Đất và người QT pt 25/10
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất 25/10 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, với những ghi nhận về xây dựng làng bản nông thôn mới vùng cao, An Thái có bút ký sau. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, với mong muốn vinh danh một danh nhân ở vùng quê Quảng Trị, Hiếu Giang có bài viết " Đất Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài". Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct trong nỗi niềm gắn bó với quê nhà, cả những gì được coi là không thuận lợi trong khí hậu, thời tiết cũng trở thành nỗi nhớ. Đó cũng là nội dung tùy bút sau của Tam Nguyên. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng biên soạn với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                             KHỞI SẮC VÙNG CAO.

                                                                            (Xuân Dũng)

   Đến với Mò Ó hôm nay, đập vào mắt người những là quang cảnh núi rừng gần như bốn phía, cho thấy dù tiếp xúc và hội nhập thì gốc rễ vùng đất này vẫn là bản sắc vùng cao. Bao quanh Mò Ó còn có nhiều cánh rừng khá nguyên vẹn. Bên cạnh rừng thuộc sự quản lý của nhà nước thì vẫn có những khu rừng là nghĩa trang chôn cất người đã khuất, mà theo phong tục của vùng cao là bất khả xâm phạm. Đây là một nét truyền thống luật tục rất đặc trưng cho miền núi Quảng Trị, một nét đẹp còn lại từ ngàn xưa vẫn được lưu truyền và cần được giữ gìn.

   Bản làng Mò Ó hôm nay bên cạnh sự góp mặt của đồng bào người Kinh thì gương mặt chung vẫn là đời sống của đồng bà dân tộc Vân Kiều. Họ vẫn gắn bó với phong tục cổ truyền nhưng vẫn biết tiếp thu những nét tiến bộ của đời sống hôm nay, tạo dựng cho mình những cơ ngơi phù hợp hơn với điều kiện sống, lao động sản xuất hiện nay.

   Cùng với Hướng Hiệp, Mò Ó là một trong hai xã được chọn xây dựng mô hình nông thôn mới ở một địa bàn còn lắm khó khăn. Đây quả thật là một thách thức lớn đối với bà con dân tộc ít người khi mà xuất phát điểm còn thấp, kinh tế còn lạc hậu, dân trí chưa cao và nhiều hạn chế còn ràng khi bản làng muốn đổi mới. Nhưng bà con các dân tộc đã đồng lòng đồng sức, quyết tâm xóa đói giảm nghèo để thay đổi số phận của mình, trước hết bằng chính bàn tay khối óc của mình với sự trợ lực có hiệu quả của nhà nước. Họ từ những điều kiện khác nhau đã hạn chế nạn phá rừng làm rẫy, tiếp thu những tiến bộ trong định canh định cư, từng bước sản xuất để ổn định lương thực tại chỗ, giúp cho đời sống của mình hàng ngày, góp phần cho chăn nuôi. Những thế mạnh của miền núi như trồng rừng, trồng cây lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được tận dụng và phát huy. Đời sống của nhiều hộ gia đình nhờ phát triển kinh tế đúng hướng nên đã ổn định hơn, giảm nhiều những cảnh đói kém, giáp hạt và cơ cực mà ngày xưa họ từng gánh chịu. Địa bàn người Kinh thì do thuận lợi hơn nhiều mặt nên có những bước tiến nhanh hơn và khá dài, nhất là trong làm ăn kinh tế, văn hóa. Nhưng chúng tôi muốn khảo sát những địa bàn đặc thù khó khăn hơn.  Chúng ta có thể đến với bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều để hiểu rõ hơn đời sống cũng như tâm tình của bà con nơi đây từ thực tế cuộc sống của mình.

   Mỗi người, mỗi gia đình tùy theo điều kiện cụ thể, sức lực và hoàn cảnh của mình mà tìm cách vươn lên, chủ động hơn trong đời sống và làm ăn kinh tế gia đình, tìm cách cải thiện thu nhập, dần dần tạo nên những thay đổi tích cực trong đời sống nhiều mặt của địa bàn miền ní.

   Đi trong Mò Ó hôm nay sẽ thấy cảnh quan chung đã có nhiều thay đổi. Từ công việc làm ăn của bà con trong công cuộc mưu sinh cho đến hệ thống cơ sở hạ tầng theo công thức quen thuộc: điện, đường, trường, trạm cho đến nhà cửa nương vườn đã có nhiều chuyển động đáng mừng. Những thay đổi như thế sẽ là nền tảng, động lực thúc đẩy cuộc sống phát triển. Cùng với sự thay đổi trong đời sống vật chất cơm áo thì một điều đáng mừng là chuyện trồng người ở vùng cao cũng đã được tiếp tục chú trọng. Bởi chuyện ăn mặc là chuyện của hàng ngày còn chuyện học hành, nuô dạy các cháu là chuyện lâu dài cho mai sau. Đây chính là những chiếc nôi đào tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng, được học hành bài bản để sau này gánh vác những công việc lớn nhỏ của quê hương. Từ đây ánh sáng học vấn và văn minh sẽ bắt nhịp với tiến bộ khoa học và công nghệ rồi sẽ có những chủ nhân tương lai của vùng cao Quảng Trị được đào tạo bài bản, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ trong tương lai. Đó chính là chiến lược con người. Ghi nhận những thành quả đạt được và cả những khó khăn cần tháo gỡ.

   Xây dựng nông thôn mới là một hành trình gian nan ngay cả ở miền xuôi, ngay ở những địa bàn có nhiều thuận lợi, huống hồ ở miền núi vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Những năm qua, đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây cũng đã có nhiều cố gắng vươn lên cùng với sự tiếp sức của nhà nước, đã tạo nên những chuyển động hiệu quả dù rằng vẫn còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua. Anh Hồ Văn Do, chủ tịch UBND xã Mò Ó, nói (băng)

   Núi rừng, đất đai, bản làng và con người Mò Ó đã có những bước chuyển mình cũng đáng khích lệ trên hành trình xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Quảng Trị. Những đổi mới hôm nay là kết quả phấn đầu cả chục năm trời của bà con đồng bào miền núi. Kết quả này là công sức, tâm huyết của nhiều người qua rất nhiều gian nan, vất vả. Họ sẽ còn phải tiếp tục cố gắng trong thời gian tiếp theo để gặt hái những thành công trên con đường xây dựng một địa bàn nông thôn no ấm, văn minh. Đó cũng là ước nguyện của bao người, của rất nhiều thế hệ. Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều chướng ngại vật phải vượt qua, nhiều câu hỏi đã và đang cần lời giải đáp thì vùng quê này mới có thể về đích trọn vẹn, cơ bản xứng đáng với tên gọi xã nông thôn mới ở miền tây Quảng Trị.

   Vẫn hy vọng và mong mỏi, vùng quê này sẽ còn có những đổi thay từ những mặt bằng kinh tế xã hội và giáo dục hôm nay. Quê hương này sẽ đẩy lùi những đói nghèo, lạc hậu vào quá khứ, tự tay mình viết nên những trang mới rạng ngời hạnh phúc của những sắp đến của vùng cao.

 

ĐẤT CÂU NHI VÀ DANH NHÂN BÙI DỤC TÀI.

                                                                                         (Xuân Dũng)

 Về với Câu Nhi kẻ sĩ, một ngôi làng nổi danh của đất học Hải Lăng, nơi chôn nhau cắt rốn, sinh thành và đào luyện nhiều nhân tài đất Việt. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân cũng nằm cạnh con sông Ô Lâu tình tứ. Trải bao vật đổi sao dời mà vẫn còn đây một doi đất duyên dáng được nhiều người mượn theo phong thủy ví như mũi bút chấm mực vào dòng Ô Lâu mà hun đúc nên khí chất đất này, sinh ra nhiều người con học hành thành đạt, có nghĩa với làng, có công với nước. Những hình ảnh làng quê an bình quen thuộc bên cạnh bến sông khiến ai đó dẫu chỉ một lần đến đây cũng không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Rồi cho đến lúc chia tay lòng vẫn cứ dùng dằng, xao xuyến.

Thùng thình như đình Câu Nhi, câu thành ngữ đã quen thuộc trong lời ăn tiếng nói dân gian, diễn tả sự bề thế và vai vế của đình làng này từ ngàn xưa truyền lại. Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân chính là tâm điểm xứ Kẻ Diên địa linh nhân kiệt, nơi sinh hạ nên những bậc danh sĩ nổi tiếng cả nước như tiến sĩ khai khoa Xứ Đàng Trong Bùi Dục Tài ngày xưa hay nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Trần Hoàn ngày nay. Năm 1502, cách đây hơn năm trăm năm, làng quê này đã đóng một mốc son chói lọi trên con đường học vấn nửa nước phía Nam từ Quảng Trị trở vào với sự kiện chấn động giới quan lại, nho sĩ: ông Bùi Dục Tài đã đỗ Tiến sĩ đầu tiên Xứ Đàng Trong. Tên tuổi của ông đã được khắc vào bảng vàng bia đá ở kinh thành Thăng Long, được người sau noi gương, được hậu thế lưu truyền. Nhớ lại lúc ấy,  ông Bùi Văn Nhị, trưởng họ Bùi làng Câu Nhi tuổi ngoại bát tuần vẫn minh mẫn nhắc lại truyền thống học hành, khoa cử của tổ tiên. Tâm nguyện của cháu con vẫn tha thiết nối nghiệp cha ông làm vẻ vang họ tộc, xóm làng.

 Theo các nhà nghiên cứu đã có những ghi nhận về Bùi Dục Tài. Theo đó: năm Cảnh Thống thứ 5 (Nhâm Tuất, 1502) thời Lê Hiến Tông, ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân ,đứng thứ 29 trong tổng số 64 người thi đỗ, từ thi Hội đến thi Đình, văn ứng chế đều được khen ngợi, nổi tiếng văn học uyên bác. Được bổ vào Viện Hàn lâm làm Hàn lâm hiệu lí , rồi làm Tham chính đạo Thanh Hoa

Năm Hồng Thuận thứ nhất (Kỷ Tỵ, 1509) đời Lê Tương Dực (1495–1516), phải khi trong nước có biến loạn, ông khéo lo cho dân, được thăng Tả Thị lang bộ Lại  Trong nhiệm vụ này, ông thuyên chuyển quan lại rất mực ngay thẳng, đương thời xưng tụng đức tính liêm khiết công bằng.

Năm Quang Thiệu thứ nhất (Bính Tý, 1516), đời Lê Chiêu Tông, được cử làm Tham tướng, ông càng dốc lòng lo việc kinh lý, bảo an dân chúng. Sau, vì tính ông thẳng thắn, bọn gian thần lấy làm ghen ghét, sát hại ông năm Mậu Dần (1518). Sau khi mất được truy tặng Lễ Bộ Thượng thư. Con ông là Bùi Vỹ sau cũng bị hại.

Làng quê Câu Nhi đã nổi tiếng với nhiều danh sĩ, với nhiều quan đại thần đầu triều xưa kia cũng như nhiều nhà khoa học, nhiều giáo sư tiến sĩ thực tài ngày nay. Đây là nguyên khí, là vốn quý của văn vật đất này có mạch nguồn từ ngày xưa chảy vào hiện tại. Cho đến hôm nay, trong một ngày mùa xuân đến sớm, hậu thế Câu Nhi vẫn cung kính tri ân tiền nhân. Những trí thức thời nay, dẫu bận bịu nhiều việc riêng, chung khi có dịp vẫn hướng về cội nguồn nghiên bút để biết ơn những người khai sáng. Đi cùng với chúng tôi, nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung cảm khái nói rằng đất Câu Nhi từ xưa đã vang danh trong sử sách, bao trung thần, lương tướng từ chốn này mà ra, đóng góp nhân tài vật lực cho quê hương đất nước.

 

Tùy bút:

                        HOÀI NIỆM QUÊ NHÀ...

                                                                           (Hiếu Giang)

  Và rồi mùa hè cũng không thể kéo dài ra mãi. Cuối tháng 6 âm lịch hoặc muộn lắm là tháng 7 “nước nhảy lên bờ” những con gió Lào cuối cùng mà người dân quê tôi gọi là nam côộc (côộc là gốc) cũng đi qua. Hơi nóng muộn màng từ những ngọn nam côộc se thêm chút vàng vọt trên vòm cây, ngọn cỏ. Những đóa lau già đi qua một mùa nam nóng thân ngả sang màu rơm, thả nốt những sợi lau trắng li ti còn lại lên trời. Những sợi lau xoay tròn trên không như những chiếc ô bé xíu trong vũ điệu cuối cùng tiễn biệt một mùa nam nóng hanh hao.

Người xứ khác đôi lần đi ngang qua chỗ eo thắt nhất của miền Trung đều lắc đầu e sợ cái nóng của gió lào, cát trắng. Ấy vậy mà người dân quê tôi hàng bao đời nay vẫn sống, vẫn tồn tại và đi qua những mùa hè như thế. Đến độ quen đi từ lúc nào, ngấm vào máu thịt, không có lại thấy nhớ, thấy thiếu điều gì đó. Cũng như dân miền Tây mùa nước lũ, khổ thì có khổ nhưng vẫn vui bởi đây là mùa cá linh béo đậm đà hương vị phù sa, của bông điên điển thảo thơm hồn quê kiểng. Mùa gió Lào quê tôi cũng vậy. Người ta ra sông, ra suối, ngâm mình dưới nước để tránh nóng nhưng cũng để làm việc khác nữa đó là bắt cá. Mùa này con nước rặc, nhiều chỗ cạn trơ đá ngầm, nhiều con thác mùa mưa chảy xiết giờ chỉ còn riu riu nước. Sông Hiếu mùa gió Lào thời thơ ấu của tôi chỉ lớn hơn con suối, đôi bờ ngút mắt một màu xanh của rì rì, loài cây sống gần nước. Mùa này nước rặc nên tha hồ thả câu, bủa lưới, đặt lờ. Bấy giờ cá nhiều, gặp hên chỉ cần canh giờ là đầy rỗ, cá to để kho, cá vừa vừa để nấu canh và cá nhỏ để dành làm mắm cho mùa mưa sắp tới. Quá trời loại cá ngon, cá chép thịt dày, vảy to bằng đồng xu, cá chình béo tròn, nướng tắt cả bếp, cá kiên không ăn gì ngoài rong rêu nên thịt ngọt mà ruột cá rất sạch làm thành loại mắm ruột độc đáo. Rồi cá thát lát to cỡ bàn tay người lớn, thịt vằm nhuyễn chiên mỡ thì không gì bằng. Cá trơn nhỏ bằng ngón tay, kho nghệ ăn hết nồi cơm lúc nào không hay, cá bống thì có nhiều loại bống thệ, bống cát, bống đá... đem kho tiêu thơm nhức mũi, mùi thơm cuốn theo chiều gió sang tới nhà hàng xóm.

Đó là nói chuyện sông, chuyện suối. Còn như ở nhà, trong vườn cũng lắm chuyện hay. Nóng quá người ta tum năm tụm ba dưới bóng cây lưu niên, thế là hình thành một nét văn hóa ẩm thực đi kèm với... gió. Nóng thì uống bát chè xanh keo đặc gọi là chè xeng đứng đụa (chè xanh cắm đũa vào không đổ), nóng quá thì mua nuốt (giống như sứa) về trộn với vả, chuối xanh, rau thơm ăn vào mát cả bụng. Rồi sẵn cá sông đấy, tha hồ làm gỏi, nấu cháo ăn giải nhiệt. Và hẳn nhiên, quanh bữa ăn dã chiến, để chống lại cái nóng là biết bao câu chuyện trên trời dưới đất, trong đó dĩ nhiên có cả những câu chuyện về gió.

Vậy đó, ai bảo chăn trâu là khổ thì ai bảo gió Lào là đáng ghét. Thử hỏi, trời đất có cho ai cái gì mà không lấy lại cái gì không. Cũng như trong rủi có may, thì trong gió Lào cũng ẩn chứa bao điều thú vị. Cực khổ, chống chọi thì đã đành rồi, tuy vậy cứ sống, cứ tìm cái vui vẻ để sống thì cũng đáng mặt gọi là con người. Lạy trời, ai bảo tôi nói trạng thì thôi xin thể tất cho, vì quá yêu mà nói vậy, không thể tất thì xin cho lời nói gió bay cũng được.

Vâng, tôi giờ là kẻ tha hương nhưng mùa hè nào cũng cạy cục cắt phép vài ngày về thăm quê. Trước nữa là thăm bà con họ hàng nhưng sau nữa là để gặp lại cảm giác của thời thơ ấu, thời chân trần trên đất, ngược gió ra sông vẫy vùng. Không dám nói theo kiểu thi nhân là cầm gió, mang gió hay bắt gió, tôi chỉ mong có những phút giây như thế chỉ để trong lòng sống lại cảm giác của những mùa hè xưa xa, để khi về lại chốn phố phường đông đúc khỏi phải đêm đêm giật mình vì thèm nghe tiếng gió.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 20/10/2019 15:11 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà