hiệu quả mô hình cộng đồng học tập tại Hướng Hóa
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

TẠP CHÍ DTMN 25/4

MÔ HÌNH CỘNG ĐỒNG HỌC TẬP VÀ TRỞ LẠI KRENG

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang đến với Tạp chí DTMN của đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay chúng tôi xin mời DB&CB đến với những nội dung sau: Mô hình cộng đồng học tập hỗ trợ học sinh nghèo ở huyện miền núi Hướng Hóa, phần tiếp theo là phóng sự trở lại Kreng, phản ánh về sự đổi thay của một bản vùng khó xã Hướng Hiệp huyện Đakrong. Sau đây là nội dung chi tiết.

NHẠC CẮT

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn! Thực hiện chủ trương không ngừng nâng cao hiệu quả công tác khuyến học khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập. Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền vận động, công tác khuyến học ở huyện miền núi Hướng Hóa đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và đem lại kết quả tích cực trong việc nâng cao trình độ dân trí,  thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. Trong đó hiệu quả rõ nét nhất phải kể đến mô hình cộng đồng học tập.

 

Hiệu quả từ mô hình “Cộng đồng học tập” tại huyện miền núi Hướng Hóa

Xác định mục tiêu xây dựng mô hình xã hội học tập là hạt nhân trong việc phát triển phong trào khuyến học khuyến tài, huyện Hướng Hóa đã có Chỉ thị cụ thể, vạch ra phương hướng và giao các chỉ tiêu sát thực. Theo đó, các mô hình khuyến học đã  được triển khai về tận các thôn, bản, khối khóm của tất cả 22 xã thị trấn trên địa bàn huyện. Tùy tình hình thực tế của địa phương mình, các địa phương sẽ lựa chọn những cách làm phù hợp nhất để triển khai.

Bản Cồn xã Tân Lập được coi là điểm sáng trong xây dựng mô hình cộng đồng học tập ở huyện Hướng Hóa. Với 100% dân số là bà con dân tộc Vân Kiều, đời sống còn có phần khó khăn. Thế nhưng, từ khi có chủ trương xây dựng cộng đồng học tập, bản Cồn đã triển khai rất nhiều cách làm hay. “Bụi chuối khuyến học”  và “cây tiêu khuyến học” được bản Cồn chọn làm mô hình trọng tâm. Đây là hai loại cây trồng gắn với đời sống sản xuất của bà con trong vùng, hầu như nhà nào cũng có. Vì thế, bằng cách chọn riêng ra những cây chuối, cây tiêu có chất lượng để khoanh vùng, chăm sóc và thu hoạch riêng.  Sản phẩm thu về đem bán dành riêng để chi cho việc học hành của con em mình. Đến nay hầu như nhà nào trong bản cũng có mô hình “gốc chuối khuyến học” và “cây tiêu khuyến học” Bằng cách làm này, các gia đình đã chủ động được nguồn kinh phí để cho con em đến trường.  Cũng như các gia đình khác trong bản, gia đình ông Hồ Văn Chịu có điều kiện gia đình còn khó khăn. Để đảm bảo cho  con không phải bỏ học, gia đình đã hưởng ứng xây dựng mô hình “gốc chuối khuyến học.” Mỗi năm thu hoạch 4 đợt từ mô hình này, ông để dành riêng cho việc học của con.

Ông Hồ Văn Chịu

Bản Cồn, Tân Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị

Trước đây mỗi lần đến năm học mới là gia đình mình lại phải  chạy vạy vay mượn để có áo, quần, sách vở cho con. Nhưng từ khi tham gia mô hình “ Gốc chuối khuyến học” thì không còn lo lắng nữa vì năm nào tôi cũng dành được hơn 2 triệu cho các cháu đi học.”

Xuất phát từ ý nghĩa thiết thực của mô hình cộng đồng học tập, “đỡ đầu học sinh nghèo” cũng là một cách làm hay, kịp thời trong việc giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học.

Em Lê Thị Huyền Trâm ở thôn Bích La Trung, xã Tân Thành là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: bố và em trai không may bị tai nạn qua đời, mẹ gồng gánh nuôi hai chị em em đi học bằng nguồn thu nhập từ chăn nuôi và thu gom ve chai. Đã có lúc em đã nghĩ đến việc bỏ học, mặc dù học lực rất khá và biết bao ước mơ hoài bão vẫn đang còn dở dang…Qua tuyên truyền vận động của thôn, thầy giáo về hưu Hàn Văn Minh đã nhận đỡ đầu dài hạn, tiếp sức cho em được đến lớp. Bằng sự trợ giúp của thầy 400 nghìn đồng mỗi tháng, 3 năm nay, Huyền Trâm đã được tiếp tục đến trường trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình.

Em Lê Thị Huyền Trâm

Thôn Bích La Trung, Tân Thành, Hướng Hóa, Quảng Trị

 

Từ sức lan tỏa của phòng trào khuyến học khuyến tài, mà đặc biệt là việc nhân rộng mô hình cộng đồng học tập bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Quan trọng hơn hết chính là đem lại sự đổi thay trong nếp nghĩ của người dân, dần nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của việc học.

Bên cạnh đó, thông qua mô hình cộng đồng học tập, các thôn bản khối khóm trên địa bàn huyện Hướng Hóa cũng đã lồng ghép phát động phong trào “học tập suốt đời”, khuyến khích mọi đối tượng trong cộng đồng dân cư cùng tham gia học tập. Qua đó đã tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi và các hoạt động văn hóa xã hội khác, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ dân trí của người dân…Cho đến nay toàn huyện Hướng Hóa có 88 thôn bản khối khóm đã đăng ký “ Cộng đồng học tập” trong đó có 59 cộng đồng đã đạt “Cộng đồng học tập tiêu biểu”. Đây chính là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng phong trào khuyến học khuyến tài ở huyện Hướng Hóa.

Bà Nguyễn Thị Lộc

Chủ tịch Hội khuyến học huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

 

Từ những kết quả bước đầu của mô hình “Cộng đồng học tập”  hiện nay huyện Hướng Hóa  đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để từng bước cụ thể hóa chủ trương “Xây dựng xã hội học tập”, trong đó chú trọng đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, phấn đấu vì mục tiêu ngày càng mở rộng mạng lưới khuyến học khuyến tài, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

Dẫn 2:  

Thưa đồng bào và các bạn. Bản Kreng thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là một mảnh đất vùng sâu vùng xa vừa giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống lại vừa đang nỗ lực phát triển kinh tế. Đến vùng quê của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Kreng để cảm nhận rõ hơn những chuyển động tích cực của mảnh đất và con người miền tây Quảng Trị.

TRỞ LẠI KRENG

 

 

Chúng tôi trở lại bản Kreng thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrong vào một ngày trời đẹp để cảm nhận rõ hơn một góc vùng cao Quảng Trị vào mùa xuân đang lan tỏa, với nhiều gam màu, đường nét riêng biệt của bức tranh miền tây sơn cước. (tên phim)

 Kreng vốn địa danh mà đọc lên hầu như ai cũng hiểu đây là địa bàn miền núi, hơn thế còn là nơi trú ngụ ngàn đời nay của dân tộc Vân Kiều. Cộng đồng dân cư nơi đây đã sống, đã chung lưng đấu cật với đồng bào miền xuôi trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, giành lại độc lập tự do. Đây là vùng đất cửa ngỏ bước vào theo hướng tây bắc của vùng cao Quảng Trị, tiếp cận được với đời sống và văn hóa sơn cước giàu bản sắc và có truyền thống lâu đời, làm nên gốc rễ bền lâu ở xứ đại ngàn.

Tiếng là bản Kreng nhưng bà con không sống tập trung một chỗ mà  chia thành 3 xóm,  đi hết cũng cả chục cây số đường rừng, đến đoạn cuối có thể nhìn thấy đất Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa. Đường đi quanh co, uốn lượn, trập trùng dốc tiến sâu vào những xóm của bà con dân tộc Vân Kiều đang trải dài trong nắng sớm ban mai. Cảnh tượng thiên nhiên với nhiều nét trữ tình cũng gợi lên nhiều cảm xúc cho bước lữ hành, nhất là với những ai lần đầu đến Kreng.

Vốn quen thuộc với vùng quê Kreng nên chuyến đi  này chúng tôi muốn bắt đầu bằng một phản ánh về một bản sắc văn hóa vùng cao Quảng Trị chưa được nhiều người biết đến, đó là phong tục mai táng của đồng bào Vân Kiều và hệ quả của nó. Dân tộc Vân Kiều khi có người chết thì chôn cất ở dưới những lùm cây rậm rạp, có khi là những cánh rừng. Từ đó những mảnh đất này là lãnh địa thiêng liêng, thành vương quốc của những người đã khuất, bất khả xâm phạm. Bản sắc văn hóa này đã góp phần quan trọng bảo vệ rừng vùng cao, rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay.

Một điều có thể thấy khá rõ ở Kreng cũng như nhiều nơi thuộc xã Hướng Hiệp là hoạt động kinh tế với chủ yếu là sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến căn bản. Nạn đốt rừng làm rẫy đã được hạn chế nhiều, thay vào đó là là chăn nuôi đại gia súc, đào ao thả cá, trồng rừng và trồng lúa nước. Đi dọc đường nhìn xuống những thung lũng nhỏ sẽ thấy những mảnh ruộng nước được canh tác bài bản và chăm sóc khá kỹ nên xanh tốt. Cách canh tác như vậy đã không còn đơn lẻ mà ngày càng trở nên phổ biến ở vùng đất này, tạo nên một cảm quan tích cực trong chuyển đổi nhận thức về phát triển kinh tế cũng như chủ động và tự túc về lương thực của đồng bào nơi đây. Và như đã nói những triền dốc, những vạt đất có diện tích rộng nhưng không thể trồng lúa thì sẽ được trồng rừng để tích lũy tài chính cho bà con. Mặt khác việc chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê, gia cầm như gà đã kết chăn nuôi với trồng trọt để phát triển kinh tế ở địa bàn miền núi  càng có ý nghĩa với đồng bào dân tộc ít người. Đã xuất hiện những tấm gương đồng bào làm ăn kinh tế giỏi từ chính mảnh đất của mình ở bản Kreng, góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế ở xã Hướng Hiệp. Đây quả thực là những dấu hiệu tốt lành đang lan tỏa trong cộng đồng ở vùng cao.

 

Ông Hồ Văn Ba

Thôn Kreng, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

Để phát triển kinh tế chúng tôi ở đây được lãnh đạo các cấp hướng dẫn hỗ trợ trồng tràm, chăn nuôi gia súc trâu bò, phát triển thêm lúa nước, sắn. Nhờ lợi thế của địa phương mà đời sống kinh tế những năm gần đây ngày một đi lên.

Anh Hồ Văn Vựng

Thôn Kreng, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

Được sự hỗ trợ từ vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã mua một cặp bò dần dần phát triển lên 10 con lên 20 con so với những năm trước thì đời sống bây giờ đã bớt khó khăn hơn. Bên cạnh đó chúng tôi đi tham quan học hỏi nhiều nơi họ hướng dẫn, bày vẽ cho cách làm kinh tế nên cũng ổn định, thu nhập 1 năm cũng được 4, 5 chục triệu, thêm vào đó trồng được lúa nước nên có thể tự túc lương thực.

Đời sống nhiều mặt ở Kreng đã đổi thay đáng kể, từ sản xuất kinh tế của bà con nơi đây cho đến bộ mặt của bản làng miền núi. Việc định canh định cư, bảo đảm sinh sống một chỗ lâu dài đến trọn đời cùng với sự đầu tư của nhà nước về giao thông, thủy lợi,  điện, trường học, trạm y tế đã hình thành nên cơ sở hạ tầng tương đối ổn định, phục vụ những nhu cầu thiết thực, cụ thể hàng ngày của người dân; tạo lực đẩy khiến đồng bào có thêm niềm tin và động lực để có thể gắn bó lâu dài và cố gắng vươn lên bằng chính công sức và trí tuệ của mình, những chủ nhân thực của đại ngàn.

 

Ông Hồ Văn Sơn

Chủ tịch Hội nông dân xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

Những năm trước đời sống kinh tế, văn hóa ở đây còn rất nhiều khó khăn, lạc hậu. Mấy năm trở lại đây bà con nhận được nhiều sự hỗ trợ về vốn vay, cùng với sự tuyên truyền vận động của chính quyền đời sống bà con có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Những tập tục lạc hậu thì đã bỏ, thay vào đó là xây dựng, phát triển kinh tế.

Lên với Keng hôm nay có thể tận mắt nhìn thấy những thay đổi đáng mừng của hạ tầng cơ sở do nhà nước quan tâm và đầu tư cũng như bộ mặt của bản làng đã hồng hào, sinh động trong cái nắng mùa xuân. Tất cả dường như thay áo trong một năm mới đang hiện hữu ở vùng đất xa ngái thị thành, cũng có nhiều nét thú vị, đáng yêu và cũng đang trăn trở trên hành trình đổi mới. Xin nói thêm rằng, kreng nói riêng và Hướng Hiệp nói chung cùng với Mò Ó là hai địa phương được chọn làm điểm xây dựng NTM ở huyện Đakrong. Vì vậy những đổi thay nơi đây càng trở nên có ý nghĩa không chỉ cho bản thân mình mà còn là tư liệu tham khảo sống động cho nhiều vùng quê tương tự của núi rừng Quảng Trị.

 

Ông Hồ Chí Cường

Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

Đối với Hướng Hiệp nói chung và Kreng nói riêng thì đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là trong đời sống kinh tế. Tận dụng lợi thế của địa phương bà con chú trọng phát triển lúa nước, lúa rẫy, trồng rừng và chăn nuôi gia súc lớn. Đặc biệt Kreng có lợi thế lớn về đất rừng và lúa nước nên kinh tế những năm gần đây phát triển rõ rệt.

Mùa xuân của đất trời thì thay lộc đâm hoa, mùa xuân của con người thì nỗ lực lao động và sáng tạo để xây dắp cuộc đời. Hy vọng rằng Kreng và Hướng Hiệp nói chung sẽ tiếp tục vươn mình đi lên, bỏ lại sau lưng đói nghèo, lạc hậu sớm đạt được thành công như mong đợi.

  

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 24/04/2019 10:08 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà