Trang thanh niên phat thanh: giải quyết việc làm cho thanh niên ở nông thôn
Danh mục
Thanh niên
NỘI DUNG

TRANG THANH NIÊN

MC1: Xin kính chào các đồng chí và các bạn! Giải quyết việc làm cho thanh niên ở vùng nông thôn là một trong những vấn đề quan tâm của toàn xã hội.

MC2: Tại các vùng nông thôn ở Quảng Trị cũng đã có những kế hoạch cũng như hoạt động để giúp cho thanh niên có việc làm ngay tại địa phương.

MC1: Vậy các địa phương ở nông thôn đã triển khai giải quyết việc làm cho thanh niên như thế nào? Nội dung này chúng tôi sẽ được đề cập trong chương trình tuần này. Mời các đồng chí và các bạn cùng lắng nghe.

Nhạc cắt

MC1: Thanh niên là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm ổn định, phù hợp với nghề nghiệp cũng như khả năng của mình.

MC2: Theo thống kê, thanh niên ở Quảng Trị độ tuổi lao động chiếm gần 50%. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn đã tích cực tham mưu cho tỉnh các nội dung liên quan đến chế độ chính sách, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề.

MC1: Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH và các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh phối hợp tổ chức chương trình “Tư vấn mùa thi và định hướng nghề nghiệp” tại các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX.

MC2: Đồng thời, hoạt động dạy nghề phổ thông ở các trường THPT, THCS thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Song song, công tác đào tạo nghề cho thanh niên cũng được huyện chú trọng thực hiện.

MC1: Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng chú trọng xây dựng, hoàn thiện các cơ sở đào tạo nghề nhằm tạo môi trường dạy nghề chuyên nghiệp, chất lượng. Nhiều cơ sở kinh doanh là thanh niên khởi nghiệp cũng được tạo điều kiện vay vốn phát triển mô hình kinh tế tại địa phương, như mở trang trại, gia trại, sửa chữa ô tô, xe máy...Anh Phạm Huy Du-Đại diện cơ sở chế tạo máy tự động hóa khu công nghiệp nam Đông Hà nói:

Băng: Khởi nghiệp đối với chúng tôi là rất quan trọng, chính vì vậy bản thân rất muốn nhận được sự quan tâm của nhà nước để chúng tôi được làm việc và lập nghiệp tại quê hương.

 

MC2: Đối với việc hỗ trợ thanh niên nông thôn đi làm ăn xa, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu tập trung cho việc hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động.

MC1: Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, tư vấn được phía tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị chức năng như Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động  có uy tín tổ chức thường xuyên. Việc tạo mọi điều kiện về thủ tục vay vốn xuất cảnh, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh dành cho người đi xuất khẩu lao động cũng đã đến với từng thanh niên để họ nắm bắt được thông tin.

MC2: Hiện thanh niên của trong tỉnh đã đi  lao động  xuất khẩu, tập trung ở các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc... Mỗi năm, từ nguồn thu nhập có được của người đi XKLĐ gửi về, các gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

MC1: Theo đó, người lao động được hỗ trợ vay vốn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng và đào tạo nghề. Đồng thời tuyên truyền pháp luật cho thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, nhằm giúp họ có ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi phù hợp với môi trường làm việc của từng quốc gia khi đến lao động.

MC2: Để đạt mục tiêu trên, các cấp, ngành chức năng cũng đang từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên bằng các giải pháp cụ thể. Đồng thời tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách, gắn với công tác đào tạo nghề, giúp thanh niên nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, thị trường để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Nhạc cắt

MC1: Thưa các đồng chí và các bạn! Xuất khẩu lao động được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập đặc biệt cho thanh niên vùng biển, nhất là sau sự cố môi trường biển xảy ra tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.

MC2: Tại huyện Vĩnh Linh, với sự vào cuộc tích cực của Ban Thường vụ Huyện đoàn cùng các đơn vị liên quan, trong những năm qua công tác xuất khẩu lao động cho thanh niên  đã có nhiều khởi sắc, trở thành một điểm sáng về xuất khẩu lao động trong thanh niên toàn tỉnh.

MC1: Hiện nay trên địa bàn huyện, xuất khẩu lao động đã và đang là xu hướng “hot” được nhiều thanh niên lựa chọn để làm nền tảng khởi nghiệp của bản thân với mong muốn được tiếp cận thị trường lao động giàu tiềm năng để học tập, rèn luyện kỹ năng, tay nghề và nâng cao trình độ, đồng thời tích lũy vốn liếng, chuẩn bị bước đệm để phát triển tương lai.

MC2: Đây cũng là giải pháp thiết thực để giải quyết thực trạng thất nghiệp đang ngày một phổ biến nhất là các địa phương ven biển. Đặc biệt, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua, số thanh niên vùng biển đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại huyện Vĩnh Linh có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 700 lao động làm việc ở nước ngoài. Riêng các xã vùng biển, mỗi địa phương có vài chục người xuất ngoại làm việc.

MC1: Từ những hiệu quả thiết thực của công tác xuất khẩu lao động, trong năm qua Huyện đoàn Vĩnh Linh đã tích cực tham gia triển khai Đề án giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động Vĩnh Linh giai đoạn 2016-2020 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn.

MC2: Bên cạnh đó, Huyện đoàn cũng đã chủ động phối hợp, làm việc với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và học nghề.

MC1: Trong 2 năm qua, toàn huyện đã tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của gần 1.100 đoàn viên thanh niên, 595 đoàn viên thanh niên tìm kiếm được việc làm và học nghề, 196 đoàn viên thanh niên phỏng vấn trực tiếp tại phiên giao dịch, 128 đoàn viên thanh niên được hẹn phỏng vấn lần 2 và 204 đoàn viên thanh niên đăng ký gián tiếp chờ kết nối việc làm sau phiên giao dịch.

MC2: Nguồn vốn làm chi phí, thủ tục xuất cảnh là một trong những khó khăn lớn đối với đa phần thanh niên vùng biển có nhu cầu xuất cảnh, vì vậy, trong những năm qua Huyện đoàn Vĩnh Linh đã trực tiếp làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho thanh niên, qua đó không chỉ giúp cho hàng trăm đoàn viên thanh niên phát triển các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế mà còn góp phần tích cực đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu lao động tại địa phương. Đến nay toàn huyện đã thành lập và quản lý 22 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng. Đồng chí Võ Thị Hoài Thu-Bí thư huyện đoàn Vĩnh Linh nói:

Băng: Nói về những hiệu quả từ các mô hình của thanh niên được vay vốn

MC1: Bắt tay vào khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, Anh Nguyễn Hùng Anh ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh được sự hỗ trợ vay vốn từ huyện đoàn Vĩnh Linh 30 triệu đồng. Anh Nguyễn Hùng Anh đã đầu tư nuôi chim bồ câu. Sau một quá trình nuôi, anh đã nhân giống với hơn 300 con bồ câu lấy thịt. Chính từ mô hình nuôi bồ câu này đã giúp cho anh có thêm việc làm, phát triển cuộc sống gia đình. Anh Nguyễn Hùng Anh nói:

Băng: Trước đây gia đình khó khăn, nhờ sự hỗ trợ của đoàn đã giúp cho bản thân có được mô hình nuôi bồ câu và bây giờ thực sự đã mang lại hiệu quả cho nguồn thu nhập cho gia đinh.

MC2: Hầu hết những thanh niên ở vùng quê đều rất muốn tìm được công việc ngay tại quê hương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng vốn không có vì thế muốn tạo ra một công việc để làm cũng rất khó khăn đối với họ.

MC2: Song, nếu được hỗ trợ về vốn bản thân mỗi thanh niên cũng tự tìm cách để tìm việc để làm. Bên cạnh đó nguốn vốn còn giúp cho những thanh niên để họ có điều kiện đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài làm việc.

MC1: Từ những thanh niên nông thôn, thanh niên vùng biển vốn chỉ biết sản xuất nông nghiệp nhưng sau một thời gian làm việc ở những dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại ở Hàn Quốc, Nhật Bản... những lao động trẻ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã học được tác phong làm việc hiện đại, kỷ luật, từ đó nâng cao tay nghề và hoàn thiện bản thân.

MC2: Với việc đem lại mức thu nhập cao, xuất khẩu lao động đang là hướng đi thiết thực góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để thanh niên các xã vùng biển huyện Vĩnh Linh vươn lên làm giàu chính đáng.

MC1: Xác định giải quyết việc làm là tiền đề quan trọng để KT - XH của xã phát triển. Vì vậy, huyện đoàn đã tăng cường tuyên truyền để thanh niên nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, nhất là các tầng lớp thanh niên chưa có việc làm ổn định.

MC2: Thời gian tới, huyện đoàn Vĩnh Linh  tiếp tục chú trọng việc tuyên truyền cho người người dân hiểu rõ ý nghĩa, hiệu quả của học nghề và xuất khẩu lao động tại thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo.

Nhạc cắt

MC1: Các đồng chí và các bạn đang lắng nghe chương trình trang thanh niên, chương trình được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Thưa các đồng chí và các bạn! Giải quyết việc làm cho thanh niên ở vùng nông thôn là một bài toán khó đối với các địa phương. Song, tùy theo tình hình thực tế mà từng địa phương đã trăn trở để làm thế nào giúp thanh niên có được việc làm.

MC1: Xã Gio Bình, huyện Gio Linh là một xã mà lãnh đạo đã rất quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho thanh niên. Trong những năm qua, Gio Bình cũng là địa phương thực hiện tốt nhiều giải pháp để tạo việc làm cho thanh niên. Xung quanh những vấn đề này, PV Ngọc Diệp đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Ngọc Dương-Phó chủ tịch UBND xã Gio Bình, mời các đồng chí và các bạn cùng lắng nghe.

1.     Thưa ông, trong thời gian qua xã Gio Bình đã giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương như thế nào?

2.     Thưa ông, tại xã Gio Bình việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương luôn gắn với mục tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên. Vậy ông có thể nói rõ hơn về nội dung này.

3.     Để giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương có hiệu quả và bền vững thì về phía xã cần có sự hỗ trợ như thế nào?

Vâng xin cám ông.

Nhạc cắt

MC2: Thưa các đồng chí và các bạn!  Có thể nói, để giải quyết việc làm cho lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương cùng với các chính sách thu hút, ưu đãi nhân tài.

MC1: Với những cách làm tương đối khác nhau, các địa phương cần xây dựng chương trình việc làm trên cơ sở gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề cho phù hợp. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

 
MC2: Đặc biệt, cần chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng… MC1: Huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn, đầu tư ngân sách thỏa đáng để mở rộng mạng lưới dạy nghề. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, nhất là các nghề kỹ thuật cao. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn cải thiện đời sống.

MC2: Từ những chính sách ưu đãi trên thanh niên mới có điều kiện để tham gia phát triển kinh tế, làm giàu một cách chính đáng ngay trên chính quê hương của mình.

Chào cuối: Trang thanh niên tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp xin kính chào và hẹn gặp lại các đồng chí và các bạn trong chương trình tuần sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 12/04/2018 12:49 Lê Vĩnh Nhiên 12/04/2018 14:37
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà