DÂN CA NHẠC CỔ 8-3
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẾN VỚI DÂN CA NHẠC CỔ VIỆT NAM

Phát sóng: thứ 6 ngày 8-3

Kính chào QV&CB! Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong 15 phút chương trình phát thanh Đến với dân ca nhạc cổ tuần này. Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8-3 xin được gửi những lời chúc ý nghĩa nhất đến các bà, các mẹ, các chị và các em gái. Chúc một nửa thế giới xinh đẹp 365 ngày luôn là ngày 8-3! Còn bây giờ mời quý vị cùng đến với phần nội dung chi tiết của chương trình tuần này.

NHẠC CẮT

Thưa QV&CB! Dân ca Quan họ là loại hình văn hóa phi vật thể. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Quan họ có từ thế kỷ 17, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Về mặt sáng tạo nghệ thuật dân ca Quan họ được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc, đến nay còn gần 30 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ. Quan họ là một làn điệu, một loại hình dân ca đặc sắc, một lối hát giao duyên nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ – Việt Nam mà tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc. Đó cũng chính là nội dung của chương trinh Dân ca nhạc cổ tuần này. Mời quý vị cùng tìm hiểu về: Dân ca Quan họ Việt Nam. 

Người ở đừng về

Thưa quý vị! Tên gọi “quan họ” đã có từ rất xa xưa, không ai biết chính xác vì sao lại có tên gọi này. Có rất nhiều giả thuyết lý giải nhưng cho đến nay chưa có giả thuyết nào có đủ tính thuyết phục.Có giả thuyết cho rằng “quan họ” là thể loại âm nhạc của “họ nhà quan” nên được gọi là “quan họ” (khác với các thể loại dân ca khác, quan họ không được sinh ra từ tầng lớp nhân dân lao động, mà được sinh ra từ tầng lớp trung lưu nông thôn). Cũng có truyền thuyết cho rằng, có một ông quan cưỡi ngựa đi qua làng Diềm Xá (xã Hòa Long, huyện Yên Phong), gặp một cô gái đang hát điệu dân ca. Ông quan dừng ngựa lại (họ) để nghe, mê tiếng hát và đặt tên là làn điệu quan họ.

Nội dung chính trong buổi hát Quan họ thường là khi hai bên nam – bọn Quan họ nam và nữ – bọn Quan họ nữ hát đối nhau. Đứng đầu mỗi bọn Quan họ là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng ra đến khi đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên.

Thời gian: Từ mồng 4 Tết âm lịch , trong gần ba tháng mùa xuân đầu năm, hội làng ở các làng Quan họ và các làng kế cận liên tiếp diễn ra. Suốt tháng 8 âm lịch lại là các hội lệ vào đám của các làng. Cho nên mùa xuân và mùa thu là mùa hội cũng là mùa ca hát Quan họ rộn rịp, tưng bừng làng trên, thôn dưới.

Ngồi tựa song đào – Nghệ sỹ Minh Thành

Trong hát quan họ trai thường mặc trang phục áo lụa, áo the, quần sớ, khăn xếp; nữ thì mặc mớ bảy mớ ba, áo tứ thân nhiều điều, nhiều tía, yếm xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, đeo khuyên vàng xà tích. Khi hát ngoài trời thì nam thường che ô còn nữ che nón thúng quai thao để tăng thêm vẻ lịch sự, duyên dáng. Quan họ rất phong phú về làn điệu : la rằng, đường bạn kim loan, cây gạo, giã bạn, hừ la, la hới, tình tang, cái ả, lên núi, xuồng song, cái hồ, gió mát trăng thanh, tứ quý,… Một cuộc hát quan họ hay một canh hát bao giờ cũng có ba chặng. Chặng mở đầu thuộc về giọng lề lối, hát chừng mười bài giọng lề lối họ chuyển sang giọng sổng để vào chặng giữa, các bài ở chặng giữa là ở giọng vặt, chặng cuối là giọng giã bạn. Khi nghe hát quan họ, chúng ta thường có cảm nhận đặc biệt về loại hát dân ca này bởi tính chất âm nhạc trữ tình mượt mà đằm thắm. Họ mượn câu hát để bày tỏ tình yêu nhưng rất ý nhị, lời ca đầy chất thơ. Lối hát quan họ giàu tính kỹ thuật như: hát ngắt, lảy hạt (hay còn gọi là nhả hột), rung giọng, ngân nga, nhiều luyến láy. Ngoài ý thơ chính, lời ca của bài hát quan họ còn có nhiều từ phụ, tiếng đệm… tăng thêm vẻ ngọt ngào làm say đắm lòng người.

Đêm qua nhớ bạn – Thúy Hương – Quang vinh

Thưa quý vị và các bạn!Quan họ nam mời trầu quan họ nữ. Sau đó họ hát với nhau những lời ướm hỏi, nếu ý hợp tâm đầu họ sẽ hẹn hò nhau ở làng bên nữ để tổ chức lễ kết nghĩa. Nơi tổ chức kết nghĩa có thể ở đình hoặc ở nhà bố mẹ chị Cả, chị Hai và do cụ Đám (còn gọi là ông trùm hoặc bà trùm) đứng ra làm chủ sự. Lễ kết nghĩa được bắt đầu bằng những lời thăm hỏi tận tình hoặc những lời thề thốt. Sau đó, họ lại có buổi gặp nhau ở bên nam. Tại đây họ có thể hát thâu đêm suốt sáng để thổ lộ với nhau về tình cảm. Căn cứ vào sự đồng nhất về cữ giọng, âm sắc, họ xếp thành từng cặp: Anh Cả – Chị Cả, anh Hai- chị Hai, anh Ba – chị Ba, anh Tư – chị Tư… Lời ca trong quan họ chủ yếu nói về tình yêu nam nữ, sự gắn bó thủy chung. Nhưng trên thực tế họ không hề nghĩ đến chuyện yêu nhau mà chỉ quan hệ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Họ gọi nhau bằng anh, chị và xưng em hoặc tôi. Thời gian kết nghĩa của người quan họ có thể từ đời này sang đời khác hay có khi chỉ một vài năm. Địa điểm ca hát quan họ thường là ở sân nhà, trước cửa đình , cửa chùa, dưới gốc đa, bên sườn đồi, trên thuyền, bến nước…

Tay tiên chúc chén rượu đào – thúy Cải

Hàng năm, mỗi khi đình đám hội hè, làng có hội phải cử đôi quan họ đến các làng quan họ kết chạ để mời. Đúng hẹn, các Liền anh Liền chị được mời đến đông đủ. Ngay từ cổng làng, cổng đình chùa, quan họ chủ nhà đã ra đón khách: Tay bê cơi trầu miệng hát mời đón khách bằng những lời ca nghe ngọt ngào, tế nhị. Sau đó, quan họ chủ nhà mời quan họ bạn đi lễ Phật, lễ thánh, hát hội. Và ngày xưa hát hội là để giao lưu văn hoá giữa các bọn quan họ nam và nữ, chứ không thi hát lấy giải. Vui chơi hát hội đến sẩm tối, quan họ chủ nhà mời quan họ bạn về nhà ông (bà) Trùm để hát canh vào mỗi canh quan họ thường thâu đêm đến sáng. Ai cũng nghĩ tiếng hát Quan họ là tiếng hát cầu duyên, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu may và có thể là cái cầu nối với đất trời, thần, phật để thỉnh cầu: cầu mưa, giải hạn, tiêu trùng… Chính tâm lý này đã tạo nên những thói quen, phong tục đẹp của làng xã, gia đình đối với những người ca hát Quan họ, đối với hoạt động ca Quan họ, do đó, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát triển Quan họ bền vững, lâu dài.

Lúng liếng – Thúy Hường – Quang Vinh

Thưa quý vị! Cũng như nhiều nước trên thế giới, âm nhạc dân gian Việt Nam là nguồn cội để nền âm nhạc Việt Nam phát triển. Quan họ Bắc Ninh là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc sắc của văn hóa dân gian Việt Nam. Cùng với thời gian, quan họ Bắc Ninh không còn chỉ bó gọn là “quan họ làng” mà đã lan tỏa tới khắp mọi miền của tổ quốc, thậm chí còn bay qua biên giới tới bè bạn năm châu. Việc giới thiệu truyền bá cho dân ca quan họ là rất nên làm, bởi chúng ta đã biết và có ý thức đến việc bảo tồn lưu giữ vốn cổ của dân tộc. Chúng ta cũng đã biết dùng vốn cổ đó để làm niềm tự hào cho nghệ thuật nước nhà. Trước kia, các liền anh liền chị quan họ chỉ được hát trong sinh hoạt của “quan họ làng”, còn nay, tiếng hát của họ đã được phát trên làn sóng đài phát thanh, trên làn sóng truyền hình – trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan họ không chỉ là các cuộc thi hát giữa các làng với nhau mà đã trở thành những cuộc thi hát dân ca tiêu biểu của đất Bắc, trở thành những làn điệu quen thuộc của người Việt Nam. Và đến đây thì 15 phút chương trình dân ca nhạc cổ chủ đề: dân ca quan họ cũng xin được khép lại. Thân chào tạm biệt và hẹn gặp quý vị trong ct tuần sau!

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 27/02/2019 09:59 Lê Vĩnh Nhiên 15/03/2019 10:10

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà