Đất và Người Quảng Trị - Bài Người PaKo chọn đất - lập nhà
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Đất và Người Quảng Trị

Như Quỳnh và Như Hòa rất vui khi được gặp lại quý vị thính giả trong 15p của chuyên mục phát thanh Đất và Người Quảng Trị. Hiện tại chuyên mục đang được phát trên tần số 92,5mkz, mời quý vị thính giả chú ý lắng nghe. Thưa quý vị thính giả, trong chuyên mục ngày hôm nay, mở đầu mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Người PaKo chọn đất lập nhà” của Phóng viên Mỹ Nhị. Tiếp đó là bài viết “Nặng tình với mãnh đất Khe Sanh” của Phóng viên Mỹ Nhị, Cuối cùng, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Đường 9 anh hùng” của CTV Nhật Linh. Mời quý vị thính giả cùng nghe.

Nhạc cắt

Bài 1: MC: Mở đầu mời quý vị thính giả nghe bài viết “Người PaKo chọn đất lập nhà” của Phóng viên Mỹ Nhị.

“Đời người, việc gì quan trọng nhất?” – Nếu được đặt câu hỏi ấy, từ ông bà lão tóc bạc phơ đến các em bé mới lớn ở nhiều bản làng phía Tây tỉnh Quảng Trị đều có chung câu trả lời “Thứ nhất cưới vợ, thứ nhì tạo gia”. Qua niệm ấy đủ để khẳng định việc cưới vợ, dựng nhà là một sự kiện trọng đại đối với dân bản. Thế nên, trong khi nhiều nét văn hóa truyền thống của người Pakô đứng trước nguy cơ mai một thì phong tục chọn đất làm nhà vẫn được lưu truyền một cách tự nhiên từ đời này sang đời khác. Quá trình thanh lọc hàng trăm năm đã làm một số thủ tục rườm rà, lạc hậu bị xóa bỏ. Giờ đây, người Pakô chọn đất theo những quan niệm quy chuẩn “xưa bày, nay vẽ”.

Qua lời giới thiệu của ông Kray Sức, nguyên cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, chúng tôi có dịp mục sở thị nghi lễ chọn đất dựng nhà cho con của gia đình ông Kôn Chịu (trú tại thôn A Pul, xã Tà Rụt, huyện Đakrông). Được biết, trước khi định ngày đẹp trời để chọn đất dựng nhà, gia đình ông Kôn Chịu đã đến nhờ sự hướng dẫn của các vị già làng, trưởng bản. Ông Kôn Ăm – người có uy tín trú tại A Pul, Tà Rụt cho biết : Đọc dịch: Lâu nay, người Pakô quan niệm, một mảnh đất tốt sẽ hội tụ đủ các yếu tố gió, mạch nước và hoal (tiếng Kinh nghĩa là hơi, khí). Để xem “đất có yêu người hay không”, nhất thiết phải dùng “phép thử”. Sau khi tìm được mảnh đất ưng ý, người Pakô lấy một nạm gạo, khấn thần lúa Abol và thần núi Giàng Côh và thành kính chia sẻ tâm nguyện của mình. Lời khấn nguyện sẽ sớm linh ứng và được “thông báo” cho chủ nhà thông qua dấu hiệu riêng, xuất hiện trên các đồ vật được quy định.

Để nhận biết dấu hiệu này, người Pakô chọn một cây tre nhỏ, chẻ dọc giữa hai đôt. Sau đó, ống tre sẽ được chia thành ba khoang, đánh dấu bằng các vạch nhỏ. Mỗi khoang sẽ được đặt sáu hạt gạo chụm đầu vào nhau sao cho ngay ngắn. Sau đó,  chủ nhà sẽ gắn hai ống tre lại và chôn vào lòng đất. Thời gian chôn ống tre sẽ tùy thuộc vào lời khấn chủ chủ nhà hướng đến các vị thần linh. Tuy nhiên, càng để thời gian dài, việc kiểm tra đất càng được đảm bảo. Sau một thời gian nhất định, người Pakô sẽ đem ống tre chôn dưới lòng đất lên và quan sát từng hạt gạo. Trường hợp hạt gạo không bị xê dịch vị trí, mọi người mới yên tâm dựng nhà trên mảnh đất ấy.

Ông Kôn Chịu cho biết: Đọc dịch: “Không phải ai cũng may mắn tìm được mảnh đất ưng ý. Một số người chỉ cho ống tre chứa gạo xuống đất chừng một tiếng thì hạt gạo đã bị xê dịch hoặc kiến tha đi, cá biệt có trường hợp hạt gạo ngả sang màu đen. Tuy nhiên, nhiều gia đình dẫu chôn ống tre suốt hai ngày trời mà hạt gạo vẫn không thay đổi vị trí”. Lớp người Pakô đi trước đã đúc kết lại và truyền dạỵ con cháu những điềm báo thể hiện trong từng hạt gạo. Gặp trường hợp hạt gạo bị kiến tha, nếu làm nhà ở vị trí đó, người ta vẫn ở được nhưng thường xuyên rơi vào cảnh ốm đau, hao tài, tốn của. Nếu hạt gạo bị xáo trộn vị trí, gia đình chắc chắn xảy ra mâu thuẫn, li tán. Trường hợp hạt gạo mục nát, ngả sang màu đen thì không nên ở trên mảnh đất ấy bởi chủ nhân sẽ bị đau ốm liệt triền miên.

Theo những người già ở xã Tà Rụt, việc chia ống tre thành ba phần đều nhau tương ứng với số gian trong một ngôi nhà. Căn cứ vào đặc điểm hạt gạo ở mỗi khoang mà người Pakô nhận biết đất ở từng gian nhà là tốt hay xấu. Thế nên, nếu hạt gạo ở khoang bên phải hoặc bên trái bị xáo trộn, người ta có thể dịch chuyển ống tre sang mảnh đất kề cận. Tuy nhiên, khi hạt gạo khoang giữa bị mục nát, ngả sang màu đen thì họ phải chuyển ống tre đến chôn ở địa điểm cách trên 10m.

Đến giờ, tuy đã trải qua nhiều bước thăng trầm lịch sử nhưng người Pakô ở các bản làng phía tây tỉnh Quảng Trị vẫn duy trì tập tục chọn đất dựng nhà. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng người dân ở các bản làng vùng cao đang ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, đất đai đã được phân thành từng lô, có mốc giới hẳn hoi. Thế nên, chuyện đi từ nơi này sang nơi khác, kiếm, thử và tìm được một mảnh đất ưng ý để dựng nhà không còn đơn giản. Vì vậy, người Pakô ngày nay đã áp dụng các phương án cải tạo đất xấu bằng cách cúng tế, tẩy uế đặc trưng. Công việc này lại mở ra một nét phong tục đặc sắc khác của cư dân chốn đại ngàn Trường Sơn.

Nhạc cắt

Bài 2: MC: Tiếp theo chuyên mục, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Nặng tình với mãnh đất Khe Sanh” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Cách đây 20 năm, trong chuyến lên Hướng Hóa tham dự trại sáng tác, xúc cảm trước mảnh đất sâu nặng nghĩa tình, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Xuân Vũ đã lắng lòng, thai nghén ca khúc “Màu xanh ước mơ”. Thời gian như bóng câu ngoài cửa sổ, không ít nhạc phẩm cùng thời dần trôi vào quên lãng. Trong khi đó, ca khúc “Màu xanh ước mơ” vẫn âm vang vào các dịp lễ hội, trên từng nương ngô, rẫy sắn vùng cao. Đối với Xuân Vũ, đây là phần thưởng lớn nhất, thôi thúc anh sáng tác nhiều nhạc phẩm lay động lòng người. Hôm nay, gặp Xuân Vũ giữa đất trời Khe Sanh, chàng trai trẻ đậm chất nghệ sĩ năm xưa thay đổi khá nhiều. Anh đã “rẽ đường”, trở thành một nhà giáo, vừa giảng dạy vừa phụ trách Trung tâm nghiên cứu văn hóa Tiểu vùng sông Mê Kông, thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Vẫn cách nói chuyện lôi cuốn, anh bảo: “Môi trường sự phạm với những quy tắc, chuẩn mực đã làm “con ngựa bất kham” trong mình được thuần dưỡng. Tôi thấy bản thân sống sâu sắc, điềm đạm và quan tâm đến mọi người hơn”.

Chuyến trở lại Khe Sanh có lẽ là dấu mốc đáng nhớ đối với Xuân Vũ. Anh là một trong hai tác giả đạt giải cao nhất tại Trại sáng tác ca khúc “Giai điệu Khe Sanh ngày mới”. Thực ra, Xuân Vũ thuộc tuýt người ít đặt nặng vấn đề giải thưởng, thi thố. Bằng chứng là dù sở hữu cả “gia tài” giải thưởng nhưng anh chỉ nhớ láng máng vài thành tích nổi bật. Ngược lại, Xuân Vũ có thể “nói như lên đồng” về những đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, thành công tại Trại sáng tác ca khúc “Giai điệu Khe Sanh ngày mới” lại là niềm hạnh phúc lớn đối với Xuân Vũ.

Anh bộc bạch: “Phố núi Khe Sanh vừa mang nét hiện đại của cuộc sống mới, vừa giữ vẻ hoang sơ, huyền bí... đã làm lay động trái tim tôi. Mỗi lần đến đây, tôi đều cảm nhận trọn vẹn tình cảm người dân. Vì thế, rất nhiều lần, tôi “một mình một ngựa” rong ruổi lên phố núi Khe Sanh tìm cảm hứng sáng tác với mong muốn để lại dấu ấn nào đó ở miền quê này”.

Vốn là con nhà nòi văn chương nhưng Xuân Vũ lại theo đuổi đam mê âm nhạc. Cảm nhận rõ điều ấy, bố động viên anh thi vào trường Đại học Nghệ thuật Quân đội. Năm 13 tuổi, Xuân Vũ bắt đầu gắn bó với chiếc đàn violon. “Tôi từng thấy hình ảnh chiếc đàn violon, để rồi say như điếu đổ. Thế nhưng, khi bước vào trường, chính thức chạm chiếc đàn, tôi mới hiểu hết sự khó khăn. 6 tháng đầu tiên, tôi chỉ học kéo dây. Dẫu tay và cổ mỏi nhừ nhưng âm thanh chiếc đàn vẫn không như ý. Mỗi lúc xao lòng, tôi lại nhắc nhủ bản thân kiên trì với con đường mình lựa chọn”. Sau 7 năm gắn bó với chiếc đàn violon, năm 1993, Xuân Vũ tiếp tục ứng thi và vào học tại khoa sáng tác, trường Đại học Nghệ thuật Huế. Về công tác ở Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị một thời gian, anh lại tiếp tục thi lên cao học. Không vì mưu cầu một vị trí nào đó, anh học với mong muốn hoàn thiện khả năng sáng tác.

Nhiều người cho rằng, chuyện đèn sách kéo dài sẽ khiến “cái tôi nghệ sĩ” thô cứng. Thế nhưng, Xuân Vũ lại chứng minh thực tế trái ngược. Dù đi học, công tác ở đoàn nghệ thuật hay đang giảng dạy, anh vẫn liên tục cho ra đời những đứa con tinh thần giá trị. So với nhiều nhạc sĩ, Xuân Vũ sáng tác rất nhanh.

Anh cho biết: “Nhạc phẩm tôi viết chậm nhất chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Nếu sáng tác bài nào từ ngày này sang ngày khác, chỉnh sửa nhiều thì coi như hỏng”. Một lần về nhà muộn, ngại gõ cửa làm vợ con thức giấc, anh ra bờ hồ hóng mát, giăng câu. Trước cảnh thiên nhiên hữu tình, cảm xúc trong anh như vỡ òa, kết tinh thành ca từ, giai điệu của nhạc phẩm “Lời chúc thế kỷ”. Cũng được sáng tác “chớp nhoáng” như thế, nhiều đứa con tinh thần của Xuân Vũ đã ra đời và được đông đảo khán giả đón nhận như: “Mồ hôi đá”, “Bài ca thống nhất”, “Vòm trời Asean”, “Bình minh trên bến cảng Đông Hà”, “Âm vang Bạch Đằng giang”...

Từng đến nhiều miền quê nhưng mảnh đất Khe Sanh lại để thương, để nhớ trong lòng Xuân Vũ. Khi tham dự lễ khai mạc Trại sáng tác ca khúc “Khe Sanh ngày mới”, anh trăn trở nhiều, không biết làm sao vượt qua cái bóng quá lớn của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng và ngay bản thân mình. Thế rồi, Xuân Vũ bắt đầu nghĩ đến thể loại nhạc pop với giai điệu, ca từ nhẹ nhàng mà vẫn đầy chất trẻ, giữ được nét hoang dại, tự nhiên. Đặc biệt, khi bắt gặp ý thơ của Nguyễn Văn Dùng, những thanh âm đầu tiên bất chợt nhảy múa trong đầu Xuân Vũ: “Gió hát lời dịu ngọt, gió hát lời yêu thương và gió hát lời ngập ngừng bồng bềnh Khe Sanh. Gió hát tình bản làng, gió ru lời xa xôi để say nồng thời hoa đỏ...”. Sau vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ, nhạc phẩm “Tình em gió hát” ra đời trong niềm vui sướng tột độ của Xuân Vũ. Cảm nhận trọn vẹn cái tình trong từng ca từ, giai điệu của nhạc phẩm, Ban tổ chức Trại sáng tác ca khúc “Khe Sanh ngày mới” đã trao một trong hai giải nhì cho nhạc sĩ Xuân Vũ (Cuộc thi không có giải nhất). Nói về thành công ấy, Xuân Vũ chia sẻ: “Chỉ mong sau 15, 20 năm và xa hơn nữa, khi có dịp đến Khe Sanh, tôi vẫn được nghe giai điệu ca khúc “Tình em gió hát” vang lên trong các dịp lễ hội, trên nương ngô, rẫy sắn”. 

Nhạc cắt

Bài 3: Cuối cùng, mời quý thính giả cùng nghe bài viết “ĐƯỜNG 9 ANH HÙNG “ cuả CTV Nhật Linh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt và hết sức hào hùng của quân và dân ta, biết bao địa danh, bao trận chiến, bao sự kiện đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như những dấu son chói lọi về chiến công, về tinh thần bất khuất nhưng hiếm có một con đường nào lại ghi dấu nhiều cột mốc của lịch sử như quốc lộ số 9. Một tuyến đường chỉ dài hơn 300 cây số, nối từ Cửa Việt qua Đông Hà (thủ phủ tỉnh Quảng Trị) lên đến bờ Đông sông Mekong (tỉnh Savanakhet - Lào) giáp biên giới Thái - Lào nhưng có vị trí địa lý rất quan trọng về mặt chiến lược.

Tôi đã từng gặp những câu thơ mang đậm tính tượng hình đã để lại nơi người đọc những ám ảnh khó phai về đường Chín của những ngày rực lửa của chiến trường Quảng Trị - cùng vẻ đẹp nên thơ với đầy hoa lau trắng cũng có cả sự dữ dội và tàn khốc của chiến tranh với hình ảnh hàng nghìn cây khô chết cháy, hai bên dày đặc những hố bom... trong những câu thơ của Tố Hữu:

"Xe lên đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh…"

                                                                                      (Nước non ngàn dặm)

Trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt, đồng thời đó cũng là nổi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965 – 1972. Với chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 đã khởi nguồn cho cuộc nổi dậy, Tổng tiến công Mậu Thân - 1968 của toàn mặt trận miền nam Việt Nam, cũng như chiến thắng của quân và dân ta tiêu diệt quân Mỹ Ngụy trong chiến dịch Lam Sơn (Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) sau đó vào năm 1971.

Về Quảng Trị vào một chiều tháng 8 vẫn còn vương vấn cái nắng oi nồng của những ngày cuối hạ, đi trên con đường 9 anh hùng lòng chợt trào dâng bao nỗi niềm cảm xúc khó tả. Nếu Đường 9 năm xưa là bãi chiến trường, là vùng đất trắng, bị địch chà xát không biết bao nhiêu lần bởi xe tăng, pháo hạm bắn vào, rừng núi, sông suối ken dày bom đạn, cây cối xác xơ bởi chất độc da cam thì hôm nay nhìn qua cửa kính ôtô, du khách sẽ được chứng kiến cuộc sống mới hồi sinh mãnh liệt bên con Đường 9 rải nhựa phẳng lì, rộng thênh thang. Sự sống nơi đây đã hồi sinh một màu xanh của ấm no và hạnh phúc với những cánh rừng cao su, cà phê, hồ tiêu ngút ngàn tầm mắt, màu ngói đỏ của những ngôi nhà xây dần thay thế cho hình ảnh bom đạn, phế tích chiến tranh. Từ Đông Hà lên Lao Bảo, với khoảng cách chỉ hơn 80km nhưng đã có 5 thành phố và thị trấn: Đông Hà - Cam Lộ - Krông Klang (huyện lỵ Đakrông), Khe Sanh (huyện lỵ Hướng Hóa) và đô thị cửa khẩu Lao Bảo. Nếu một lần có dịp ghé thăm Đường 9, đi từ Lao Bảo về Cửa Việt sẽ thấy những thị trấn dọc trên cung đường này đêm đêm sáng lấp lánh ánh đèn tựa hồ như những vì tinh tú nối liền từ biên giới Lào - Việt về tận biển Đông. Lịch sử và cuộc xoay vần của những biến cố đã chọn Đường 9 làm nơi ghi lại những mốc son chói lọi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Và trong công cuộc mở cửa hội nhập hôm nay Đường 9 lại giữ một vai trò quan trọng khác, đó là con đường kết nối các nền kinh tế, mở ra hướng phát triển cho cả tiểu vùng Mêkông rộng lớn.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 09/04/2018 15:39 Võ Nguyên Thủy 10/04/2018 19:47
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà