Đất và Người Quảng Trị - Bài Vị già làng của bản Khe Đá
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Đất và Người Quảng Trị

Xin kính chào quý vị thính giả đang đến với 15p của chuyên mục phát thanh Đất và Người Quảng Trị. Hiện tại chuyên mục đang được phát sóng trên tần số 92,5mkz. Thưa quý vị thính giả, trong 15p của chuyên mục phát thanh ngày hôm nay, mở đầu mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Vị già làng của bản Khe Đá” của Phóng viên Mỹ Nhị. Tiếp đó, mời quý vị thính giả nghe “Nặng lòng với thổ cẩm” của Phóng viên Mỹ Nhị. Phần cuối là bài “Trạng làng Vĩnh”của CTV Gio Linh. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

Bài 1: MC: Thưa quý vị thính giả, ở bản Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tiếng nói của ông Hồ Ria hay còn gọi là ông Ăm Liêm (sinh năm 1948) có sức nặng đặc biệt. Sau cuộc trò chuyện với ông, mọi vấn đề của bà con dù phức tạp đến đâu cũng được hoá giải. Không chỉ nói hay, vị già làng này còn thu phục lòng người vì những việc làm có ích. Đây cũng chính là nội dung bài viết “Người cha chung của bản Khe Đá” của PV Mỹ Nhị. s

Trước đây, bản Khe Đá nằm cạnh sông Sê Pôn. Người ta thường gọi Khe Đá là “xóm ba nhà” bởi chỉ lác đác vài mái tranh xơ xác. Cái nghèo khiến người Vân Kiều ở đây quen với tập quán du canh, du cư. Nhiều hộ dân sang tận đất bạn Lào để dựng nhà, lập vườn mà không biết mình đang xâm canh. Thực tế ấy khiến cái bụng Ăm Liêm như có lửa đốt. Vị già làng tâm huyết suy nghĩ: “Ông cha ta đã bảo, an cư mới lạc nghiệp. Nếu cứ du canh, du cư thì bà con nghèo khổ mãi”. Sau nhiều trăn trở, ông Ăm Liêm tìm gặp những hộ dân từng rời bản để động viên họ trở về. Ông chỉ rõ: “Bản ta mặt nhìn ra sông, lưng tựa vào núi. Nếu chịu khó bám đất, bám làng, có hướng phát triển kinh tế phù hợp thì không lo đói”. Nghe lời già làng, nhiều hộ dân đã trở về, sống quần tụ, chung quyết tâm xoá đi cái tên “xóm ba nhà” đầy day dứt. Sau này, khi Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành lập, chính những lời vận động có tình, có lí của Ăm Liêm đã thúc giục bà con chuyển tới nơi ở mới. Ai cũng vui vì ngôi làng của mình đẹp “như tranh vẽ”, nhà cửa khang trang.

Sau khi “an cư”, người dân bản Khe Đá đã sớm đẩy lùi “giặc đói”. Tuy nhiên, cái khổ vẫn đeo bám bà con. Ý chí chưa vững, một số người dân trong bản bắt đầu mê tín, răm rắp tin theo thầy mo, thầy cúng. Họ rỉ tai nhau rằng: “Giàu nghèo là do… Giàng định, chẳng cần phải nỗ lực, phấn đấu gì cho mệt”. Thậm chí, một số hộ có con em bị bệnh cũng quay lưng với trạm xá để tìm đến nhà, cậy nhờ thầy cúng chữa trị. Sự đổi thay trong suy nghĩ ấy không qua được mắt già làng Ăm Liêm. Ông bèn nhóm họp những người có uy tín trong bản để cùng nhau bàn cách giải quyết. Tầm 1 tháng sau, đúng vào ngày lễ mừng lúa mới, Ăm Liêm đứng ra tổ chức một đàn cúng lớn, kêu gọi tất cả già trẻ, gái trai cùng tham gia. Sau lễ, ông cùng những người uy tín khẳng định với bà con là đã xin phép và được Giàng đồng ý đuổi “đói nghèo”, “bệnh tật” đi hết.

Ông Hồ Ria nói: Băng: Đọc dịch: Cuộc sống no ấm hay không còn tuỳ thuộc vào chính mỗi người dân. Cách duy nhất là dân bản phải chịu khó làm ăn; không sinh đông con; tạo điều kiện cho lớp trẻ đến trường. Kỳ vọng lắm nhưng mình không ngờ cách “lấy mê tín để trị mê tín” ấy lại hữu hiệu hơn cả mong đợi. Bà con suy nghĩ, sống và làm việc ngày càng văn minh. Nhờ thế, cuộc sống dân bản Khe Đá dần no ấm.

Khi bản làng đã tiến một bước dài trên hành trình phát triển cũng là lúc sức khoẻ của già làng Ăm Liêm đi xuống. Những cơn đau do di chứng chiến tranh khiến già nhiều khi đứng không được mà nằm cũng chẳng xong. Thế nhưng, đôi chân vị già làng này vẫn không ngơi nghỉ. Vỗ nhẹ đôi tay lên lồng ngực, ông Ăm Liêm chia sẻ: “Có thời điểm mình nghĩ, chắc bản thân chẳng sống được mấy hồi nữa, đã đến lúc… về với ông cha rồi, phải nghỉ ngơi thôi. Vậy mà, trái tim lại có lí lẽ riêng. Nó bảo rằng, sống có ý nghĩa gì nếu không cống hiến cho bản làng, cho mảnh đất mà mình và đồng đội từng thấm máu, nước mắt. Thế là, mình lại nhổm dậy lên đường”. Từ ấy, hàng ngày, Ăm Liêm lại tiếp tục hành trình gõ cửa từng nhà trong bản để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, giúp họ tháo gỡ mọi vướng mắc, mâu thuẫn. Dù đôi chân không còn mạnh khoẻ như trước nhưng già làng không ngại cùng bà con lên nương, hướng dẫn những điều nhỏ nhất như: Kỹ thuật đào hố trồng cây, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Ông rất vui khi thấy, dân bản sớm thoát khỏi cái vòng quẩn quanh của đói nghèo, lạc hậu. Từ tấm áo rách cũng quý, nhiều hộ dân đã có của ăn, của để và biết tính đường làm ăn. Nghe lời già làng, họ mở lòng, giúp đỡ các hộ nghèo khác. Cũng chính niềm vui được cống hiến đã khiến Ăm Liêm được tiếp sức vượt qua sức ì của tuổi già và những cơn đau do di chứng chiến tranh gây ra.

Khi nói về ông Hồ Ria, người có uy tín ở bản Khe Đá, ông Nguyễn Phi Bảo, Phó chủ tịch UBND Trị trấn Lao Bảo cho biết: Băng: Ông Hồ Ria hay còn gọi là ông Ăm Liêm được bà con gọi cái tên trìu mến, người cha, người có uy tín…

Với tất cả sự kính trọng, nhiều năm nay, người dân bản Khe Đá không còn quen với cái tên trong hồ sơ, sổ sách của già làng Ăm Liêm nữa mà trìu mến gọi bằng ông bằng “bố”. Với bà con, ông chính là người cha chung, dẫn dắt họ đi đến ngày bình yên, ấm no, hạnh phúc. Ai cũng cố gắng phấn đấu để sống đẹp như “bố” Ăm Liêm.

Nhạc cắt

Bài 2: MC: Phần tiếp theo của chuyên mục, mời quý vị cùng đến với bài viết “Nặng lòng với thổ cẩm” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Đến giờ, anh Hồ Văn Hồi (1972) chẳng thế nhớ: mình đã ươm mầm tình yêu thổ cẩm vào lòng bao con em người Vân Kiều, Pakô... Trưởng thành trong buổi nghề dệt thổ cẩm mai một, anh hồi luôn đau đáu khát vọng giữ “hồn cốt dân tộc”...

Bản Pa Nho (Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) xưa kia đêm ngày lách cách tiếng khung dệt. Trong nếp nhà sàn bạc màu thời gian, người Vân Kiều say sưa với đường tơ, sợi chỉ. Tết đến, lũ trẻ quây tròn xì xầm so chiếc khăn, cái áo. Thiếu nữ vùng cao vui điệu múa, lời hát trong bộ trang phục thổ cẩm cầu kì...

Nghe tin Hội phụ nữ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức lớp dạy nghề dệt truyền thống cho con em người Vân Kiều - Pakô, anh Hồi hăm hở xin học. Anh dệt chiếc váy (xấn - PV) đầu tiên chỉ sau vài tuần. “Người Vân Kiều mất bao đời mới có những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo. Mình học ngần ấy thì thấm tháp gì...”. Nghĩ thế, Hồi khăn gói sang đất Lào “tầm sư học đạo”. Ngày anh Hồi trở về, bản Pa Nho lại lách cách tiếng khung dệt.

Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Chỉ một đường tơ sai, tấm thổ cẩm coi như hỏng. Già bản Hồ Văn Sang nhìn Hồi say mê dệt thổ cẩm, buột miệng nói: “Một trăm người người may ra có một người đủ kiên trì bám lấy nghề như thằng Hồi....”. Ngồi vào chiếc khung dệt, nhiều lúc anh Hồi quên ăn, quên ngủ. Một chiếc khăn thổ cẩm dệt mất 2 ngày, chiếc áo mất 4 ngày, chiếc váy mất khoảng 6 ngày... Chừng ấy ngày đối với anh Hồi là chừng ấy sự kì công. Cầm chiếc áo mới dệt lên, anh Hồi hồ hởi giới thiệu: “Thổ cẩm của người Vân Kiều thường có hai màu chủ đạo là đen và đỏ. Màu đen tượng trưng cho cho sự sống. Màu đỏ là biểu tượng của sức mạnh. Kết hợp hai màu đó với các màu khác cho hài hòa là cái tài của người thợ dệt...”.

Đến giờ, anh Hồi chẳng thể nhớ hết bàn chân mình đã vượt bao đèo núi để truyền nghề. Hễ ở đâu cần người dạy nghề dệt thổ cẩm, ở đó anh Hồi có mặt.

Anh Hồi tâm sự: Băng: “Ước mơ của mình là làm sao giúp nghề dệt thổ cẩm sống lại như xưa. Vì thế, mình không giữ khư khư bí quyết. Ai muốn học, mình đều chia sẻ…

Bao kỉ niệm vui buồn từ ngày làm “thầy thổ cẩm” đong đầy trong tâm trí anh Hồi. Anh nhớ giọt nước mắt lăn dài trên má chị Hồ Thị Thai (bản Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông) vì không thêu được hoa văn ưng ý, ánh mắt chăm chú đến lạ của các học sinh tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa... Tiếp xúc với nhiều học trò, Hồi nhận ra: “Có nhiều người yêu nghề dệt thổ cẩm lắm. Chỉ cần mình tận tâm, nay mai nghề sẽ sống lại...”

Em Hồ Thị Thương, học trò của anh Hồi chia sẻ: Đọc dịch: cháu học dệt cũng được gần 2 năm. Lúc đầu cháu không biết đến dệt nhưng nhờ thầy Hồi chỉ dạy tận tình nên giờ đây cháu đã dệt được. Đã biết làm những tấm thổ cẩm đẹp. Vừa giữ được nét đẹp của dân tộc mình, vừa kiếm thêm thu nhập để phục vụ cho việc học.

Không chỉ là “thầy thổ cẩm”, Hồi còn là một nghệ nhân trẻ. Hiện tại, anh đang đảm đương trọng trách là đội trưởng Đội nghệ nhân khóm 6 (Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị). Hồi “có duyên” với khá nhiều nhạc cụ dân tộc. Anh có thể chế tác đàn talư, sáo tirel tre. Chàng nghệ nhân trẻ tuổi này còn sử dụng thành thạo: đàn talư, đàn nhị, khèn, thanh la, đàn mồi... Mỗi chuyến đi biểu diễn xa nhà, Hồi đều dệt những trang phục thổ cẩm cầu kì nhất để giới thiệu với bạn bè. Anh khẽ tâm sự: “Thổ cẩm của người Vân Kiều có giá rẻ. Nhưng, đầu ra rất hạn chế do ít người biết đến. Mình vẫn lo...”. Hồi bỏ lửng câu nói, lặng người đi, gương mặt nhuốm buồn. Ánh mắt anh chăm chú nhìn chiếc khung dệt. Nơi ấy, con gái đầu của anh đang say sưa hướng dẫn cho em út Hồ Thị Hạ My (1998) dệt chiếc khăn thổ cẩm. “Cả vợ và ba đứa con gái mình đều say thổ cẩm cả...” – anh Hồi nói tiếp. Nắng xuống dần và tiếng khung dệt vẫn lách cách.

Bài 3: Phần cuối của chuyên mục, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Trạng làng Vĩnh” của CTV Gio Linh.

Nổi tiếng với món đặc sản có một không hai…chuyện trạng, làng trạng Vĩnh Hoàng, nay thuộc thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh đã đem lại nụ cười cho thiên hạ suốt hàng chục năm qua. Thế nhưng, nếu ngày trước cả làng đều là “trạng”, từ các cụ cao niên 80 -90 tuổi đến các nam thanh nữ tú, thậm chí đến đứa trẻ lên sáu lên bảy cũng có thể kể truyện trạng khiến người nghe không thể không bật cười thì hiện nay, làng trạng chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 10 người kể rành rọt được những câu chuyện trạng đặc sắc

Khi chúng tôi hỏi thăm người dân ở thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh về chuyện trạng Vĩnh Hoàng thì ai ai cũng bảo tới “thỉnh” cụ Chư. Trong giới “trạng sư” của làng thì cụ ông Trần Hữu Chư , 82 tuổi, trú tại làng Huỳnh Công Tây 2, xã Vĩnh Tú được xem là người có công lao lớn nhất vì đã dày công sưu tầm, ghi chép lại những truyện trạng từ cổ chí kim. Không những vậy, cụ còn biến mình thành…họa sĩ, dùng đường nét, màu sắc thay cho giọng điệu, lời nói để mọi người có thể thưởng thức chuyện trạng bằng mắt. Để tìm được cụ Chư, chúng tôi phải lặn lội tới tận vườn ném phía trên dốc cát, nơi cụ đang làm những công việc hằng ngày của nhà nông. Cụ chia sẻ với chúng tôi: Chuyện trạng Vĩnh Hoàng không phải ai nghe cũng hiểu bởi nét đặc trưng làm nên “tên tuổi” của những câu truyện chính là từ địa phương cộng thêm ngữ điệu, sự nhấn nhá trong phát âm của người kể. Theo cụ thì lúc khởi sự, bản thân người Vĩnh Hoàng không gọi những câu chuyện quê mình là “chuyện trạng” mà nghĩ đó chỉ là những thứ tiếu lâm cho vui, xua tan cực nhọc ngày đồng áng, quẳng đi sự sợ hãi giữa chiến trường ác liệt, mang đến những nụ cười bình dị, tươi tắn và xốc lại tinh thần cho mọi người cùng vượt qua khó khăn.

Cụ Trần Hữu Chư chia sẻ: Phải làm thế nào đó để giữ lại mầm móng của làng Trạng để đừng để mất đi, lớp trước thiếu mà lớp sau không phát huy lên được thì sẽ mất đi một nét đặc sắc văn hóa. Trước có đề nghị lên UBND Tỉnh để xây dựng biểu tượng của làng Trạng, thể hiện làng Trạng qua biểu tượng đó.

Ấy vậy mà khi được hỏi đến số lượng người trong làng còn kể được chuyện trạng thì nét mặt của cụ Chư dường như chùng lại, bởi trước đây ai ai cũng kể chuyện trạng được hết, cả làng đều kể được nên mới gọi là làng trạng Vĩnh Hoàng, nổi tiếng khắp vùng, từ chiến khu Ba Lòng đến tận Buôn Mê Thuột. Nhưng bây giờ thì rất ít người có thể kể chuyện trạng một cách đặc sắc, hài hước như ngày trước được, may thay chỉ có một số ít người cao niên độ tuổi hoặc nhỏ hơn 10 đến 20 tuổi là còn giữ được, lớp trẻ sau này hầu như không có, chỉ còn 2 đứa học sinh lớp 9 là kể mà thôi.

Nếu ngày trước vào những dịp lễ lớn, dân cả huyện được mặc sức nghe kể chuyện Trạng thì ngày nay lại rất hiếm khi những chương trình này được tổ chức. Mặc cho tình yêu mà lũ trẻ dành cho chuyện trạng vẫn rất lớn bởi chúng được sinh ra và lớn lên trong tiếng cười của chuyện trạng. Vậy mà chúng lại không thể học kể được vì giọng điệu kể chuyện trạng không dễ như người ta nghĩ. Đầu tiên người kể chuyện phải có giọng đặc trưng của Vĩnh Hoàng, sau mới là giọng điệu lên xuống nhịp nhàng thông minh. Mà giờ đây làng trạng lại có cái biệt danh “Làng trạng nhưng hiếm trạng”.

Cậu bé Trần Nhật Khanh cố gắng nhớ lại 1 câu chuyện trạng rồi bắt đầu kể:

File ghi âm: Trưa nớ, tui ngồi sau quả dưa đào mấy cái lộ (hố) bắt mấy con tiên tiến chơi cho bui (vui). Rứa là ông tôi mới kêu: Cu Khanh ơi cu Khanh. Tui mới dạ một cấy thiệt to. Ông tui mới cười khà khà nói: “Ui cha chà, té ra thằng cu miềng nấp sau quả dưa mà miềng (mình) nỏ (không) chộ”. Rồi đó ông tui với tui mới đi về nhà. Thẳng đàng, cát nóng quá e lốt cả cẳng (chân), rứa nên tui mới đem ông tui ra ngoài đàng nhựa để bỏ ông lên côi ván trượt cho ông trượt về nhà. Thôi chừ tui không biết ông tui trượt tới mô rồi, tui chào bà con tui đi tìm ông tui cái đã”.

Ngày trước, Trần Quốc Cường được người trong làng gọi là “ông trạng con” bởi có thể nhớ rất nhiều câu chuyện trạng để kể cũng như nhanh nhạy, thêm các tình tiết mới, có lúc còn cập nhật cả tình hình thời sự vào truyện nhưng giờ đây, cậu bé lại quên đi những câu chuyện đã làm nên “tên tuổi” của mình.

Nói về dự định và mong muốn của mình, Trần Quốc Cường chia sẻ rằng: Nếu có cơ hội phát triển truyện trạng thì sẽ giới thiệu chuyện trạng đi nhiều nơi khác, để nhiều người biết đến chuyện trạng và bày cho nhiều người trong làng biết nói chuyện trạng nhiều hơn.

Vẫn có ước muốn kể chuyện trạng để đem lại tiếng cười cho mọi người, vẫn muốn chỉ bảo người khác kể chuyện và giới thiệu chuyện trạng Vĩnh Hoàng đi nhiều nơi để mọi người biết rõ hơn về “món đặc sản” trứ danh này nhưng 2 cậu bé được coi là tương lai của làng trạng lại không có dịp để trau dồi tài “trạng” của mình. Ngày nay, “báu vật sống” của làng trạng Vĩnh Hoàng là các cụ Trần Đức Trí, Trần Hữu Chư, Nguyễn Đình Sồ, Võ Nồng, Võ Thị Nương, Trần Thị Nghĩa, Trần Thị Liễu...Không biết sau này, “tre già măng mọc”, lớp kế cận các cụ sẽ là ai? Đó là câu hỏi mà những ai yêu trạng Vĩnh Hoàng như cụ Chư đang đau đầu tìm câu trả lời.

Nhạc cắt.

Chào cuối.

 

 

 

 

         


File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 28/03/2018 10:50 Trần Thị Mỹ Nhị 28/03/2018 10:50
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà