Đất và Người Quảng Trị - Bài Thôn A Bung giữa đại ngàn
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

                          

Phát thanh Đất và Người Quảng Trị

MC 1: Như Quỳnh và Như Hòa rất vui khi được gặp lại quý vị thính giả trong 15p của chuyên mục Phát thanh Đất và Người Quảng Trị ngày hôm nay.

MC2: Thưa quý vị thính giả, trong 15p chuyên mục phát thanh ngày hôm nay, mở đầu mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Thôn A Bung giữa đại ngàn” của Phóng viên Mỹ Nhị. Tiếp đó là bài viết “Gặp người bảo vệ dân phố tận tụy vì công việc” của PV Mỹ Nhị. Phần cuối chuyên mục, mời quý vị thính giả nghe bài “Ai về Di Loan hôm nay” của tác giả Nguyễn Việt. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị thính giả, mở đầu mời quý vị thính giả cùng đến với mảnh đất A Bung qua bài viết “Thôn A Bung” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Nằm cách trung tâm huyện Đakrông tầm 70 km, thôn A Bung, xã A Bung được ví là chiếc nôi ấp ôm, nuôi lớn đồng bào Pa Cô. Bao đời nay, người dân nơi đây vẫn giữ được nét chân chất, hiền lành và hiếu khách. Trong chuyên mục Nét đẹp làng quê ngày hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi đến với mảnh đất nằm giữa bát ngát, mênh mông đại ngàn Trường Sơn mà ai đến cũng yêu, cũng nhớ.

Có dịp đến với thôn A Bung, ta sẽ đắm chìm vào không gian thơ mộng của bản làng vùng cao. Tạo hóa dường như ưu ái cho mảnh đất A Bung khi đặt những dãy núi nhấp nhô, trùng điệp, quanh năm mây phủ bên dòng sông hiền hòa. Nằm ở lưng chừng núi, lưng chừng đèo, những ngôi nhà của người Pa Cô như một nét chấm phá trong bức tranh thủy mạc, điểm xuyết với đó là những mảnh ruộng tươi xanh.

Ông Hồ Văn Mìa, người có uy tín ở thôn A Bung vừa đi vừa chia sẻ cho chúng tôi về câu chuyện của làng. Xưa kia, thôn A Bung chỉ lác đác vài nóc nhà. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám từ ngày này qua tháng nọ. Không chịu nổi cảnh nghèo, một vài hộ đã rời bỏ nơi mình từng dựng nhà, lập vườn để đi tìm nơi ở mới. Trái lại, phần lớn bà con lại một lòng gắn bó với đất, với thôn làng, quyết chí biến “sỏi đá thành cơm”. Họ tìm cách chống chọi với thiên tai, thú dữ và học cách trồng cây này, con khác để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Điều đáng mừng là những bầm trầy khó khăn dần lùi xa. Cuộc sống của người dân thôn A Bung đã bước sang trang mới. Giờ đây, nhìn những ngôi nhà kiên cố, vững chãi đã dần thay thế túp lều tranh hoang sơ, tạm bợ. Từ đói nghèo, bà con đã có của ăn, của để.

Phỏng vấn ông Hồ Văn Mìa: Đọc dịch: Làng A Bung của chúng tôi được hình thành cách đây cũng lâu rồi. Bà con sống rất tình cảm, yêu thương nhau. Hiện tại, thôn chúng tôi có 124 hộ với trên 500 nhân khẩu, chủ yếu là người PaCo mang họ Hồ của Bác. Giờ đây, kinh tế ngày càng phát triển nhưng chúng tôi vẫn luôn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chúng tôi tin rằng, về sau, lớp trẻ sẽ hiểu được cội nguồn mà tôn quý những thế hệ đi trước, những người đã có công gây dựng nên làng A Bung như hôm nay.

Gắn bó với cuộc sống của bà con từ khi hình thành cho đến nay cũng ngót nghét mấy chục năm, tiếng đàn, tiếng hát đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Pa Cô ở thôn A Bung. Bên dòng suối trong xanh, róc rách chảy, tiếng hát hòa quyện với thanh âm của tiếng đàn đã tạo nên một bản nhạc đặc sắc. Cũng chính nhờ tiếng đàn, tiếng hát này mà cuộc sống của người dân thôn A Bung thêm phần phong phú hơn. Bao mỏi mệt của cuộc sống cũng được cuốn theo thanh âm trong trẻo vào tận ngút rừng sâu.

Đến thôn A Bung một ngày đầy nắng, điều làm chúng tôi lấy làm thích thú là bắt gặp những em nhỏ đang say sưa ngồi đọc sách ở nhà sinh hoạt cộng đồng. Những kệ sách và sách được trao tặng đặt ngay ngắn ở hải bên góc nhà cộng đồng với nhiều thể loại. Các em có thể tự chọn cho mình những quyển sách phù hợp để đọc. Điều đáng nói, không chỉ các em tìm đến với sách mà các cô giáo cũng như những cán bộ văn hóa thôn A Bung cũng dành thời gian giúp các em tìm hiểu rõ hơn về những cuốn sách mà các em cần. Đó có thể là những cuốn truyện tranh hay những cuốn sách mà trước đó các em chưa từng biết đến. Từ ngày có tủ sách chung, cánh cửa của nhà sinh hoạt cộng đồng hiếm khi đóng lại. Trước đây, người Pa Cô vẫn nghĩ “đói bụng mới chết, đói chữ chẳng sao”, thật mừng khi nhận thức ấy đã thay đổi. Nhiều người dân ở thôn A Bung khẳng định: “Không có cái chữ, người Pa Cô lầm lũi mãi”.

Phỏng vấn chị Hồ Thị Biên – Cán bộ VH xã A Bung: Từ ngày có tủ sách đến nay, các em đến đọc nhiều hơn. Hằng tuần chúng tôi đến từng nhà để trò chuyện với phụ huynh của các cháu để phụ huynh giúp thêm cho con em mình có cuộc sống cũng như điều kiện học tập tốt hơn.

Trải qua bao gian khó, giờ đây, thôn A Bung đang dần thay da, đổi thịt và ngày một no ấm hơn.

Nhạc cắt

Bài 2: Phần tiếp theo của chuyên mục, mời quý vị thính giả nghe bài viết “Gặp người bảo vệ dân phố tận tụy vì công việc” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Phát huy 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng người cao tuổi (NCT) Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Xuân Khởi ở khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị là một trong những người đã không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ, luôn gương mẫu và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của Hội Người cao tuổi. Đặc biệt, ở tuổi 63 ông Nguyễn Xuân Khởi lập nhiều thành tích cao  trong vai trò là Trưởng Ban Bảo vệ dân phố ở địa phương.

Cũng như nhiều đồng đội, đến giờ, những vết thương chiến tranh vẫn khiến ông Nguyễn Xuân Khởi ăn không ngon, ngủ không yên mỗi lúc trái gió trở trời. Cùng với đó, một nỗi đau luôn âm ỉ trong lòng ông là người con trai cả không may mắn được khoẻ mạnh do di chứng của chất độc màu da cam. Thế nhưng, gác lại mọi bộn bề lo toan của cuộc sống, ông Khởi vẫn tình nguyện gánh vác những công việc mà không phải ai cũng đủ tâm huyết để làm. Sau ngày nghỉ hưu, ông Khởi tham gia sôi nổi, tích cực các phong trào, hoạt động ở địa phương, từ tổ trưởng an ninh, hội viên hội cựu chiến binh, khu phố trưởng rồi tham gia vào sinh hoạt ở Câu lạc bộ Hội Người cao tuổi phường 1, thị xã Quảng Trị. Khi được hỏi lý do vì sao mặc dù tuổi đã cao nhưng ông lại tích cực tham gia công tác xã hội, ông Nguyễn Xuân Khởi hồ hởi chia sẻ rằng:

Trích băng tiếng ông Nguyễn Xuân Khởi: ( Mặc dù năm nay tôi cũng đã bước qua tuổi 60, nhưng với bản tính của 1 người lính, tôi góp chút sức lực nhỏ để xã hội thêm phần văn minh…)

Khi nhận trọng trách Trưởng Ban Bảo vệ dân phố phường 1, ông Nguyễn Xuân Khởi đã xác định sẽ phải gánh vác nhiều công việc vất vả. Tuy đã có tuổi nhưng ông Khởi vẫn ngày đêm tổ chức, tham gia các buổi tuần tra cùng anh em. “Các đối tượng xấu thường lựa chọn thời điểm mà lực lượng chức năng và người dân thiếu cảnh giác nhất để hoạt động như: đêm hôm khuya khoắt, ngày nghỉ, lễ tết… Thế nên, chúng tôi phải chú ý đến từng động tĩnh nhỏ diễn ra trên địa bàn” – Ông Khởi chia sẻ. Cũng nhờ tinh thần cảnh giác cao mà ông cùng đồng đội đã thành công trong việc bắt giữ nhiều đối tượng bị truy nã, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma tuý… Không ít lần một số đối tượng xấu vì thù ghét, muốn trả đũa mà tìm cách gây gổ, “khủng bố” tinh thần ông nhưng phát huy bãn lính của người lính cụ Hồ, ông Khởi không e ngại, Ngược lại, ông tìm hiểu kỹ từng đối tượng để cảm hoá, giáo dục. Thời gian qua, ông và anh em trong Ban phối hợp cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ và quản lý 23 đối tượng chậm tiến, trong đó 19 đối tượng đã tiến bộ. Những đóng góp không ngừng của ông Khởi là tấm gương sáng cho mọi người cùng noi theo. Ông Hoàng Minh Diến, Phó Bí thư thường trực Đảng Uỷ - Trưởng Khối dân vậnphường 1 thị xã Quảng Trị nói về ông Nguyễn Xuân Khởi một cách hào hứng:

Trích băng tiếng ông Hoàng Minh Diến: ( Ông Nguyễn Xuân Khởi là một người mặc dù cao tuổi nhưng vẫn rất năng nổ và nhiệt tình với công việc. Ông nhận được nhiều bằng khen và giấy khen về thành tích Bảo vệ dân phố. Góp phần làm cho xã hội văn minh…)

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”, ông Nguyễn Xuân Khởi còn là một Hội viên Hội Người cao tuổi điển hình của HNCT khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị. Ông tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, sinh hoạt định kỳ đầy đủ. Vận động bà con tham gia tập dưỡng sinh buổi sáng, tạo sân chơi bổ ích cho hội viên. Bên cạnh đó, ông luôn động viên các hội viên cùng tham gia phát triển kinh tế gia đình để nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó mà đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt.

Ông Hoàng Văn Tuyên, Chi Hội trưởng Hội Người cao tuổi khu phố 3, phường 1, thành phố Đông Hà cho biết thêm:

Trích băng tiếng ông Hoàng Văn Tuyên: ( Ông Nguyễn Xuân Khởi không chỉ là một Trưởng Ban bảo vệ dân phố gương mẫu, tốt bụng mà còn là một Hội viên Hội NCT tận tâm và có nhiều đóng góp cho Hội. Đặc biệt là vận động bà con Hội viên phát triển kinh tế…)

Từ những cố gắng của bản thân, ông Nguyễn Xuân Khởi đã đóng góp vào thành tích công tác Hội và thành tích chung của phường 1. Ông nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của khu phố, phường về thành tích trong công tác giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trở thành tấm gương NCT mẫu mực, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho con cháu noi theo, cộng đồng nơi cư trú yêu mến gọi ông Nguyễn Xuân Khởi bằng cái tên trìu mến “người lính không có tuổi hưu”

Nhạc cắt

Bài 3: Phần cuối của chuyên mục, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Về Di Loan” của tác giả Nguyễn Việt.

Làng Di Loan thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tên sơ khởi xưa kia của làng là Di Luân, theo sách Phủ Biên Tạp lục của tác giả Lê Quý Đôn vào năm 1776 thì làng Di Luân có tên trong 21 xã, 13 phường thuộc Tổng Minh Lương, huyện Minh Linh thuộc Phủ Quảng Bình. Ngày 2/5/1953 thì xóm Loan Lý thuộc làng Di Loan được lập một làng mới đặt tên làng là Di Loan Bắc Xã, còn làng Di Loan cũ gọi là Di Loan Nam Xã. Về sau Di Loan Bắc Xã đổi tên thành Làng Loan Lý, còn Di Loan Nam Xã thì gọi tên Di Loan như cũ cho đến ngày nay. Phải nói rằng quá trình hình thành và phát triển của làng Di Loan là những sự va đập, thăng trầm của câu chuyện lịch sử với những sự tách chia, sát nhập, ly tao trong đó có không ít câu chuyện buồn vui đắng đót đời người-đời nghề của bao thế hệ.

Đến với Di Loan người ta sẽ ngạc nhiên bởi vị trí địa lý đã tạo nên một vùng đất có địa thế hưng thịnh, nước biếc non xanh. Bên cạnh những nét đẹp vốn có của một làng quê bên sông, bên biển với bến tàu và những con thuyền, những chiếc lưới với con thuyền thúng bé nhỏ đánh cá trên sông thì làng Di Loan còn mang dáng dấp của một  làng nông nghiệp với cánh đồng lúa xanh tươi đang e ấp dậy thì con gái, những rặng cau già an nhiên giấc trưa trong một ngày nắng lên. Làng Di Loan nằm về phía Bắc của sông Bến Hải, phía Bắc giáp làng Vinh Tân, phía Tây làng Tùng Luật, phía Đông là những trảng cát nối liềnbờ biển và cánh đồng lúa mà trước đây là những thảm muối như lộc của biển dâng tặng cho con người.

Nghề làm muối là một nghề truyền thống hàng trăm năm nay của người dân Di Loan, bởi vậy nên có làng có một danh từ gọi là Kẻ Mói, theo ngôn ngữ địa phương gọi làng nghề làm muối. Với chất lượng đặc biệt, hạt muối thấm đẫm bao mồ hôi công sức của người dân Di Loan đã làm mặn mòi thêm bữa ăn của bao gia đình của nhiều vùng miền ngược xuôi. Tuy nhiên như lời người xưa thì vật rồi cũng đổi, sao rồi cũng dời, ruộng lúa ắt có lúc cũng biến thành nương dâu. Câu chuyện nghề muối của Di Loan cũng đã ở đâu trong ký ức, những cánh đồng muối trắng xóa giờ đây nhường chỗ cho hạt lúa đơm bông, con cá con tôm mùa sinh sôi rạo rực. Tuy ở gần sông, nhưng người Di Loan xưa nay không chọn nghề sông nước làm mưu sinh, hiện chỉ có một số ít hộ dân làm nghề đánh cá bằng các loại chài lưới thô sơ và cất rớ dàn trên khúc sông chảy qua phía đông của làng.

Xã Vĩnh Giang xưa nay lừng danh với phong trào văn hóa văn nghệ, đặc biệt là hát dân ca. Cũng như làng Tùng Luậtnằm gần kế bên, dân ca như nằm trong huyết mạch của người Di Loan, trẻ nhỏ hay người già cà, nam hay nữ trong làng đều yêu thích hát ca, bất cứ lúc nào dù đang lao động hay nghĩ ngơi họ cùng có thể dùng những câu hát dân ca đều giãi bày tâm sự về tình yêu lứa đôi, về hạnh phúc gia đình hay chuyện nhân tình thế thái. Dân ca hò vè được người Di Loan lưu truyền từ đời này sang đời khác và càng ngày càng thêm phong phúđa dạng. Những nghệ nhân trong làng có trách nhiệm gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ đời sau những khúc dân ca đã đi qua năm tháng. Ai về Di Loan, được nghe những khúc dân ca, ta như đồng vọng hồn dân tộc trong mỗi điều dung dị nhất.

Nghệ nhân Lê Văn Trọng nói về hoạt động hát dân ca của Di Loan

Trong những năm tháng chiến tranh chống chống Mỹ, người dân Di Loan son sắt thủy chung với Đảng và cách mạng, anh dũng đứng lên chống giặc ngoại xâm. Máu của rất nhiều con dân của Vĩnh Giang và thôn Di Loan đã đổ xuống trên mãnh đất quê hương, tuy nhiên người Di Loan vẫn kiên cường cùng toàn thể dân tộc đi đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Nơi bến đò B lịch sử này, hôm nay rất thanh bình với dòng nước lững lờ trôi qua bến cộ, những lưới dàn đánh cá rũ bóng trên sông, những chú bò thản nhiên gặm cỏ bên vệ đường. Nhưng vào những năm tháng khói lửa chiến tranh ấy là bom đạn rền trời, là tấp nập những đoàn quân, những chuyến hàng chỡ đầy lương thực đạn dược lao qua dòng hướng về tiền tuyến và có cả những còn thuyền ngược lại chỡ nặng nước mắt đau thương.

Cựu chiến binh Trần Văn Đẳn- Thôn Di Loan- Vĩnh Giang- Vĩnh Linh

Chiến tranh qua đi, người dân Di Loan ly tán các nơi trở về bắt tay xây dựng lại quê hương. Từ một túi bom đạn nơi địa đầu giới tuyến, với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của mình, người dân Di Loan đã đánh thức đất đai để cho những mùa màng bội thu, những vườn cây sai quả. Về Di Loan hôm nay người ta sẽ thấy một bức tranh tươi mới của một vùng quê. Sự trù phú này không phải đến từ sự ưu đãi của thiên nhiên mà đến từ chính bàn tay chai sạm trong lao động của người Di Loan. Bên cạnh việc trồng cấy lúa thì với địa thế vùng đất đỏ Bzan màu mỡ bà con đã trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp trong đó đặc sản tiêu Di Loan cay thơm nức tiếng gần xa. Không biết có phải được hưởng ngọn gió biển mặn mòi hay không nên tiêu Di Loan kích thước to và chắc hạt, có thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do ở gần cửa biển nên người dân Di Loan cũng đã phát triển nuôi trồng các loại thủy hải sản mà chủ lực là tôm thẻ và cua, cá nước lợ. Những hồ nuôi như thế này được đầu tư, chăm sóc công phu, kỹ lưỡng và hàng năm cho thu nhập cao. Cùng với sự đồng lòng đồng sức của cán bộ và nhân dân, công cuộc xây dựng lại diện mạo mới và nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn ở Di Loan đã có những bước tiến vượt bậc. Đường làng ngõ xóm, các công trình công cộng được quy hoạch và xây cất rộng rãi, vững chắc. Các thiết chế văn hóa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao luôn được quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Cảm- Bí thư chi bộ thôn Di Loan, Vĩnh Giang

Bà Phan Thị Liên- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh

          Cùng với tiến trình đi lên của mình, Di Loan đang đổi thay từng ngày, những ngôi nhà tươi mới được trang trí bởi không gian cây xanh đã thay thế cho một thời gian khó chưa xa. Những nụ cười, những ánh mắt của trẻ thơ, người già, đang tự tin với những gì đang có của cuộc sống hôm nay. Đã rời xa, rất xa nhưng đọng mãi trong lòng người lữ khách là những ca từ của một bài dân ca đầy tự hào về một miền quê Di Loan xa mà gần thế đó.

Nhạc cắt

Chào cuối

 

 

 

 


File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 25/04/2018 07:16 Trần Thị Mỹ Nhị 25/04/2018 07:16
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà