Tạp chí dân tộc miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí dân tộc miền núi  21-4

          Rất vui khi được gặp lại đồng bào và các bạn trong Tạp chí Dân tộc và Miền núi hôm nay. Trong chương trình kỳ này chúng tôi xin giới thiệu đến đồng bào và các bạn phóng sự ghi nhận về hiệu quả của mô hình cây chuối và cây tiêu khuyến học ở bản Cồn xã Tân Lập huyện Hướng Hóa. Tiếp đó mời đồng bào cùng đến với bản Đá Bàn ở xã Ba Nang huyện Đakrông để tìm hiểu về nghề nấu rượu men lá của đồng bào nơi đây. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

          Thưa đồng bào và các bạn! Sau ba năm phát động mô hình cây chuối, cây tiêu khuyến học, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị đã dành hẳn một khoảnh đất bên góc vườn trồng những cây chuối, cây tiêu với chế độc chăm sóc đặc biệt để đầu tư cho các khoản chi phí đến trường của con em mình. Nhờ đó, tình trạng bỏ, nghỉ học giữa chừng giảm hẳn! Mời đồng bào và các bạn cùng đến với bản Cồn để tìm hiểu rõ hơn về mô hình này.

          Nắng tháng Tư ở miền đất lửa mang theo hơi nóng bỏng rát. Chị Hồ Thị Phiên ở Bản Cồn (xã Tân Lập) vẫn cặm cụi vun gốc, rào lại những thanh tre che chắn cho góc chuối vừa trổ buồng bên hè nhà. Đây là gốc chuối khuyến học mà gia đình chị đã tham gia được 3 năm nay, nhờ có mô hình này mà con của chị có cơ hội được học hành.

Trong kí ức của chị Phiên, lên 10 tuổi, đang học lớp 2 thì mẹ mất, chị phải bỏ học giữa chừng, cuốc bộ cả trăm cây số từ huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đến tận Tân Lập để tìm cha. Con đường học của chị cũng bị đứt đoạn từ đó. Ngày ấy, nhìn những bạn bè đồng trang lứa đến trường, trong lòng chị luôn khao khát một ngày được trở lại lớp học, nhưng cuộc sống ngày đó quá khó khăn, tới tuổi lập gia đình rồi sinh con, niềm mơ ước chị dành cả gửi lại theo bước chân các con mỗi ngày. Vì vậy, khi được thôn phát động mô hình cây chuối khuyến học, chị đi tiên phong trong bản, trồng hẳn ba gốc chuối, vun gốc, rào tre và cẩn thận cắm lên chiếc bảng cây chuối khuyến học để đổi lấy áo quần, sách vở cho con.

Phỏng vấn

Chị HỒ THỊ PHIÊN

Bản Cồn – Tân Lập – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Gia đình tôi tham gia mô hình này đã được ba năm rồi. Lúc đầu chỉ trồng một cây, sau đó thì trồng thêm vài cây nữa. Cứ cây lớn trổ buồng thì cây con mọc mần lên tiếp nối, cho quả liên tục. Chúng tôi cứ bán chuối rồi bỏ vào ống tiết kiệm, khi cần thì lấy ra mua áo quần, sách vở cho con đi học, nhờ vậy mà con cái có đầy đủ sách vở để đi học, không lo phải nghỉ học giữa chừng nữa. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng cho con học đến nơi đến chốn. )

          Bản Cồn có 68 hộ dân với 286 nhân khẩu. 100% là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác ít, đa phần là nương rẫy thiếu nước thủy lợi. Bà con canh tác chủ yếu là cây sắn, phần còn lại là tiêu, chuối, lúa… Trước đây cuộc sống khó khăn, nhận thức của bà con về việc học tập của con cái còn thấp, ít chăm lo nên tình trạng bỏ, nghỉ học diễn ra thường xuyên. Dù trường tiểu học và mầm non nằm ngay trung tâm bản nhưng tỷ lệ học sinh vắng học thường xuyên xảy ra. Công tác vận động con em đến trường gặp rất nhiều khó khăn.

          Phỏng vấn

          Anh NGUYỄN TRUNG HIẾU

          Bí thư Chi bộ thôn Bản Cồn – Tân Lập – Hướng Hóa – Quảng Trị

          ( Trước đây đời sống của bà con ở Bản Cồn hết sức khó khăn nên không quan tâm đến việc học của con em, tình trạng bỏ học diễn ra rất nhiều. Các giáo viên cùng với cán bộ của bản đã đi đến từng nhà đẻ vận động nhưng tỷ lệ học sinh quay trở lại trường cũng rất ít. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Tân Lập cũng như cán bộ của thôn đã phát động mô hình cây chuối khuyến học và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con. )

          Toàn xã Tân Lập có 2 bản là bản Cồn và bản Bù được chọn xây dựng thí điểm mô hình “cây chuối, cây tiêu khuyến học” từ năm 2016. Tùy vào tình hình kinh tế, ưu thế canh tác nông nghiệp của bà con để áp dụng mỗi mô hình khác nhau cho phù hợp. Với phương châm phát triển rộng lớn phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, mô hình khuyến học cây chuối, cây tiêu trong ba năm qua đã tạo được động lực và góp phần nhân rộng phong trào thi đua hiếu học đến từng bản làng xa xôi của huyện miền núi Hướng Hóa. Và Bản Cồn là bản đi tiên phong trong phong trào khuyến học với mô hình cây chuối, cây tiêu rất thiết thực, bà con được tuyên truyền, giải thích và vận động nên chăm lo nhiều hơn cho con cái. Bằng việc làm thiết thực, nhà có chuối thì trồng chuối, nhà có tiêu lại để dành vài gốc tiêu để thành quả thu hoạch từ đó mua sách vở, áo quần, chi phí thêm cho con cái đến trường. Tính đến nay, toàn bản có 34 hộ có con em đang độ tuổi đến trường thực hiện mô hình khuyến học này.

Phỏng vấn

Em HỒ THỊ LAN

Bản Cồn – Tân Lập – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Trước đây gia đình em khó khăn, nhiều lúc phải nghỉ học để làm nương, làm rẫy. Những lúc đó thấy các bạn được đến trường em rất buồn. Từ khi bố mẹ tham gia mô hình cây chuối khuyến học, được sự hỗ trợ của thầy cô, các cô chú trong ban khuyến học thôn, em được đi học trở lại. Vào mỗi năm học mới, gia đình em lấy tiền tiết kiệm được từ việc bán chuối để mua sắm sách vở cho em đi học. Em rất vui và cảm động. )

Phỏng vấn

Ông HỒ TRẦN PHÚ KHE

Trưởng Bản Cồn – Tân Lập – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Khi phát động mô hình cây chuối, cây tiêu khuyến học, bà con trong bản không nhiều người hưởng ứng vì cuộc sống quá khó khăn, mọi người chỉ lo kiếm sống. Là người đứng đầu bản trước hết tôi phải nêu gương để bà con tin và làm theo mà quan trọng hơn cả là bản thân tôi cũng muốn con cái được ăn học đàng hoàng nên đã tiên phong tham gia. Từ một vài hộ tham gia có hiệu quả đến nay hầu như bà con trong bản có con em trong độ tuổi đến trường đều tham gia, tỷ lệ học sinh bỏ học của bản Cồn giảm đi rất nhiều. )

Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến học hay được phát động: quyên góp quỹ khuyến học, nuôi heo đất khuyến học, nuôi gia súc làm khuyến học… đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp nhiều em học sinh nghèo có cơ hội được đến trường. Việc xây dựng các mô hình “gốc chuối khuyến học”, “gốc tiêu khuyến học” là cách làm mới, vừa đơn giản, thiết thực đối với người dân. Đặc biệt, đối với người dân vùng miền núi tại huyện Hướng Hóa. Với phương châm “Phát triển rộng lớn phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”, những mô hình này đã thật sự tạo được động lực và góp phần nhân rộng phong trào thi đua hiếu học đến từng bản làng xa xôi của huyện miền núi Hướng Hóa.

Phỏng vấn

          Anh NGUYỄN TRUNG HIẾU

          Bí thư Chi bộ thôn Bản Cồn – Tân Lập – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Từ lúc phát động xây dựng các mô hình khuyến học, phong trào học tập suốt đời ở bản Cồn và bản Bù đã mang lại hiệu quả rõ nét. Ở 2 bản vùng cao này không có tình trạng học sinh bỏ học, người dân vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức về việc học của người dân, đặc biệt là bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở đây cũng tăng lên. Thời gian tới chúng tôi sẽ nhận rộng mô hình này đồng thời xây dựng thêm một số mô hình mới phù hợp với thực tế của địa phương để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, đảm bảo 100% con em của bản được đến trường. )

Tân Lập bây giờ đã không còn nỗi lo học sinh bỏ, nghỉ học giữa chừng. Những cái tên như bản Bù, Cồn nghe qua như một sự tách biệt đã gần lại bởi những bước chân học trò đến trường. Cây chuối, cây tiêu không xa lạ với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn nhưng chính sự gần gụi ấy đã nâng bước chân cho bao thế hệ học trò của rẻo đất núi rừng này đi xa.

Nhạc cắt

Hương sắc Đá Bàn

          Thưa đồng bào và các bạn! Từ lâu, rượu men lá Ba Nang của người đồng bào vùng cao thôn Đá Bàn xã Ba Nang đã trở thành một trong những sản phẩm đặc sắc, mang hương vị đặc trưng của huyện Đakrông được rất nhiều người ưa chuộng. Rượu men lá Đá Bà trở thành một nét văn hóa đặc biệt của đồng bào nơi đây. Mời Qv & CB cùng đến với thôn Đá Bàn ở xã Ba Nang huyện Đakrông để hiểu hơn về cuộc sống và nghề nấu rượu men lá nổi tiếng của đồng bào nơi đây .

          Nằm yên bình giữa những dãy núi cao, với mây ngàn gió núi, thôn Đá Bàn như một nét chấm phá giữa bức tranh hùng vỹ của chốn núi rừng.

          Men theo con đường nhỏ tới đầu thôn Đá Bàn, cảnh sắc làng quê yên bình hiện ra với những nếp nhà sàn nhỏ xinh, những nương lúa rẫy đang độ chín vàng và những con người chất phác, hồn hậu, đoàn kết, cần cù…

          Tương truyền rằng khoảng từ những năm 1820 có hai người là đồng bào Vân Kiều đến đây khai hoang, lập nghiệp. Theo quan niệm của đồng bào vùng cao thì ở đâu có rừng, có sông, có suối thì ở đó bản làng mới tồn tại và phát triển bền vững được. Chính vì thế khi đến Đá Bàn, nơi có con suối trong vắt chảy ngang qua, 2 ông đã quyết định dừng chân, cắm mốc, dựng nhà.

Phỏng vấn

Ông HỒ VĂN TƯM

Thôn Đá Bàn – Ba Nang – Đakrông – Quảng Trị

(Ngày xưa có ba anh em người Vân Kiều đến đây để khai hoang, sinh sống, khi đến đây thì thấy có suối nên dừng chân dựng chòi để sinh sống rồi đặt tên bản là Đá Bàn. Đến bây giờ dân bản vẫn giữ nguyên tên gọi từ xa xưa ấy. )

          Cũng như bao bản làng khác, người dân Đá Bàn sống chủ yếu dựa vào rừng núi và làm nương rẫy, cuộc sống dẫu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng mỗi người từ già tới trẻ đều nhắc nhau phải biết cố gắng, những đôi chân đi không mõi, những đôi bàn tay không ngại khó, họ không chỉ biết khai thác nguồn lợi từ rừng mà còn biết trồng lúa rẫy, trồng rừng rồi dựng nhà tạo nên xóm làng yên bình như hôm nay. Trong quá trình dựng xây bản làng, người dân bản Đá Bàn vẫn duy trì nghề nấu rượu men lá truyền thống và mang những đặc trưng riêng có của mình.

Nghề nấu rượu men lá của người đồng bào ở bản Đá Bàn xã Ba Nang đã có từ lâu và được truyền từ đời này sang đời khác. Trong các dịp lễ hội thì rượu men lá là thức uống không thể thiếu được, khách phương xa nghe tiếng tìm đến uống thử một lần thì không thể nào quên. Ai đến Đakrông cũng muốn mang vài lít rượu men lá về làm quà, tiếng tăm của rượu Ba Nang cứ thế mà lan truyền mãi. Cách nấu rượu men lá cũng lắm công phu, làm men lá trước hết phải có nguyên liệu lá, quả, thân, vỏ của các loại cây rừng nhất định.

          Phỏng vấn

Anh HỒ VĂN

Trưởng thôn Đá Bàn – Ba Nang – Đakrông – Quảng Trị

( Nguyên liệu nấu rượu men lá là những loại lá, quả, thân, vỏ cây được hái ở trong rừng sâu đem về ủ men rồi mới. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các loại cây rừng nguyên liệu làm men lá ngày càng khan hiếm nên việc đi hái lá cây rất vất vả. Các thứ lá, vỏ hoặc rễ cây sẽ được cho vào cối cùng với ớt khô, trầu, men mồi để giã lấy nước cốt. Thứ nước này sẽ được trộn với bột gạo, đem ủ rồi sau đó được vo thành viên và đem phơi ở gác bếp. Men lá chuẩn bị xong là đến công đoạn ủ men lá với nếp hoặc gạo đã được nấu để chưng cất rượu. Kì công như vậy nên rượu men lá đá bàn mang những hương vị rất đặc trưng. )

Phỏng vấn

Bà NGUYỄN THỊ HUẾ

( Rượu men lá nấu phải có bí quyết riêng và dùng loại men riêng. Men này phải được giã mịn, trộn với nhiều loại lá cây, gạo ngon rồi ủ từ 10 ngày đến nữa tháng mới đem ra nấu rượu, lúc đó rượu mới thơm ngon. )

Rượu men lá của người dân thôn Đá Bàn được chế biến công phu thế nên người ta chỉ thường sử dụng trong dịp lễ hội như Lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), Lễ hội Aya (hội mùa), Lễ hội Ariêuping (lễ bốc mả) ... người nơi khác muốn mua rượu men lá này cũng phải đặt trước một thời gian mới mua được. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng những người dân nơi đây vẫn giữ cách nấu rượu truyền thống này, và họ xem đây là một nét văn hóa riêng của bản làng mình. Và khi đến với Đá Bàn, mỗi người sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, với những ngôi nhà sàn gắn bó lâu đời với cuộc sống của người dân nơi đây, được nếm chút hương vị của rượu men lá nồng nàn, được hòa mình vào cuộc sống yên ả. Hương sắc Đá Bàn đã làm say lòng và níu chân biết bao người khi đến đây.

Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 16/04/2019 16:17 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà