Phụ nữ và cuộc sống 2 7 2019 – Tảo hôn và những hệ lụy
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào chị em và các bạn! Rất vui khi gặp lại chị em và các bạn trong chuyên mục Phụ nữ cuộc sống, chuyên mục đang được phát trên tần số 92,5Mhz, sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Chị em và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn Chị Như Hòa này, chị có thấy rằng những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đang có những diễn biến phức tạp không? Tại một số xã thì tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng một số địa phương vẫn còn khá phổ biến và có nguy cơ tăng chị Như Hòa ạ. Vâng đúng rồi, như chị Như Quỳnh vừa nói thì tảo hôn và nhân nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến việc giáo dục và chăm sóc trẻ em. Làm gì để giảm thiểu thực trạng này là vấn đề đang được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm. Trong chuyên mục phụ nữ cuộc sống hôm nay, chúng tôi mời chị em và các bạn cùng tìm hiểu về tình hình tảo hôn, những hệ lụy và sự vào cuộc của hội LHPN các cấp trong việc giảm tảo hôn. Phần cuối chương trình, chúng tôi xin gửi tới chị em và các bạn về tấm gương phụ nữ làm tốt công tác xây dựng văn minh đô thị. Mời chị em và các bạn cùng nghe.

Phụ nữ và cuộc sống 2 7 2019 – Tảo hôn và những hệ lụy

Kính chào chị em và các bạn!

Rất vui khi gặp lại chị em và các bạn trong chuyên mục Phụ nữ cuộc sống, chuyên mục đang được phát trên tần số 92,5Mhz, sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Chị em và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn

Chị Như Hòa này, chị có thấy rằng những năm  qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đang có những diễn biến phức tạp không? Tại một số xã thì tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng một số địa phương vẫn còn khá phổ biến và có nguy cơ tăng chị Như Hòa ạ.

Vâng đúng rồi, như chị Như Quỳnh vừa nói thì tảo hôn và nhân nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến việc giáo dục và chăm sóc trẻ em. Làm gì để giảm thiểu thực trạng này là vấn đề đang được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm. Trong chuyên mục phụ nữ cuộc sống hôm nay, chúng tôi mời chị em và các bạn cùng tìm hiểu về tình hình tảo hôn, những hệ lụy và sự vào cuộc của hội LHPN các cấp trong việc giảm tảo hôn. Phần cuối chương trình, chúng tôi xin gửi tới chị em và các bạn về tấm gương phụ nữ làm tốt công tác xây dựng văn minh đô thị. Mời chị em và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Bài 1 – Tảo hôn và những hệ lụy

Thưa chị em và các bạn! Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.Đặc biệt với trẻ em gái, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bàmẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Thực trạng này đang diễn ra tại Quảng Trị với những hệ lụy như thế nào là nội dung mà chúng tôi muốn chuyển tới chị em và các bạn qua bài viết sau đây của PV Nguyên Bảo, mời chị em và các bạn cùng nghe.

Đến bất cứ xã vùng núi nào của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tình hình tảo hôn vẫn còn diễn ra. Những bà mẹ đang độ tuổi vị thành niên, chưa trưởng thành chín chắn về cơ thể, tâm sinh lý. Có những bà mẹ đang đi học buộc phải nghỉ để ở nhà sinh con. Cũng chính vì vậy, sự lóng ngóng vụng về khi chăm sóc con là điều khó tránh khỏi đối với các em.

Em Hồ Thị Ngân, xã Tà Rụt, huyện Đakrông chia sẻ, em lấy chồng từ năm 14 tuổi, cuộc sống giờ đây vất vả vô cùng. Bởi không được học hành, phải bỏ học để theo chồng sinh con, lên nương nhiều rẫy. Em Hồ Chị Ngân, ở tà xã Tà Rụt, huyện Đakrông chia sẻ:

Trích băng:

Đó chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp tảo hôn ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Thực tế cho thấy cuộc sống của các em gặp khá nhiều khó khăn khi kết hôn sớm. Qua khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ngành, các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tại 24 thôn bản của 8 xã trên địa bàn của 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đồng thời, gửi Công văn khảo sát đối với 33 xã, thị trấn còn lại của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua tổng hợp số liệu giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 6/2016, tỉnh Quảng Trị có 1.339 trường hợp tảo hôn và 16 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Một số xã có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển hơn các xã đặc biệt khó khăn cũng rơi vào tình trạng tảo hôn cao, thậm chí còn cao hơn những xã đặc biệt khó khăn. Thực tế cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng núi vẫn còn xảy ra. Ảnh hưởng lớn nhất chính là cuộc sống, học tập, sức khỏe của các em khi kết hôn chưa đủ tuổi. Và đặc biệt, hệ lụy kéo theo không chỉ bản thân của các em mà còn ảnh hưởng tới gia đình, xã hội và chất lượng giống nòi. Bà Hồ Thị Thanh Hiền, Trưởng trạm y tế xã Húc, huyện Hướng Hóa cho biết:

Trích băng:

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng núi tỉnh Quảng Trị đang là một thực trạng để lại khá nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương vùng cao. Và trước thực trạng này, sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Qu đã và đang góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn như thế nào chúng tôi sẽ chuyển đến chị em và các bạn trong ít phút nữa.

Nhạc cắt

Bài 2 – Nỗ lực giảm tảo hôn của các cấp hội phụ nữ

Trước thực trạng tảo hôn ngày một gia tăng và để lại nhiểu hệ lụy cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này. Cách làm đó như thế nào, chúng tôi mời chị em và các bạn cùng nghe bài viết sau.

Chúng tôi có dịp tham gia một buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Trẻ em gái thôn Ta Núc, xã Húc, huyện Hướng Hóa. Câu lạc bộ thu hút 15 thành viên tham gia từ độ tuổi 12 đến 16 tuổi, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần. Câu lạc bộ được thành lập đã giúp cho các em hiểu hơn những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên như tuổi dậy thì, tâm sinh lý lứa tuổi, về giới tính, về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây là hoạt động thực sự có ý nghĩa đối với trẻ em gái ở vùng cao nơi đây. Bởi tình trạng tảo hôn tại xã miền núi này vẫn còn diễn ra nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trẻ em nhất là trẻ em gái rất cần thiết. Không những vậy, câu lạc bộ còn tạo cho các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Em Hồ Thị Vòng, thôn Ta Núc, xã Húc, huyện Hướng Hóa chia sẻ:

Trích băng:

Cùng với câu lạc bộ Trẻ em gái thì câu lạc bộ Làm cha mẹ được Hội LHPN huyện phối hợp với các địa phương tổ chức cũng là một trong những mô hình hiệu quả khi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài Câu lạc bộ Trẻ em gái thì tại 8 xã vùng Lìa và xã Húc, huyện Hướng Hóa hiện có 35 CLB làm cha mẹ. Sau gần 6 năm xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ làm cha mẹ, ở huyện Hướng Hóa đã thu hút được nhiều ông bố, bà mẹ và trẻ vị thành niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia. Câu lạc bộ này không chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các ông bố, bà mẹ để nuôi dạy con tốt mà còn giúp cho trẻ vị thành niên nắm vững luật hôn nhân gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nội dung của các buổi sinh hoạt tại các câu lạc bộ thường tập trung vào một số vấn đề quan trọng như giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, chăm sóc sức khỏe và phòng chống tội phạm ở trẻ vị thành niên; giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu; giáo dục gia đình, trao đổi về vấn đề nuôi dạy con, hiểu biết hơn tầm quan trọng của việc học hành đối với con, dành thời gian tâm sự với con, hỗ trợ con mọi mặt trong cuộc sống...

Song hành với việc thành lập các câu lạc bộ thì Hội LHPN huyện còn phối hợp với tổ chức Plan hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và trẻ em gái tại các địa phương. Hội đã khảo sát và tìm hiểu nhu cầu của mỗi gia đình hội viên xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp như nuôi dê, ngan, lợn bản, gà … Từ các mô hình này, giúp những em khó khăn được có nguồn vốn tiếp tục đi học, các hội viên được phát triển kinh tế, góp phần thay đổi kinh tế địa phương. Bà Lê Quỳnh Lan, tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ:

Trích băng:

Ngoài ra, định kỳ hàng năm Hội LHPN huyện tổ chức các Hội thi giữa các CLB, các tuyên truyền viên của các xã với nhau qua đó giúp đẩy mạnh hoạt động tuyền thông, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Chị em phụ nữ sẽ hiểu hơn về pháp luật, về kiến thức chăm sóc con cái, về sức khỏe giới tính để biết cách chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn, xây dựng gia đình hạnh phúc.Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa chia sẻ:

Trích băng:

Cùng với sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ, nên chăng cần có sự kết nối để có giải pháp đồng bộ hơn nhằm góp phần giảm thiểu một cách hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng núi. Bên cạnh đó, cần có sự linh động trong công tác tuyên truyền, tùy đặc thù từng địa phương mới đưa lại hiệu quả thiết thực. Có như vậy, chúng ta mới dần loại bỏ được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương vùng núi ngày một phát triển.

Nhạc cắt

Tấm gương người phụ nữ tiên phong trong phong trào xây dựng văn minh đô thị

Thực hiện chủ trương của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, những năm qua các cấp hội liên hiệp phụ nữ đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đoàn kết, tập hợp, động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhiều tấm gương chị em tiêu biểu luôn ra sức thi đua, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp các ngành phát động đạt hiệu quả thiết thực, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chị Trương Thị Lan, ở khu phố 5, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà là một trong những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong phong trào xây dựng văn minh đô thị, vận động chị em cùng nhau đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chị Trương Thị Lan, ở khu phố 5, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà là một trong những tấm gương tiêu biểu được các cấp hội biểu dương, khen ngợi trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng văn minh đô thị. Theo chị Lan, mỗi chị em phụ nữ mỗi người chung tay góp sức thì việc thực hiện chủ trương của Hội không phải là việc khó. Chị em phụ nữ cần đoàn kết, giúp đỡ nhau để cùng xây dựng một đô thị văn minh, sạch đẹp và phát triển. Một trong những mô hình tiêu biểu của chị em đó là những “đường hoa yêu thương”. Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đông Lễ đã vận động chị em triển khai mô hình này và đã mang lại hiệu ứng tích cực, được nhân rộng.

Trong phong trào xây dựng đô thị văn minh, chị Trương Thị Lan luôn đi đầu, vận động và hướng dẫn chị em cùng tích cực tham gia. Nhờ sự năng động, sáng tạo nên phòng trào của các chị em khu phố 5, phường Đông Lễ đã có nhiều nét đổi mới, đã đi sâu vào thực tế cuộc sống, tạo thành hành động thiết thực, có sức lan tỏa. Chị Lan là người tiên phong, tham gia nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, duy trì và nhân rộng như: “Đoạn đường phụ nữ xanh – sạch – đẹp”, “Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, “Mô hình thu gom rác thải”, “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “đường hoa”… Không chỉ nổ lực của bản thân, nhiệt tình, tích cực trong từng công việc cụ thể của khu phố, chị Lan còn vận động các thành viên trong gia đình hưởng ứng. Sức lan tỏa từ những việc làm đó ngày được nhân rộng, các chị em trong khu phố đều hưởng ứng, tham gia ngày càng đông. Nỗ lực của hội, hội viên phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận, coi đây là sự đóng góp thiết thực của tổ chức vào chương trình xây dựng văn minh đô thị. Chị Trương Thị Lan cho biết:

Trích băng:

Thực tế tại phường Đông Lễ, thời gian qua, mô hình “Đường hoa yêu thương” của chị em phụ nữ đã được nhân rộng. Để mô hình ý nghĩa này ra đời và đang từng ngày được lan tỏa, các cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đông Lễ đã dồn tất cả sự tâm huyết để làm đẹp thêm cho những miền quê. Chị Phạm Thị Thúy Vinh, Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Lễ cho biết, mô hình “đường hoa yêu thương” là một trong những hoạt động xây dựng văn minh đô thị, xây dựng tuyến phố xanh sạch đẹp mà các cấp hội đã phát động. Sau khi được bê tông hoá, những con đường trở nên khang trang, sạch sẽ hơn. Song hai bên đường giáp với mặt đất đã được mọc lên những loài hoa cỏ tự nhiên được trồng tập trung thay thế cỏ dại, tạo nên con đường hoa đẹp. Theo chị Vinh, chi hội phụ nữ khu phố 5 của phường hoạt động rất tích cực, trong đó chị Trương Thị Lan là hội viên năng nổ, nhiệt tình, có nhiều đóng góp trong xây dựng tuyến đường hoa. Chị Phạm Thị Thúy Vinh cho biết:

Trích băng:

Những nỗ lực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Hội LHPN phường Đông Lễ được các cấp, các ban ngành đoàn thể ghi nhận và đánh giá tích cực. Thực tế đó cho thấy, vai trò của chị em phụ nữ rất quan trọng trong công tác xây dựng văn minh đô thị. Những tấm gương tiêu biểu của những phụ nữ như chị Trương Thị Lan kịp thời được các cấp các ngành khen ngợi, biểu dương. Bên cạnh đó, các chị em phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa các chị em hội viên hội phụ nữ các cấp nhằm mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, phát triển giàu đẹp, bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp./.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 29/06/2019 07:38 Nguyễn Thị Bảo 29/06/2019 07:38
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà