Đất và người QT (PT) 18/10
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 18/10 -Thưa quý thính giả ! Mở đầu ct chúng ta cùng đến với một bút ký của An Thái mang tên "Một vùng quê chưa nói hết". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct với mong muốn tìm hiểu về những con người thú vị từ một ngôi làng nổi tiếng của Quảng Trị, Hiếu Giang có bài viết sau, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct là tùy bút của Tam Nguyên về một ngôi làng chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa ở Gio Linh. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct : đất và người QT, ct này do Xuân Dũng biên soạn và thực hiện với sự tham gia của ... thân ái chào tạm biệt

Ký :

                CÓ MỘT VÙNG QUÊ CHƯA NÓI HẾT...

                                                                                     (Xuân Dũng)

   Huyện Cam Lộ còn có những điều cần khám phá và nhắc lại để hiểu và yêu hơn về một vùng quê.

                       

  Ngã Tư Sòng, nơi ghi dấu bắt đầu con đường thượng đạo xuyên sơn ngày xưa nối vùng biển với vùng núi Cam Lộ-Quảng Trị, nối chợ Sòng với chợ phiên Cam Lộ, nay là giao lộ của đường xuyên Á  chạy từ Cửa Việt lên Lao Bảo với quốc lộ 1.A

  Ngôi chợ này ngày xưa  cũng nhộn nhịp có tiếng với hai câu ca dao quen thuộc: “Vì răng mà bị chồng chê/Cũng vì bánh ướt, cháo kê Chợ Sòng”. Nhưng ít ai biết chợ Sòng nguyên ủy vốn nằm ngay trước ngôi đình làng Kim Đâu nơi có cây ngô đồng gợi nhớ những câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Bích Khê. Trước mặt chợ vẫn là mảnh đất vốn xưa kia  là những ngôi nhà  của Hoa kiều mà dân ta quen gọi là người Ba Tàu. Nay cảnh vật yên ả mấy ai ngờ nơi đây một thời chợ búa sầm uất.

Nằm cuối huyện Cam Lộ xuôi về phía đông có một ngôi làng khá đặc biệt, đó là làng Kim Đâu thuộc xã Cam An. Ở đây có nhiều di tích được nhà nước công nhận như tháp Chăm Kim Liên, giếng nước cạnh Bàu Đá và miếu thờ Bà Chúa Ngọc mà người dân Đại Việt cho đến ngày nay vẫn quen gọi là miếu thờ Huyền Trân Công Chúa. Cả cụm di tích được khởi nguồn từ người Chăm đã quần tụ trong một ngôi làng cổ như Kim Đâu cũng là nét riêng đặc sắc ở vùng quê Cam LộBàu Đá Kim Đâu cũng là một sự lạ của đất trời ân sủng.Nằm giữa vùng đồng bằng Kim Đâu còn có ngôi chùa làng cũng vào loại chùa cổ mấy trăm năm. Chùa này vốn dĩ ra đời do nhu cầu đồng bào sùng mộ đạo Phật. Hàng trăm năm qua chùa thành nơi thăm viếng, khói hương của phật tử vùng này và không có sư trụ trì, mọi việc đều do làng coi sóc, mãi tận gần đây mới có  nhà sư được giáo hội cử đến lo phật sự.

     Ngôi chùa làng nằm xa phố xá, xa những con đường ồn ào náo nhiệt, ẩn mình phía sau làng nên gần gũi với người dân quê vốn chất phác, hiền hòa. Mỗi khi có dịp lễ trọng thì chúng sinh Phật tử chốn quê lại quây quần về đây sinh hoạt bên nhau để nêu cao một đời sống tâm linh hướng thiện. Cửa thiền rộng mở cho mọi người nuôi dưỡng khát vọng xây đắp một đời sống an lành. Người già,thanh niên và cả trẻ em tìm thấy một khung cảnh an hòa, thanh tịnh đặng tu tâm dưỡng tính và góp tâm lực của mình trong công việc nhà chùa. Phía sau chính điện là nơi phụng thờ hai vị tiền khai khẩn và các vị hậu khai canh có công lớn với làng. Vị sư trụ trì giới thiêu với người vãn cảnh chùa những chứng tích về một ngôi chùa làng đã có một quá khứ dài lâu.Những hình tượng Phật giáo, nhất là từ ngôi chùa làng luôn gợi lên cảm giác gần gũi, thân tình. Những hình ảnh, thanh âm quen thuộc, thân thương từ một ngôi chùa làng lại khiến cho  người dù là dân làng hay khách thập phương thấy tâm mình lắng đọng khi bước chân vào một  chốn thiền môn. Nhà sư Thích Minh Nhơn, một người đã có thời gian gắn bó nơi đây, cho hay dựa vào những vật dụng ở chùa như chuông có thể khẳng định đây là một ngôi cổ tự đã làm bạn với người dân qua hàng trăm năm nay (băng).

   Một vùng quê nói nhiều vẫn chưa thể tận cùng vì chứa đựng thẳm sâu những trầm tích lịch sử và văn hóa.

 

 

 

                      NGƯỜI LÀNG TRẠNG QUẢNG TRỊ.

                                                                                (Xuân Dũng)

  Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, nói theo ngôn ngữ thời này là vẫn có tính kế thừa. Tre già măng mọc âu cũng lẽ thường. Hơn nữa đó còn là điều thật sự đáng mừng khi những nghệ nhân kể chuyện trạng tuổi cao sức yếu nay cũng đã gần đất xa trời. Những chú bé bên cạnh chuyện học hành đã hứng thú với kho tàng chuyện trạng và còn góp phần sáng tác ra những câu chuyện mới. Những truyền nhân tuổi còn niên thiếu nhưng đã không làm hổ danh một vùng đất nổi danh chuyện trạng. Chúng tôi cùng bà con làng Huỳnh Công Tây ngồi nghe hai cậu bé Trần Nhật Khanh và Trần Quốc Cường, 14 tuổi kể chuyện trạng mà cười vui sảng khoái, mừng cho hồng phúc quê hương.

   Chuyện trạng không chỉ có mặt trong lời ăn tiếng nói dân gian, trong sinh hoạt cộng đồng mà còn được những người tâm huyết như ông Trần Hữu Chư bao năm mày mò trở thành họa sĩ của làng trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện kể hài hước mang đậm chất nói trạng được ông chuyển thể, minh họa bằng tranh vẽ. Những bức tranh của lão nông chưa hề học vẽ qua trường lớp đã cuốn hút người xem.
   Chúng tôi tình cờ chứng kiến những cây văn nghệ địa phương đang gấp rút hoàn thành các tiết mục của mình. Đây là đội văn nghệ xã Vĩnh Tú đang tập luyện những tiết mục cây nhà lá vườn tham gia hội thi của huyện Vĩnh Linh. Những lời ca tiếng hát, điệu múa mộc mạc từ chiếc nôi Vĩnh Hoàng cũng đã lôi cuốn người xem. Nhưng có một chi tiết thú vị không thể bỏ qua, đó là dù có biểu diễn tiết mục gì đi nữa thì các diễn viên quần chúng không hề quên giới thiệu mình đến từ chiếc nôi chuyện trạng.
   Cũng cần nhắc lại rằng người có công lao đầu tiên với chuyện trạng Vĩnh Hoàng chính là cố tiến sĩ Võ Xuân Trang, một nhà nghiên cứu văn học dân gian của tỉnh Bình Trị Thiên. Hồi ấy, sau khi nước nhà thống nhất được mười năm, ông đã từ Huế ra sưu tầm và biên soạn cuốn sách “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” do Sở VHTT Bình Trị Thiên ấn hành. Ông còn tham gia hội thảo chuyện trạng Vĩnh Hoàng do huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức, một hoạt động văn hóa hiếm có và mang nhiều ý nghĩa trong thời kỳ bao cấp. Trong giai đoạn này đã có luận văn tốt nghiệp của sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế làm về chuyện trạng Vĩnh Hoàng.
  Chuyện trạng đi vào văn chương với truyện ngắn ấn tượng của nhà văn Nguyễn Quang Lập “Người lính kể chuyện trang”. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một bài thơ hay của nhà thơ có quê ngoại Vĩnh Linh, đó là Ngô Minh với bài thơ khá nổi tiếng “Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng” được nhiều người yêu thích. Đây cũng là trường hợp hiếm có khi chuyện trạng vào thơ:
  Nhưng làm gì để sức sống của chuyện trạng vẫn tiếp tục lan tỏa trong đời sống nhân dân, đâm sâu gốc rễ trong tâm hồn và sinh hoạt dân gian. Đây quả thực là những câu hỏi không hề đơn giản được đặt ra với những người am hiểu và nặng lòng với văn hóa cổ truyền của quê hương. Theo nhà văn Xuân Đức thì nên trả lại cho chuyện trạng không gian diễn xướng của nó, nơi sinh thành ra cách thức nói trạng, kể chuyện trạng độc đáo này. Đó chính là những xóm làng, những cụm nhà hôm sớm bên nhau, hôm sớm có nhau, chân tình và gần gụi để nảy nở chất folklore hài hước hiếm nơi nào có được. Vẫn mong và tin rằng chuyện trạng Vĩnh Hoàng vẫn đâm hoa kết trái trên vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị, vẫn làm nên một bản sắc lạc quan, trào phúng, vượt qua mọi nhọc nhằn, thử thách, mãi mãi tươi xanh, trong trẻo  của chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

 

 

Tùy bút:

                                 BẢN SẮC MỘT NGÔI LÀNG.

                                                                                   (Xuân Dũng)

    Có những ngôi làng mà ngay cả những người ở gần trong vùng cũng chưa chắc đã hiểu hết. Ví như làng Nhĩ Thượng ở huyện Gio Linh.

      Một điều mà cán bộ thôn vẫn còn băn khoăn là du lịch sinh thái nếu thành hiện thực sẽ gắn với địa chỉ tâm linh là di tích cao điểm 31. Tuy nhiên theo họ, đường bậc thang không thích hợp với nhiều khách gần xa, nhất là với những người cao tuổi, các cụ hưu trí muốn đến dâng hương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy có thể đầu tư một con đường khoảng 800 mét để ô tô lên tận di tích, tạo điều kiện cho du khách viếng thăm, và con đường này cũng thông thương thuận lợi khi về biển Gio Hải.

   Khám phá Nhĩ Thượng còn là nhìn sâu hơn, hiểu rõ hơn một ngôi làng tưởng chừng quen thuộc. Bởi vì dù cho có đến đây thêm nhiều lần nữa cũng không chắc hiểu hết mảnh đất này. Đó là sự quen còn sự lạ thì khó cắt nghĩa hơn vì chúng chứa đựng nhiều bí mật của đất trời cẩn giải mã , mà để hiểu nguồn cơn những cơ mật của tạo hóa thì thật không dễ dàng gì, nhiều khi là bất khả thi, bất khả tri luận, vượt qua sự hiểu biết vốn rất hữu hạn của con người. Song, chỉ cần biết rằng: nên chung sống hòa thuận với thiên nhiên, nên nương tựa vào thiên nhiên mà sống phù hợp với quy luật tự nhiên, lễ độ với thiên nhiên thì ắt hẳn sẽ có sẽ có hậu lâu dài. Trải nghiệm ở Nhĩ Thượng qua chuyến điền dã này đã giúp chúng tôi hiểu thêm những điều mà nhiều người dân ở đây đã cảm nhận như máu thịt của mình. Bài học giữ môi trường  sống ở Nhĩ Thượng vẫn cần được nhắc nhở khi mà những thảm họa do chính con người gây ra vẫn như một lời cảnh tỉnh.

   Về Nhĩ Thượng, một làng cổ bao đời lại thấy nhiều điều thanh tân bên cạnh vẻ đẹp cổ truyền, chẳng hạn như chuyện bà con nô nức chung tay xây dựng nông thôn mới, làm cho quê nhà khang trang hơn. Khi người dân  hiểu được lợi ích thiết thực  và đồng thuận thì khó khăn đến mấy họ cũng có cách vượt qua. Đó là cách tạo dựng một nông thôn mới vừa cổ truyền lại vừa văn minh, rất cần thiết cho cuộc sống hôm nay khi muốn thay áo cho làng quê trong chuyển động của xu thế đổi thay. Ông Nguyễn Văn Tịnh,  thôn Nhĩ Thượng, xã Gio mỹ tâm tình người dân quê nơi đây luôn yêu quý và gắn bó với xóm làng, quyết tâm xây dựng ngôi làng thân yêu ngày càng  trù phú.

    Tạm biệt Nhĩ Thượng, tạm biệt một làng quê tưởng quen mà vẫn lạ, tạm biệt ruộng đồng, thôn xóm, rừng cây, những quang cảnh thu hút người ta đến trải nghiệm và khám phá để tìm hiểu những trầm tích đất đai, con người, lịch sử và địa lý của một ngôi làng thuộc đồng bằng ven biển Gio Linh.

   Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, những ngôi làng như thế là bản sắc của quê hương Quảng Trị.

  

  

  

  

 

  

                   

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 13/10/2019 10:00 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà