Khoa học và đời sống: ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến cây ngưu tất
Danh mục
Khoa học và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục khoa học và đời sống:

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Trong thời gian qua, Sở khoa học và công nghệ đã hỗ trợ huyện Cam Lộ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các loại cây dược liệu như chè vằng, nấm linh chi, cây ba kích, diệp hạ châu...

MC2: Trong năm 2018, Sở khoa học và công nghệ cũng đã tiếp tục có những hỗ trợ cho huyện Cam Lộ để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển các loại cây trạch tả, ngưu tất. Đây là những loại cây dược liệu quý để  chế biến những bài thuốc trong chữa bệnh.

MC1: Vậy việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng và ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến hai loại cây trạch tả và ngưu tất như thế nào? Những nội dung trên, chúng tôi xin được đề cập ở chuyên mục tuần này. Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe.

Nhạc cắt

MC1: Ở vùng gò đồi của tỉnh Quảng Trị, người dân ít có ruộng để sản xuất, chủ yếu sống nhờ vào vườn cây công nghiệp và rau màu. Những năm qua, tình trạng xuống giá của sản phẩm một số cây công nghiệp ở vùng gò đồi như cây cao su đã phần nào làm cho cuộc sống của người dân gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, một số hộ dân đã chuyển đổi sang trồng một số loài cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó mô hình trồng cây dược liệu đang được người dân quan tâm thực hiện là một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp vùng gò đồi.

MC2: Cây dược liệu sinh trưởng và phát triển nhiều ở vùng gò đồi. Từ trước tới nay, người dân khai thác từ cây tự nhiên để chế biến các thức uống có lợi cho sức khỏe, cung cấp cho thị trường với sức tiêu thụ khá nhiều như cây vằng, cà gai leo, nghệ, diệp hạ châu... mang lại thu nhập khá cho người nông dân.

MC1: Một số nơi hình thành được làng nghề chế biến dược liệu diển hình như làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề nấu cao dược liệu, cơ sở sản xuất trà dược liệu ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà... Tuy nhiên, việc khai thác nguyên liệu để chế biến dược liệu từ cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên có hạn và đến lúc sẽ bị cạn kiệt.

MC2: Vì vậy, một số địa phương ở vùng gò đồi đã xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu nhằm cung cấp nguyên liệu bào chế thuốc đông y và cho các làng chế biến thức uống có lợi cho sức khỏe bước đầu mang lại hiệu quả khá, tạo được nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân, đồng thời mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với thế mạnh của từng vùng. Trong đó, có huyện Cam Lộ-một địa phương đi đầu trong trồng và chế biến các loại cây dược liệu.

MC1: Chúng tôi theo chân đoàn công tác của Sở khoa học và công nghệ đi kiểm tra thực địa việc ứng dụng khoa học và công nghệ chế biến các loại cây như trạch tả, ngưu tất ở trên địa bàn huyện Cam Lộ.

MC2: Tại địa bàn các thôn Nhật Lệ, Cam Vũ của Cam Thủy, những loại cây trên đang được ươm trồng và lên khá cao. Đây là 2 loại cây trồng được trồng thử nghiệm đầu tiên tại địa bàn Cam Lộ. Theo những người dân thì việc trồng những loại cây trên phải mất quy trình khá lâu so với những loại như chè vằng, chính vì vậy việc chăm sóc cũng rất là công phu.

MC2: Cây trạch tả hay còn gọi là mã đề nước, được trồng lấy thân rễ làm thuốc. Theo Đông y, trạch tả có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, trừ thấp, kiện vị, giảm béo và thanh nhiệt. Cũng có tác dụng bổ, kích thích, nhuận tràng, lợi sữa, long đờm, chống nôn.

MC1: Tại địa bàn thôn Nhật Lệ của xã Cam Thủy đã trồng được 1 ha trạch tả. Loại cây này được trồng dưới nước, thời gian trồng từ tháng 10 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau là thu hoạch. Hiện nay, những cây trạch tả đang phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch củ. Ông Nguyễn Hiền-trưởng thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ nói:

Băng (Loại cây mới đưa vô trồng nên người dân rất hưởng ứng, đặc biệt với sự chăm sóc chu đáo nên cây phát triển nhanh hy vọng kết quả sẽ tốt)

MC2: Mặc dù đang thời gian trồng thử nghiệm, nhưng qua thực tế và qua đánh giá của Sở khoa học và công nghệ thì cây trạch tả đang phát triển tốt. Đây cũng là một thuận lợi để người dân được tiếp cận với một loại cây trồng mới.

Nhạc cắt

MC2: Thưa quý vị và các bạn! Bên cạnh cây trạch tả, thì tại địa bàn thôn Cam Vũ, người dân ở đây cũng đã trồng được 1 ha cây ngưu tất. Cây ngưu tất còn có tên gọi khác là hoài ngưu tất, nhiều nơi còn gọi là cây cỏ xước rễ lớn.

MC1: Cây ngưu tất và cây cỏ xước có cùng họ, hình dáng khá giống nhau nên nhiều người vẫn tưởng 2 cây này là 1. Thực tế rễ ngưu tất có kích thước lớn hơn rễ cỏ xước. Cỏ có thân mảnh, hơi vuông, thường chỉ cao 1m, cũng có khi tới 2m. Lá mọc đối có cuống, dài 5 – 12cm, rộng 2 – 4cm, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Cụm hoa mọc thành bông ổ đầu cành hoặc kẽ lá. Tính vị theo đông y: Vị chua, đắng, bình, không độc, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt.

MC2: Thời gian trồng cây ngưu tất cũng khoảng từ tháng 9, tháng 10 năm trước và đến cuối tháng tư năm sau thu hoạch. Hiện tại cây ngưu tất cũng đang sinh trưởng tốt và chuẩn bị để thu hoạch vào cuối tháng 4.

MC1: Gia đình Bà Trần Thị Lài-thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ sau khi được huyện và Sở khoa học và công nghệ tỉnh hỗ trợ, bà đã trồng thử nghiệm được 1ha. Cũng theo quy trình của Sở khoa học và công nghệ đã triển khai, bà đã triển khai trồng, che bạt một cách cẩn thận. Tưới cây, bón phân đã được bà thực hiện một cách chặt chẽ. Theo bà Lài thì trong thời gian trước bà Lài đã trồng 3 ha chè vằng. Cứ 2 cây bà thu hoạch được 1 kg chè vằng và đưa bán với mức giá 10.000 đồng. Bây giờ, ngoài chè vằng bà trồng thêm cây ngưu tất, hy vọng khi đến mùa thu hoạch thì sẽ mang lại năng suất cao. Bà Trần Thị Lài cho biết:

Băng ( Được sự hỗ trợ của Sở khoa học và công nghệ và huyện Cam Lộ, chúng tôi bắt tay vào trồng cây ngưu tất, bản thân cũng đã tuân thủ theo quy trình của Sở khoa học và công nghệ đưa ra nhờ vậy đến thời gian này là cây đang phát triển tốt)

MC1: Ngưu tất, Trạch tả đều là những loại cây có tác dụng lớn trong phòng và chữa bệnh. Chính vì vậy việc nghiên cứu để ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến những loại dược liệu này rất quan trọng.

MC2: Đề tài “ ứng dụng khoa học và công nghệ vào chế biến các loại cây dược liệu” đã được huyện Cam Lộ triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, huyện chỉ ứng dụng một số loại như chè vằng, cà dây leo...Năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ vào để chế biến các loại cây trạch tả và ngưu tất. Bởi đây là những loại cây thuốc quý và đây là cơ sở quan trọng hỗ trợ sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân, đồng thời cho thấy, phát triển dược liệu là một hướng bền vững, ổn định nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ngay tại địa phương. Chính vì vậy, người dân ở huyện Cam Lộ khi tham gia trồng những loại cây này đều rất mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về mặt khoa học và kỹ thuật, để họ có thể ứng dụng vào trồng một cách có hiệu quả. Bà Trần Thị Lài-thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết thêm:

Băng (Là loại cây mới nên chúng tôi cũng rất mong muốn tiếp tục có những hỗ trợ để trồng những loại cây mới này vào thực tế)

MC1: Hiện nay số lượng cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít trong đó có nhiều loại cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Ứng dụng kỹ thuật cao trong nuôi trồng dược liệu còn yếu, đặc biệt khâu giống.

MC2: Các quy định đặc thù về giống cây dược liệu, chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, vốn, giống, công nghệ trong nuôi trồng dược liệu… cũng như chính sách về nuôi trồng, khai thác dược liệu chưa được triển khai kịp thời, cụ thể trong việc phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.

MC1: Trước thực tế đó, huyện Cam Lộ đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến dược liệu. Trong đó việc hỗ trợ để cho người dân tham gia trồng cây dược liệu, chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân là một hướng đi thực tế. Và đến nay, Cam Lộ đã thực hiện thành công với lĩnh vực chế biến dược liệu theo hướng đi này.

MC2:  Từ những mô hình dược liệu này hiện nay trên địa bàn huyện Cam Lộ tạo được nhiều việc làm cho nông dân với nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống. Đặc biệt huyện cũng đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Hiện nay toàn huyện có 24ha cây dược liệu, lãnh đạo huyện đang tiếp tục tìm đầu ra cho sản phẩm để nông dân yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Ban đầu, cây dược liệu chủ yếu là vằng, diệp hà châu trồng theo kiểu phó mặc cho đất trời. Sau này, huyện Cam Lộ cử cán bộ đi học tập về phổ biến công nghệ tưới tiết kiệm và hỗ trợ vốn cho nhân dân áp dụng, mở rộng quy mô.

MC2: Đặc biệt trong thời gian gần đây, Cam Lộ đưa vào ứng dụng và trồng thêm những loại cây dược liệu mới như trạch tả, ngưu tất. Sau khi cho người dân thu hoạch củ của hai loại cây này, huyện sẽ tổ chức thu mua để đưa đi tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục có kế hoạch để mở rộng diện tích trồng cho người dân.

MC1: Và xung quanh những vấn đề này, PV chuyên mục đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoài Linh-trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Cam Lộ. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

PV: Xin chào ông, thưa ông thời gian qua huyện Cam Lộ đã triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào để trồng và chế biến cây trạch tả và ngưu tất vào trồng ở trên địa bàn huyện như thế nào?

TL

PV: Vậy, sau một quá trình trồng thì ông có những nhận xét gì?

TL

PV: Thưa ông, để có thị trường tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục tạo đầu ra cho sản phẩm và giúp cho người dân tiếp tục trồng thì về phía huyện có sự định hướng như thế nào?

TL

Vâng, xin cám ơn ông.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Đối với địa bàn huyện Cam Lộ trồng dược liệu trong vài năm trở đã phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này đã được thực tế chứng minh. Chính vì vậy, hiện tại huyện cũng đang thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả, huyện sẽ tập trung chuyển đổi một số vùng canh tác kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây dược liệu. Trong quy hoạch, huyện cũng xây dựng vùng trồng cây dược liệu để phục vụ chế biến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng với nhu cầu ngày càng tăng.

MC2: Những hiệu quả từ cây dược liệu mang lại cũng đã khẳng định được việc phát triển cây dược liệu là một hướng đi đúng đối với địa bàn huyện Cam Lộ, nên Sở khoa học và công nghệ tỉnh cũng đã tiếp tục chú trọng đến việc phát triển cây dược liệu theo quy hoạch phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng là hướng đi phù hợp. Đặc biệt Sở cũng đã giúp đỡ cho huyện Cam Lộ tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến dược liệu nhằm đưa Cam Lộ trở thành một vùng chuyên canh để phát triển và chế biến dược liệu của tỉnh Quảng Trị.

MC1: Việc phát triển trồng cây dược liệu đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân. Đây là cây trồng mới vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo bước đột phá để chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, có sự liên kết nhằm hình thành nên những sản phẩm nông sản đặc trưng.

MC1: Với cách làm này cũng sẽ cho người giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Chào cuối: 15 phút của chuyên mục khoa học và đời sống tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp, Như Hòa.......và KTV thu âm Vĩnh Lộc, xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình tuần sau.

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 19/03/2018 09:36 Lê Vĩnh Nhiên 19/03/2018 14:51
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà