Khoa học và đời sống: ứng dụng khoa học vào sản xuất những loại rau màu
Danh mục
Khoa học và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục khoa học đời sống

MC1: Xin kính chào quý vị và các bạn ! Trong số khoa học đời sống của tuần trước, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề ứng dụng khoa học và công nghệ vào trồng và chế biến các loại cây dược liệu như ngưu tất, trạch tả.

MC2: Cũng liên quan đến vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất, trong chuyên mục tuần này chúng tôi tiếp tục đề cập đến vấn đề trên. Trong đó, có hai mô hình đã được ứng dụng khoa học và công nghệ thử nghiệm vào để trồng và đã cho kết quả cao trong năm 2018 này.  Đó là mô hình nấm linh chi đỏ và mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới.

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Một trong những thành công nhất của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống sản xuất trong năm 2018 chính là ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nấm linh chi đỏ.

MC2: Đây là một mô hình mới được thử nghiệm đầu tiên ở Quảng Trị, với sự hỗ trợ đầu tư của khoa học và công nghệ, mô hình này được trồng thử nghiệm tại hộ gia đình ông Hoàng Xuân Kha ở thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh. Trồng nấm linh chi đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn, trong đó nhà trồng phải được  thoáng mát, sạch sẽ, duy trì độ ẩm từ 60-80% và nhiệt độ từ 22oc dùng lưới che chắn để không cho côn trùng lọt vào đục phá nấm.

MC1: Cũng giống như trồng nhiều loại nấm khác, trồng nấm linh chi đỏ phải trải qua công đoạn ủ mùn cưa  có phối hợp vôi đem ủ để sát khuẩn. Hiện tại, gia đình ông Kha đã trồng được 5.000 bịch, thời gian trồng trong khoảng 8 tháng, đến nay mô hình nấm linh chi đỏ của ông Kha đã gần cho thu hoạch. Ông Hoàng Xuân Kha-thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, Gio Linh cho biết:

Băng ( Nhờ sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ nên đến nay nấm linh chi của gia đình đã cho thu hoạch và đạt kết quả tốt, với mỗi kgbasn được 700.000 đồng)

MC1: Mô hình trồng nấm linh chi đỏ được hỗ trợ ban đầu mang tính động lực về khoa học, kỹ thuật và máy móc thiết bị cho các đối tượng hưởng lợi, nhằm giúp cho người dân mạnh dạn đầu tư kinh phí, mở rộng quy mô sản xuất, nhất là việc kết nối hệ thống phun sương tự động đều khắp vì nó mang lại nhiều tiện ích trong sản xuất nấm Linh Chi nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng đều, tốt và đỡ nhọc công hơn so với công việc phun tưới thủ công như trước đây.

MC2: Và đây cũng mô hình trồng nấm linh chi đỏ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, sau khi mô hình này thành công về phía Sở khoa học và công nghệ tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác, trong đó ưu tiên cho những xã ở vùng biển.

MC1: Đây là hướng mở để người dân vùng biển có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng đơn giản là một mô hình mới được thực hiện thí điểm tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh.

MC2: Mướp đắng là cây trồng truyền thống của người dân ở các xã vùng Đông của huyện Gio Linh như Gio Phong, Gio Mỹ, Gio Thành…Người dân ở vùng này đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng mướp đắng mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, do mướp đắng là loại cây trồng khá mẫn cảm với nhiều đối tượng dịch hại, nhất là các loại sâu đục quả, bệnh thối quả, nên người trồng từ trước đến nay phải phun nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều tồn dư trong sản phẩm có hại cho sức khỏe người sử dụng. Việc xây dựng mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới sẽ giúp cây trồng hạn chế tình trạng nhiễm sâu bệnh, ngăn không cho các loại côn trùng vào phá hoại.

MC2: Gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, Gio Linh đã đầu tư mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng đơn giản. Với diện tích 200 m2, ông Nguyễn Văn Thiệt đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng trong đó Sở khoa học và công nghệ tỉnh đã hỗ trợ giống và toàn bộ nhà lưới đơn giản, nhằm hạn chế côn trùng, sâu bệnh.

MC1: Lợi ích của hệ thống nhà lưới là giữ ấm mùa đông, làm mát mùa hè, che chắn các loại sương muối, mưa đá có hại cho cây trồng, ngăn cản các loại côn trùng không vào nhà lưới đục quả, đục thân. Đồng thời, nông dân cũng tiến hành phủ bạt nilon chống xói mòn đất và hạn chế sự xâm lấn của cỏ dại. Hệ thống nhà lưới được nông dân đầu tư làm khá chắc chắn bằng vật liệu khung sắt, trụ bê tông và mái vòm bằng sắt, thép hoặc gỗ cao ráo, phủ lưới có độ bền lưới khoảng 3 năm với vốn đầu tư nhà lưới mỗi sào khoảng 17- 18 triệu đồng. Bạt nilon phủ gốc có thể sử dụng 2 vụ trong năm, lưới có thể sử dụng được 6 vụ (3 năm), khung sắt sử dụng lâu dài.

MC1: So với trước đây trồng mướp đắng theo cách thông thường thì sẽ bị sâu bệnh, nhưng từ năm 2017 đến nay gia đình ông trồng trong nhà lưới nên mướp đắng phát triển tốt và cho năng suất cao. Ông Nguyễn Văn Thiệt-thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho biết:

 Băng (Với những hỗ trợ về mặt kỹ thuật đã giúp gia đình trồng mướp đắng đạt hiệu quả hơn, vườn mướp đắng của nhà thu hoạch và bán ra thị trường cũng được hơn 15 triệu đồng/vụ)

MC2: Trong những năm trở lại đây, người dân thôn Lại An, xã Gio Mỹ, Gio Linh đã triển khai mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng đơn giản. Ngoài 3 hộ gia đình trồng mướp đắng theo mô hình này xã Gio Mỹ còn trồng thêm được 2ha mướp đắng. Từ khâu chọn giống, quy trình trồng và kỹ thuật chăm sóc đều được sự hỗ trợ của Sở khoa học và công nghệ tỉnh. Đây là một thuận lợi để người dân tiếp tục tham gia vào mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới. Chị Dương Thị Hồng Vân-Cán bộ trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Gio Linh nói:

Băng (Đánh giá về việc trồng mướp đắng trong nhà lưới là một cách trồng mang lại hiệu quả khá cao, nhất là hạn chế sâu bệnh, hướng đến xây dựng một nền nông sản sạch)

MC1: Mướp đắng là một lọai cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, với việc duy trì và nhân rộng mô hình mướp đắng trong nhà lưới như mô hình đang được thí điểm của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ đã thì sẽ giúp cho người dân tiếp cận được phương pháp trồng mới đồng thời tạo nguồn thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

MC2: Người dân xã Gio Mỹ nói riêng và vùng Đông Gio Linh nói chung trước đây mỗi sào mướp đắng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng nhưng thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản xuất bị nhiều rủi ro do dịch bệnh, thời tiết xấu. Nhưng hiện nay, việc xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới sẽ giúp người dân hạn chế rủi ro dịch bệnh, thời tiết bất lợi trong sản xuất, năng suất cao hơn nhưng vẫn chưa đảm bảo được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, việc tập huấn, đào tạo cho nông dân quy trình sản xuất sạch để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu rau sạch (ít nhất trước mắt là xây dựng cho sản phẩm mướp đắng) mới là yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất rau màu ở Gio Linh, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

MC2: Có thể nói, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả. Chính điều này cũng đã làm cho người nông dân phấn khởi hơn, bởi vừa mang lại năng suất cao, đồng thời vừa thay đổi phương pháp canh tác truyền thống để từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

MC1: Mướp đắng và nấm linh chi đỏ là hai mô hình được thử nghiệm đầu tiên của Quảng Trị, sau khi những mô hình này thành công sẽ được tiếp tục nhân rộng ra trong toàn tỉnh. Đặc biệt là Sở khoa học và công nghệ cũng sẽ ứng dụng khoa học và công nghệ vào những mô hình khác để nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng công nghệ cao.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Ngày 14/12/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2025. Nghị quyết 31 được thông qua sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

MC2: Để giúp quý vị và các bạn hiểu hơn về những chính sách hỗ trợ các ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống sản xuất như thế nào, PV chuyên mục đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Ngọc Lân-giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị, mời quý vị và các bạn theo dõi.

1.     Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống sản xuất trong thời gian qua?

2.     Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2025.  Thưa ông mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết này là gì?

3.     Theo ông việc ban hành Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND sẽ tác động như thế nào đến hoạt động hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung?

4.     Trong thời gian tới, Sở KH&CN có những định hướng và giải pháp như thế nào để thực hiện hiệu quả chính sách này?

Vâng, xin cám ơn ông.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Với việc thông qua Nghị quyết 31 sẽ góp phần tăng cường nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN được nghiệm thu đánh giá tốt; đầu tư, quản lý, giám sát và thực hiện một cách thống nhất các ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tế tạo thành chuỗi sản phẩm, tạo đột phá mang tính quyết định để các sản phẩm đặc sản, các cây con có giá trị ở các địa phương.

MC2: Và khi những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đi vào đời sống sản xuất, những sản phẩm này sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa, có giá trị. Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian đến.

Chào cuối: Chuyên mục khoa học đời sống tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp, Như Hòa…, Vĩnh Lộc xin kính chào và hẹn gặp lại.  

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 22/03/2018 14:44 Lê Vĩnh Nhiên 23/03/2018 07:06
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà