Đất pt 7/9
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 6/9: -Qúy thính giả thân mến! Mở đầu ct, chúng ta cùng về thăm một vùng quê có nhiều chuyện thú vị cần khám phá, một mảnh đất có truyền thống cách mạng qua bút ký : "Vùng quê vóc dáng sử thi" của An Thái. Chúng ta cùng nghe. -Để hiểu hơn những đổi thay ở làng quê Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi mời quý vị tham khảo ý kiến của ông Lê Hữu Hiển, trưởng thôn Thủy Tú 2 (băng) -Phần cuối ct, chúng ta cùng chia sẻ cảm xúc mùa thu cách mạng qua tùy bút "Ký ức Tháng Tám" của Hiếu Giang. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct đất và người QT, ct này do Xuân Dũng biên tập và thực hiện vứi sự tham gia của ...thân ái chào các bạn.

Bút ký :

                    VÙNG QUÊ VÓC DÁNG SỬ THI.

                                                                              (Xuân Dũng)

      Nói đến Vĩnh Tú thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là nói đến chiếc nôi chuyện trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng cả nước. Nhưng ngoài đặc sản văn hóa phi vật thể này thì nơi đây còn nhiều điều bổ ích và thú vị cần được những người quan tâm khám phá.

   Về thôn Thủy Tú 2 thuộc xã Vĩnh Tú vào mùa đại hạn, cả tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước đồng khô hồ cạn. Nhưng ở đây, cảnh vật vẫn xanh tươi, không khí vẫn trong lành, mát mẻ. Thủy Tú tạm dịch là vẻ đẹp của nước, cách bàu Thủy Ứ không xa. Hình như tiền nhân ngày trước khi xem phong thủy địa lý, tâm đắc với nguồn nước nơi đây nên mới đặt tên làng là Thủy Tú, một mỹ tự rất hợp với vùng quê đắc địa hưởng lộc của đất trời. Đặc biệt làng có một giếng cổ tên gọi Giếng Khai,  có từ ngày xửa ngày xưa, tự đời nào dân làng nhiều người không rõ. Nhưng có điều này thì ai cũng rõ: giếng nước trong lành, ngọt mát từ ngàn xưa khi mới lập làng. Dù hạn hán đến đâu cũng không bao giờ khô cạn, mùa hè thì nước mát rượi, ai cũng khoan khoái, mùa đông thì nước lại ấm ai cũng ưa dùng. Giếng làng đã thành một tụ điểm sinh hoạt, nghỉ ngơi vào mùa hè nóng nực cũng thành nếp từ đời nảo đời nao. Không những thế giếng này còn có trữ lượng nước dồi dào cung cấp cho cả cánh đồng xung quanh nó nên khi nhiều nơi đồng khô cỏ cháy thì cây cỏ ở đây vẫn xanh tốt lạ thường như không hề hấn gì bởi nắng hạn bốn bề. Thật là một sự lạ ở vùng quê thường được mệnh danh là nắng lửa gió Lào.

*Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Thôn Thủy Tú 2, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, nói (băng)

   Nhưng đó chỉ mới là ân sủng của thiên nhiên nhưng nếu địa linh mà không sinh nhân kiệt thì mọi chuyện chưa thể gọi là viên mãn. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã được biết thêm về một mái trường chứa đựng một phần lịch sử của mảnh đất Vĩnh Linh qua câu chuyện với các thầy cô giáo cùng học sinh bắt đầu năm học mới.  Ngay trên mảnh đất Thủy Tú 2 này những năm qua đã hiện hữu một ngôi trường khang trang, xinh đẹp, một địa chỉ trồng người đáng tin cậy của ngành giáo dục địa phương: trường THCS Trần Công Ái. Đây là một người con ưu tú của quê hương Vĩnh Tú-Vĩnh Linh-Quảng Trị từ những ngày cả dân tộc này đang phải sống trong đêm trường nô lệ. Một con người mà biết sống cho lý tưởng trước sau như một không sợ gian khổ, tù đày và bất chấp cả cái chết để sống mãi với khí tiết của mình, một người đã xả thân vì nghĩa lớn, vì nước quên mình để đời sau nhớ đến ông như một vị anh hùng liệt sĩ cách mạng vị quốc vong thân. Tên tuổi của ông đã đi vào sử sách, đã trường tồn cùng quê hương đất nước.

   Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chính nhờ những tấm gương cách mạng tiền bối như vậy mà đất nước ta, dân tộc ta mới: nở hoa độc lập, kết quả tự do, mới làm nên cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 2/9/1945. Ngay trên quê hương nhà cách mạng Trần Công Ái, một mái trường mang tên ông vẫn hàng ngày miệt mài theo sự nghiệp trồng người. Thầy trò ở đây vẫn luôn tâm huyết với công việc dạy tốt và học tốt để xứng đáng với cuộc đời và tâm nguyện của người xưa, nhất là với những chiến sĩ đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Bài học làm người vẫn là bài học lớn nhất đối với các em, nhất là phải luôn có trách nhiệm trước vận mệnh an nguy của Tổ quốc. Nhìn các em hăng say với việc nắm bắt khoa học công nghệ hiện đại nhưng vẫn không quên lịch sử hào hùng, không sao nhãng với công tích của lớp người đi trước thì đó quả thật là hồng phúc cho hôm nay.

   Đi trong mùa thu Quảng Trị là mùa khô nắng nóng vẫn cảm nhận đủ đầy một làng quê Thủy Tú 2 đang tràn đầy sức sống mà không có một khó khăn thách thức nào có thể khuất phục được. Thủy Tú 2 hôm nay cũng như cả xã Vĩnh Tú đã và tự mình làm nên nhưng trang mới thay đổi chân dung cả một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, một vùng quê đã từng là lũy thép, dạn dày trong gian khó, vững gan bền chí mà đi lên, mà xây đắp cuộc đời. Lịch sử đã không đứt đoạn mà luôn kế thừa và nối tiếp, luôn sống mãi trong ký ức người dân, sinh động trong mỗi ngày đã qua và những ngày đang tới, để luôn xứng đáng với cha ông, để mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa đang trải dài trên con đường đi tới tương lai bằng chính tâm lực, khí thế của miền quê xưa không sợ ngoại xâm, nay không sợ đói nghèo, quyết tâm cao độ vì một cuộc đời ấm no hạnh phúc, vì hương sắc của cuộc đời trên mọi nẻo đường thôn. Làng quê này đã thực sự mở những con đường no ấm, an lành cho mỗi ngày đang sống, mỗi ngày cần lao trên quê hương.

   Lịch sử là những gì đã qua và tương lai là những ngày sắp tới. Và khi đến với làng quê Thủy Tú 2 thuộc xã Vĩnh Tú sẽ cảm nhận hiện tại làm yên lòng những tâm hồn cả nghĩ, nhất là là khi muốn nhìn nhận hai chiều thời gian: hôm qua và ngày mai. Bởi như một câu hát ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay khi mà ngày hôm nay vẫn không bao giờ lãng quên những ngày đã qua. Điều này xiết bao ý nghĩa với những người luôn nặng lòng với quê hương đất nước. Những con người đang làm nên hương sắc quê nhà đẹp đẽ như bức tranh dân dã mang tên Thủy Tú hôm nay.

  

 

 Tùy bút:

                          KÝ ỨC MÙA THU CÁCH MẠNG.

                                                                                             (Xuân Dũng)

 

  Có những sự kiện lịch sử trọng đại mà dẫu qua muôn vạn thăng trầm thì nó vẫn thắm tươi trong ký ức con người và trong mỗi dòng son sử ký. Và mùa thu năm ấy đã có một sự vận động xã hội tuôn trào vĩ đại như núi lửa, tạo nên một cơn dư chấn kỳ vĩ, đem lại một sự đổi đời có tên là Cách mạng và Quốc khánh.

  Trong ký ức của người đã sống ở tuổi đại thọ chín mươi thì ông Nguyễn Văn Đoàn không thể nào quên dù quá khứ đã xa lắc gần ba phần tư thế kỷ về những ngày độc lập đầu tiên của mùa thu năm ấy, năm 1945. Ông kể rằng mình lúc đó là cán bộ tiền khởi nghĩa báo tin cho bà con Cam Lộ: “Nước mình đã được độc lập rồi, dân mình từ nay được tự do, không còn ai đè đầu cưỡi cổ. Tuyên ngôn độc lập đã đọc ngày 2/9 tại thủ đô Hà Nội. Từ đây, dân mình tha hồ làm lụng không còn sợ Tây, Nhật áp bức, bóc lột”.

  Bà con nghe ông nói ai cũng mừng vô hạn, có người rơi nước mắt. Khóc cũng phải thôi, những giọt lệ hân hoan quá đỗi khi từ thân phân nô lệ, tôi đòi rồi một ngày khi nước nhà độc lập đã tự hào trở thành người làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ giang sơn. Bà Trần Thị Truyền ở thôn An Thái Thượng, Cam Thành, Cam Lộ, một phụ nữ tham gia tích cực phong trào Việt Minh của địa phương, nhớ lại: “Vui lắm, nghe tin tổng khởi nghĩa thành công người dân đã reo mừng, rồi nghe tin nước nhà độc lập, dân mình đi trên đất mà chân cứ như bay. Sướng lắm, tự hào lắm. Tui lúc nớ mới hơn mười tuổi nhưng cũng biết và nhất là nghe người lớn nói với nhau: mình hết khổ rồi, mình hết sợ rồi”.

    Cao hứng bà lão móm mém còn hò một câu là ao ước của người dân nô lệ thuở ấy: “Bao giờ nước Nam mình độc lập, gạo một hào mười lon”. Thì đúng vậy, mơ ước cháy bỏng ngàn đời của triệu triệu người dân là cơm no áo ấm, được học hành và được tự do. Mà những điều quan trọng và thiết thân ấy, chỉ có Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 mới mang lại cho dân tộc, đồng bào. Sức mạnh chính nghĩa và nhân văn của cuộc cách mạng này và sản phẩm vĩ đại của nó: Tuyên ngôn Độc lập chính là như vậy.

  Bởi gốc rễ của cách mạng, nói như Nguyễn Trãi là: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”. Còn nhớ cách đây mấy chục năm, đồng chí Lê Hành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, khi nói chuyện với học sinh cấp 3, đã khẳng định rằng: “Sức mạnh của cách mạng là sức mạnh cảm hóa”. Chính nhờ ngọn nguồn này mà sau Tuyên ngôn độc lập, nhiều quan lại phong kiến triều Nguyễn, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính kiên và đảng phái khác nhau đều tập trung dưới ngọn cờ yêu nước do Việt Minh lãnh đạo.

     Một nhà cách mạng để lại nhiều dấu ấn trên mặt đất và trong lòng người Quảng Trị, là ông Lê Thế Hiếu (1892-1947). Ông đương nhiên có mặt trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị và còn có mặt ở những cuốn sách đồ sộ như “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” dày cả ngàn trang do NXB tổng hợp TP.HCM của hai tác giả Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế với hai tư cách: nhà cách mạng và nhà thơ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, hy sinh trên đường đi công tác Chợ Cạn. Hình ảnh ông từ mùa thu năm ấy còn lưu lại trong hồi ức của người cháu ngoại Nguyễn Thị Bích Hà.

   Bà kể trong hồi ký của mình: Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông thường ở thị xã Quảng Trị, ít khi ở nhà. Người được gần gũi là cô cháu gái lên 7 tuổi. Ông ở tù quá dài ngày nên rất thiếu thốn tình cảm gia đình. Tôi là đứa cháu ngoại đầu tiên của gia đình nên ông rất đỗi yêu thương. Tối ông bồng lên ngủ bên ông trên giường nệm. Lần đầu tiên tôi biết thành phố có nhà lầu, có giường nệm, có phòng tắm đủ tiện nghi. Ông làm việc trên tỉnh, bà ngoại vẫn ở lại Tường Vân trông coi nhà cửa và làm muối, làm ruộng. Nơi ông làm việc có hai chú gọi là cần vụ và có bếp ăn của cơ quan rất đông người.

   Đến bữa, có người đưa cơm đến cho hai ông cháu nhưng ông thường ăn rất muộn. Ông làm việc rất khuya. Sáng ông đến phòng làm việc sớm, việc tôi giúp được ông là bưng khay cau trầu đến cho ông khi ông thích ăn trầu. Ở với ông được ít hôm trên tỉnh thì tôi đòi về với bà. Tôi thích đi đò theo dì về Cửa Việt. Trong thời gian này tôi đã học thuộc lòng bài “Hịch Việt Minh” do ông sáng tác. Mỗi lần về nhà, tôi đều đọc cho ông nghe.
File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 03/09/2019 11:03 Lê Vĩnh Nhiên 16/09/2019 14:36
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà