Tạp chí DTMN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi

Phát sóng: 22/3/2018

 

 

Kính chào đồng bào và các bạn đang đến với Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PT-TH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi gửi đến quý vị và các bạn phóng sự ghi nhận về hiệu quả của mô hình trường học bán trú ở Hướng Hóa. Phần cuối chương trình là phóng sự giới thiệu gương sáng thanh niên ở thôn Hổ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình.

 

PS1:

 

Đồng bào và các bạn thân mến! từ năm học 2014-2015, một số trường tiểu học và trung học cơ sở được chuyển đổi thành Trường phổ thông dân tộc bán trú để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành GD&ĐT các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị trong việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Ghi nhận của phóng viên chuyên mục tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

 

Đóng trên địa bàn các xã vùng cao Hướng Hóa, học sinh phần đông là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại xa xôi nên những năm học trước, các trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sĩ số học sinh, nhất là học sinh ở các thôn xa trung tâm xã.  Năm học 2014-2015, Trường THCS Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa được chuyển đổi sang mô hình trường học bán trú với tên gọi Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH & THCS Hướng Sơn. Đây được xem là “làn gió mới” giúp hội đồng sư phạm nhà trường thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tạo điều kiện để học sinh vùng cao đến trường, rút ngắn khoảng cách và điều kiện học tập giữa các vùng miền trong tỉnh.

Năm học này, tại Trường PTDT bán trú Hướng Sơn có 226 học sinh, trong đó có 64 học sinh được tổ chức ăn ở bán trú tại trường, trong đó 100% học sinh bậc THCS được tổ chức bán trú.

Việc chuyển lên thành trường PTDT bán trú rất thuận lợi đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, cả về điều kiện phục vụ dạy học, lẫn công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Do cơ sở vật chất thiếu thốn nên để bảo đảm chỗ ăn ở cho 64 em học sinh, nhà trường đã sửa nhà công vụ của giáo viên thành khu nhà bán trú cho học sinh với 2 dãy nhà giành riêng cho học sinh nam và học sinh nữ.

 

Em Hồ Thị Môn- học sinh lớp 8, trường PTDT bán trú TH &THCS Hướng Sơn.

(Từ nhà em đến trường xa khoảng 20 đến 30 km nên em phải đi mất 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Giờ ở đây điều kiện tốt hơn, em được ở chung với các bạn nữa cảm thấy rất vui, hàng tháng chúng em còn được nhận gạo và tiềntrợ cấp nữa. )

 

Học sinh bán trú của trường PTDTBT TH&THCS Hướng Sơn chủ yếu ở các bản Cát, Trỉa, Mới…cách xa trung tâm xã từ 10 đến 30 kilomet. Từ khi chuyển sang mô hình bán trú, học sinh không phải đi về mỗi ngày nên giáo viên và phụ huynh cũng bớt lo lắng khi các em qua sông, suối, đặc biệt là vào thời điểm mưa lũ bởi với tuổi các em vốn rất hiếu động, trong khi các phụ huynh không có điều kiện đưa đón.

Nhà cách xa trường gần 28km, nên hàng tuần chị Hồ Thị Hương thường là người lặn lội đưa cơm và thức ăn lên trường cho con trai. Mặc dù được nghỉ thứ 7 và chủ nhật, nhưng gia đình không có phương tiện, nên nếu muốn về nhà học sinh thường phải đi bộ. Thương con đi bộ gần 30 cây số vất vả, nên tuần nào chị Hương cũng lặn lội lên trường thăm và tiếp tế lương thực cho con trai.

 

Chị Hồ Thị Hương

Làng Cát, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị.

(Nhà xa, đường đi thì khó khăn lại bùn lầy xe đi không được phải đi bộ. Thứ 7, chủ nhật con phải ở lại đây luôn rồi tôi đem cơm tới trường cho con. Nhà thì không có gì, không cá, không thịt, không tiền bạc, chỉ có cơm thôi, ba nó thì đau ốm suốt, khó khăn lắm nhưng phải cố gắng để cho con học cái chữ..)

 

Ngoài số học sinh bậc tiểu học theo học tại các điểm lẻ, có điều kiện gần gia đình, còn lại hầu hết học sinh bậc trung học cơ sở phải về điểm chính tại trung tâm xã để học nên việc được ở bán trú là rất cần thiết. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh bán trú luôn được các thầy cô quan tâm cũng như có nhiều thời gian trò chuyện, sinh hoạt cùng học trò, hiểu tâm tư, nguyện vọng các em để có thể giúp đỡ khi các em học hành, sinh hoạt, góp phần thay đổi nếp sống theo hướng tiến bộ, văn minh hơn cho các em học sinh là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

 

Thầy Mai Văn Luyện

Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị.

( Ở địa bàn Hướng Sơn khi được chuyển qua mô hình bán trú đã tạo không khí học tập sôi nổi cho con em, phụ huynh học sinh cũng rất yên tâm khi có nhà trường quản lí cả ngoài giờ lên lớp. Về phía nhà trường đã phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách và có các giáo viên phụ trách các phòng ở của các em để không chỉ chia sẻ tâm tư với các em khi sống cuộc sống xa nhà mà còn đôn đốc các em học hành chăm chỉ hơn. Tuy nhiên về cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp như công trình vệ sinh, các khu nhà cũng đã xuống cấp. ) 

 

 Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng được chuyển sang hình thức bán trú từ ngày 6/7/2015. Với 391 học sinh cả Kinh và Bru Vân Kiều, nhà trường có 251 em học sinh có nhu cầu ở bán trú. Các em ở các thôn Cợp, Chênh Vênh, Mã Lai, Hướng Choa… cách trường rất xa nên ở bán trú là cần thiết. Tuy nhiên do cơ sở vật chất của nhà trường chưa có, nên nhà trường phải mượn nhà công vụ của trường tiểu học Hướng Phùng và gửi học sinh ở cả trong nhà dân. Hiện nay có 28 em đang ở bán trú, các em này đều ở thôn Hướng Choa, cách trường gần 20 kilomet. Để đáp ứng nhu cầu ăn ở của học sinh, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ về phía tỉnh và huyện để xây dựng nhà ở bán trú phía sau khuôn viên trường cho học sinh. Với 16 phòng ngủ, mỗi phòng cho 8 em học sinh, quy mô phòng khép kín sẽ đáp ứng nhu cầu ăn ở của 128 học sinh. Công trình dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2019.

 

Thầy Trần Hà

Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị.

( Từ khi thành lập trường bán trú thì học sinh ở các thôn xa như Hướng Choa được về ở tập trung và có điều kiện tham gia học tập tốt hơn. Đối với các em bán trú hàng tháng được hỗ trợ 15 kilogam gạo và phụ cấp tiền ăn 40% lương cơ bản. Hiện tại nhà trường được đầu tư khu nhà 2 tầng với 16 phòng ở, tuy nhiên nếu công trình hoàn thành mới chỉ đáp ứng được nơi ăn chốn ở của 128 em, còn thiếu rất nhiều chỗ cho các em, nên nhà trường cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn để con em mình có nơi ăn chốn ở đàng hoàng để học tốt hơn. )

Thầy Nguyễn Văn Đức

Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

( Đối với huyện Hướng Hóa , việc chuyển đổi sang loại trường PTDTBT là một loại hình trường rất phù hợp với các xã đặc biệt khó khăn ỏ vùng sâu, vùng xa như Hướng Hóa. Trong những năm qua có 4 trường đã được chuyển đổi sang loại hình bán trú. Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh…còn thiếu nữa chị hi… )

 

Việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú là một trong những quyết sách rất có ý nghĩa để nuôi dưỡng ước mơ tri thức cho con em đồng bào dân tộc ít người đang sống tại các huyện miền núi và vùng sâu. Bởi đối với giáo dục vùng cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để vận động học sinh đến trường là một việc khó, giữ các em đi tiếp trên con đường học chữ lại càng khó khăn hơn. Việc chuyển đổi sang mô hình PTDT bán trú đã giúp cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học, đi học không thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Nhạc cắt

 

PS2:

Thưa đồng bào và các bạn! Trước đây là một trong những hộ nghèo của thôn Hổ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, anh Hồ Đình Đức đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

 

Sau khi chia tách hộ, ra ở riêng, vợ chồng anh Hồ Đình Đức không có đất đai nhà cửa nên là một trong những hộ nghèo của thôn. Năm 2017, khi có sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, gia đình anh Đức được xét hỗ trợ bò để phát triển kinh tế. Tận dụng đất vườn mượn của người quen, anh chị mạnh dạn vay tiền để làm chuồng trại chăn nuôi bò. Để chăm sóc 3 con bò phát triển tốt, anh trồng thêm hơn 3 sào cỏ voi làm thức ăn cho bò.

 

Anh Hồ Đình Đức

Thôn Hổ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

(Hai vợ chồng tôi mới ra ở riêng, bố mẹ cũng không có đất đai để chia, trong nhà thì thiếu thốn đủ bề. May nhờ có 337 hỗ trợ cho chúng tôi 3 con bò sau đó hướng dẫn chúng tôi trồng cỏ Voi để làm thức ăn cho bò để bò phát triển tốt.  Tôi mong sao tiếp theo đây các công ty và dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ để bà con chúng tôi có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo . Chúng tôi cảm ơn dự án nhiều lắm vì đã giúp đỡ cho vợ chồng tôi, chúng tôi hứa sẽ chăm sóc bò thật tốt, chăm sóc cỏ Voi thật tốt để kinh tế gia đình ngày một phát triển hơn...)

 

Xác định phát triển chăn nuôi để phát triển kinh tế, anh Đức đã quyết định đầu tư mua thêm dê và lợn để làm mô hình chăn nuôi tổng hợp. Với tinh thần chịu thương chịu khó, anh không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi qua sách báo, qua mạng internet để có thêm kiến thức cho bản thân. Hiện nay gia đình anh có 3 con bò, 4 con dê, 2 con lợn. Kinh tế ổn định giúp 2 vợ chồng anh nuôi dạy con cái học hành tốt.

 

Ông Hồ Đình Tào

Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị.

( Gia đình anh Hồ Đình Đức là một trong những hộ gia đình phát triển tốt kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của các dự án nhiều gia đình ở địa phương đã có cơ hội trong việc phát triển kinh tế. Đặc biệt chịu thương chịu khó, gia đình anh Đức đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Là một thanh niên trẻ nhưng mô hình kinh tế phát triển khá, mang về thu nhập ổn định cho gia đình. )

 

Cùng với phát triển chăn nuôi, anh Đức còn phát triển lúa nước, trồng sắn, hoa màu. Là một thanh niên trẻ dám nghĩ dám làm, chàng thanh niên Hồ Đình Đức đang thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ, là gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên để các bạn trẻ noi theo.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 20/03/2018 13:30 Võ Nguyên Thủy 20/03/2018 14:35
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà