Độc đáo sản vật vùng cao; Gương người uy tin thôn Vùng Kho
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi 6/6

Độc đáo sản vật vùng cao; Người có uy tín bản Vùng Kho

 

Dẫn đầu:

 

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang theo dõi Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay chúng tôi sẽ có phóng sự giới thiệu về một số đặc sản đặc trưng của núi rừng Đakrông đang được người dân thu hái và bán làm quà cho khách du lịch trên Quốc lộ 9, phần còn lại sẽ là phóng sự về chân dung một người có uy tín của thôn Vùng Kho xã Đakrông, huyện Đakrông.

Sau đây là nội dung chương trình.

 

NHẠC CẮT

 

Dẫn 1:

 

Thưa đồng bào, thưa các bạn! nhiều năm qua trên Quốc lộ 9 đoạn đi qua xã Đakrông, huyện Đakrông, du khách thường bắt gặp hình ảnh bà con đồng bào Vân Kiều bày bán những mặt hàng nông sản của núi rừng, đó đơn giản là mớ ốc đá, bó rau rừng, hoặc là những củ măng rừng hái vội… đây là những sản vật bà con thu hái được từ núi rừng buôn bán để cải thiện thêm thu nhập. Dần dần qua năm tháng, những cửa hàng nông sản tự phát này trở thành điểm dừng chân yêu thích cho du khách gần xa, họ muốn dừng lại đơn giản vì sự chân chất mộc mạc của con người và sản vật nơi đây.

Độc đáo sản vật vùng cao

 

Ngược theo con đường Quốc lộ 9 đến địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông người ta không khó để bắt gặp những hàng quán đơn sơ bày bán những sản vật đặc trưng của vùng rừng núi. Mùa nào thức nấy, những con người Vân Kiều cần cù nơi đây đã chịu khó thu hái nhiều sản phẩm từ rừng để có thêm thu nhập. Sống gần gũi, hòa thuận với thiên nhiên, những người con của núi rừng này đã biết lựa chọn cuộc sống dựa vào thiên nhiên, dựa vào rừng núi để có thể cải thiện cuộc sống. Bắt đầu từ việc mưu sinh dựa vào rừng, người Vân Kiều đã biết những đặc sản do thiên nhiên ban tặng, đó là cá loại rau rừng như rau rớn, hoa chuối các loại quả như quýt rừng, cây đoác, đọt mây và nhiều loại măng rừng… Đây là những sản vật đã nuôi sống họ hàng trăm năm qua. Khi cuộc sống giao thương ngày một phát triển, người Vân Kiều không chỉ biết thu hái đặc sản để có cái ăn hàng ngày mà dần học hỏi để những sản vật này mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Do sự thuận lợi vì có Quốc lộ 9 đi ngang qua, người dân mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em Vân Kiều đã biết buôn bán những loại hoa quả thu hái được. Nắm bắt được nhu cầu của du khách là muốn tìm mua đặc sản ngon, rẻ và sạch, người dân đã biết chọn lựa bày bán nhiều đặc sản đặc trưng của núi rừng, có thể kể đến một số loại như mít, bơ, chuối, cây đoác, đọt mây, ốc suối… Mùa đông có thêm sắn, khoai và các loại măng rừng. Đây là những nông sản đặc trưng rừng núi, được thu lượm phần lớn từ những phụ nữ Vân Kiều.

 

Chị Pỉ Thy

Thôn Vùng Kho, Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

 

Bắt đầu từ việc bày bán những sản vật có sẵn, dần dần nhu cầu người mua ngày một tăng cao, những người phụ nữ và trẻ em Vân Kiều đã tìm kiếm thêm nhiều sản vật bày bán. Dựa theo đặc điểm của các loại hoa trái mà mỗi mùa du khách sẽ được thưởng thức một loại sản vật riêng. Ghé chân dừng lại những cửa hàng này, du khách sẽ bắt gặp sự phong phú của các loại rau củ, quả, các loại cây con đặc trưng của núi rừng. Đặc điểm lớn nhất của các sản vật này là tươi, ngon, rẻ và đặc biệt hầu hết là nông sản sạch được thu hái trong vườn nhà hoặc từ suối, rừng. Theo những người phụ nữ nơi đây thì thu nhập từ việc buôn bản nông sản không cao nhưng các nguồn thu này giúp họ cải thiện thêm cuộc sống khi nông nhàn. Sau mỗi mùa rẫy, phần lớn chị em không có việc làm thêm, khi việc buôn bán nông sản phát triẻn họ đã biết tìm kiếm các loại đặc sản núi rừng để tăng thu nhập. Bên cạnh việc hái lượm đặc sản rừng, ngày nay phụ nữ Vân Kiều còn biết đầu tư vào việc chăn nuôi, canh tác trên rẫy. Cụ thể họ đã biết nuôi các loại gà bản, lợn bản, trồng các loại rau rừng, các loại măng, ớt rừng để tăng thêm tính phong phú của sản vật và đáp ứng nhu cầu người mua.

 

Ông Hồ Văn Thắng

Phó Chủ tịch HĐND xã Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

Địa bàn xã Đakrông nói chung và thôn Vùng Kho nói riêng có điểm buôn bán nông sản rất lớn, nhu cầu của thương lái và khách du lịch qua lại ở đây cũng nhiều nên nhu cầu mua rất là cao. Các mặt hàng nông sản ở đây như là đoác, đọt mây và bắp chuối ở trên rừng. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là của khu vực miền núi Đakrông nên tạo được thương hiệu đặc sắc cho Đakrông.

Để những sản vật vùng cao có chổ đứng trong lòng du khách, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân buôn bán, chính quyền các cấp ở Đakrông đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, quảng bá sản phẩm. Một trong số đó là tổ chức phiên chợ vùng cao, một hoạt động nằm trong chuỗi những sự kiện của Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch huyện Đakrông vừa diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2019. Phiên chợ vùng cao được tổ chức ngay tại địa bàn khu du lịch Klu, xã Đakrông. Ở đây người dân được dịp bày bán nhiều loại đặc sản núi rừng, các sản vật được độc đáo lần đầu tiên được quảng bá, giới thiệu cho du khách. Qua hoạt động của phiên chợ, khách du lịch đã được trải ngiệm, thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng Đakrông, qua đó hiểu thêm về những nét ẩm thực độc đáo của bà con. Thông qua phiên chợ người dân Đakrông cũng đã có dịp để đưa sản vật phong phú từ núi rừng, làng bản đến gần hơn với công chúng.

Sau gần mười năm kinh doanh buôn bán, người dân ở đây dần dần đã quen thuộc, nhiều hộ gia đình đã chủ động đầu tư hàng quán buôn bán quanh năm, nhiều chị em phụ nữ đã biết thu mua các loại đặc sản từ các bản làng xa để kinh doanh, buôn bán. Ngày nay, các cửa hàng nông sản ven đường trở thành điểm dừng chân quen thuộc của du khách. Tuy nhiên khi đi vào kinh doanh thường xuyên, việc bày bán hàng hóa ven đường đã trở nên không phù hợp, một số mặt hàng bày bán ven lề đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan, để giải quyết tình trạng này và tạo điều kiện kinh doanh buôn bán cho người dân, chính quyền xã Đakrông đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ người dân.

 

 Ông Hồ Văn Thắng

Phó Chủ tịch HĐND xã Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

Từ năm 2015 trở lại đây người dân có nhu cầu buôn bán tự phát để có thu nhập ổn định. Qua thực tế thì nhu cầu bán của người dân trên địa bàn xã Đakrông rất là lớn, chính vì vậy mà UBND xã đã bàn bạc và đưa ra tiêu chí và lộ trình để xây dựng chợ. Hiện đã có lộ trình và chúng tôi cũng đang tìm nguồn kinh phí đầu tư để xây dựng. UBND xã đã chọn thôn Vùng Kho làm chợ nông thôn, và đã trình lên UBND huyện để san lấp mặt bằng  làm chợ nông thôn, tạo điều kiện cho người dân bán hàng nông sản.

 

Bắt đầu từ việc bán buôn tự phát, nhưng sự độc đáo của các sản vật vùng cao, sự tuyên truyền quảng bá của các cấp chính quyền đã giúp đặc sản Đakrông níu kéo được chân những du khách đi qua. Sự chân chất mộc mạc của người dân, sự độc đáo, đặc trưng của các sản vật núi rừng đã dần có chỗ đứng. Trong thời gian tới, khi việc xây dựng chợ nông sản vùng cao được triển khai và hoàn thành, sản vật từ bản làng, rừng núi sẽ có cơ hội đến gần hơn với cộng đồng, từ đó du khách gần xa sẽ có dịp hiểu hơn sự độc đáo của nông sản miền núi, đồng thời những cư dân Vân Kiều ở đây cũng có thêm cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và có kế hoạch kinh doanh, buôn bán bền vững và lâu dài./.

 

Dẫn 2:

 

Thưa đồng bào và các bạn, những năm qua già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đóng góp một vai trò hết sức quan trọng. Đây là những hạt nhân cho phong trào vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giải quyết các mâu thuẫn, khúc mắc trong đời sống và là người gương mẫu, tiên phong trong việc vận động người dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Và ông Hồ Tà Dóc, thôn Vùng Kho, xã Đakrông là một trong những người như thế.

 

Người uy tín của bản Vùng Kho

 

Ở thôn Vùng Kho, ông Hồ Tà Dóc là một trong những người có tiếng nói nhất với đồng bào. Không chỉ biết đến với vai trò là người làm ăn kinh tế giỏi mà ông còn được xem là hạt nhân đoàn kết của bản làng. Từng giữ chức vụ trưởng thôn từ năm 1984 đến năm 2009, ông Hồ Tà Dóc là người hiểu rõ nhất những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, do vậy khi trong thôn bản xảy ra sự việc tranh chấp thì ông là người đầu tiên đứng ra dàn xếp, giải quyết.

Đặc biệt sau khi được bầu là người có uy tín của thôn vào năm 2014, ông luôn là người đi đầu trong các phong trào, là hạt nhân đoàn kết của cộng đồng.

 

Ông Hồ Văn Tiên

Thôn trưởng thôn Vùng Kho, Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

Ở bản Vùng Kho này từ khi ông Ta Dóc được bầu là người có uy tín thì anh em, họ hàng, hàng xóm, làng bản ai ai cũng tin ông. Những lúc trong bản xảy ra tranh chấp đất đai ông đều đứng ra giảng hòa. Ông nói gì cũng thấy thấu tình đạt lí nên không ai muốn tranh chấp, căng thẳng với nhau nữa. Đó là cái thứ nhất, thứ hai nữa ông là người đã hiến rất nhiều đất đai để thôn có nhà văn hóa, có hai trường mẫu giáo. Ông rất nhiệt tình, năng động, ông cũng vận động anh em, người dân hiến đất giống như ông để làm trường cấp 1. Giờ ở thôn Vùng Kho trường cấp 1, trường mẫu giáo, nhà văn hóa cộng đồng đều có hết, tất cả là nhờ ông hiến đất và ông vận động bà con.

Vốn là người lâu năm làm công tác phong trào, nên hơn ai hết Hồ Tà Dóc biết rằng để vận động được quần chúng nhân dân thì bản thân mình phải là người gương mẫu đi đầu. Sau khi phong trào xây dựng Nông thôn mới được phát động, Hồ Tà Dóc là người tiên phong thực hiện việc hiến đất xây dựng đường giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa. Đây là ngôi nhà văn hóa xã được xây dựng trên diện tích hơn 1500 mét vuông do chính Hồ Tà Dóc tự nguyện hiến, ngôi nhà nằm ở vị trí đắc địa, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa văn nghệ của xã, thể hiện mong muốn của bản thân Hồ Tà Dóc là có nơi để bà con sinh hoạt, hội họp để bàn tính công việc của thôn bản.

 

Ông Hồ Tà Dóc

Thôn Vùng Kho, Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

Hiến đất để làm đường, trường, trạm , mỗi người phải bớt một ít đất để anh em có đường đi, để bà con dân bản được hưởng. Như tôi đây từ nhà văn hóa, trường, trạm, rồi 2 trường mầm non đều có đất của tôi hiến, bà con thấy vậy thì sẽ tự động làm theo, có vậy thì bản làng mới đổi thay được. Bà con phải cùng nhau học hỏi, người này làm theo người kia. Phải trồng cây, trồng lương thực thế mới có của ăn của để. Quan trọng nhất là phải đoàn kết không đoàn kết là không làm gì được cả.

Còn đây là công trình điểm trường mầm non số 2 Đakrông nằm trên quốc lộ 9 đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 200 con em đồng bào thôn Vùng Kho và các thôn bản lân cận. Ngôi trường này được xây dựng trên phần đất do ông Ta Dóc hiến tặng. Năm 2007, khi có chủ trương xây trường tiểu học trên địa bàn, lúc đó dù cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng ông Hồ Ta Dóc đã không ngần ngại dành phần đất giá trị của gia đình để xây trường cho con em. Năm 2013, khi có chủ trương chuyển điểm trường Tiểu học Đakrông sang Trường mầm non só 2 Đakrông quản lý, do nhu cầu mở rộng trường lớp ông lại tiếp tục hiến thêm những phần đất rộng hơn 2000 m2 để xây dựng ngôi trường khang trang như thế này.

Ông Hồ Tà Dóc

Thôn Vùng Kho, Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

Từ trước đến nay nhờ có Đảng, có Nhà nước quan tâm, nên đời sống dân bản ngày một ấm no, giàu đẹp. Mong muốn lớn nhất của bản thân tôi là bà con vùng Kho đang rất ít ruộng nước, tôi mong nhà nước quan tâm đầu tư một vài công trình thủy lợi nhỏ để tôi hướng dẫn bà con dẫn nước về làm ruộng bậc thang, nâng cao đời sống tiến tới xóa đói giảm nghèo cho bà con.

 

Kinh qua nhiều vị trí công tác, hiểu rõ những tâm tư nguyện vọng của người dân, giờ đây đảm nhiệm vai trò là người có uy tín của cộng đồng, hơn ai hết ông Hồ Tà Dóc luôn biết mình phải là người gương mẫu đi đầu mới có thể vận động được quần chúng nhân dân. Sự cống hiến hết mình cho cộng đồng, sự đức độ của bản thân đã khiến Hồ Tà Dóc trở thành ngọn đèn sáng của tình đoàn kết gắn bó, sự đồng thuận trên dưới một lòng của 191 hộ dân Vân Kiều bản Vùng Kho./.

 

CHÀO CUỐI

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 05/06/2019 15:54 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà