồ Văn Mục đã cày xong diện tích hơn 2ha để chuẩn bị trồng cây nghệ. Giống nghệ đã được hỗ trợ cách đây 1 tuần nhưng vì giống chưa ra mầm nên gia đình ông chưa tiến hành trồng được.

 

Ông Hồ Văn Mục

Thôn A Cha, xã A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

(Trước kia chúng tôi trồng cây xoan, sau đó thu hoạch cũng chả được bao nhiêu nên chúng tôi làm lại đất trồng cây nghệ... giống thì được họ hỗ trợ. Trước kia chưa từng trồng cây này nên cũng không biết làm đất thế nào. Đất khô lắm cày cấy rất khó nên chúng tôi phải đưa nước vào rồi cày cấy lại sau tiến hành trồng nghệ. Đã được tập huấn kĩ thuật rồi nên cũng yên tâm lắm.)

 

Đời sống của người dân A Xing chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, chính quyền xã đã có những phương án đúng đắn để duy trì và phát triển cây sắn bền vững. Xã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi dần diện tích đất trồng sắn đã bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây cao su, cây gừng, cây nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Với diện tích trồng sắn nguyên liệu, khuyến khích người dân tập trung ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây sắn bền vững; trồng các loại giống sắn cho năng suất cao; chú trọng công tác bảo vệ thực vật…để hạn chế đất bạc màu, thoái hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây sắn.

 

 Ông Hồ Văn Thú

Cán bộ địa chính- nông nghiệp xã A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

( Người dân xã A Xing chủ yếu phát triển cây sắn, nhưng lâu năm bạc màu, dẫn đến hiệu quả đem lại quá thấp. Chính vì vậy, chính quyền xã cũng đã có những định hướng phù hợp cho bà con. Đối với diện tích trồng sắn nguyên liệu cần tập trung nâng cao năng suất. Các nơi đất xấu chuyển qua trồng nghệ, lạc, ngô… Lấy ngắn nuôi dài, trồng xen các cây ngắn ngày này vào diện tích trồng bời lời để nâng cao năng suất…)

  

Từ năm 2018 - 2020, huyện Hướng Hóa sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua giống cây ngô; 40% kinh phí mua giống cây cao su, gừng, nghệ và phần kinh phí còn lại người dân tự đối ứng. Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác giai đoạn năm 2017 - 2020 đối với các xã vùng Lìa…” được HĐND huyện Hướng Hóa thông qua khi triển khai thành công sẽ góp phần chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp khác như cây gừng, nghệ, ngô, cao su…mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi cũng sẽ đảm bảo ổn định diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa và hạn chế những rủi ro cho người dân khi độc canh một loại cây trồng. Người dân tham gia đề án sẽ có thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án gần 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ dự kiến trên 3,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 4,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí dự kiến từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; kinh phí sự nghiệp hàng năm của huyện; nhân dân tự đóng góp và từ nguồn các chương trình, dự án khác. Từ nguồn kinh phí trên, trong năm 2017 người dân tham gia đề án sẽ được hỗ trợ 100 % kinh phí mua giống cây ngô; 60% kinh phí mua giống cây cao su, gừng, nghệ.

 

PS2: Hiệu quả từ một mô hình

 

Đồng bào và các bạn thân mến! Với vai trò là Đảng viên, rất nhiều người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa đã phát huy những phẩm chất đáng có để xây dựng và phát triển quê hương. Họ không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức mà hơn thế họ đã biết vượt qua khó khăn, từng bước làm ăn phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho nhiều người học tập. Nhiều mô hình kinh tế được gây dựng từ bàn tay của những Đảng viên ở đây đã phát huy hiệu quả và trở thành đầu tàu gương mẫu cho toàn dân bản noi theo. Trong phần cuối của Tạp chí Dân tộc và Miền núi tuần này, chúng tôi giới thiệu đến quý vị và các bạn chân dung một người như thế.

 

Địa hình đồi núi, đường sá đi lại hiểm trở khó khăn, nhưng khó ai biết được tại nơi này Ăm Moan đã xây dựng được một mô hình kinh tế phát triển, được nhiều người đến học hỏi qua nhiều năm nay. Đã từng giữ nhiều chức vụ khác nhau ở địa phương, biết được hoàn cảnh khó khăn của người dân đồng bào nơi đây, ông đã quyết làm cho bằng được để có cơ sở bà con còn làm theo. Những năm trước, toàn bộ diện tích đất này toàn là cây tre. Để xây dựng được mô hình cho riêng mình, ông đã quyết phá bỏ để đào ao nuôi cá, trồng lúa nước để có nguồn lương thực, cải thiện cuộc sống gia đình. Mạnh dạn phát triển kinh tế, ông vay 40 triệu đồng mua thêm giống cây và trồng hơn 4ha cây bời lời. Phương châm của Ăm Moan là lấy ngắn nuôi dài để cải thiện cuộc sống.

 

     Ông Ăm Moan

Bản A Cha, xã A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

( Điều kiện sống của bà con nơi đây khó khăn lắm, mình phải làm gương trước thì bà con mới biết mà làm theo. Tôi quyết định trồng lúa nước, đào ao thả cá nơi đây cũng là vì vậy. Thấy hiệu quả rồi, bà con mới làm theo.)

     Có được nguồn thu nhập ổn định, gia đình Ăm Moan mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị. Với bản tính thật thà, trung thực, một lòng vì dân bản, Đảng viên Ăm Moan đã không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cách làm ăn của mình cho bà con học hỏi, và thực tế đã có nhiều hộ làm theo, đạt hiệu quả kinh tế cao. Với bà con dân bản ở đây, Ăm Moan không chỉ là một người làm kinh tế giỏi mà còn là người có uy tín nhất ở thôn bản.

 

     Anh Hồ Văn Thú

Cán bộ xã A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

( Trước đây người dân chưa biết nên chưa ai làm cả, khi có ông Ăm Moan làm trước, làm gương cho bà con nên bà con. Thực tế là nhiều người thấy đã trồng được lúa nước, nuôi cá mang lại thu nhập cao cho gia đình. Nhiều người trong số họ còn vươn lên thoát nghèo. )

 

      Đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, đời sống được cải thiện và nâng lên đáng kể là thàng công không nhỏ ở một mô hình lớn trong làm kinh tế của gia đình Ăm Moan. Điều đó đã góp phần vào sự phát triển chung của xã. Ông  được xem là tấm gương sáng ở vùng cao chịu khó, cần cù, phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi.  

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 06/03/2018 08:16 Võ Nguyên Thủy 07/03/2018 16:14
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà