Khoa học và đời sống( phát thanh): Mô hình nông sản sạch-hướng sản xuất bền vững
Danh mục
Khoa học và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục khoa học và đời sống

MC1: Như Hòa và….xin kính chào quý thính giả nghe đài.

Thưa quý thính giả, trong vài năm trở lại đây người tiêu dùng luôn quan tâm đến thực phẩm sạch. Và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều mô hình nông sản sạch, nông sản hữu cơ ra đời để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

MC2: Vậy chất lượng hàng hóa nông sản sạch, nông sản hữu cơ được thực hiện như thế nào?

MC1: Đây cũng là câu hỏi mà chúng tôi muốn đề cập đến trong chuyên mục khoa học và đời sống tuần này. Mời quý thính giả cùng theo dõi.

 

Nhạc cắt

 

MC2: Thưa quý thính giả! Nông sản sạch, nông sản sạch là những từ được nhắc rất nhiều trong những năm trở lại đây.

MC1: Nắm bắt được xu thế người tiêu dùng nhiều mô hình nông sản sạch nông sản hữu cơ được hình thành tại các làng quê ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

MC2: Trong đó phải kể đến những mô hình trồng rau thủy canh ở Hải Lăng, trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, mô hình trồng dưa lưới dưa hấu trong nhà kín ở Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh.

MC1: Việc chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng áp dụng công nghệ cao để cung ứng cho thị trường đang là một hướng đi mới với nhiều hứa hẹn đối với người dân vùng khó Quảng Trị. Không chỉ đảm bảo được sức khỏe cho người tiêu dùng mà người nông dân có thêm điều kiện để sản xuất làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Thành công bước đầu của những mô hình đã và đang chứng minh cho cách làm đúng đắn này…

MC2: Để cho ra đời những mô hình nông sản sạch, nông sản hữu cơ người nông dân cũng phải trãi qua những quy trình như: giống, đầu tư nhà lưới, bạt và phân bón.

MC1: Từng quy trình đều được thực hiện khá chặt chẽ như giống thì phải chọn loại giống gì cho thích hợp. Đặc biệt trong quá trình bón phân phải sử dụng bón phân như thế nào để mang lại hiệu quả cao. Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh-trạm bảo vệ thực vật và trồng trọt huyện Gio Linh chia sẽ việc bón phân đối với mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng:

Băng: Đối với việc trồng mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng phải bón phân theo một tỷ lệ nhất định khi đó mới đạt kết quả.

MC2: Canh tác theo phương pháp nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao hướng người nông dân khi trồng trọt phải áp dụng theo một quy trình chuẩn khép kín, đặc biệt không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trong sản xuất mà chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh.

MC1:  Bên cạnh đó, người sản xuất luôn lấy phương châm ưu tiên sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu là hướng đi mới mang tính nhân văn đáp ứng xu thế, tâm lý và thị hiếu mua hàng của người dân hiện nay. Để sản phẩm nông sản đạt tiêu chí sạch, các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải đạt chứng nhận về điều kiện đất, hệ thống nước tưới, các điều kiện nhân lực, giống và kĩ thuật chăm sóc đảm bảo...Ngoài ra, người dân còn được tập huấn khá kỹ trong quá trình trồng, chăm bón và bón phân chính vì vậy hiệu quả mang lại đạt kết quả cao. Ông Nguyễn Hữu Đạt-Hợp tác xã nông sản sạch huyện Triệu Phong nói:

Băng: Trước khi đi vào vụ chúng tôi tổ chức tập huấn cho người nông dân để qua đó người dân biết được quy trình thực hiện trồng các loại nông sản sạch.

MC2: Năm 2017, là một năm đánh dấu sự thành công từ việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mở màn với mô hình trồng thủy canh rau xà lách và dưa lưới của Hợp tác xã Nguyên Khang ở huyện Hải Lăng với diện tích 2.000m2 trong nhà kính.

MC1: Sau đó, nhiều địa phương bắt đầu triển khai và mang lại kết quả tốt tiêu biểu như: mô hình trồng măng tây của Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị ở xã Vĩnh Tú với 12 ha được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị xác nhận vùng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; mô hình trồng dưa lưới, dưa hấu và rau tại xã Vĩnh Tú và Vĩnh Trung của huyện Vĩnh Linh… 

 

Nhạc cắt

 

 MC2: Thưa quý thính giả! Có thể nói, việc trồng các loại rau củ quả chất lượng và mang lại hiệu quả cao ngoài giống, phân bón thì thuốc bảo vệ thực vật cũng đóng một vai trò quan trọng.

MC1: Chính vì vậy,  để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình tích cực. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

MC1: Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư kỹ thuật không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng nếu sử dụng quá mức sẽ dẫn đến hậu quả rất tai hại. Vì vậy, giải quyết hài hòa giữa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường là một vấn đề quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại.

MC1: Hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường đang thay thế dần các loại thuốc cũ. Tuy nhiên, dù là loại thuốc bảo vệ thực vật nào cũng đều có tính chất độc hại, bởi bản chất của thuốc bảo vệ thực vật là dùng độc tố để tiêu diệt sâu bọ và mầm bệnh.

MC2: Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang xảy ra khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật càng trở nên nguy hiểm, trong đó đáng lo ngại nhất là rau ăn lá, rau gia vị, cây ăn quả…Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh nói:

Băng: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá rất nguy hiểm cho người dùng. Đối với chúng tôi những người tiêu dùng khi đi chợ làm sao phân biệt được những loại thực phẩm nào sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật.  

MC1: Thực tế cho thấy, đại bộ phận bà con nông dân khi phát hiện thấy sâu bệnh là mua thuốc của các cửa hàng kinh doanh, pha và phun theo kinh nghiệm hoặc hướng dẫn. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hơn 20 năm qua, ngành nông nghiệp đã ban hành danh mục cấm hoặc hạn chế một số thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng.

MC2: Bởi vì, nếu sử dụng hoạt chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng cao và không tuân thủ thời gian cách ly cũng gây ra tình trạng tồn dư hóa chất trong nông sản.

MC1: Không thể phủ nhận, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân.

MC2: Tuy nhiên, nó cũng gây không ít tác hại như diệt các loại côn trùng có lợi cho cây trồng, gây thoái hóa tài nguyên đất, ảnh hưởng xấu sức khỏe con người. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn những hệ lụy trong việc lạm dụng thuốc để người nông dân nâng cao nhận thức của bản thân, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh.

Nhạc cắt

MC2: Thưa quý thính giả! Trải qua hơn 50 năm, với cuộc cách mạng nông nghiệp, bằng cách ứng dụng kỹ thuật trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nền nông nghiệp đã làm đạt được những kết quả vượt bậc, bằng chứng là bất chấp những khắc nghiệt của thời tiết, con người vẫn đạt được năng suất sản lượng nông nghiệp rất cao.

MC1: Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc canh tác không theo đúng quy trình kỹ thuật, quá chú trọng về mặt số lượng mà quên đi chất lượng. Việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV đã dẫn đến sự tàn phá môi trường, gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và đặc biệt gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người.

MC2: Để khắc phục những hạn chế nói trên, tổ chức tầm nhìn thế giới tại Triệu Phong đã hỗ trợ cho bà con nông dân xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên, đây là mô hình đầu tiên được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

MC1: Ở nước ta, ngày càng bộc lộ những tồn tại của nền sản xuất nông nghiệp kém bền vững, đất đai ngày càng suy thoái, môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trong những tồn tại đó là việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không hợp lý làm sản phẩm đầu ra không đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch. Xuất phát từ những hạn chế đó, xu hướng canh tác nông nghiệp tự nhiên đang ngày càng được quan tâm.

MC2: Canh tác nông nghiệp tự nhiên do Tiến sỹ người Hàn Quốc Cho Han Kyu phát kiến từ 1967. Triết lý của canh tác tự nhiên là tôn trọng tự nhiên ,dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất trồng, nguồn nước làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp.

MC1: Tại Quảng Trị, Nhằm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp, tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện Triệu Phong đã hỗ trợ cho bà con nông dân xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên, đây là mô hình đầu tiên được triên khai thí điểm trên địa bản tỉnh .Ông Đào Văn Đức- Trưởng dự án Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong cho biết:

Băng: Mô hình đầu tiên chúng tôi triển khai nếu được sẽ nhân rộng

MC2: Trong thời gian vừa qua được sự tài trợ của Chương trình “02 cây, 02 con” cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác các mô hình nông nghiệp từ Trạm khuyến nông huyện Triệu Phong, gia đình chị Hoàng Thị Gái ở thôn An Trú xã Triệu Tài huyện Triệu Phong đã tiến hành thử nghiệm các mô hình canh tác tự nhiên trồng rau và chăn nuôi gà, lợn theo phương pháp tự nhiên, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh được người nông dân tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên từ trong chính vườn của mình như nước gừng, tỏi… Mặc dù không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng vườn rau của chị phát triển xanh tốt, rất ít sâu hại. Chị Hoàng Thị Gái – thôn An Trú, xã Triệu Tài, Triệu Phong chia sẻ:

Băng: Gia đình tôi áp dụng mô hình với không thuốc trừ sâu, không phân bón và đã thấy hiệu quả

MC1: Hiện nay trên địa bàn huyện Triệu Phong có 70 hộ tham gia mô hình canh tác tự nhiên do tổ chức tầm nhìn thế giới hỗ trợ. Nguyên tắc của việc canh tác này là dùng các dưỡng chất truyền thống của các hạt, vi sinh vật bản địa (gọi tắt là IMO), để cho cây trồng phát triển tự nhiên, dựa theo đặc điểm và tính chất khí hậu của vùng và những gì con người can thiệp vào hệ sinh thái chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt sản lượng tốt nhất. Mặc dù phương thức canh tác này đòi hỏi người dân bên cạnh việc tuân thủ chính xác các yêu cầu về kỹ thuật thì cần có sự sự tỉ mỉ, kiên trì tuy nhiên qua gần 1 năm triển khai người nông dân đã tiếp thu và ứng dụng tốt các kỹ thuật khoa học và đã làm được điều đó.

MC2: Với sự hỗ trợ rất thiết thực từ chương trình của tổ chức Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong, bà con nông dân ở Triệu Phong đã bước đầu hình thành nên mô hình canh tác nông nghiệp tự nhiên với rất nhiều ưu điểm so với phương pháp canh tác nông nghiệp hiện nay. 

MC1: Từ thực tế sản xuất,  có thể nhận thấy những lợi ích canh tác tự nhiên mang lại là rất lớn, giảm chi phí đầu vào nguyên liệu, tận dụng nâng cao hiệu quả sử dụng các chất thải nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, tạo ra các sản phẩm sạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Ông Đào Văn Đức- Trưởng dự án Tầm nhìn thế giới huyện Triệu Phong cho biết

Băng: Định hướng trong thời gian đến

MC2: Có thể khẳng định, trước nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường hiện nay, việc phát triển các mô hình canh tác nông nghiệp sạch  nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng là việc hết sức cần thiết và quan trọng. 

Nhạc cắt

MC1: Thưa thính giả! Thay đổi nhận thức trong sản xuất, xây dựng một nền nông nghiệp sạch và bền vững không thể một sớm, một chiều. Việc thực hiện sản xuất rau, củ, quả để được chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm cần phải tuân thủ rất nhiều điều kiện từ khâu chọn đất, nước tưới, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm… đến các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

MC2: Đây là việc làm khá mới mẻ đối với cả chính quyền địa phương các xã và các hộ sản xuất rau, củ, quả tại các làng quê. Theo đó, hình thành được các mô hình canh tác theo chuỗi sản xuất an toàn để nhân dân trên địa bàn áp dụng thực hiện.

MC1: Trước nhu cầu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, việc phát triển nông nghiệp sạch góp phần cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng là hết sức quan trọng. Canh tác nông nông sản sạch không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người dân đến gần hơn nền sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Chào cuối: Chuyên mục khoa học và đời sống tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp…xin kính chào quý thính giả và hẹn gặp lại trong những chương trình sau.




 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 04/05/2018 15:08 Lê Vĩnh Nhiên 07/05/2018 06:30
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà